Lạm phát thế giới năm 2022 và tác động đến Việt Nam

Lạm phát thế giới năm 2022 và tác động đến Việt Nam 30/01/2023 11:24:00 51125

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Lạm phát thế giới năm 2022 và tác động đến Việt Nam

30/01/2023 11:24:00

Lê Thị Thùy Vân

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

 

Kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2022 khi lạm phát tăng nhanh và có nguy cơ cản trở đà phục hồi tăng trưởng ở hầu hết các nước, đặc biệt ở các nền kinh tế phát triển. Lạm phát tăng cao kỷ lục trong 40 năm ở Hoa Kỳ, Pháp, Ý; trong 50 năm ở Đức và tăng cao kỷ lục trong 7 năm ở Nhật Bản - đất nước thường xuyên đối mặt với áp lực giảm phát… Sự leo thang của giá cả gây sức ép lớn buộc các hầu hết các nền kinh tế lớn phải tăng lãi suất, từ đó đặt nền kinh tế toàn cầu trước rủi ro suy thoái. Trước áp lực lạm phát thế giới và những khó khăn nội tại, Việt Nam cũng cần có các giải pháp ứng phó kịp thời để duy trì đà phục hồi và tăng trưởng tốt trong năm 2022 - 2023.

Từ khóa: Lạm phát; Chỉ số giá tiêu dùng; Tăng trưởng kinh tế; Ổn định kinh tế vĩ mô; Tăng lãi suất

The world economy faces several difficulties in 2022 when inflation increases rapidly and threatens to hinder the growth recovery in most countries, especially in developed economies. Inflation hit a 40-year high in the United States, France, and Italy; a 50-year high in Germany and a 7-year high in Japan - a country that regularly faces deflationary pressures… The escalation of prices puts great pressure on most of the major economies to increase interest rates, thereby putting the global economy at risk of recession. Facing global inflation pressure and internal difficulties, Vietnam needs to have prompt response and solutions to maintain a good recovery and growth momentum in 2022 - 2023.

Keywords: Inflation; CPI; Economic growth; Macroeconomic Stability; Interest Raise

1. Lạm phát tăng cao kỷ lục ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế các nước

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, cuộc xung đột Nga - Ukraine… đã đẩy giá năng lượng và hàng hóa cơ bản tăng cao, làm cho lạm phát không ngừng leo thang trong năm 2022. Lạm phát tăng và có xu hướng tiếp tục tăng nhanh, lập kỷ lục trong nhiều thập niên ở nhiều nước trong năm 2022, đặc biệt tại các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Tại Hoa Kỳ, nền kinh tế đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao nhất trong 40 năm qua trong bối cảnh mới bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19, giá nhiên liệu cùng một số hàng hóa gia tăng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9/2022 tiếp tục duy trì ở mức cao, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021 do giá thực phẩm và năng lượng tăng, trước khi hạ nhiệt còn 7,4% trong tháng 10/2022 và 7,6% trong tháng 11/2022.

Tại châu Âu, hậu quả tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, cùng giá năng lượng, giá lương thực và nhiều mặt hàng tăng cao, tiếp tục gây tổn thất nặng nề cho các nền kinh tế châu Âu. Giá tiêu dùng tại châu Âu bắt đầu tăng mạnh kể từ khi xung đột Nga - Ukraina bắt đầu, với việc Nga siết dần nguồn cung cấp khí đốt (đến giữa tháng 9/2022, khí đốt Nga đã giảm 80% so với đầu năm 2022) trong bối cảnh châu Âu tăng cường cấm vận Nga.

Theo Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), lạm phát tháng 10/2022 ở châu Âu đạt mức 2 con số và lập kỷ lục mới ở mức 10,7%, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1997. Lạm phát ở nhiều quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng lên hai con số. Có 11/19 nước ghi nhận lạm phát ở mức hai con số (11 - 22%), cao nhất là Estonia (22,4%), Lithuania (22%) và Latvia (21,8%). Tại Đức, lạm phát đã tăng cao nhất trong hơn 50 năm khi lập mức kỷ lục 11,6% trong tháng 10/2022, chủ yếu do giá năng lượng và thực phẩm tăng. Giá cả tiếp tục tăng cao đang làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng và có thể gây nên suy thoái kinh tế trong những tháng tới.

