Nghiên cứu tác động của đầu tư công tới đầu tư tư nhân tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Nghiên cứu tác động của đầu tư công tới đầu tư tư nhân tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung 30/01/2023 14:01:00 1633

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Nghiên cứu tác động của đầu tư công tới đầu tư tư nhân tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

30/01/2023 14:01:00

Hồ Thị Hoài Thương

Đại học Ngoại Thương Hà Nội

 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 cùng diễn biến phức tạp của xung đột Nga - Ukaine và cuộc cạnh tranh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu trở nên khốc liệt hơn, vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân trong nước trở thành động lực để giúp nền kinh tế phục hồi và đẩy mạnh tăng trưởng tại các quốc gia toàn cầu. Tại Việt Nam, vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung với những tiềm năng sẵn có về kinh tế biển được định hướng phát triển để “trở thành vùng kinh tế động lực thúc đẩy sự phát triển của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ”. Tuy nhiên, tại vùng KTTĐ miền Trung bộc lộ một số hạn chế liên quan tới đầu tư công và đầu tư tư nhân. Cụ thể, các địa phương nội vùng sử dụng đầu tư công chưa hiệu quả làm hạn chế khả năng thu hút đầu tư tư nhân và giảm tốc độ tăng trưởng của toàn vùng. Do đó, bài viết sử dụng phương pháp trung bình nhóm gộp (PMG) để phân tích tác động của đầu tư công tới đầu tư nhân tại vùng KTTĐ miền Trung trong giai đoạn 2010 - 2021. Nghiên cứu chỉ ra đầu tư công có tác động bổ trợ đầu tư tư nhân trong dài hạn, tuy nhiên trong ngắn hạn chưa rõ tác động. Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đã đưa ra một số giải pháp sử dụng hiệu quả đầu tư công nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân tại vùng KTTĐ miền Trung.

Từ khóa: Vùng KTTĐ miền Trung, đầu tư công, đầu tư tư nhân, phương pháp trung bình nhóm gộp.

In the context of the Covid-19 pandemic, the complication of the Russia -Ukraine conflict and the fiercer global competition for foreign direct investment (FDI) flows, domestic public and private investment become the driving force to support the economy recover and promote growth in countries around the world. In Vietnam, the Central Key Economic Region with its existing potentials in the marine economy is directed to “become an economic driving force to promote the development of the North Central region and the Central Coast region”. However, in the Central Key Economic Region, there are some limitations related to public investment and private investment. Specifically, regional public investment have not been used effectively, limiting their ability to attract private investment and reducing the growth rate of the whole region. Therefore, the article uses the pooled mean group estimation (PMG) to analyze the impact of public investment on private investment in the Central Key Economic Region in the period of 2010 - 2021. The result shows that public investment complements private investment in the long term but the short-term impact is not clear. Based on the research results, the author has proposed a number of solutions to effectively use public investment to promote private investment in the Central Key Economic Region.

Keywords: Central Key Economic Region, public investment, private investment, PMG method.

1. Một số vấn đề lý luận về đầu tư công, đầu tư tư nhân

1.1. Khái niệm đầu tư công, đầu tư tư nhân

1.1.1. Đầu tư công

Đầu tư công là một khái niệm gây tranh luận không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Liên hợp quốc (UN, 2009) cho rằng, đầu tư công có thể được hiểu là các khoản đầu tư của nhà nước nhằm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế trong tương lai. Theo Ngân hàng Thế giới (WB, 2010), đầu tư công là khoản chi tiêu công giúp làm tăng thêm tích lũy vốn vật chất. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD, 2016) cho rằng, đầu tư công muốn nói đến đầu tư của chính phủ vào cơ sở hạ tầng vật chất (đường giao thông, tòa nhà chính phủ…) và cơ sở hạ tầng mềm (hỗ trợ đổi mới, nghiên cứu và phát triển…) với thời gian hữu ích kéo dài trên một năm.

Tại Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của đầu tư công, Việt Nam đã xây dựng và ban hành Luật Đầu tư công năm 2014. Đây là lần đầu tiên, chính sách về đầu tư công được ghi nhận trong một đạo luật, thể hiện rõ tầm quan trọng của lĩnh vực này. Bên cạnh đó, hàng loạt các đạo luật khác có liên quan cũng được cập nhật, sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính tương thích. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thi hành Luật Đầu tư công năm 2014 đã phát sinh tồn tại hạn chế, bất cập gây cản trở đến hoạt động đầu tư công (Lê Nhật Bảo và cộng sự, 2020). Để tháo gỡ những hạn chế, bất cập, ngày 13/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020). Theo khoản 15 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019, đầu tư công là “hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác theo quy định của Luật Đầu tư công”.

Như vậy, khái niệm đầu tư công đưa ra ở Luật Đầu tư công năm 2019 gồm 2 phần: Thứ nhất, chủ sở hữu của vốn đầu tư chính là Nhà nước; thứ hai, mục đích của hoạt động đầu tư là đầu tư vào các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phần thứ hai gồm cả chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội coi như bao hàm các dự án mà Nhà nước đầu tư vì các dự án đều phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vậy, thuật ngữ đầu tư công theo Luật Đầu tư công năm 2019 có thể hiểu là đầu tư của Nhà nước.

1.1.2. Đầu tư tư nhân

Theo Từ điển Cambridge (2008), đầu tư tư nhân là khoản đầu tư được thực hiện bơi các công ty, các tổ chức tài chính hoặc các nhà đầu tư khác ngoài Nhà nước. Trong khi đó, theo WB (2019), đầu tư tư nhân là các khoản chi của khu vực tư nhân (kể cả các tổ chức phi lợi nhuận của tư nhân) vào việc bổ sung cho tài sản cố định trong nước. Chi tiết hơn, có thể hiểu đầu tư tư nhân là việc khu vực tư nhân mua sắm tài sản vốn với kỳ vọng tạo ra một khoản thu nhập, giá trị lớn hơn trong tương lai.

Trong khi đó, tại Việt Nam, dựa trên các khái niệm về đầu tư theo Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 thì có thể hiểu đầu tư tư nhân chính là việc nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn đề hình thành tài sản tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và các quy định khác của pháp luật liên quan. Trong đó, hoạt động đầu tư là hoạt động của nhà đầu tư trong quá trình đầu tư bao gồm các khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện và quản lý đầu tư.

Như vậy, từ các quan điểm trên về đầu tư tư nhân có thể thấy đầu tư tư nhân khác đầu tư công ở tính chất sở hữu của nguồn vốn đầu tư và mục đích đầu tư. Đầu tư tư nhân là các khoản đầu tư của các thành phần kinh tế tư nhân, trong khi đó đầu tư công là khoản đầu tư của Nhà nước. Mục đích của đầu tư tư nhân là sinh lợi nhuận, trong khi đó mục đích của đầu tư công là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì mục đích lợi nhuận.

1.1.3. Mối quan hệ giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân

Theo lý thuyết, tác động của đầu tư công tới đầu tư tư nhân được giải thích thông qua các quan điểm sau đây.

Quan điểm thứ nhất ủng hộ hiệu ứng lấn át. Theo đó, nhu cầu đầu tư của chính phủ tăng lên làm cho đầu tư của khu vực tư nhân giảm (Blejer và Khan, 1984; Beck, 1993; Voss, 2002; Ganelli, 2003). Theo đó, hiệu ứng lấn át có thể diễn ra qua 2 kênh chính: Tài trợ bằng nợ; sản xuất hàng hóa và dịch vụ cạnh tranh với khu vực tư nhân. Nếu đầu tư chính phủ được tài trợ thông qua vay nợ từ hệ thống tài chính hoặc phát hành trái phiếu trên thị trường vốn thì thị trường phải dành một lượng vốn nhất định cho chính phủ. Một mặt, điều này dẫn đến lượng tín dụng cung cấp cho khu vực tư nhân bị giảm. Mặt khác, sự khan hiếm vốn trên thị trường đẩy lãi suất trên thị trường tăng. Cả hai yếu tố này đều đưa đến chung một kết quả là đầu tư tư nhân bị thu hẹp lại. Đầu tư công cũng có thể làm giảm đầu tư tư nhân khi nó sản xuất hàng hóa và dịch vụ cạnh tranh với khu vực tư nhân (Khan và Kumar, 1997).

Ngược lại với hiệu ứng thay thế này, hiệu ứng bổ trợ được nhìn thấy khi có sự gia tăng đầu tư tư nhân do tăng đầu tư công. Thông qua việc xây dựng hoặc cải thiện cơ sở hạ tầng vật chất như đường bộ, đường cao tốc, nước và vệ sinh, cảng, sân bay và đường sắt (Aschauer 1989a và Hatano 2010), đầu tư công tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thường làm tăng năng suất đầu tư tư nhân; nhu cầu hàng hóa dịch vụ từ Chính phủ làm cho cầu về sản phẩm của khu vực tư nhân tăng, khuyến khích khu vực này đầu tư nhiều hơn do kỳ vọng về doanh thu và lợi nhuận tốt hơn (Ramirez, 1994; Greene và Villanueva, 1990); sự gia tăng thu nhập quốc dân phát sinh từ đầu tư công cũng có thể thu hút đầu tư tư nhân. Điều này là do thu nhập quốc dân tăng sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, từ đó có thể làm cho khu vực tư nhân tăng cường đầu tư để khai thác bất kỳ cơ hội sinh lời nào (Reungsri, 2010).

2. Thực trạng đầu tư công, đầu tư tư nhân tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

2.1. Đầu tư công

Vùng KTTĐ miền Trung được thành lập theo Quyết định số 1018/1997/QĐ-TTg ngày 29/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Với diện tích tự nhiên 27.881 km2 - chiếm 8,45% diện tích cả nước, vùng KTTĐ miền Trung có dân số 6,55 triệu người.

Vùng KTTĐ miền Trung được thành lập vào tháng 7/1997. Trải qua giai đoạn đầu với sự tăng nhanh đầu tư công nhằm hỗ trợ trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, từ năm 2001 đến nay, vốn đầu tư công không tăng nhiều về quy mô. Cụ thể, quy mô vốn đầu tư công bình quân trong giai đoạn này dao động ở mức 28.208 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2018 - 2020, quy mô đầu tư công tăng nhanh do vùng KTTĐ miền Trung ưu tiên đầu tư và hoàn thiện các trục liên tỉnh, liên vùng, hệ thống đường cao tốc, đường bộ, cảng biển, sân bay. Bên cạnh đó, khác với vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long, đầu tư công vào vùng KTTĐ miền Trung phát triển không đồng đều giữa các thành phố và các tỉnh. Trong khi quy mô đầu tư công của Bình Định tăng mạnh trong giai đoạn 2010 - 2021 (tăng gấp 4,1 lần) thì quy mô đầu tư công của các tỉnh/thành phố còn lại không tăng hoặc có dấu hiệu giảm.

Về tốc độ tăng đầu tư công của vùng, giai đoạn 2010 - 2021, đầu tư công tăng trưởng với tốc độ 4,17%. Trong đó, đầu tư công của vùng giai đoạn 2010 - 2015 tăng trưởng mạnh hơn so với giai đoạn 2016 - 2021. Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng đầu tư công bình quân của vùng là 8,25%, nhưng giai đoạn 2016 - 2021 là 0,78%. Nguyên nhân là do giai đoạn 2010 - 2015, kinh tế Việt Nam và các địa phương chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới và khủng hoảng nợ công châu Âu và việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng trong năm 2014 cũng làm cho tốc độ tăng trưởng của toàn vùng chậm lại. Vì vậy, Chính phủ đã triển khai các gói đầu tư công để hỗ trợ kinh tế vùng bởi trong giai đoạn này, đầu tư tư nhân vẫn tăng trưởng chậm nên đầu tư công vẫn đóng vai trò là động lực tăng trưởng của cả vùng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2021, đầu tư tư nhân trong nước cũng như vốn FDI đều tăng mạnh, trở thành điểm tựa cho sự tăng trưởng của khu vực. Do đó, tốc độ tăng đầu tư công cũng giảm so với giai đoạn trước. Trong số các tỉnh/thành phố trong khu vực, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng là hai tỉnh/thành phố có tốc độ tăng trưởng đầu tư công mạnh nhất. Đối với các tỉnh, thành phố còn lại, tốc độ tăng đầu tư công có xu hướng tăng, giảm không ổn định trong giai đoạn 2010 - 2021.

Hình 1. Quy mô đầu tư công tại các địa phương thuộc vùng KTTĐ

miền Trung giai đoạn 2010 - 2021

Đơn vị: Tỷ đồng

image

Nguồn: Niên giám thống kê các địa phương thuộc vùng KTTĐ miền Trung

Về cơ cấu đầu tư công theo nguồn vốn, có thể thấy, đầu tư công chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước (NSNN). Nguồn vốn này đạt 232.936 tỷ đồng, chiếm 69,39% vốn đầu tư công giai đoạn 2010 - 2021. Như vậy, vốn đầu tư công từ NSNN chủ yếu tập trung cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi, đồng thời tập trung đầu tư trong giáo dục và đào tạo, xóa đói, giảm nghèo. Vốn vay trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước chiếm 30,61%, đứng thứ hai sau vốn NSNN. Nguồn vốn này chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng như cải tạo hệ thống cấp, thoát nước và giao thông; xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; cung cấp trang thiết bị y tế kỹ thuật cao... bằng vốn vay. Vốn ODA góp phần tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của vùng KTTĐ miền Trung. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn vay chiếm 86% và viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 14%.

2.2. Đầu tư tư nhân

Trong giai đoạn 2010 - 2021, quy mô đầu tư tư nhân đã tăng đáng kể. Nếu như năm 2010, quy mô vốn đầu tư tư nhân đạt 17.406 tỷ đồng thì năm 2021 quy mô vốn đầu tư tư nhân đạt 60.853 tỷ đồng, riêng năm 2018 vốn đầu tư tư nhân đạt 77.648 tỷ đồng. Như vậy, quy mô vốn đầu tư tư nhân đã tăng 3,46 lần trong 12 năm. Ngoài ra, trong khi đầu tư công vào vùng KTTĐ miền Trung tăng hoặc giảm không đáng kể, thì quy mô đầu tư tư nhân của các tỉnh/thành phố trong vùng KTTĐ miền Trung đã có sự thay đổi rõ rệt trong giai đoạn 2010 - 2021. Cụ thể, quy mô đầu tư tư nhân tăng mạnh trong giai đoạn 2010 - 2018 và giảm trong giai đoạn 2019 - 2021. Quy mô đầu tư tư nhân của các tỉnh/thành phố trong giai đoạn 2019 - 2021 giảm là do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

Hình 2. Quy mô đầu tư tư nhân tại các địa phương thuộc vùng KTTĐ miền Trung giai đoạn 2010 - 2021

Đơn vị: Tỷ đồng

image

Nguồn: Niên giám thống kê các địa phương thuộc vùng KTTĐ miền Trung

Đối với các tỉnh/thành phố trong khu vực, thành phố Đà Nẵng đạt quy mô vốn đầu tư tư nhân cao nhất với mức đầu tư bình quân giai đoạn 2000 - 2021 khoảng 13.558 tỷ đồng. Với vai trò là thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố lớn nhất trong vùng KTTĐ miền Trung, Đà Nẵng đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tiếp sau Đà Nẵng là các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Huế và Quảng Nam. Đặc biệt, mặc dù là địa phương có quy mô đầu tư tư nhân thấp so với các tỉnh/thành phố trong khu vực, nhưng thành phố Huế đang thể hiện sự gia tăng đều đặn về quy mô đầu tư tư nhân trong cả giai đoạn 2000 - 2021 ngay cả khi các tỉnh thành khác đều giảm quy mô đầu tư tư nhân do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Về tốc độ tăng trưởng đầu tư tư nhân trong vùng, bình quân giai đoạn 2010 - 2021, đầu tư tư nhân tăng trưởng với tốc độ 12,37%. So với tốc độ tăng đầu tư công trong cùng thời kỳ, đầu tư tư nhân tăng với tốc độ nhanh hơn. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương với việc tăng vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và giảm dần sự phụ thuộc vào vốn đầu tư của khu vực nhà nước. Trong số các tỉnh/thành phố trong vùng, Quảng Ngãi có tốc độ tăng trưởng đầu tư tư nhân cao nhất với 16,33%, trong khi mặc dù là tỉnh có quy mô đầu tư tư nhân lớn nhất trong vùng nhưng tốc độ tăng trưởng đầu tư vào Đà Nẵng đang giảm dần, chỉ đạt 8,09% bình quân. Quảng Ngãi đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư tư nhân, với 1 khu kinh tế, 4 khu công nghiệp và 15 cụm công nghiệp. Đặc biệt, khu kinh tế Dung Quất là vùng đa chức năng, thu hút các dự án đầu tư quan trọng, quy mô lớn của tư nhân trong các ngành như đóng sửa tàu thuyền, cơ khí, sản xuất xi măng, ô tô, thiết bị.

Về cơ cấu vốn đầu tư tư nhân theo nguồn vốn, tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân từ khu vực doanh nghiệp là 64,69% trong khi tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực hộ gia đình là 35,31% cho giai đoạn 2010 - 2021. Như vậy, vùng KTTĐ miền Trung có sự khác biệt rõ rệt trong cơ cấu đầu tư tư nhân. Cụ thể, đóng góp của khu vực doanh nghiệp vào đầu tư tư nhân lớn gần gấp đôi so với khu vực hộ gia đình. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của khu vực doanh nghiệp trong việc thúc đẩy đầu tư tư nhân và tăng trưởng kinh tế. Các loại hình doanh nghiệp đang hoạt động tại các địa phương nội vùng thuộc vùng KTTĐ miền Trung chủ yếu các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Số lượng doanh nghiệp quy mô lớn rất ít ở các địa phương nội vùng. Doanh nghiệp có quy mô lớn chủ yếu tập trung ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, mặc dù tỷ trọng của loại doanh nghiệp này ở các địa phương khá thấp (bình quân 6,18%).

Đối với các tỉnh/thành phố trong khu vực, nhìn chung tỷ trọng đóng góp của khu vực doanh nghiệp luôn cao gần gấp đôi khu vực hộ gia đình. Đặc biệt tại Đà Nẵng với tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp vào đầu tư là 81,95% so với 18,05% của hộ gia đình. Trong số 5 tỉnh/thành phố của vùng, chỉ có Bình Định có tỷ trọng đóng góp của hộ gia đình vào đầu tư tư nhân (41,93%) lớn hơn khu vực doanh nghiệp (58,04%). Tuy nhiên, có thể thấy sự chênh lệch giữa hai khu vực là không đáng kể.

3. Phân tích định lượng tác động của đầu tư công tới đầu tư tư nhân tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

3.1. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp ước lượng trung gian PMG để phân tích tác động của đầu tư công tới đầu tư tư nhân tại vùng KTTĐ miền Trung. Phương pháp PMG cho phép các tham số ngắn hạn khác biệt giữa các nhóm trong khi ràng buộc các tham số dài hạn đồng nhất giữa các đơn bị bảng. Vì vậy ưu điểm của PMG là nó cho phép phân biệt tính động trong ngắn hạn (khác nhau giữa các nhóm) và dài hạn (đồng nhất giữa các nhóm).

