- Đơn vị chủ trì: Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Thị Thu
- Năm giao nhiệm vụ: 2022/Mã số: 2022-06-Đ1
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Với nhận thức sâu sắc về vai trò, vị thế và tầm quan trọng của quá trình đô thị hóa, công tác phát triển đô thị và xây dựng hạ tầng kỹ thuật luôn được Đảng coi như một lĩnh vực quan trọng tạo động lực phát triển chung, quan tâm chỉ đạo toàn hệ thống chính trị, xã hội thực hiện. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ: “Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường, nhất là các đô thị lớn. Nâng cao chất lượng và quản lý tốt quy hoạch đô thị, bảo đảm phát triển bền vững…”. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã đề ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 45%, đến năm 2030 đạt khoảng 50%. Để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH) và đô thị hóa, Quốc Hội cũng đã ban hành nhiều bộ Luật có liên quan đến quá trình này. Trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, các bộ Luật như Luật Xây dựng năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Quy hoạch (số 21/2017/QH14 của Quốc hội), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến Luật Quy hoạch (số 35/2018/QH14 của Quốc hội)…
Trên cơ sở định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản và từng bước xây dựng luật pháp, cơ chế chính sách để phát triển đô thị theo mục tiêu đã đề ra. Nhờ đó, mạng lưới đô thị đã được hình thành rõ nét, đô thị trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng và trên cả nước. Các đô thị lớn, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng chủ đạo, lan tỏa tri thức, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh cạnh tranh, hội nhập quốc tế, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, tác động lớn đến sự phát triển nền kinh tế thị trường năng động. Một số khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, đóng góp cho tăng trưởng lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, An Giang, Kiên Giang...
Về mặt lý luận, các nhà kinh tế đã chỉ ra rằng quá trình đô thị hóa phải dựa trên cơ sở phát triển kinh tế, mà cốt lõi là phát triển công nghiệp và dịch vụ. Đô thị hóa không chỉ tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, mà còn thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, mặc dù đô thị hóa đã tác động tích cực đến tăng trưởng nhưng còn chưa bền vững. Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị nước ta vẫn còn nhiều hạn chế như: Đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng, miền; Tỷ lệ đô thị hóa còn thấp so với mức trung bình của các nước trong khu vực ASEAN và bình quân của thế giới. Quá trình đô thị hóa phát triển theo chiều rộng là chủ yếu với mật độ thấp và phân tán, gây lãng phí về đất đai, hạn chế tích tụ kinh tế, tăng trưởng về số lượng chưa đi đôi với chất lượng, hạ tầng chưa đồng bộ hiện đại, nguy cơ ô nhiễm, ngập úng, ách tắc; Hệ thống hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và các hoạt động kinh tế, chưa huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là từ giá trị quy hoạch, đất đai phát triển đô thị, từ khu vực tư nhân để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, nhà ở, công trình phúc lợi công cộng…
Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu: “Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%; Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030”. Do vậy, việc nghiên cứu và phân tích mối quan hệ giữa đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế là cần thiết trong bối cảnh hiện nay để kiến nghị các giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Trên cơ sở hệ thống hóa một số vấn đề chung vể mối quan hệ giữa đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế, phân tích thực trạng mối quan hệ giữa đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, đề tài đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề giữa đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Mối quan hệ giữa đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu về đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế, mối quan hệ giữa đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam, giai đoạn 2011 - 2020, từ đó đưa ra khuyến nghị cho giai đoạn 2021 - 2030. Đề tài nghiên cứu thực nghiệm trong và ngoài nước về các nghiên cứu đánh giá mối quan hệ giữa đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã tổng quan, hệ thống hóa một số vấn đề lý luận chung về mối quan hệ giữa đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế; khái niệm, đặc điểm của đô thị hóa; vai trò, các nhân tố ảnh hưởng đến đô thị hóa; đo lường tăng trưởng kinh tế, các yếu tố tác động đến tăng trưởng; mối quan hệ giữa đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế và các phương pháp phân tích mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa.