Tại Pháp, lạm phát tháng 10/2022 đã tăng 7,1% so với năm trước, mức tăng mạnh nhất trong gần 40 năm, trong đó thực phẩm và năng lượng là những nhóm hàng hóa có mức tăng giá mạnh nhất (tương ứng 12% và 20%) mặc dù Chính phủ Pháp đã có biện pháp can thiệp hỗ trợ hóa đơn chi trả cho người dân để kiềm chế mức lạm phát ở mặt bằng thấp.

Tại Ý, lạm phát đã tăng cao nhất trong gần 40 năm qua chủ yếu khi tăng lên mức 11,9% trong tháng 10/2022 (so với cùng kỳ năm 2021). Đây là lần đầu tiên lạm phát ở Ý lên hai con số kể từ khi Ý chuyển sang sử dụng đồng EUR vào năm 1999, chủ yếu do chi phí năng lượng tăng mạnh.

Giá năng lượng cao làm cho các hộ gia đình ít chi tiêu hơn cho hàng hóa và dịch vụ, đồng thời làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà máy dùng nhiều năng lượng. Dự báo lạm phát ở châu Âu sẽ phụ thuộc vào sự sẵn có của nguồn cung cấp khí đốt trong những tháng mùa đông, nhiệt độ trung bình, cũng như các biện pháp bảo vệ các hộ gia đình khỏi khó khăn.

Tại châu Á, lạm phát hiện vượt quá mục tiêu của các ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế châu Á, do giá thực phẩm và năng lượng toàn cầu cao hơn, sự giảm giá của các đồng tiền so với USD và hoạt động kinh tế đang trong quá trình phục hồi khó khăn. Hầu hết các đồng tiền của các thị trường mới nổi ở châu Á đã mất giá từ ​​5 - 10% so với đồng USD trong năm nay, trong khi đồng JPY mất giá hơn 20%. Những đợt mất giá gần đây đã bắt đầu tác động đến lạm phát cơ bản trong toàn khu vực và điều này có thể giữ cho lạm phát ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến ​​trước đây.

Tại Nhật Bản, lạm phát vượt mục tiêu của Ngân hàng Trung ương tháng thứ 6 liên tiếp, lên cao nhất trong 8 năm. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), chỉ số CPI cơ bản ở nước này trong tháng 10/2022 đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021 và là tháng thứ 14 liên tiếp chỉ số này tăng, đạt mức kỷ lục kể từ năm 2014. Mức tăng giá cả hiện tại chủ yếu do chi phí nhập khẩu cao, hơn là nhu cầu mạnh. Nếu loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm, lạm phát lõi của Nhật Bản tăng 1,8% trong tháng 9/2022 so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, lạm phát ở Nhật chủ yếu do chi phí sinh hoạt tăng nên khả năng sẽ không duy trì xu hướng tăng dài. Vì vậy, Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) nới lỏng chính sách tiền tệ để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu duy trì lạm phát ổn định ở mức 2% đi kèm theo việc tăng lương. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện gói biện pháp mới như: Chi khoảng 900 tỷ JYP (5,9 tỷ USD) để thực hiện chương trình trợ cấp trực tiếp 50.000 JYP/hộ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp được miễn thuế cư trú; gia hạn chương trình trợ cấp cho các nhà nhập khẩu và bán buôn xăng dầu nhằm duy trì ổn định giá nhiên liệu trong nước.

Tại Trung Quốc, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số CPI đã tăng 2,8% trong tháng 9/2022 so với cùng kỳ và là mức tăng cao nhất trong 2 năm qua, chủ yếu do giá thực phẩm tăng trước khi giảm còn 1,6% trong tháng 11/2022. Lạm phát tăng tạo thêm áp lực cho Trung Quốc khi nền kinh tế này vẫn khó khăn trước đợt giảm tốc của kinh tế toàn cầu và chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc.

Để ứng phó với lạm phát, hơn 90 ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất trong năm 2022, với hơn 200 lượt tăng lãi suất. Số lần tăng lãi suất do các ngân hàng trung ương trên thế giới công bố đã ở mức cao nhất trong 50 năm, tiêu biểu là Hoa Kỳ và Khu vực đồng Euro. Để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% và thoát khỏi mức cao nhất 4 thập kỷ, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã 7 lần tăng lãi suất với các mức tăng khá cao 0,5 - 0,75% và đưa lãi suất cơ bản của Hoa Kỳ lên 4,25 - 4,5% trong cuộc họp ngày 14/12/2022, mức cao nhất từ năm 2007. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã 4 lần tăng lãi suất trong năm 2022 với các mức tăng mạnh tay, đưa lãi suất chủ chốt từ mức 0,5% (tháng 7/2022) lên 2% (có hiệu lực từ ngày 27/10/2022).