PMG được sử dụng để ước lượng các hệ số co giãn và tốc độ điều chỉnh như sau:

=) + +

Trong đó:

: Hệ số điều chỉnh sai số phản ánh tốc độ điều chỉnh.

, : Lần lượt là hệ số hồi quy dài hạn và ngắn hạn.

,: Lần lượt là sai số không quan sát được và quan sát được.

Ước lượng mô hình theo phương pháp PMG đòi hỏi các biến đưa vào mô hình phải có tính đồng liên kết, vì vậy cần phải kiểm định tính đồng liên kết của biến phụ thuộc và các biến độc lập đưa vào mô hình. Mô hình sử dụng kiểm định nghiệm đơn vị bằng kiểm định Breitung (2000) dựa trên nền tảng Augmented Dickey Fuller và Philips Perron với độ trễ là 2 cho hai trường hợp có và không có xu hướng. Để kiểm định tính đồng liên kết bảng cho các biến đưa vào mô hình thì tác giả sử dụng kiểm định Pedroni (2004).

3.2. Mô hình nghiên cứu

Theo đó, dựa vào nghiên cứu của Malik (2013) và Omitogun,O. (2018) thì mô hình nghiên cứu có dạng như sau:

+

Trong đó: i = 5 tỉnh vùng KTTĐ miền Trung, t là thời gian từ 2010 - 2021, PI là tổng đầu tư tư nhân (theo giá so sánh 2010), PU là tổng đầu tư công (theo giá so sánh 2010), X là các biến kiểm soát, là sai số.

Dựa trên các nghiên cứu của Peltonen và cộng sự (2012), Demilie Basha Hailu và cộng sự (2015), Carrasco, M. (1998), Cavallo, E., and C. Daude (2010), Sofia Vilela São Marcos (2019), X có thể được đo lường thông qua lãi suất thực tế (IR), lạm phát (INF) và tổng sản phẩm địa phương (GRDP). Bên cạnh đó, dựa trên nghiên cứu của Trần Ngọc Anh Thư và Lê Hoàng Phong (2014), Nguyễn Thị Cành (2018) và Nguyễn Thế Khang (2022) thì vốn FDI là một trong những nhân tố quan trọng tác động tới đầu tư tư nhân tại Việt Nam. Do đó, mô hình nghiên cứu được viết lại như sau:

+

3.3. Dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu của các biến trong mô hình được thu thập theo năm chủ yếu từ nguồn tổng hợp các Niên giám thống kê các tỉnh vùng KTTĐ miền Trung gồm tổng vốn đầu tư công (PU), tổng vốn đầu tư tư nhân trong nước (PI), FDI, tổng sản phẩm địa phương (GRDP), lạm phát (INF). Lãi suất thực tế (IR) được thu thập từ WB.

Các biến được thể hiện ở dạng logarit cơ số tự nhiên. Ngoài ra, các biến được tính toán ở dạng bình quân đầu người. Cụ thể, các biến sẽ được tính bằng logarit của giá trị của biến chia cho dân số tại các địa phương (POP - Toàn bộ lực lượng lao động tại các tỉnh từ 15 tuổi trở lên, nghìn người), chẳng hạn PU = ln(PU/POP). Với cách tính này thì các giá trị sẽ được điều chỉnh theo phù hợp với đặc điểm (quy mô dân số) của địa phương.

3.4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Tác giả sử dụng kiểm định Breitung (2000) để kiểm định tính dừng với độ trễ 2 cho dữ liệu bảng thế hệ thứ nhất.

Bảng 1. Kết quả kiểm định nghiệm đơn vị dữ liệu bảng

 

Biến

Giá trị ban đầu

Sai phân bậc 1

Bậc tích hợp

Hằng số

Hằng số và xu hướng

Hằng số

Hằng số và xu hướng

PU

-0,0758

(0,4698)

0,4906

(0,6881)

-3,0203***

(0,0013)

-2,1805*

(0,0973)

I(1)

PI

-0,6889

(0,2454)

-0,4056

(0,3425)

-1,8558**

(0,0317)

-1,0851*

(0,05389)

I(1)

PIE

-1,8426 (0,0327)**

-1,3659

(0,0478)**

   

I(0)

PIH

0,1094

(0,5436)

0,4578

(0,7561)

-2,2792**

(0,0113)

-2,0561*

(0,0634)

I(1)

FDI

0,1594

(0,5633)

-0,5834

(0,2798)

-2,5567***

(0,0053)

-0,1815

(0,4280)

I(1)

GRDP

0,5167

(0,6973)

0,3285

(0,6287)

0,1198**

(0,0327)

0,9544

(0,8301)

I(1)

IR

-3,222***

(0,0006)

-2,4370***

(0,0074)

   

I(0)

Ghi chú: Giá trị p-value được trình bày trong dấu ngoặc đơn; *** thể hiện mức ý nghĩa 10%; giả thuyết H0 là biến không dừng (có nghiệm đơn vị).

