Củng cố niềm tin, phát triển thị trường chứng khoán minh bạch, bền vững

Củng cố niềm tin, phát triển thị trường chứng khoán minh bạch, bền vững 20/03/2023 16:19:00 458

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Củng cố niềm tin, phát triển thị trường chứng khoán minh bạch, bền vững

20/03/2023 16:19:00

(TBTCO) - Đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, ủy ban sẽ rà soát lại Luật Chứng khoán, các nghị định liên quan để trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, bổ sung các quy định để quản lý cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư... Từ đó, khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán.

Triển vọng và thách thức đan xen

Phát biểu tại tọa đàm "Giải pháp khơi thông thị trường vốn", do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 17/3/2023, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đánh giá năm 2023 thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có triển vọng và thách thức đan xen.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Hông Quyên

Theo bà Tạ Thanh Bình, điểm tích cực cho thị trường là lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm ở một số nền kinh tế lớn, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước cũng sẽ giảm dần. Trên thực tế, lãi suất huy động và cho vay của nhiều ngân hàng thương mại đã được điều chỉnh giảm trong một vài tuần trở lại đây.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất trong nước dù có tín hiệu giảm nhưng vẫn đang ở mức cao và có khả năng duy trì ít nhất đến hết quý I/2023. Thanh khoản trên thị trường do vậy có khả năng phục hồi chậm. Đồng thời, khó khăn trên thị trường tài chính quốc tế có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư trên TTCK...

Liên quan tới các giải pháp nhằm đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt của TTCK, đại diện UBCKNN cho biết sẽ rà soát lại Luật Chứng khoán, các nghị định liên quan để hoàn thiện khung pháp lý và thể chế trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành. Trong đó, giải pháp tập trung vào việc quy định rõ phạm vi hoạt động và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán; bổ sung các quy định nhằm quản lý tốt hơn các nhà đầu tư, tái cấu trúc đối với hàng hóa trên thị trường niêm yết; tăng cường các chế tài xử phạt vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư... Từ đó, niềm tin được khôi phục và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của TTCK.

Bên cạnh đó, việc nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó phát huy vai trò của tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán. Ngoài ra, UBCKNN sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát; hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống giám sát giao dịch nâng cấp với các tính năng phân tích, cảnh báo, thống kê....

“Mặc dù trong Luật Chứng khoán hiện nay đã quy định mức xử phạt vi phạm cao so với mặt bằng chung, tối đa hành chính là 3 tỷ đồng với tổ chức, 1,5 tỷ đồng với cá nhân, nhưng diễn biến trên thị trường vừa qua cho thấy mức phạt này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; cần có quy định mang tính chất đột phá hơn nữa. Từ đó mới có thể kỳ vọng khôi phục niềm tin, phát triển TTCK minh bạch và bền vững” - bà Tạ Thanh Bình nhấn mạnh.

Khơi thông dòng vốn dài hạn cho các doanh nghiệp niêm yết

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, với trái phiếu doanh nghiệp, cần lưu ý 2 vấn đề quan trọng là tài sản đảm bảo và xếp hạng tín nhiệm để thị trường vốn phát triển. Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) mới được ban hành được xem là giải pháp giúp tháo gỡ các khó khăn trước mắt cho thị trường.

“Đây vẫn là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt là cho những doanh nghiệp bất động sản cần vốn để đảo nợ, khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang được kiểm soát chặt chẽ và dòng vốn tín dụng không dồi dào” - ông Lực nói.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng giám đốc Vietinbank Securities nhận định, dù Nghị định 08 đã tạm ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm nhưng vẫn cần khuyến khích, kiên trì đánh giá tín nhiệm cho toàn bộ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đây cần được coi là một nhiệm vụ cấp bách để giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, làm minh bạch thị trường. Cùng với đó, có thể khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và khu vực; tham gia vào các diễn đàn và hợp tác quốc tế về việc xây dựng tiêu chuