Chính sách thuế định hướng và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị cho Việt Nam

Chính sách thuế định hướng và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị cho Việt Nam 30/01/2023 14:11:00 3921

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chính sách thuế định hướng và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị cho Việt Nam

30/01/2023 14:11:00

Lê Quang Thuận

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

 

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao về kinh tế. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm môi trường cũng rất nghiêm trọng do nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào khai thác, sử dụng tài nguyên, năng lượng hóa thạch, phát thải nhiều. Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) là phương thức để thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Chính sách thuế được coi là một công cụ kinh tế hữu hiệu để định hướng và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện mô hình KTTH thông qua việc tác động tới chi phí và lợi ích của các thể nhân và pháp nhân, làm thay đổi hành vi sản xuất và tiêu dùng của các chủ thể. Bài viết này sẽ khái quát về mô hình KTTH, xu hướng thế giới, vai trò của chính sách thuế và kinh nghiệm quốc tế về sử dụng công cụ chính sách thuế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện mô hình KTTH, phân tích thực trạng chính sách thuế nhằm định hướng và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện mô hình KTTH và đưa ra một số kiến nghị cho Việt Nam.

Từ khóa: Kinh tế tuần hoàn; biến đổi khí hậu; tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Over the years, Vietnam has achieved a high rate of economic growth but experienced serious environmental pollution problems because the development of economy mainly bases on exploitation and use of resources and fossil energy. The transition to the circular economy model is a way to adapt and mitigate climate change towards green growth and sustainable development. Tax policy is considered as an effective economic instrument for guiding and encouraging businesses to implement the circular economy model by affecting the costs and benefits of natural persons and legal entities, changing production and consumption behaviors of subjects. This article gives an overview of the circular economy model, world trends, the role of tax policy and international experience in using tax policy tools to encourage businesses to implement the circular economy model. This article also analyzes the current situation of tax policy on guiding and encouraging businesses to implement the circular economy model and makes recommendations for Vietnam.

Keywords: Circular economy; climate change; green growth, sustainable development.

1. Mô hình kinh tế tuần hoàn và xu hướng thế giới

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ những tác động tiêu cực đến môi trường. Ðây là mô hình kinh tế trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải và gây ô nhiễm môi trường. Các quốc gia trên thế giới ngày càng nhận thức rõ hệ lụy của việc phát triển kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường (BVMT).

Việc chuyển đổi sang KTTH sẽ thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu phát triển hài hòa về kinh tế - xã hội và môi trường mà còn là biện pháp hữu hiệu ứng phó với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi sang mô hình KTTH chính là hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việc chuyển đổi này mang lại những lợi ích lâu dài trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, rủi ro từ biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Đây là con đường hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp nặng. Tính toán của Liên minh châu Âu (EU) thông qua việc đo lường, kiểm soát các hoạt động từ phía cầu cho thấy, KTTH có thể giúp giảm hơn một nửa lượng khí thải phát ra từ các ngành công nghiệp; nền kinh tế toàn cầu sẽ hưởng lợi khoảng 2 nghìn tỷ USD mỗi năm từ việc quản lý nguyên liệu hiệu quả hơn, giảm chi phí nguyên liệu thô đồng thời thúc đẩy việc làm và đổi mới sáng tạo.

Đối với doanh nghiệp, những lợi ích của nền KTTH chuyển thành các cơ hội tạo ra lợi nhuận mới nhờ nguồn cung nguyên liệu ổn định hơn. Trong nhiều lĩnh vực, nguyên liệu đầu vào thường có chi phí cao. Việc khai thác nguyên liệu mới và nguồn cung không chắc chắn trong mô hình phát triển kinh tế tuyến tính truyền thống làm cho giá nguyên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào và lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, KTTH có thể mang lại cơ hội lợi nhuận mới nhờ chi phí thấp hơn. Mặt khác, với nguồn cung nguyên liệu ổn định hơn, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh, xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn hơn. Ngoài ra, mô hình KTTH sẽ giúp cho doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của minh tốt hơn bởi KTTH tạo ra các tác động tích cực đến các hệ sinh thái, không làm cho hệ sinh thái bị quá tải hoặc cạn kiệt; nền KTTH tạo ra khí nhà kính ít hơn, nhờ đó, đất, nước, không khí không bị ô nhiễm, các khu bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang mô hình KTTH trước hết làm tăng chi phí cơ hội. Chi phí cơ hội của việc chuyển đổi sang mô hình KTTH không chỉ được nhìn nhận dưới góc độ tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết về KTTH đến từng cấp quản lý, từng doanh nghiệp và người dân để tạo sự đồng thuận mà còn thể hiện ở phần lợi nhuận bị giảm sút trong quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống sang mô hình KTTH khi mô hình mới chưa thể tạo ra ngay lợi nhuận, nhất là trong trường hợp doanh nghiệp không có lộ trình chuyển đổi hợp lý làm cho chi phí tăng. Mặt khác, KTTH gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế lại mô hình sản xuất - kinh doanh, theo đó ứng dụng công nghệ mới sẽ tăng chi phí đầu tư đổi mới công nghệ, chi phí về nguồn nhân lực. Do đó, nếu doanh nghiệp không có đủ nguồn lực và sự kiên định trong chuyển đổi mô hình có thể thất bại. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhất là các cơ chế, chính sách để tác động đến chi phí, lợi ích của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang mô hình KTTH. Ngoài ra, phát triển KTTH cần có một hành lang pháp lý đầy đủ để đảm bảo cho các hoạt động KTTH được thực hiện một cách hợp pháp, mang lại hiệu quả, từ đó mới thúc đẩy các hoạt động kinh tế một cách bền vững từ sản xuất đến tiêu dùng.

Chính sách thuế được coi là một công cụ kinh tế hữu hiệu để tác động tới chi phí và lợi ích của các thể nhân và pháp nhân bao gồm: (i) Các chính sách định hướng phát triển, thông qua việc đánh thuế đối với hoạt động kinh tế làm tổn hại đến môi trường, các sản phẩm nguy hại đối với môi trường; (ii) Các chính sách ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ phát triển thông qua việc ưu đãi thuế đối với các hoạt động kinh tế, các sản phẩm thân thiện với môi trường, qua đó điều chỉnh hành vi, hoạt động của các chủ thể này hướng theo mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia.

Các chính sách định hướng phát triển, thông qua việc đánh thuế đối với hoạt động kinh tế làm tổn hại đến môi trường, các sản phẩm nguy hại đối với môi trường lấy nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả, người hưởng lợi phải trả, một nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường, làm cơ sở để đạt được sự hài hoà giữa phát triển kinh tế và BVMT. Chính sách thuế đối với hoạt động kinh tế làm tổn hại đến môi trường thúc đẩy nhà sản xuất chuyển chi phí BVMT vào giá thành sản phẩm, tức là chuyển trách nhiệm BVMT gián tiếp cho người tiêu dùng, khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư BVMT tương xứng với mức đầu tư phát triển sản xuất.

Các chính sách ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ phát triển thông qua việc ưu đãi thuế đối với các hoạt động kinh tế, các sản phẩm thân thiện với môi trường tạo động lực khuyến khích, thúc đẩy đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động kinh tế, không gây tổn hại đến môi trường. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ sạch, phát triển sản xuất xanh được hưởng ưu đãi thuế, được giảm nghĩa vụ thuế phải nộp đối với khoản đầu tư mà doanh nghiệp đã bỏ ra. Về bản chất, đó là sự hỗ trợ của nhà nước thông qua chính sách ưu đãi thuế. Hình thức ưu đãi thuế, khuyến khích phát triển, ứng dụng công nghệ sạch để phát triển kinh tế thân thiện với môi trường rất đa dạng, theo đó chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải mà doanh nghiệp được cấp có tác dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại thay vì sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường.

2. Kinh nghiệm quốc tế về sử dụng công cụ chính sách thuế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn

2.1. Chính sách thuế đối với hoạt động kinh tế làm tổn hại đến môi trường

Chính sách thuế các-bon

Thuế các-bon được coi là giải pháp dựa trên thị trường nhằm giảm khí thải. Áp dụng thuế các-bon sẽ làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải tính toán lợi ích và chi phí1 qua đó điều chỉnh hoạt động khai thác, sử dụng, tiêu dùng năng lượng quá mức. Đối tượng chịu thuế các-bon chủ yếu là nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu, methanol, naphtha, butan; khí hóa lỏng; nhiên liệu đốt như than bùn, than đá… Cơ sở tính thuế là lượng khí thải các-bon, tính theo tấn khí thải. Thuế suất có thể là thuế suất theo tỷ lệ phần trăm, thuế suất tuyệt đối (mức thu tuyệt đối) hoặc thuế suất hỗn hợp (vừa thu theo tỷ lệ phần trăm, vừa thu theo mức thu tuyệt đối). Mức thuế suất thuế các-bon khoảng 1 - 130 USD/tấn CO2.