Nguồn: Tác giả thực hiện trên phần mềm Stata-15

Kết quả nghiên cứu tại Bảng 1 cho thấy, các giá trị ban đầu của các biến (ngoại trừ IR) đều không dừng khi kiểm định tính đến yếu tố xu thế và không có yếu tố xu thế. Tuy nhiên, khi sử dụng sai phân bậc nhất, giải thuyết về nghiệm đơn vị bị bác bỏ ở mức ý nghĩa 1% và 5% khi không có yếu tố xu thế. Do đó, nghiên cứu dựa trên tính dừng tại sai phân bậc nhất để tiến hành đánh giá mối quan hệ giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân tại các địa phương thuộc vùng KTTĐ miền Trung.

Kết quả ở trên cho thấy, các biến số trong mô hình có mối quan hệ đồng tích hợp hay là tồn tại mối quan hệ dài hạn. Để kiểm tra giả thuyết này, tác giả sử dụng kiểm định Pedroni (2004) để đánh giá tác động ngắn hạn và dài hạn của đầu tư công đến đầu tư tư nhân tại các địa phương thuộc vùng KTTĐ miền Trung.

Bảng 2. Kết quả kiểm định đồng liên kết

 

Kiểm định

Giá trị

p-value

Modified Phillips-Perron t

2,4267***

0,0076

Phillips-Perron t

-5,5216***

0,0000

Augmented Dickey-Fuller

-3,5301***

0,0002

Ghi chú: *** thể hiện mức ý nghĩa 1%, ** thể hiện mức ý nghĩa 5%, *thể hiện mức ý nghĩa 10%; giả thuyết H0 là không có đồng liên kết.

Nguồn: Tác giả thực hiện trên phần mềm Stata-15

Kết quả nghiên trong Bảng 2 cho thấy, giả thuyết H0 không có đồng liên kết bị loại bỏ ở mức ý nghĩa 1% hay tồn tại cân bằng dài hạn giữa các biến số trong mô hình.

Bảng 3. Kiểm định tác động ngắn hạn và dài hạn của đầu tư công tới đầu tư tư nhân tại vùng KTTĐ miền Trung

 

Dài hạn

 

Coef.

Std. Err.

z

P>|z|

[95% Conf.Interval]

PU

0,4175496***

0,048355

8,64

0,000

0,322776

0,5123233

FDI

0,0822586***

0,018388

4,47

0,000

0,04622

0,1182976

GRDP

0,5252284***

0,022776

23,06

0,000

0,480589

0,5698681

IR

-0,0415338***

0,010067

-4,13

0,000

-0,06126

-0,0218037

Ngắn hạn

EC

-0,6603223***

0,220469

-3,00

0,003

-1,09243

-0,228212

ΔPU

0,0135837

0,278405

0,05

0,961

-0,53208

0,5592477

ΔFDI

-0,0126131**

0,014702

-0,86

0,391

-0,04143

0,0162024

ΔGRDP

-0,2213115

0,49371

-0,45

0,654

-1,18897

0,7463429

ΔIR

-0,0047373***

0,001317

-3,6

0,000

-0,00732

-0,0021556

Ghi chú: *** thể hiện mức ý nghĩa 1%, ** thể hiện mức ý nghĩa 5%, *thể hiện mức ý nghĩa 10%.

Nguồn: Tác giả tính toán dựa trên phần mềm Stata

Vector điều chỉnh sai số (EC) âm và có ý nghĩa thống kê (tại mức 1%) cho thấy có sự tồn tại của mối quan hệ đồng tích hợp giữa các biến trong mô hình tại ít nhất một trong 4 tỉnh thuộc vùng KTTĐ miền Trung.

Trong dài hạn, đầu tư công, đầu tư nước ngoài, lãi suất, GRDP các địa phương đều tác động tới đầu tư tư nhân. Trong đó, PU, FDI và GRDP có tác động cùng chiều và IR có tác động ngược chiều. Cụ thể, khi đầu tư công tăng 1% thì đầu tư tư nhân tăng 0,417%. Kết quả này trùng với kết quả nghiên cứu của Oshikoya (1994), Kamps (2004b), Afonso và Aubyn (2008), Sử Đình Thành (2011), Nguyễn Thị Cành và cộng sự (2018) và Nguyễn Thế Khang (2022). Kết quả này cũng cho thấy sự phù hợp với tình hình chung tại vùng KTTĐ miền Trung khi tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội và tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư công có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2010 - 2021. Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội và tốc độ tăng trưởng của đầu tư tư nhân có xu hướng tăng dần trong giai đoạn 2010 - 2021. Mặt khác, trong cơ cấu vốn đầu tư công tại vùng KTTĐ miền Trung thì vốn đầu tư từ NSNN cho cơ sở hạ tầng chiếm tỷ trọng cao nhất. Do đó, trong dài hạn, đầu tư công có tác động bổ trợ đầu tư tư nhân tại vùng KTTĐ miền Trung.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra FDI tăng 1% thì đầu tư tư nhân tăng 0,082%. Tương tự, GRDP tăng 1% thì thúc đẩy đầu tư tư nhân tăng 0,52%. Trong khi đó, lãi suất thực tế IR tăng 1% thì đầu tư tư nhân giảm 0,041%. Tác động của các biến số trong mô hình tới đầu tư tư nhân cho thấy sự phù hợp với mô hình lý thuyết và các nghiên cứu của Jorgenson (1963), Bùi Quang Bình, Lê Phước Hoài Bảo (2017), Nguyễn Thị Cành (2018).

