(Haiquanonline.com.vn) Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023 của Bộ Tài chính vừa được ban hành nhằm đưa công tác THTK, CLP trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.
THTK, CLP là trách nhiệm của tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các dự án, các doanh nghiệp thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính. Ảnh: Internet
Phòng ngừa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng lãng phí
Chương trình THTK, CLP năm 2023 của Bộ Tài chính nêu rõ, THTK, CLP là trách nhiệm của tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các dự án, các doanh nghiệp thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính và công chức, viên chức, người lao động (CCVC) trong các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.
Chương trình được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả THTK, CLP, phát huy cao nhất mọi nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp THTK, CLP trong các lĩnh vực quản lý được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đối với Bộ Tài chính, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đã đề ra.
Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, các cấp ủy Đảng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong việc đẩy mạnh THTK, CLP để tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị và phát triển ngành Tài chính.
Chương trình THTK, CLP năm 2023 của Bộ Tài chính quy định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, tiêu chí đánh giá tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về THTK, CLP, đưa công tác THTK, CLP đi vào thực chất với những kết quả cụ thể. Đồng thời, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cũng như giải pháp, biện pháp cần thực hiện trong năm 2023 để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đã đề ra, đảm bảo đúng quy định Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2023.
Chương trình góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và CCVC trong các đơn vị thuộc Bộ Tài chính về THTK, CLP; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các dự án, doanh nghiệp thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công theo dự toán, kế hoạch vốn được cấp thẩm quyền giao.
Chương trình THTK, CLP năm 2023 được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực sau: quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp; tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động. Tại Chương trình, Bộ Tài chính đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu và giải pháp thực hiện cụ thể đối với từng lĩnh vực này.
Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán chi thường xuyên
THTK, CLP trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước (NSNN) là một trong những nội dung được Bộ Tài chính xác định tập trung thực hiện trong Chương trình thực THTK, CLP năm 2023 của Bộ.
Để THTK, CLP trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN, Bộ Tài chính xác định nhiệm vụ trọng tâm là siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN. Phấn đấu cân đối nguồn lực để tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo quy định.
Bộ Tài chính quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện tiết kiệm triệt để, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng NSNN. Điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ rà soát toàn bộ các khoản chi chuyển nguồn NSNN đến ngày 31/12/2021 để hủy bỏ, thu hồi về NSNN các khoản chuyển nguồn không có nhu cầu sử dụng hoặc quá thời gian giải ngân theo quy định.
Về chỉ tiêu thực hiện, trong năm 2023, thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa ngân sách nhà nước, bảo đảm chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Bộ Tài chính giao, trong đó, chú trọng cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng xe ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện, xăng dầu… để dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển và chi các nhiệm vụ cấp bách khác; kiểm soát chặt chẽ việc phân bổ, quản lý, sử dụng các khoản chi NSNN.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, từng bước giảm chi hỗ trợ từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình, nâng cao hiệu quả chi NSNN cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại NSNN, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật NSNN trong tất cả các khâu: lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng, kiểm soát chi và quyết toán kinh phí NSNN. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và điều hành dự toán NSNN.
Bộ Tài chính cũng đề ra các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí trong một số nội dung chi thường xuyên NSNN. Theo đó, tiếp tục tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành và xử lý các công việc trong các đơn vị thuộc Bộ Tài chính qua đó tiết kiệm chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu... chi phí đi lại, ăn ở của đại biểu; thực hiện tốt quy định về chế độ chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo, chế độ tiếp khách trong nước và quốc tế, hạn chế phô trương, hình thức, tiếp khách tràn lan gây lãng phí NSNN...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ rà soát các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định để ưu tiên bố trí nguồn lực đối với các chương trình, dự án cần thiết, hiệu quả; cắt giảm các chương trình, dự án có nội dung trùng lặp, kém hiệu quả…
Hoài Anh