Phần Lan, Thụy Điển, Na-Uy, Đan Mạch là những nước đầu tiên áp dụng thuế các-bon vào đầu thập kỷ 1990. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới (Anh, Hà Lan, Hoa Kỳ, Canada…) áp dụng thuế các-bon nhằm giảm thiểu khí thải. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD (2015), thuế các-bon có tác động làm giảm lượng khí nhà kính, đồng thời tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách quốc gia2. Hầu hết các nước Đông Á có thể tăng thu ngân sách thêm 0,5 - 2% GDP vào năm 2020 nếu áp dụng mức thuế 20 USD/tấn CO2. Nguồn thu ngân sách này đặc biệt cao hơn ở các nước đang phát triển do lượng phát thải so với GDP cao.

Chính sách thuế đối với nhiên liệu hóa thạch

Nhiên liệu hóa thạch là sản phẩm đầu vào thiết yếu đối với nhiều ngành sản xuất cũng như là sản phẩm tiêu dùng cần thiết đối với đời sống con người. Tuy nhiên, do nhiên liệu hóa thạch là nguồn năng lượng không tái tạo nên nhiều nước chủ trương sử dụng tiết kiệm, để dành cho các thế hệ tương lai. Mặt khác, việc khai thác, sử dụng nhiên liệu hóa thạch tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, nhằm hạn chế tiêu dùng nhiên liệu hóa thạch và giảm ô nhiễm môi trường, một số nước đã ban hành thuế đối với nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu, than,…).

Chính sách thuế đối với xe ô tô

Nhằm hạn chế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch qua đó giảm phát thải khí CO2 và giảm ùn tắc giao thông. Hầu hết các nước đều áp dụng thuế đối với ô tô, tương tự thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) ở Việt Nam3. Tuy nhiên, mức thu và phương thức thu của các nước có sự khác biệt khá lớn. Hầu hết các nước đều áp dụng phương thu theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng - GTGT, thuế nhập khẩu nếu có). Ở hầu hết các nước mức thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô có phân biệt theo đặc điểm xe, như theo số chỗ ngồi, theo dung tích xi lanh hay loại xe. Để khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả, nhìn chung, các nước đều áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB thấp hơn đối với các loại xe có dung tích xi lanh nhỏ. Đặc biệt ở một số nước còn áp dụng thuế TTĐB ở mức thấp đối với dòng xe tiết kiệm năng lượng, xe sử dụng năng lượng sạch, xe ô tô điện.

Chính sách thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản

Chính sách thuế tài nguyên là một công cụ quan trọng trong việc quản lý việc khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, cũng như trong việc động viên nguồn thu cho ngân sách4. Chính sách thuế tài nguyên của các nước trên thế giới rất đa dạng. Phương pháp đánh thuế và mức độ động viên đối với hoạt động khai thác tài nguyên cũng rất khác nhau, phụ thuộc vào tầm quan trọng của từng loại tài nguyên đối với mỗi quốc gia cũng như quan điểm của quốc gia đó trong việc phát triển ngành công nghiệp khai khoáng. Hiện nay trên thế giới tồn tại ba phương thức đánh thuế tài nguyên chủ yếu là:

(i) Phương thức đánh thuế dựa vào sản lượng là phương thức thu thuế theo mức thu tuyệt đối theo mỗi đơn vị tài nguyên khai thác.

(ii) Phương thức đánh thuế dựa vào giá trị tài nguyên là phương pháp được nhiều quốc gia áp dụng, nhất là các nước đang phát triển. Theo phương pháp này thì cơ sở tính thuế là giá trị của tài nguyên khai thác và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm.

(iii) Phương thức đánh thuế dựa vào lợi nhuận là phương thức thu thuế, theo đó số thuế tài nguyên xác định dựa trên mức lợi nhuận hoặc thu nhập ròng của các dự án khai thác tài nguyên. Phương thức này có ưu điểm là công bằng hơn và động viên được nhiều nguồn lực hơn cho ngân sách đối với các dự án khai thác các loại tài nguyên có mức sinh lợi cao. Tuy nhiên, phương pháp này khá phức tạp trong quản lý nên hiện chỉ được một số nước phát triển áp dụng.

