Xu hướng phát triển hoạt động kinh tế trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính

Xu hướng phát triển hoạt động kinh tế trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính 16/03/2023 15:10:00 3872

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Xu hướng phát triển hoạt động kinh tế trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính

16/03/2023 15:10:00

- Đơn vị chủ trì: Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: Nhóm Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô (Đại diện ThS. Vương Duy Lâm)

- Năm giao nhiệm vụ: 2022/Mã số: 2022-07-Đ1

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Tại Việt Nam, công nghệ chuỗi khối (blockchain) được ưu tiên nghiên cứu, phát triển để chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn đến năm 2025; trong đó, công nghệ blockchain được xếp thứ hai sau trí tuệ nhân tạo (AI) trong loạt công nghệ chủ chốt.

Trên thực tế, các hoạt động kinh tế, tài chính trên nền tảng blockchain cũng đã sớm phát triển, với những dự án như Axie Infinity, Coin98, Kyber Network, TomoChain, KardiaChain… Trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghiệp, các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng hoặc liên quan tới blockchain chiếm khoảng gần 8% (theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng là lĩnh vực tiên phong và ứng dụng công nghệ blockchain mạnh mẽ nhất. Việc phát triển các hoạt động kinh tế trên nền tảng blockchain mang lại cả cơ hội và thách thức cho nền kinh tế. Việc phát triển công nghệ blockchain ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức như vấn đề về nhân sự, mức độ am hiểu của người dân về công nghệ này còn rất hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo. Thêm vào đó, thị trường blockchain Việt Nam trong thời gian gần đây cũng đã xảy ra một số vụ việc tiêu cực, ảnh hưởng to lớn đến lòng tin của dư luận đối với lĩnh vực công nghệ chuỗi khối này. Ngân hàng phải đối mặt với chi phí nghiên cứu và đầu tư hạ tầng cao; yêu cầu tích hợp, chuyển đổi đồng bộ với các hệ thống, cơ sở hạ tầng khác cũng đòi hỏi phải mất thêm thời gian để chỉnh sửa hệ thống... Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản định hướng, khuyến khích cho việc ứng dụng công nghệ blockchain. Tuy nhiên, tại nhiều diễn đàn vấn đề thiếu cơ sở pháp lý đã được nêu ra như là một trở ngại chính cho việc ứng dụng công nghệ blockchain. Bên cạnh đó, việc ứng dụng blockchain cho các ngành nghề, lĩnh vực khác vẫn còn sơ khai và cần được nghiên cứu sâu hơn để đảm bảo tính khả thi.

Hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ chuỗi khối vẫn trong giai đoạn đầu hình thành, phát triển và đang trong quá trình chuyển đổi, do đó cần được nghiên cứu, theo dõi thường xuyên. Việc nghiên cứu về chủ đề này là cần thiết để xây dựng cơ sở lý luận, nghiên cứu các vấn đề thực tiễn về hoạt động kinh tế trên nền tảng công nghệ chuỗi khối, những ứng phó chính sách phù hợp đối với hoạt động kinh tế trên nền tảng công nghệ chuỗi khối.

Xuất phát từ những lý do trên, việc nghiên cứu đề tài “Xu hướng phát triển hoạt động kinh tế trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính” là cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Làm rõ nội hàm, bản chất của các hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ chuỗi khối và nhận diện những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Hoạt động kinh tế trên nền tảng công nghệ chuỗi khối.

Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu các vấn đề về tài chính và kinh tế của hoạt động kinh tế trên nền tảng công nghệ chuỗi khối; chính sách tài chính, bao gồm chính sách tiền tệ, thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN) và chính sách phát triển thị trường tài chính.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về công nghệ chuỗi khối, các đặc điểm nổi bật của công nghệ blockchain và những lợi ích, rủi ro đối với nền kinh tế. Nhiều hoạt động kinh tế có thể ứng dụng phát triển trên nền tảng blockchain, từ lĩnh vực tài chính như thanh toán, quản lý tài sản, huy động và tài trợ vốn, dữ liệu khách hàng… cho tới các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, logistic.

(2) Đề tài đã đưa ra được xu hướng chung về việc ứng dụng blockchain sau khi xem xét, đánh giá hoạt động này tại nhiều quốc gia.

Thứ nhất, công nghệ blockchain đang được nhiều quốc gia lựa chọn như một mũi đột phá cho kinh tế, tạo động lực tăng trưởng và năng lực cạnh tranh trong dài hạn cho nền kinh tế.

Thứ hai, sự phát triển của công nghệ sổ cái phân tán đặt ra các chức năng mới và phương thức quản lý mới đối với cơ quan quản lý nhà nước: Ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong quản lý ngân quỹ và quản lý ngành năng lượng, quản lý cư trú, phúc lợi và các khoản vay, quản lý đất đai...

Thứ ba, xu hướng phát triển của các hoạt động kinh tế ứng dụng blockchain sẽ tương đối khác nhau giữa các quốc gia: Với các nền kinh tế tập trung vào sản xuất như Trung Quốc và Đức được hưởng lợi nhiều hơn từ xuất xứ và truy xuất nguồn gốc, trong khi Mỹ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​việc áp dụng chứng khoán hóa và thanh toán cũng như danh tính và thông tin xác thực.