Tuy nhiên, trong ngắn hạn tác động của đầu tư công tới đầu tư tư nhân tại vùng KTTĐ miền Trung chưa rõ ràng. Kết quả này không như kỳ vọng của tác giả nhưng có thể tìm thấy trong nghiên cứu của Kollamparahr và Nicolaou (2011). Nguyên nhân có thể xuất phát từ yếu tố trong ngắn hạn bởi đầu tư công cho cơ sở hạ tầng chưa thể tạo ra ngay được hiệu ứng bổ trợ cho đầu tư tư nhân, trong khi đó đầu tư công tại vùng KTTĐ miền Trung do chiếm tỷ trọng nhỏ hơn đầu tư tư nhân nên cũng không tạo ra hiệu ứng lấn át. Tương tự, tổng sản phẩm địa phương cũng không rõ tác động tới đầu tư tư nhân. Trái ngược với trong dài hạn, trong ngắn hạn FDI có tác động lấn át đầu tư tư nhân. Cụ thể, FDI tăng 1% thì sẽ làm cho đầu tư tư nhân giảm 0,012%. Kết quả nghiên cứu đúng như kỳ vọng của tác giả và trùng với nghiên cứu của Fry (1993), Agosin và Mayer (2000), Nguyễn Thị Cành (2018), Nguyễn Thị Thuỳ Liên (2021). Trong ngắn hạn, việc xây dựng cơ sở hạ tầng để khuyến khích đầu tư nước ngoài chưa phát huy được tác động bổ trợ cho đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài luôn có lợi thế về công nghệ và quản lý hơn so với doanh nghiệp tư nhân trong nước nên sự gia tăng vốn FDI sẽ tạo ra tác động lấn át đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, mức độ lấn át không đáng kể do tỷ trọng vốn FDI so với tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân tại vùng KTTĐ miền Trung tương đối nhỏ so với vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân. Ngoài ra, lãi suất thực tế trong ngắn hạn cũng tạo ra tác động lấn át đối với đầu tư tư nhân như trong dài hạn.

4. Một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Khẳng định vai trò “dẫn dắt” của đầu tư công đối với đầu tư tư nhân, đặc biệt trong dài hạn tại vùng KTTĐ miền Trung

Qua kết quả nghiên cứu, đầu tư công tại vùng KTTĐ miền Trung có tác động tới đầu tư tư nhân trong dài hạn. Hiện tại, đầu tư công cho cơ sở hạ tầng ở vùng KTTĐ miền Trung chưa theo kịp với nhu cầu, do đó đầu tư công bổ sung là cần thiết và phải đi kèm với hiệu quả trong quy hoạch, tránh trùng lặp, chậm trễ… làm kìm hãm sự phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực (UNDP, 2022). Tại vùng KTTĐ miền Trung, phương thức vận tải hàng hóa bằng đường bộ đang chiếm ưu thế so với đường thủy (thủy nội địa và vận tải biển ven bờ). Tuy nhiên, hạ tầng giao thông đường bộ hiện tại vẫn bộc lộ rất nhiều yếu kém, một phần do địa hình của vùng (ngập mặn, sạt lở, địa chất kém…) khó thực thi các dự án đường bộ, mặt khác do thiếu nguồn lực đầu tư. Trong bối cảnh ngân sách đang bị thu hẹp do dịch Covid-19, ngân sách không thể đầu tư dàn trải cho tất cả các hạng mục liên quan tới các dự án đường bộ tại các địa phương do đó Chính phủ cần hỗ trợ nguồn vốn đầu tư công tập trung vào các tuyến liên kết nội vùng.