2.2. Chính sách ưu đãi thuế đối với các hoạt động kinh tế, sản phẩm thân thiện với môi trường

Hầu hết các quốc gia đều có chính sách ưu đãi thuế đặc thù cho các doanh nghiệp có hoạt động KHCN. Mặc dù mỗi nước có một chính sách khuyến khích riêng phù hợp với điều kiện của mỗi nước nhưng nhìn chung các nước đều theo xu hướng hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp để khuyến khích phát triển KHCN mà không thông qua hình thức gián tiếp như Quỹ KHCN trong doanh nghiệp. Một số nước quy định cụ thể tỷ lệ đối với doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo hướng hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo động lực cho các doanh nghiệp này thực hiện nghiên cứu và phát triển. Một số hình thức ưu đãi cụ thể được áp dụng như: (i) Hỗ trợ các doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển bằng cách cho phép doanh nghiệp được khấu trừ chi phí nghiên cứu và phát triển từ thu nhập chịu thuế ở mức cao hơn mức thực chi (Ấn Độ: 150%; Australia: 125%, 175%); (ii) Hỗ trợ các doanh nghiệp cho nghiên cứu, phát triển thông qua chính sách giảm nghĩa vụ thuế; (iii) Hỗ trợ bằng tiền, miễn thuế đối với xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu, thiết bị nghiên cứu và nhân lực nghiên cứu; (iv) Ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất năng lượng tái tạo.

Nhiều quốc gia đã áp dụng các chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ sạch, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng thay thế. Các công cụ chính sách để thực hiện mục tiêu đa dạng, bao gồm kỳ, miễn giảm thuế, áp dụng cơ chế giảm trừ nghĩa vụ thuế, cơ chế giảm trừ chi phí bổ sung. Hoa Kỳ thực hiện khấu trừ thuế sản xuất điện tái tạo cho mỗi kWh điện được tạo ra bởi các nguồn năng lượng tái tạo, ví dụ như năng lượng gió. Năm 2019, mức khấu trừ là 2,4 cent/kWh và thời gian thực hiện khấu trừ kéo dài 10 năm kể từ khi cơ sở sản xuất điện được đưa vào sử dụng. Các cơ sở (sử dụng năng lượng gió) bắt đầu xây dựng vào năm 2016 nhận được 100% khấu trừ thuế, giảm xuống 80% vào năm 2017, 60% vào năm 2018, 40% vào năm 2019 và 0% về sau. Malaysia thực hiện giảm trừ thuế đầu tư cho các dự án công nghệ xanh, theo đó giảm trừ 100% của chi phí vốn phát sinh cho một dự án công nghệ xanh từ năm đánh giá 2013 đến 2020 và giảm trừ 100% của chi phí vốn phát sinh cho tài sản công nghệ xanh từ năm 2013 - 2020 (mức hỗ trợ có thể được bù trừ vào 70% thu nhập theo luật định trong năm đánh giá).

Bên cạnh đó, nhằm hướng tới sử dụng năng lượng hiệu quả, BVMT, thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện giao thông sạch hơn, một số nước áp dụng chính sách ưu đãi về thuế TTĐB đối với các phương tiện sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường như xe ô tô Hybrid hoặc xe ô tô điện. Chẳng hạn, tại Thái Lan, xe Hybrid được áp mức thuế suất thuế TTĐB thấp hơn so với các loại xe ô tô khác và tùy thuộc vào mức phát thải khí CO2 thải ra từ động cơ (mức thuế suất từ 8 - 26%). Từ ngày 01/01/2016, đối với xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng (xe Pick-up), Thái Lan chuyển sang áp dụng chính sách thuế TTĐB vừa dựa trên dung tích xi lanh, vừa dựa trên mức độ phát thải khí CO2 (trước đó loại xe này bị đánh thuế dựa trên dung tích xi lanh).

Hiện nay, với loại xe vừa chở người vừa chở hàng có dung tích từ 3.250 cc trở xuống và có mức phát thải khí CO2 từ 200g/km trở xuống thì mức thuế suất khoảng 2,5 - 10%; với loại xe Pick-up có dung tích từ 3.250 cc trở xuống và có mức phát thải khí CO2 từ 200g/km trở lên thì mức thuế suất khoảng 4 - 13%; với loại xe Pick-up có dung tích từ 3.250 cc trở lên thì mức thuế suất là 40% (không phân biệt mức phát thải CO2). Còn với loại xe Pick-up sử dụng động cơ điện thì mức thuế suất thuế TTĐB là 10% (không phân biệt mức phát thải CO2). Tại Hoa Kỳ, chính quyền liên bang áp dụng chính sách khấu trừ thuế cho xe điện với mức khấu trừ từ 2.500 - 7.500 USD/chiếc tùy theo dung lượng pin và tổng trọng lượng xe. Ngoài ra, chính quyền nhiều bang ở Hoa Kỳ cũng có các chính sách giảm giá, miễn thuế và khấu trừ thuế để thúc đẩy mua xe điện. Trung Quốc thực hiện miễn thuế cho việc mua xe điện từ 2014 - 2017 và đã gia hạn đến 20205.

