Tìm cách “thông đường” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn

Tìm cách “thông đường” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn 16/03/2023 15:09:00 465

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tìm cách “thông đường” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn

16/03/2023 15:09:00

(HQ Online) Với những hạn chế từ cả phía doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và ngành ngân hàng, việc tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay DNNVV còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên cần được sớm tháo gỡ.

Hội nghị: Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DNNVV phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

75% DNNVV phải huy động vốn phi chính thống

Phát biểu tại hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DNNVV phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh” được NHNN tổ chức vào ngày 15/3, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện các DNNVV tiếp cận nguồn vốn chủ yếu qua các ngân hàng thương mại, chiếm tới 90%, trong khi đó việc tiếp cận vốn qua Quỹ phát triển DNNVV và Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV vẫn còn rất nhiều vấn đề về cơ chế.

Mặc dù vậy, theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu phản ứng kinh tế Trung ương, các DNNVV tiếp cần nguồn vốn chính thống chỉ chiếm khoảng 25%, còn đến 75% vẫn phải đi huy động bạn bè, vay mượn phi chính thống.

Về nguyên nhân khó tiếp cận vốn của các DNNVV, theo bà Bùi Thu Thủy, hiện nay quy mô vốn bình quân của các DNNVV rất thấp, chỉ khoảng 10 - 20 tỷ đồng, nên việc cân đối để đánh giá năng lực tài chính rất khó; bên cạnh đó, các DNNVV không có tài sản thế chấp, nên cũng cần thời gian nâng cấp hoàn thiện minh bạch hệ thống sổ sách kế toán.

Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội DNNVV thành phố Hà Nội cho hay, nhiều DNNVV khi vay vốn ngân hàng thì không đủ chuẩn, thiếu minh bạch tài chính, phương án kinh doanh không khả thi; bởi đa phần các doanh nghiệp này bắt nguồn từ hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, kiến thức về nghiệp vụ tài chính còn hạn chế.

Về phía các ngân hàng, nhiều hạn chế cũng được chỉ ra trong việc cấp tín dụng cho DNNVV, như các ngân hàng không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng do đang đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế. Đặc biệt, việc tiếp cận thông tin về các DNNVV còn hạn chế do các ngân hàng chủ yếu khai thác thông tin thông qua việc tìm hiểu trực tiếp doanh nghiệp và qua Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), chưa khai thác được tối đa các thông tin từ các hiệp hội, ngành nghề, cơ quan thuế, cơ quan hải quan...

Cùng với những khó khăn khi vay vốn, các DNNVV còn phải đối mặt với nguy cơ khó trả được nợ ngân hàng do bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên nêu thực trạng, với đặc thù là 95% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, nên với tình hình kinh doanh khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp cần được giãn nợ, hoãn nợ, nếu không có thể dẫn đến phá sản.

“Lợi nhuận từ kinh doanh hiện nay không thể đủ trả nợ, nhất là khi DNNVV có sức cạnh tranh rất kém so với các tập đoàn lớn. DNNVV không dám vay, dẫn đến khả năng mở rộng quy mô của sản xuất - kinh doanh là không có”, bà Hà nhấn mạnh.

Nâng tỷ lệ vay tín chấp

Từ những khó khăn nêu trên, đại diện Hiệp hội DNNVV thành phố Hà Nội kiến nghị, để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn, các ngân hàng có thể linh hoạt cho DNNVV vay những gói tín dụng nhỏ. Ngoài ra, các ngân hàng đề xuất đưa ra những tiêu chuẩn cao về tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh, sổ sách lịch sử thì có thể nâng cao tín chấp thông qua phương án kinh doanh; đồng thời cần có chỉ đạo từ phía NHNN về việc nâng cao tỷ lệ vay tín chấp dựa vào dòng tiền ra, vào của DNNVV, phương án sản xuất kinh doanh.

Chẳng hạn, ngân hàng thương mại có thể cho vay tín chấp nhưng mọi tài khoản phải mở ở ngân hàng đó để kiểm soát dòng tiền, các giao dịch mua, bán, thanh toán phải trả về thông qua ngân hàng.

Đặc biệt, đại diện cho cộng đồng DNNVV Thủ đô cho rằng, cần có những quy định cụ thể từ phía điều hành chính sách Nhà nước, như khi tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng nào thì yêu cầu phải tăng tỷ lệ cho vay DNNVV lên một mức cụ thể.

Cũng với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề xuất, NHNN có thể đề nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng đưa ra điều kiện vay vốn cho DNNVV ở mức thấp hơn. Theo ông Thân, nếu các ngân hàng bị “bó” về mặt thể chế thì không thể đột phá được.

Với những vấn đề doanh nghiệp nêu ra, tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng nêu thực tế là các DNNVV còn rất nhiều khó khăn, do khách quan và chủ quan. Trong đó, một điểm rất hạn chế của các DNNVV khi tiếp cận tín dụng là không có tài sản đảm bảo, vị thế uy tín, sản phẩm, thương hiệu, dòng tiền trên thị trường rất khó khăn. Hệ thống ngân hàng đã thực hiện rất nhiều những giải pháp tháo gỡ tuy nhiên cũng gặp những hạn chế.

Do đó, thông tin từ NHNN cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn; phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tại Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương…

Hương Dịu

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%