Tác động và ứng phó với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu

Tác động và ứng phó với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 23/02/2023 08:55:00 557

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tác động và ứng phó với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu

23/02/2023 08:55:00

Trong bối cảnh chuẩn bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các quốc gia cần khẩn truơng, quyết liệt đưa ra giải pháp ứng phó, nhằm tránh chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách này.

Tác động từ chính sách

Bắt đầu từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty lớn. Theo đó, các công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Điều này có nghĩa, khi các công ty này đi đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi họ có trụ sở chính.

Bắt đầu từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty lớn

Nếu thuế tối thiểu toàn cầu được triển khai áp dụng sẽ tác động đến các chính sách mà chúng ta đang sử dụng, chủ yếu thông qua việc miễn giảm thuế suất, hoặc khấu trừ thuế trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Vô hình chung, làm giảm lợi ích mà các nhà đầu tư, khi quyết định đầu tư sang các nước khác với kỳ vọng việc miễn giảm thuế suất. Từ đó ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đầu tư và cả quyết định mở rộng đầu tư.

Trong tác động đó cũng có những lưu ý như: Thứ nhất, ở các quốc gia khác nhau, mức tác động khác nhau. Các đối tượng, các nhà đầu tư khác nhau thì mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau, tùy vào thuế suất ưu đãi thông qua biện pháp giảm thuế suất và khấu trừ thuế đến đâu. Trong đó, các nhà đầu tư có quy mô nhỏ có thể không bị ảnh hưởng nhiều.

Thứ hai, nó có tác động đến thu hút đầu tư nước ngoài mới, vì lúc này các nhà đầu sẽ đặt ra bài toán cân nhắc lợi ích mà họ sẽ đầu tư. Đặc biệt là những nhà đầu tư đại bàng, những nhà đầu tư chiến lược, tiềm năng...

Thứ ba, là tác động đến các dự án mà các nhà đầu tư đang hoạt động, đang hưởng chính sách ưu đãi thuế ngay cả khi họ chưa có ý định mở rộng.

Xét về mặt đối tượng, chịu ảnh hưởng chủ yếu là những nhà đầu tư lớn, có quy mô doanh thu hợp nhất ở mức trên 750 triệu EUR, nhưng rất có thể có những nhà đầu tư nhỏ nằm trong chuỗi, là một phần trong hoạt động kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia, mà tập đoàn đó là đối tượng chịu thuế suất thuế tối thiểu, thì những nhà đầu tư nhỏ sẽ bị liên đới.

Giải pháp ứng phó

Thông tin về chính sách thuế này không phải mới và thời gian dự kiến triển khai áp dụng là năm 2024, trong quá trình triển khai, để ứng phó với chính sách mới thì khối lượng công việc để làm trong khoảng thời gian chưa đầy một năm sẽ là áp lực lớn để duy trì chính sách, môi trường đầu tư ưu đãi.

Ngay cả khi chính sách thuế chưa được áp dụng tại thời điểm hiện nay, thì nó đã có tác động đến quyết định của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn đầu tư ở quốc gia nào. Vì vậy trong thời gian sắp tới, ứng phó của các Chính phủ là cần thiết.

Nhưng với dư địa thời gian không nhiều, buộc chúng ta phải có sửa đổi về luật lệ, chính sách nội địa, khi đó chúng ta phải hiểu quy trình đang làm hiện nay, phải tiêu tốn một lượng thời gian nhất định, chưa kể phải nghĩ xem liệu có những giải pháp gì để ứng phó hài hòa, phù hợp với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Trong câu chuyện này, Chính phủ cũng không thể làm một mình mà buộc phải có sự đối thoại, hợp tác, tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí là cả hợp tác quốc tế giữa các quốc gia. Nếu một quốc gia nào đó ứng xử không tốt, thì quốc gia khác có thể được hưởng lợi.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên nhìn nhận quá bi quan, một chiều là tác động tiêu cực, mà sẽ luôn có tác động hai chiều. Ví dụ, các nước rất kỳ vọng họ sẽ chống được xói mòn cơ sở thuế. OECD cũng khuyên các nước có thể áp dụng biện pháp tăng thuế nội địa để đảm bảo không có sự chênh lệch khi nộp về nơi doanh nghiệp có trụ sở, như vậy sẽ tạo ra lợi ích về việc tăng thu thuế.

Mặt khác, nó không tác động đến dự án đầu tư hay nhà đầu tư quy mô nhỏ, đặc biệt trong những lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, hay các hoạt động khác. Như vậy sự ảnh hưởng của chính sách này chỉ ở một phạm vi nhất định.

Thực tế, để đưa ra được giải pháp, việc quan trọng nhất hiện nay chúng ta cần phải biết là nếu chính sách thuế này được áp dụng, sẽ tác động đến Việt Nam như thế nào, sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp, nhà đầu tư bị tác động, các mức độ tác động, quy mô tác động đến doanh nghiệp ra sao, từ đó chúng ta mới có giải pháp phù hợp.

Giải pháp hiện tại là một câu chuyện khó, nhưng có hai điểm mà tôi muốn chia sẻ, đó là:

Thứ nhất, giải pháp mà rất nhiều nước thảo luận đó là khi các công cụ ưu đãi về thuế xuất, khấu trừ thuế không còn là công cụ chủ đạo hấp dẫn lớn, thì những giải pháp thay thế để thu hút đầu tư hơn là môi trường kinh doanh thuận lợi, các hoạt động đầu tư hiệu quả, chi phí gánh nặng về thủ tục hành chính, tuân thủ pháp luật được giảm bớt, minh bạch hơn, nhanh hơn và có thể tiên liệu trước được. Như vậy sẽ tạo ra một áp lực mới đó là cạnh tranh về môi trường kinh doanh. Tôi nhìn nhận đâu đó nó cũng là một điểm tác động tích cực đối với bối cảnh của Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, là những biện pháp ưu đãi vẫn có thể, nhưng nên tính nhiều hơn đến khấu trừ chi phí có mục tiêu rõ ràng. Ví dụ thay vì giảm thuế suất, có thể cho phép doanh nghiệp khấu trừ nhiều hơn 10 - 20%, thậm chí là 50% những chi phí mà họ đầu tư vào các hoạt động mà quốc gia mong muốn, như đầu tư vào ngành nghiên cứu phát triển, đào tạo lao động, thuê nhân sự có chất lượng cao...

Các biện pháp thay thế như vậy được gọi là khấu trừ chi phí, nhưng các chuyên gia cũng khuyên rằng, ngoài giải pháp trước mắt thì cần phải tính đến rà soát toàn bộ hệ thống thuế, đồng thời tính đến chính sách thuế dài hạn hơn trong mục tiêu chung chống xói mòn cơ sở thuế và chống chuyển lợi nhuận.

TS. Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội/Diendandoanhnghiep.vn

 

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%