Chậm giải ngân đầu tư ngày nào thì vốn sẽ đội lên ngày đó

Chậm giải ngân đầu tư ngày nào thì vốn sẽ đội lên ngày đó 14/03/2023 16:32:00 650

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chậm giải ngân đầu tư ngày nào thì vốn sẽ đội lên ngày đó

14/03/2023 16:32:00

(HQ Online) Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong bối cảnh nhiều động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trên đà suy giảm, đầu tư công vẫn được kỳ vọng là động lực chính cho phục hồi tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

TS Nguyễn Đình Cung.

PV:

Như Tổng cục Thống kê đã đưa ra, nếu tăng trưởng đầu tư công 10% thì tăng trưởng GDP được thêm khoảng 0,065%. Ông đánh giá như thế nào về con số này?

TS. Nguyễn Đình Cung: Đã từ lâu, đầu tư công đóng vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế và tác động nhiều mặt đến đời sống, kinh tế, xã hội trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, đầu tư công đáp ứng yếu tố “cầu” của nền kinh tế. Đó là cái tăng dễ nhất trong điều kiện hiện nay.

Về trung hạn, đầu tư công tạo ra những công trình, hạ tầng quan trọng giúp kết nối giao thương, tạo cơ hội đầu tư mới cho các khu vực, thành phần kinh tế khác, tạo công ăn việc làm nhiều hơn cho người lao động,...

Tại thời điểm hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công không chỉ tác động tích cực đến khu vực thực của nền kinh tế, mà còn kéo theo tác động rất tích cực đến tính thanh khoản, tăng thêm dòng chảy vốn trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, vốn đầu tư giải ngân được sẽ giảm đi áp lực về thanh khoản và dòng tiền trên thị trường tiền tệ.

PV: Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trong thời gian qua?

TS. Nguyễn Đình Cung: Theo tôi, có 4 nhóm nguyên nhân. 

Thứ nhất, chuẩn bị dự án đầu tư còn sơ sài nên rất nhiều dự án có chất lượng kém.

Thứ hai, từ yếu kém đó nên quá trình triển khai phải điều chỉnh liên tục về vốn đầu tư, về các nội dung khác trong khi những thủ tục hành chính thực hiện việc điều chỉnh này kéo dài hàng năm trời, dẫn đến chậm tiến độ và đội vốn.

Thứ ba, khi điều chỉnh lại được quyết định đầu tư thì quyết định đó đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế, trong khi giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao khiến các nhà thầu càng làm càng lỗ, dẫn đến họ phải làm nhỏ giọt để chờ một thời điểm nào đó sẽ được điều chỉnh tiếp, cộng với việc năng lực nhà thầu kém.

Thứ tư, yếu tố cực kỳ quan trọng, bị vấp nhiều và rất căn bản là quy định của pháp luật chồng chéo, không rõ ràng, nên nhiều khi thực thi được đúng quy định của luật này thì lại sai về luật khác. Trong bối cảnh như hiện nay, phần lớn những trường hợp như vậy đều chần chừ, thậm chí không quyết định để làm. Hiện có những dự án gọi là điểm chết của quá trình ra quyết định và không thể triển khai tiếp được vì không rõ ai có thẩm quyền, trách nhiệm để giải quyết vấn đề, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư trên từng dự án cụ thể đó.

PV: Từ những vấn đề trên, chúng ta cần triển khai những giải pháp nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Chúng ta phải gộp các vấn đề lại xem cái gì là căn bản có thể giải quyết trong trước mắt và trung hạn, cái gì có thể phải giải quyết một cách căn bản, dài hạn hơn. Trong bối cảnh luật lệ chồng chéo, không rõ ràng thì cách tiếp cận giải quyết vấn đề phải như thế nào,... là những câu trả lời rất cần có sự thống nhất.

Việc chậm triển khai giải ngân đầu tư ngày nào thì vốn sẽ đội lên ngày đó, thậm chí đội lên nhiều lần và như thế là lãng phí và kém hiệu quả, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia. Trong đó, có nhiều dự không thể không làm như Dự án vành đai 3, Dự án vành đai 4, Dự án sân bay Tân Sơn Nhất, Dự án sân bay Long Thành,… Đối với các dự án này thì không cần thủ tục nào hết, mà phải tập trung vốn, nguồn lực và triển khai càng nhanh càng tốt và lấy hiệu quả làm đầu tiên.

Trong thời gian tới, cần tập trung nguồn lực về vốn, năng lực thực hiện dự án, các nhà thầu và giải quyết vướng mắc về mặt thủ tục để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, chúng ta phải chấp nhận một thực tế là giá nguyên liệu đầu vào của các công trình dự án đầu tư đã tăng. Do đó, Nhà nước, các cơ quan có liên quan phải có quyết định ngay về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư cho các dự án đã trúng thầu và mức điều chỉnh đó phải ở mức cao, đủ hợp lý để bù đắp được chi phí đầu vào đã gia tăng để các nhà thầu ít nhất không bị lỗ trong việc thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư, trong đó chủ đầu tư và Kho bạc phải phối hợp với nhau để các nhà thầu được giải ngân vốn đủ và kịp thời với khối lượng công việc họ đã thực hiện. Cần phải xác định lại điều kiện, hồ sơ thủ tục để được giải ngân, các nhà thầu sẽ được giải ngân sớm nhất khi họ đủ điều kiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xuân Thảo

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%