3. Thực trạng chính sách thuế nhằm định hướng và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

3.1. Chính sách thuế định hướng doanh nghiệp phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn

Thuế tài nguyên

Chính sách thuế tài nguyên được áp dụng từ ngày 07/01/1991 theo Pháp lệnh thuế tài nguyên ngày 30/3/1990 ban hành kèm theo Lệnh số 34-LCT/HĐNN ngày 09/4/1990. Trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Luật Thuế tài nguyên hiện hành đã kế thừa, luật hoá các quy định của pháp luật về thuế liên quan đến tài nguyên; khắc phục những mặt hạn chế của chính sách thuế tài nguyên; tăng cường quản lý nhà nước đối với tài nguyên, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả; BVMT; góp phần đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước. Luật Thuế tài nguyên quy định tổ chức, cá nhân nộp thuế tài nguyên khi có hoạt động khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên, bao gồm: Khoáng sản kim loại; khoáng sản phi kim loại; dầu thô, khí thiên nhiên, khí than; sản phẩm của rừng tự nhiên, trừ động vật; hải sản tự nhiên (gồm động vật và thực vật biển); nước thiên nhiên (gồm mặt nước và nước dưới đất); yến sào thiên nhiên. Số thuế tài nguyên được xác định dựa trên sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế và thuế suất. Pháp luật về thuế tài nguyên từ khi được xây dựng năm 1990 đến nay đã góp phần quan trọng giúp cơ quan nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên của các tổ chức, cá nhân; nâng cao nhận thức trong xã hội về tầm quan trọng của tài nguyên đối với phát triển bền vững.

Tuy nhiên, nguồn thu từ thuế tài nguyên chưa tương xứng thực tế khai thác và mức độ tàn phá môi trường, đặc biệt đối với các dự án khai thác khoáng sản rắn; mức thuế suất thuế tài nguyên chưa phù hợp với yêu cầu quản lý, bảo vệ, khai thác hợp lý tài nguyên, đặc biệt đối với tài nguyên có giá trị kinh tế lớn...

Thuế TTĐB

Theo quy định hiện hành, xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi, xe mô-tô trên 125 cm3 xăng các loại thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Đối với xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi, loại xe có dung tích xi lanh càng lớn thì mức thuế suất càng cao. Đối với mặt hàng xăng, do xăng là loại nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường nên áp dụng thuế TTĐB nhằm hạn chế tiêu dùng với mức thuế suất 10%*6.

Thuế BVMT

Đối tượng chịu thuế BVMT gồm: (Xăng, dầu, mỡ nhờn; than đá; dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC); túi ni lông thuộc diện chịu thuế; thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng; thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng; thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng; (viii) Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.

Mức thu thuế BVMT là mức thu tuyệt đối tính trên một đơn vị hàng hóa. Luật Thuế BVMT giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế bảo đảm các nguyên tắc: Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa.

Phí BVMT đối với khai thác khoáng sản

Phí BVMT đối với khai thác khoáng sản áp dụng đối với hoạt động khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại. Người nộp là tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Mức thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản được quy định bằng số tiền tuyệt đối tính trên một đơn vị sản phẩm khoáng sản tại nơi khai thác. Mức phí BVMT đối với dầu thô: 100.000 đồng/tấn; đối với khí thiên nhiên, khí than: 50 đồng/m3. Riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành): 35 đồng/m3. Khung mức phí BVMT đối với khai thác quặng khoáng sản kim loại từ 10.000 đồng/tấn đến 270.000 đồng/tấn; quặng khoán sản không kim loại có mức thu từ 1.000 đồng/m3 đến 30.000 đồng/m3. Mức phí BVMT đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng.

Phí BVMT đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật BVMT và Luật Ngân sách nhà nước để phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Phí BVMT đối với nước thải

Đối tượng chịu phí BVMT là nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Người nộp phí BVMT đối với nước thải là mọi tổ chức, cá nhân xả nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt ra môi trường.