Thứ tư, thách thức của việc áp dụng công nghệ blockchain này chủ yếu đến từ các vấn đề trốn thuế, rửa tiền, tài trợ cho khủng bố.

(3) Đề tài đã tổng quan được thực trạng áp dụng công nghệ blockchain hiện nay tại Việt Nam. Tại Việt Nam, công nghệ blockchain được ứng dụng chủ yếu trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính (hơn 83%), chuỗi cung ứng (40%), dịch vụ công cộng (30%), năng lượng (30%), giáo dục (30%)... Số lượng các doanh nghiệp Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam hiện nay đã tăng gần 4 lần, từ 40 doanh nghiệp (cuối năm 2016) đã tăng lên hơn 150 doanh nghiệp (cuối năm 2021), trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau… Việt Nam đang có hơn 20 doanh nghiệp khởi nghiệp blockchain, 10 sàn giao dịch và gần 10 công ty phát hành tiền mã hóa lần đầu hiện đã được công bố dù đa phần các công ty này đều đặt trụ sở tại nước ngoài.

(4) Đề tài đã chỉ ra những khoảng trống và những vấn đề đặt ra cho chính sách tài chính Việt Nam đối với ứng dụng blockchain.

Đối với chính sách tiền tệ: (i) Chưa có khuôn khổ pháp lý chính thức đối với tài sản mã hóa và các hoạt động liên quan dẫn đến việc thiếu cơ sở cho việc xây dựng và thực thi các chính sách tiền tệ; (ii) Sự phát triển nhanh về số lượng, cũng như gia tăng về giá trị của tài sản mã hóa sẽ làm giảm tính hiệu quả của việc thực thi chính sách tiền tệ và làm tăng thách thức đối với việc thực hiện mục tiêu ổn định hệ thống tài chính; (iii) Nghiên cứu triển khai tiền pháp định trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (tiền số pháp định của Ngân hàng Trung ương - CBDC) là yêu cầu đặt ra trong tương lai gần.

Đối với chính sách phát triển thị trường tài chính: (i) Vẫn còn khoảng trống pháp lý đối với các hình thức huy động vốn mới trên thị trường tài chính; (ii) Yêu cầu hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và quản lý, giám sát đối với dịch vụ tài chính ứng dụng blockchain là tất yếu, tuy nhiên để bao quát được hết các vấn đề của blockchain vẫn là một thách thức lớn.

Đối với chính sách thuế: (i) Xảy ra vấn đề thất thu thuế đối với hoạt động kinh tế trên nền tảng chuỗi khối do thiếu hành lang pháp lý; (ii) Không dễ để xác định đối tượng chịu thuế và mức thuế suất đối với hoạt động kinh tế trên nền tảng chuỗi khối, điển hình như tài sản mã hóa; (iii) Sự phát triển của các nền tảng công nghệ chuỗi khối và lợi ích của nó đối với các ngành, lĩnh vực đặt ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống chính sách thuế nhằm phát triển các nền tảng và khuyến khích khai thác những ứng dụng của công nghệ chuỗi khối trong các ngành, lĩnh vực.

(5) Từ kết quả nghiên cứu, đề tài đã đưa ra một số khuyến nghị để phát triển nền tảng blockchain tại Việt Nam. Cụ thể là: (i) Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Một số định hướng để xây dựng, hoàn thiện chính sách và khung pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain, gồm: Tạo môi trường tối ưu cho đổi mới sáng tạo nhưng cần bảo đảm tính trung lập về công nghệ theo hướng thị trường tự quyết định lựa chọn công nghệ; tận dụng khung pháp lý hiện hành để quản lý, xử lý các vấn đề liên quan nhưng cho phép các ngoại lệ hoặc ban hành các văn bản điều chỉnh (có thể mang tính thí điểm) trong trường hợp cần thiết cho từng vấn đề (nhóm vấn đề) cụ thể; (ii) Cần tiến tới thu thuế với các hoạt động, giao dịch liên quan tới tài sản mã hóa và tài sản trên nền tảng blockchain, hoạt động trên công nghệ chuỗi khối (như Anh, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Singapore…); (iii) Cần sớm nghiên cứu và ban hành các chính sách về huy động vốn, stablecoin, CBDC… để bắt kịp xu hướng phát triển chung của thế giới. Bên cạnh đó, cũng cần ban hành những tiêu chuẩn về phòng chống rửa tiền (AML - Anti Money Laundering), đây là vấn đề được các chính phủ trên thế giới quan tâm. Việt Nam cần hòa nhập và tuân thủ các tiêu chuẩn về phòng chống rửa tiền quốc tế. Blockchain không thể vững bền nếu không có tiêu chuẩn AML trong các hoạt động kinh tế và ngân hàng (Kinh nghiệm của Mỹ trong phòng chống rửa tiền, khủng bố, lừa đảo trên không gian mạng); (iv) Cần xem xét thiết kế và áp dụng khung thử nghiệm pháp lý (Regulatory Sandbox) đối với phát triển công nghệ tài chính.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 118/QĐ-CLTC ngày 23/11/2022 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2021).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 1 lượt bình chọn
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%