Lý thuyết kinh tế học đô thị quan trọng nhất là: (i) Kinh tế kết tụ: Theo Robert Lucas, các đô thị là nơi tập trung lực lượng lao động đông đảo và cũng là nơi tri thức được lan tỏa nhờ hiệu ứng của mật độ dân số cao. Điều này kích thích những nhà đổi mới sáng tạo tại các đô thị và tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho các đô thị. Ngoài ra, tại các đô thị, quy mô của thị trường lớn nên thu hút cả người lao động và doanh nghiệp tập trung tại đô thị vì qua đó có thể giảm được chi phí giao thông vận tải nhờ sự gần gũi giữa thị trường và nơi sản xuất; sự gần gũi của thị trường lao động và thị trường sử dụng lao động cũng như thị trường của các nhân tố đầu vào cho sản xuất; (ii) Kinh tế quy mô (scale economy): Các nhà máy xí nghiệp và doanh nghiệp càng có quy mô lớn thì chi phí sản xuất ra mỗi đơn vị sản phẩm/dịch vụ càng giảm. Tại các đô thị, nơi tập trung đông dân cư và có mật độ dân số rất cao tạo ra một thị trường đủ lớn dành cho các doanh nghiệp. Nhờ đó các doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu thị trường và qua đó làm giảm giá thành sản xuất. Điều này làm cho năng suất lao động tăng lên. Đây chính là hiệu ứng tích cực của kinh tế quy mô tại các đô thị theo Von Thunen. Ngoài ra, với việc các doanh nghiệp cùng lĩnh vực và ngành nghề khi tập trung gần nhau sẽ thúc đẩy việc cạnh tranh cũng như trao đổi giữa các doanh nghiệp nhằm cải tiến và đổi mới trong sản xuất - kinh doanh. Điều này cũng đóng góp vào việc nâng cao năng suất lao động của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có xu hướng tập trung gần thị trường tiêu thụ và ở chiều ngược lại, thị trường cũng có xu hướng được thu hút và tập trung tại nơi các nhà sản xuất tập trung.
(2) Đề tài đã phân tích về mối quan hệ giữa đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Theo đó, đề tài đã phân tích thực trạng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam; thực trạng đô thị hóa và những kết quả đạt được trong quá trình đô thị hóa; phân tích mối quan hệ giữa đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam qua phương pháp định lượng.
Đề tài sử dụng dữ liệu nghiên cứu là dữ liệu bảng, được tham khảo và tổng hợp từ dữ liệu thứ cấp được các cơ quan liên quan thống kê và công bố chính thức hằng năm, gồm 63 tỉnh, thành của Việt Nam từ 2011 - 2020. Với phương pháp nghiên cứu định lượng Pooled OLS, FEM, REM cho thấy mối quan hệ tồn tại giữa các biến trong mô hình. Sau cùng là điều chỉnh sai số và tự tương quan của mô hình. Kết quả phân tích cho thấy, tồn tại mối quan hệ qua lại giữa mức độ đô thị hóa với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Điều đó được hiểu là mức độ đô thị hóa ở các tỉnh, thành có tác động tích cực cùng chiều đến tăng trưởng kinh tế, ngược lại tăng trưởng kinh tế là động lực cho quá trình đô thị hóa. Bên cạnh yếu tố tác động dương đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam phải kể đến tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tại địa bàn, vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh phản ánh năng lực cải cách hành chính của chính quyền địa phương. Kết quả cũng cho thấy, nếu đô thị hóa có tác động đến tăng trưởng kinh tế dạng hình chữ U ngược, khi đô thị hóa vượt quá ngưỡng 66,18% thì đô thị hóa sẽ phản tác dụng đối với tăng trưởng kinh tế.
(3) Qua kết quả nghiên cứu định lượng, đề tài đã nhận diện được một số vấn đề đặt ra, hạn chế của mô hình phân tích. Đồng thời, phân tích bối cảnh, định hướng, quan điểm và mục tiêu phát triển đô thị hóa tại Việt Nam trong thời gian tới. Từ đó, đưa ra những kiến nghị chính sách nhằm giải quyết các vấn đề về đô thị hóa ở Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó tập trung: (i) Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững. Loại bỏ rào cản để di chuyển từ nông thôn ra thành thị có thể cho phép tăng trưởng kinh tế, nhưng những lợi ích kinh tế sẽ lớn hơn nhiều với các chính sách hỗ trợ, tạo lập thị trường và đầu tư cơ sở hạ tầng; (ii) Xây dựng và phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; (iii) Cấu trúc lại không gian phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả kinh tế khu vực đô thị, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính đô thị. Các thành phố cần sử dụng các dự báo thực tế quy mô dân cư trong tương lai để đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng và thực hiện các chính sách đất đai. Tình trạng quá tải đô thị và ùn tắc không chỉ đơn thuần làm kinh tế khó khăn, ảnh hưởng xấu đến năng suất và cản trở đầu tư tư nhân. Nó còn làm giảm sút điều kiện sống, lây lan dịch bệnh, phá hoại cơ hội sống của người dân và gia tăng tình trạng bất ổn xã hội. Việc sử dụng không hiệu quả đất đô thị là kết quả của sự phát triển bừa bãi, quản lý kém, góp phần làm suy thoái môi trường, tăng việc di chuyển, tăng lượng khí thải carbon và ô nhiễm không khí; (iv) Nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, xây dựng văn hóa và lối sống đô thị văn minh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Các chính sách nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở cho người có thu nhập thấp hay các chính sách khác cần được quan tâm đúng mức; (v) Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 117/QĐ-CLTC ngày 23/11/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2022).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.