(Haiquanonline.com.vn) Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã và đang bổ sung các tính năng của chương trình dịch vụ công trực tuyến để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng cũng như kiểm soát thanh toán, quản lý chặt chẽ ngân sách nhà nước.
.jpg)
Ảnh minh họa: Thùy Linh
Tạo thuận lợi nhất cho đơn vị sử dụng ngân sách
Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đặt ra mục tiêu sẽ hình thành cơ quan Kho bạc số, theo đó cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử; liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán NSNN; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi NSNN theo thời gian thực. Đầu mối, quy trình kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN được thống nhất qua KBNN. Dữ liệu số trong toàn bộ quá trình quản lý chi NSNN được liên thông, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng.
Có thể thấy, không khó để thực hiện mục tiêu này khi hiện nay KBNN đã cung cấp 100% thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỷ lệ 100% đơn vị sử dụng ngân sách (trừ khối an ninh - quốc phòng) tham gia dịch vụ công trực tuyến. Hầu hết khoản thu, chi NSNN qua KBNN được thực hiện trực tuyến, thanh toán qua ngân hàng; một số chức năng tra cứu đã tích hợp qua ứng dụng mobile. Đặc biệt, đã có 90% đơn vị sử dụng ngân sách cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động để tra cứu kịp thời biến động số dư tài khoản và kết quả xử lý giao dịch hồ sơ chứng từ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN nhằm phòng ngừa rủi ro và công khai minh bạch.
Cuối năm 2021, hệ thống KBNN chính thức áp dụng quy trình liên thông các ứng dụng nghiệp vụ dịch vụ công trực tuyến - Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) - thanh toán song phương điện tử; dịch vụ công kiểm soát cam kết chi ngân sách qua KBNN và dịch vụ công đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản của đơn vị giao dịch tại KBNN.
Mới đây, hệ thống KBNN tiếp tục triển khai bổ sung một số chương trình cơ bản. Đơn cử như chương trình ứng dụng hệ thống kiểm soát chi đầu tư qua KBNN (ĐTKB-GD) phục vụ trực tiếp cho KBNN trong công tác quản lý, kiểm soát, thanh toán vốn cho các dự án đầu tư qua KBNN. Chương trình có chức năng nhận chứng từ, hồ sơ từ dịch vụ công trực tuyến, giao dịch viên chỉ tác nghiệp trên ĐTKB-GD; kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các đơn vị giao dịch vào dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện để đơn vị giao dịch rút ngắn thời gian phải tác nghiệp thủ công trên nhiều ứng dụng tại đơn vị và dịch vụ công trực tuyến…
Thông qua việc gia tăng tiện ích của dịch vụ công trực tuyến, KBNN hướng tới đáp ứng kịp thời và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của đơn vị giao dịch.
Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện
Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, KBNN đã yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống. Các đơn vị phải thực hiện kiểm soát chi NSNN và quy định về giao nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến theo đúng trách nhiệm, quyền hạn của KBNN đối với tất cả các nguồn vốn được giao quản lý đảm bảo đúng quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, KBNN.
Đáng chú ý, để dịch vụ công trực tuyến phát huy hết các lợi ích và là bước đệm để toàn hệ thống KBNN hướng tới Kho bạc số, các đơn vị Kho bạc đang kiến nghị KBNN hoàn thiện thiết kế giao diện theo nhu cầu của người sử dụng; đồng thời, bổ sung các thông báo và tác nghiệp cần làm đối với mỗi dịch vụ công.
Bên cạnh đó, cần nâng cấp hiệu năng để đơn vị sử dụng ngân sách gửi được file hồ sơ có dung lượng lớn kèm chứng từ trên dịch vụ công trực tuyến; bổ sung tính năng chọn thời gian giải quyết đối với hồ sơ; cho phép dự án đầu tư được quản lý bởi nhiều chủ đầu tư, nhiều cấp ngân sách được đăng ký dịch vụ công trực tuyến.
Cũng theo đề xuất của các đơn vị Kho bạc, dịch vụ công trực tuyến cần có chức năng cho phép sắp xếp để tiếp nhận, phê duyệt chứng từ theo thứ tự thời gian; chức năng chọn để xử lý những chứng từ đơn giản, có thời hạn ngắn trước, những chứng từ phức tạp, có thời gian giải quyết dài, cần kiểm tra, kiểm soát hồ sơ sau. Việc bổ sung tính năng tra cứu, kiểm tra số dư tài khoản ngay khi giao dịch viên tiếp nhận, xử lý hồ sơ và kiểm soát số dư tạm ứng từng tiểu mục,.. cũng rất cần thiết. Điều này giúp giảm thiểu thao tác thủ công đối với công chức và giảm áp lực công việc lúc cao điểm.
Dịch vụ công trực tuyến cũng cần bổ sung tính năng kiểm soát ngay từ khâu nhập chứng từ của đơn vị giao dịch để giảm bớt lỗi sai đơn giản trước khi gửi kho bạc nhằm tiết kiệm thời gian kiểm soát hồ sơ và chỉnh sửa hồ sơ của công chức kho bạc và cán bộ đơn vị sử dụng ngân sách.
Thùy Linh