Mức thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán của 1m3 nước sạch nhưng tối đa không quá 10% của giá bán nước sạch chưa bao gồm thuế GTGT. Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức phí cụ thể cao hơn đối với từng đối tượng chịu phí.

Mức thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp được quy định theo từng loại như sau:

(i) Cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ) áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi) như sau:

 

 

Số TT

Lưu lượng nước thải bình quân (m3/ngày)

Mức phí (đồng/năm)

1

Từ 10 đến dưới 20

4.000.000

2

Từ 5 đến dưới 10

3.000.000

3

Dưới 5

2.500.000

 

(ii) Cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày trở lên: Phí tính theo công thức sau: F = f + C.

Trong đó:

F là số phí phải nộp.

f là mức phí cố định: 1.500.000 đồng/năm (kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi là 4.000.000 đồng/năm); trường hợp cơ sở bắt đầu hoạt động sau quý I, số phí phải nộp tính cho thời gian từ quý cơ sở bắt đầu hoạt động đến hết năm, mức phí cho 01 quý = f/4.

C là phí biến đổi, tính theo tổng lượng nước thải ra, hàm lượng thông số ô nhiễm của từng chất có trong nước thải và mức thu đối với mỗi chất theo Biểu dưới đây:

 

Số TT

Thông số ô nhiễm7 tính phí

Mức phí (đồng/kg)

1

Nhu cầu ô xy hóa học (COD)

2.000

2

Chất rắn lơ lửng (TSS)

2.400

3

Thủy ngân (Hg)

20.000.000

4

Chì (Pb)

1.000.000

5

Arsenic (As)

2.000.000

6

Cadimium (Cd)

2.000.000

Phí BVMT đối với chất thải rắn

Theo quy định tại Nghị định số 174/2007/NĐ-CP ngày 29/11/2007 về phí BVMT đối với chất thải rắn, đối tượng chịu phí: Chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc các hoạt động khác.

Mức thu phí BVMT đối với chất thải rắn thông thường phát thải từ hoạt động của cơ quan, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề: Không quá 40 nghìn đồng/tấn. Đối với chất thải rắn nguy hại: Không quá 6 triệu đồng/tấn.

Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể mức thu phí BVMT áp dụng đối với từng loại chất thải rắn, ở từng địa bàn và từng loại đối tượng nộp phí tại địa phương.

Khoản thu từ phí BVMT đối với chất thải rắn được để lại một phần cho cơ quan, đơn vị trực tiếp thu phí để trang trải chi phí cho việc thu phí. Phần còn lại là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để chi dùng cho việc xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, chi hỗ trợ cho việc phân loại chất thải rắn và chi hỗ trợ đầu tư xây dựng các bãi chôn lấp, công trình xử lý chất thải rắn, sử dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng, xử lý và tiêu huỷ chất thải rắn...

3.2. Chính sách thuế ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn

Thuế TNCN

Chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ sản xuất sạch, công nghệ mới thân thiện với môi trường là phù hợp xu thế tiến bộ của thế giới và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nhằm khuyến khích đầu tư, sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh, Luật Thuế TNDN hiện hành quy định nhiều chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp, cụ thể:

(i) Miễn thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải8;

(ii) Áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường; thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng nông, lâm, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi9.

(iii) Áp dụng thuế suất 10% tối đa trong 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới: Ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật công nghệ cao; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; BVMT. Đồng thời, doanh nghiệp được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo10.

(iv) Áp dụng thuế suất 17% tối đa trong 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, doanh nghiệp được miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 4 năm tiếp theo11.

Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi được tính từ năm đầu tiên dự án đầu tư mới của doanh nghiệp có doanh thu; đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đối với dự án ứng dụng công nghệ cao được tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao. Thời gian áp dụng miễn, giảm thuế tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư, trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.

Thuế nhập khẩu

Chính sách thuế nhập khẩu quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bao gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được, công nghệ trong nước chưa tạo ra được; tài liệu, sách báo khoa học12.

Thuế sử dụng đất nông nghiệp

Chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp quy định miễn thuế cho đất đồi, núi trọc dùng vào sản xuất nông, lâm nghiệp, đất trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; miễn thuế trong thời gian từ 3 - 7 năm tùy thuộc vào loại đất, mục đích sử dụng đối với đất trồng cây lâu năm chuyển sang trồng lại mới và đất trồng cây hàng năm chuyển sang trồng cây lâu năm; đất khai hoang dùng vào sản xuất trồng cây hàng năm; đất trồng cây lâu năm13.