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, tháng 10/2022), lạm phát toàn cầu năm 2022 dự báo tăng lên mức 8,8% (cao hơn so với mức 8,3% dự báo vào tháng 7/2022), trước khi giảm còn 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024. Lạm phát bình quân năm 2022 được dự báo ở mức 9,9% tại các nền kinh tế đang phát triển và 7,2% tại các nước phát triển là 7,2%. Có 95 quốc gia - gồm cả nước phát triển và đang phát triển - được dự báo có mức lạm phát từ 5 -10%. Trong khi đó, khoảng 80 nước được dự báo có lạm phát ở mức 5% trở xuống, trong đó có Việt Nam.

Tăng lãi suất là lựa chọn của nhiều ngân hàng trung ương để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh giá cả tăng cao do thiếu hụt nguồn chung, gián đoạn chuỗi cung ứng. Về lý thuyết, việc tăng mạnh lãi suất nhằm tăng chi phí đi vay của người dân, các chính phủ và doanh nghiệp, qua đó sẽ làm giảm tốc độ chi tiêu và đầu tư, hạ nhiệt lạm phát thông qua việc làm giảm nhu cầu hàng hóa. Nhưng tăng lãi suất cũng sẽ tạo ra lực cản với tăng trưởng kinh tế, vốn đang trong quá trình phục hồi do đại dịch. Nguyên nhân của lạm phát năm 2022 là chi phí đẩy mà không phải do cung tiền, nên để chống lạm phát do chi phí đẩy thì tăng lãi suất không phải là biện pháp hiệu quả. Tình trạng mức giá chung tăng cao do chi phí sản xuất tăng: Chi phí hàng hóa và lao động tăng cao, giá xăng dầu tăng đột biến, căng thẳng chuỗi cung ứng, khan hiếm lao động sau đại dịch và các cú sốc giá cả liên tiếp là nguyên nhân chính làm gia tăng lạm phát. Nếu để trường hợp này diễn ra liên tục mà không giải quyết kịp thời sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế quốc gia. Hậu quả là suy thoái có thể xảy đến. Bên cạnh đó, các đợt nâng lãi suất mạnh tay của FED, ECB và các ngân hành trung ương lớn cũng làm cho tâm lý người tiêu dùng sụt giảm hơn nữa khi niềm tin kinh doanh rơi xuống ngưỡng như hiện tại, làm tăng thêm nguy cơ suy thoái.

Tháng 10/2022, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong bối cảnh các nước đang chịu tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh. Theo IMF, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 vẫn ở mức 3,2% (thấp hơn nhiều so với mức 6% của năm 2021) và sẽ giảm xuống 2,7% vào năm 2023 (thấp hơn mức dự báo 2,9% IMF đưa ra vào tháng 7/2022).

2. Tác động đến Việt Nam và kiến nghị

Trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm bao phủ bởi nguy cơ suy thoái, lạm phát đình đốn, kinh tế Việt Nam nổi lên như một điểm sáng. Lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu khi CPI bình quân 11 tháng đầu năm 2022 tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước nhờ các giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng, điều hành giá điện, xăng dầu và các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Nhà nước quản lý và các giải pháp tăng lãi suất điều hành. Qua đó, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ các hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục phục hồi tích cực. Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất được IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 nhờ việc gỡ bỏ các hạn chế Covid-19, nỗ lực bao phủ vác-xin và các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. IMF (tháng 10/2022) đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6% lên 7% trong năm 2022 và là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm 5 nền kinh tế mới nổi khu vực Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lần lượt ở các mức 6,5% và 6,7% cho năm nay và năm sau. IMF dự báo lạm phát của Việt Nam là 3,7% trong năm 2022 và tăng lên 3,9% vào năm 2023.