Tăng cường sự phối hợp giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân tại các địa phương của vùng KTTĐ miền Trung

Nghiên cứu cho thấy, trong ngắn hạn FDI có tác động ngược chiều tới đầu tư tư nhân. Hơn nữa, trong bối cảnh dòng vốn FDI bị biến động mạnh do tác động của dịch Covid-19 và nguồn lực đầu tư công từ NSNN đang bị thu hẹp, đầu tư công kết hợp với đầu tư tư nhân là giải pháp huy động vốn hỗ trợ các dự án hạ tầng để đẩy nhanh quá trình hồi phục tăng trưởng kinh tế tại các địa phương trong vùng. Quan hệ đối tác công - tư giúp Nhà nước chuyển giao rủi ro có liên quan đến dự án cho bên đối tác tư nhân vốn được coi là có khả năng tốt hơn trong quản lý các rủi ro. Đặc biệt, trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đầu tư công từ NSNN hoặc thậm chí là vốn vay không thể tài trợ toàn bộ được. Do đó, việc kết hợp với nguồn lực đầu tư tư nhân là cần thiết để hỗ trợ các địa phương nội vùng tiếp tục tăng trưởng. Hiện nay, các địa phương thuộc vùng KTTĐ miền Trung đã triển khai hình thức đầu tư này và Đà Nẵng đang dẫn đầu về số dự án. Cụ thể, Đà Nẵng hiện có 32 dự án theo hình thức đối tác công - tư. Trong đó, có 4 dự án thanh toán khối lượng, 7 dự án chuyển tiếp và 21 dự án đầu tư mới do các sở, ban quản lý dự án làm chủ đầu tư, đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao, xây dựng - vận hành - chuyển giao, xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao.

Phát triển thị trường trái phiếu xanh cho đầu tư tư nhân nói chung và các doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nói riêng trong bối cảnh nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch Covid-19.

Như đã phân tích, yếu tố lãi suất có tác động ngược chiều tới đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, tại vùng KTTĐ miền Trung, các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên càng gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn đầu tư. Mặt khác trong bối cạnh hậu dịch Covid-19, nguồn tín dụng trở nên khan hiếm hơn và do thiếu tín dụng nên khu vực tư nhân phải trả một khoản chi phí cao để vay tiền từ các ngân hàng, từ đó giảm đầu tư. Vì vậy, phát triển thị trường trái phiếu xanh như một giải pháp thay thế cho các nguồn tín dụng của các ngân hàng và tổ chức tài chính để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tiếp cận tín dụng tại các địa phương thuộc vùng KTTĐ miền Trung.

Phát huy vai trò dẫn dắt của thành phố Đà Nẵng với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội, động lực phát triển của vùng KTTĐ miền Trung

Với vị thế là trung tâm của vùng KTTĐ miền Trung, Đà Nẵng cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, trước mắt thu hút nhiều nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân cho hoạt động đầu tư công. Cụ thể, Đà Nẵng cần tập trung vốn đầu tư vào phát triển hệ thống logistics, sử dụng quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng và trung tâm logistics. Ngoài ra, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm. Đồng thời cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp dịch vụ logistics ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động.

 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 các địa phương thuộc vùng KTTĐ miền Trung.

2. Nguyễn Thị Cành và cộng sự (2018), Tác động của đầu tư công đến thu hút đầu tư tư nhân và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học, Số 13(2)/2018.

3. Nguyễn Thế Khang (2022), Tác động của đầu tư công tới đầu tư tư nhân tại các địa phương ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính - Marketing, Số 67 - Tháng 02/2022.

4. Nguyễn Thùy Liên (2021), Thực trạng về đầu tư công từ nguồn vốn NSNN tại Việt Nam: Những vấn đề đặt ra và kiến nghị.

5. Sử Đình Thành, (2011), Đầu tư công chèn lấn hay thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân ở Việt Nam, Tạp chí Phát triển kinh tế, số 251 tháng 9/2011, trang 37 - 45.

6. Tô Trung Thành (2014), Đầu tư công “lấn át” đầu tư tư nhân? Góc nhìn từ mô hình thực nghiệm VECM, Tạp chí Tài chính, số 560 tháng 6/2014, trang 01 - 17.

7. Trần Ngọc Anh Thư và Lê Hoàng Phong (2014), Tác động của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam: Góc nhìn thực nghiệm từ mô hình ARDL, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số19/2014, trang 3 - 10.

Tiếng Anh

8. Khan, M. and Kumar (1997), Public and Private Investment and the Growth Process in Developing Countries, Oxford Bulletin of Economics and Statistics, Vol. 59 No.1/1997, pp. 305 - 9049.

9. Kollamparambil, U. and Nicolaou, M. (2011), Nature and Association of Public and Private Investment: Public Policy Implications for South Africa, Journal of Economics and International Finance, Vol. 3 No.2/2011, pp. 98 - 108.

10. Malik (2013), Private Investment and Fiscal Policy in Pakistan, Journal of Economic Development, Chung-Ang Unviersity, Department of Economics, vol. 38(1), pages 83 - 109.

11. Omitogun, O., (2018), Investigating the Crowding Out Effect of Government Expenditure on Private Investment, Journal of Competitiveness, 10(4), 136 - 150.

12. Reungsri, T (2010), The Impact of Public Infrastructure Investment on Economic Growth in Thailand, Doctoral dissertation, School of Economics and Finance, Victoria University, Australia.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 6 tháng 12/2022

 

 

 

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%