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp áp dụng đối với đất ở, đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp (đất xây dựng phi nông nghiệp, đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất - kinh doanh; đất khai, chế biến khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm. Chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định miễn thuế đối với đất của cơ sở thực hiện xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực môi trường14.

Thuế TTĐB

Nhằm khuyến khích tiêu dùng sản phẩm ít gây nguy hại đối với môi trường sinh thái, chính sách thuế TTĐB tại Việt Nam áp dụng mức thuế suất thấp hơn đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng; xe ô tô chạy bằng năng lượng sinh học; xe ô tô chạy bằng điện. Đồng thời, nhằm khuyến khích tiêu dùng nhiên liệu sinh học, hạn chế phát thải gây ô nhiễm môi trường, chính sách thuế TTĐB tại Việt Nam áp dụng mức thuế suất thấp nhất là 7% áp dụng đối với xăng sinh học E10 và 8% đối với xăng sinh học E5 (so với mức thuế suất 10% áp dụng đối với xăng khoáng).

Thuế GTGT

Hiện nay, có 25 loại hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT15, trong đó có các hàng hóa, dịch vụ như: Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố; vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện; chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ.

Việc quy định không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT đối với các hàng hóa, dịch vụ nêu trên, qua đó giảm giá bán, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận, sử dụng, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh. Mặt khác, chính sách thuế GTGT tại Việt Nam quy định mức thuế suất 5% (so với mức thuế suất phổ thông 10%) đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

4. Một số kiến nghị

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam, theo đó đặt ra quan điểm, mục tiêu phát triển KTTH gồm:

(i) Chủ động phát triển KTTH là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG); góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

(ii) Phát triển KTTH phải dựa trên cách tiếp cận mở, hướng nhiều hơn đến tạo dựng không gian và thuận lợi cho phát huy hiệu quả kinh tế, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, bảo đảm huy động và sử dụng hiệu quả tri thức nhân loại, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, các nguồn lực cần thiết từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức quốc tế và các đối tác nước ngoài.

(iii) Phát triển KTTH cần bảo đảm khẩn trương, thực chất, hiệu quả, khả thi, có kế thừa những thực tiễn tốt ở các nước và trong nước, và mạnh dạn thử nghiệm trong các lĩnh vực cụ thể, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

(iv) Tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển KTTH, gắn với lộ trình, kết quả cụ thể, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc và tạo dựng sự linh hoạt, chủ động nhằm sớm phát huy mô hình KTTH theo cấp độ phù hợp ở các ngành, lĩnh vực, địa phương; tránh áp dụng rập khuôn, đồng nhất KTTH cho toàn bộ nền kinh tế.

(v) Phát triển KTTH bền vững trên cơ sở nâng cao nhận thức, sự chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường.

Mục tiêu tổng quát đề ra là: “Phát triển KTTH nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”.

Nhằm định hướng và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện mô hình KTTH, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách thuế, bao gồm cả nhóm chính sách định hướng phát triển theo mô hình KTTH và nhóm chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển theo mô hình KTTH:

Đối với nhóm chính sách định hướng phát triển theo mô hình KTTH:

Chính sách thuế BVMT cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tăng mức thu đồng thời áp dụng kết hợp mức thu tuyệt đối và mức thuế suất theo tỷ lệ phần trăm đối với các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường; bổ sung đối tượng chịu thuế BVMT đối với sản phẩm phân bón hóa học để bao quát hết các sản phẩm gây tổn hại đối với môi trường bởi lẽ phân hóa học là sản phẩm hóa chất, tuy có tác dụng đối với cây trồng nhưng cũng chứa nhiều chất độc hại như Asen, Chì, Thủy ngân,… Lạm dụng phân hóa học là nguyên nhân gây suy thoái đất trồng trọt cũng như tồn dư chất độc hại trong sản phẩm nông nghiệp, là một trong nhiều nguyên nhân gây bệnh tật cho con người. Đồng thời, cần bổ sung đối tượng chịu thuế đối với khí thải (tương tự như các nước áp dụng thuế các-bon).