Mặc dù vậy, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, lạm phát ở nhiều quốc gia, khu vực tăng mạnh, ở mức cao; việc tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa dẫn đến tăng trưởng suy giảm, nguy cơ suy thoái gia tăng, tiềm ẩn rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công. Kinh tế thế giới rơi vào trạng thái lạm phát đình đốn, cùng áp lực tăng lãi suất ở các nền kinh tế lớn đã và sẽ tác động không nhỏ đến Việt Nam. Trước hết, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Giá cả năng lượng, nguyên nhiên vật liệu tăng cùng việc đồng USD tăng giá tác động không nhỏ tới ổn định sản xuất và gia tăng tác động của lạm phát chi phí đẩy do nhập khẩu lạm phát. Điều này tạo nên rủi ro nhập khẩu lạm phát do cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng giá lương thực trên thế giới vẫn đang tiếp diễn. Chỉ số CPI tháng 11 tăng 4,56% so với tháng 12/2021 và tăng trong những tháng gần đây chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào; một số địa phương tăng học phí và giá thuê nhà tăng.

Lạm phát thế giới tăng cùng xu hướng thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế lớn, đặc biệt Hoa Kỳ đã làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất trong nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng lãi suất điều hành 2 lần trong một tháng (ngày 22/9 và 24/10/2022) với mức tăng 1 điểm phần trăm/lần, đưa lãi suất tái cấp vốn lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng lên 7,0%/năm; trần lãi suất tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lên 6%/năm từ ngày 25/10/2022. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng qua đêm cũng được duy trì ở mức cao (đạt 7,16%/năm, lãi suất 1 tháng là 7,66%/năm). Lãi suất huy động duy trì xu hướng tăng với mức tăng khoảng 1,0 - 2,5%/năm trong 10 tháng đầu năm 2022 đối với tiền gửi có kỳ hạn. Mức lãi suất huy động 9,3% đã xuất hiện tại một số ngân hàng thương mại. Mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã tăng trở lại làm tăng áp lực lên lãi suất đầu ra, làm cho nhiều ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất cho vay mới với mức tăng từ 0,5 - 1,2% so với đầu tháng 10/2022. Lãi suất ưu đãi cho khoản vay mới dành cho cá nhân đã tăng lên mức tối thiểu 11,5 - 13%/năm tại ngân hành thương mại cổ phần. Lãi suất cho vay tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp vốn đang trong quá trình phục hồi, từ đó ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, áp lực lạm phát kéo dài và triển vọng thắt chặt tiền tệ mạnh hơn, nhất là tại Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển, có thể dẫn đến biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhất là vào thời điểm các hoạt động kinh tế đang chững lại. Lãi suất USD tăng như một hệ lụy của lạm phát cao ở Hoa Kỳ sẽ làm tăng mặt bằng lãi suất trên thị trường vốn quốc tế, tác động tiêu cực đến khả năng vay vốn trên thị trường quốc tế của các nền kinh tế mới nổi. Ngoài ra, lãi suất USD tăng cũng làm cho các nhà đầu tư lo ngại rủi ro, dịch chuyển dòng vốn từ các thị trường mới nổi sang đầu tư tại thị trường Hoa Kỳ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao.

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 được Quốc hội thông qua vào ngày 10/11/2022 tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế... Theo đó, tốc độ tăng GDP được xác định khoảng 6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%.

Để kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế, một số giải pháp cần được quan tâm trong thời gian tới gồm:

Tăng cường theo dõi và đánh giá những biến động chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư để có các kịch bản, phương án ứng phó kịp thời, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, chú trọng điều chỉnh chính sách lãi suất hợp lý nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất - kinh doanh; điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt nhằm ổn định giá trị đồng nội tệ, góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư và tiêu dùng; ổn định thị trường giá cả và kiểm soát lạm phát trong ngưỡng mục tiêu để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Đẩy mạnh đôn đốc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, quan tâm đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐCP của Chính phủ.

Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và quản lý giá nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả. Chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng; xem xét giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất - kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới để kịp thời ứng phó, giảm thiểu tác động đến giá cả, lạm phát và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Kiểm soát và có lộ trình phù hợp đối với việc tăng giá dịch vụ công, giá hàng hóa do Nhà nước quản lý, đảm bảo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI trong ngưỡng đề ra.

Đặc biệt, cần thực hiện các giải pháp bám sát Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.

 

Tài liệu tham khảo

1. ADB (2022), Asian Development Outlook (ADO) 2022 Update.

2. IMF (2022), World Economic Outlook.

3. Lê Thị Thùy Vân (2022), Phối hợp chính sách tài khóa tiền tệ trong bối cảnh mới, Kỷ yếu Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022.

4. Tổng cục Thống kê (2022), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2022.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 6/2022

 

 

 

 

 

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 2 lượt bình chọn
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%