Kiểm soát thanh toán, quản lý chặt chẽ ngân sách nhà nước

Kiểm soát thanh toán, quản lý chặt chẽ ngân sách nhà nước 24/02/2023 16:42:00 786

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Kiểm soát thanh toán, quản lý chặt chẽ ngân sách nhà nước

24/02/2023 16:42:00

(Thoibaotaichinhvietnam.vn) Kiểm soát thanh toán là nghiệp vụ quan trọng của hệ thống Kho bạc Nhà nước để nguồn ngân sách nhà nước được chi cho đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, định mức theo quy định, tránh thất thoát, lãng phí. Từ nhiều năm nay, công tác này luôn được Kho bạc Nhà nước cải cách và hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng và tiến tới kho bạc số.

Kho bạc Nhà nước không ngừng thực hiện cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, tiết kiệm thời gian xử lý hồ sơ.

Gia tăng tiện ích trong thanh toán

Ông Trần Mạnh Hà - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước (KBNN), cho biết thời gian qua, KBNN đã không ngừng thực hiện cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, tiết kiệm thời gian xử lý hồ sơ, tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS). Thông qua công tác kiểm soát thanh toán, toàn hệ thống KBNN đã phát hiện và từ chối nhiều khoản chi không hợp lệ, không đủ hồ sơ, thủ tục. “Đáng chú ý, trong năm 2022 vừa qua, KBNN đã thực hiện từ chối thanh toán 934 món tương ứng với hơn 60 tỷ đồng. Đây đều là những khoản thực hiện sai quy định về hồ sơ, tạm ứng, sử dụng nguồn vốn sai mục đích” – ông Hà cho biết.

Để tạo thuận lợi tối đa cho các đơn vị SDNS, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu kiểm soát thanh toán, trong năm 2022 vừa qua, KBNN đã triển khai thí điểm thành công dịch vụ thanh toán tự động điện, nước, cước viễn thông cho các đơn vị SDNS có mở tài khoản tại KBNN Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và hiện đang chuẩn bị để triển khai trên toàn quốc.

Theo đó, KBNN đã phối hợp với Vietinbank xây dựng thỏa thuận thanh toán tự động khoản chi điện, nước theo văn bản ủy quyền của đơn vị SDNS, đồng thời xây dựng thỏa thuận thanh toán tự động khoản chi dịch vụ viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị SDNS với VNPT, Vinaphone.

Quy trình thanh toán tự động tiền điện, nước, cước viễn thông được ban hành đã cho phép KBNN tự động trích tài khoản của đơn vị SDNS chi trả cho nhà cung cấp theo giá trị hàng hóa, dịch vụ mà đơn vị sử dụng trên cơ sở đã ủy quyền cho KBNN. Quy trình này được đánh giá là bước cải cách thủ tục hành chính, gia tăng tiện ích trong thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị SDNS thông qua việc KBNN tự động trích tiền trên tài khoản của đơn vị SDNS để trả cho nhà cung cấp dịch vụ.

Cũng trong năm 2022, KBNN đã ban hành quy định về chuẩn kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các cơ quan, tổ chức vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) giúp kết nối trực tiếp, đưa dữ liệu chi từ phần mềm của đơn vị SDNS đến Cổng dữ liệu của DVCTT đã giảm bớt được rất nhiều thủ tục hành chính, giúp cho công tác kiểm soát của KBNN ngày càng đơn giản nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc chặt chẽ, an toàn.

Đặc biệt, với chức năng và nhiệm vụ được giao trong kiểm soát và giải ngân vốn đầu tư công, trong năm 2022, toàn hệ thống KBNN đã hoàn thành triển khai diện rộng toàn quốc Chương trình quản lý kiểm soát chi đầu tư (ĐTKB-GD) để thực hiện kiểm soát, thanh toán các dự án đầu tư công theo phương thức điện tử. Chương trình ĐTKB-GD không chỉ đơn thuần là ứng dụng quản lý toàn bộ thông tin dự án đầu tư công kiểm soát chi qua KBNN mà còn được kết nối, giao diện với hệ thống DVCTT, Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc), hệ thống tổng hợp báo cáo (THBC-LAN) giúp đồng bộ, cập nhật nhanh chóng dữ liệu giải ngân vốn đầu tư công phát sinh hàng ngày từ địa phương tới trung ương. Vì vậy, số liệu giải ngân vốn đầu tư công được khai thác kịp thời, chủ động tại mọi thời điểm, là cơ sở quan trọng để đánh giá công khai, minh bạch tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương.

Phải thực hiện kiểm soát thanh toán theo đúng trách nhiệm, quyền hạn

Trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu sẽ hình thành cơ quan kho bạc số với cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử; liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán NSNN; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi NSNN theo thời gian thực. Theo đó, đầu mối, quy trình kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN được thống nhất qua KBNN. Dữ liệu số trong toàn bộ quá trình quản lý chi NSNN được liên thông, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng kinh phí NSNN. Phương thức kiểm soát chi NSNN chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với việc tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm giải trình cho đơn vị sử dụng ngân sách và tương ứng với mức độ phát triển chức năng kiểm toán nội bộ tại các bộ, ngành, địa phương, đi đôi với kiểm soát rủi ro, tăng cường thanh tra, kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm…

Để thực hiện thành công mục tiêu này, KBNN đã yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống. Các đơn vị phải thực hiện kiểm soát chi NSNN và quy định về giao nhận hồ sơ qua DVCTT theo đúng trách nhiệm, quyền hạn của KBNN đối với tất cả các nguồn vốn được giao quản lý đảm bảo đúng quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, KBNN.

Hiện nay, KBNN đã cung cấp 100% thủ tục hành chính qua DVCTT mức độ 4, đạt tỷ lệ 100% đơn vị SDNS (trừ khối an ninh - quốc phòng) tham gia DVCTT. Hầu hết khoản thu, chi NSNN qua KBNN được thực hiện trực tuyến, thanh toán qua ngân hàng; một số chức năng tra cứu đã tích hợp qua ứng dụng mobile. Theo đó, KBNN đang tiếp tục nâng cấp tiện ích tra cứu dữ liệu DVCTT; bổ sung thêm tính năng phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra giúp phát hiện những vấn đề bất thường, kịp thời cảnh báo cho các đơn vị trong hệ thống KBNN xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất.

Vân Hà

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%