Chính sách phí BVMT cần đảm bảo thực hiện theo cơ chế giá thị trường, buộc các tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải trong quá trình sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm nộp phí, giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; đảm bảo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”; khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư tham gia thu gom, xử lý chất thải đồng thời hạn chế hành vi xả thải trong sản xuất, tiêu dùng. Nguồn thu từ phí BVMT được bố trí, phân bổ trực tiếp cho các nhiệm vụ chi đầu tư giải quyết các vấn đề về môi trường, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

Chính sách thuế tài nguyên cần được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng tăng mức thu thuế tài nguyên đồng thời tăng cường công tác quản lý cả về sản lượng tài nguyên tính thuế và việc xác định giá tính thuế nhằm hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Đối với nhóm chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển theo mô hình KTTH

Chính sách ưu đãi thuế TNDN cần được rà soát, hoàn thiện cả về mức ưu đãi và thời gian ưu đãi một cách hợp lý để khuyến khích, thu hút đầu tư vào phát triển ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao; khuyến khích sản xuất năng lượng sạch, tái sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất; áp dụng chính sách khấu hao nhanh đối với các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng sạch.

Chính sách thuế TTĐB cần quy định mức thuế suất ưu đãi cao đối với xăng sinh học, tạo sự chênh lệch đáng kể giữa xăng sinh học và xăng khoáng để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng nhiên liệu sinh học.

Chính sách thuế GTGT cần được rà soát và hoàn thiện theo hướng khuyến khích tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ xanh, các sản phẩm hữu cơ, không nguy hại đối với môi trường.

Việc hoàn thiện chính sách định hướng và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện mô hình KTTH là nhằm phát triển kinh tế đi đôi với BVMT ở Việt Nam; không biến nước ta trở thành nơi thu gom, chế biến rác thải của thế giới. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức một cách đầy đủ và toàn diện nhằm tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, bao gồm cả các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và vai trò của phát triển KTTH cũng như mục tiêu của tăng trưởng xanh là do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

 

Tài liệu tham khảo

1. Lê Quang Thuận cùng nhóm nghiên cứu (2016), Chính sách tài chính phát triển kinh tế xanh, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ - Bộ Tài chính.

2. Lê Quang Thuận (2017), Sử dụng công cụ thuế để BVMT hướng tới phát triển bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Hoàn thiện chính sách thuế, phí BVMT”, tháng 7/2017.

3. Nguyễn Thế Chinh (2011), Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế theo hướng nền kinh tế xanh ở Việt Nam.

4. Trần Công Sách (2013), Hướng tới mô hình tăng trưởng xanh và bền vững, Tạp chí Nghiên cứu thương mại, số 485, tháng 12/2013.

5. Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - GIZ (2020), Công cụ tài chính cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam, Nhà xuất bản Tài chính, 11/2020.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 6 tháng 12/2022

 

*1 IMF Working Paper (1988), Carbon taxes: Their Macroeconomic Effects and Prospects Global Adoption, A Survey of the Litterature.

*2 OECD (2015), Effective Carbon Rates on Energy.

*3 Có nước gọi là thuế TTĐB (excise tax) trong đó đối tượng chịu thuế là ô tô tương tự như Việt Nam; có nước gọi là thuế phương tiện giao thông (vehicle tax).

*4 Một số nước (Chi lê, Na Uy, Mê-hi-cô, Botswana, Malaysia, In-đô-nê-xi-a) đã quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, nguồn thu từ tài nguyên được sử dụng để đầu tư có chọn lọc cho các chương trình, dự án mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao (Klaus Schmidt - Hebbel (2012), Fiscal Institutions in Resource-Rich Economies: Lessons from Chile and Norway).

*5 Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - GIZ (2020), Công cụ tài chính cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam, Nhà xuất bản Tài chính, 11/2020.

*6 Tuy nhiên, để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch, chính sách thuế TTĐB Việt Nam áp dụng mức thuế suất thấp hơn đối với xăng sinh học, cụ thể: Xăng E5 có mức thuế suất 8%, xăng E10 có mức thuế suất 7%.

*7 Thông số ô nhiễm (thuộc diện phải thực hiện đo đạc, kê khai và tính phí) được xác định căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải hiện hành.

 

*8 Điều 4 Luật Thuế TNDN.

*9 Điều 13, Điều 14 Luật Thuế TNDN.

*10 Điều 13, Điều 14 Luật Thuế TNDN.

*11 Điều 13, Điều 14 Luật Thuế TNDN.

*12 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

*13 Điều 19 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp.

*14 Điều 9 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

*15 Xem chi tiết tại danh mục sản phẩm, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tại Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12.

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%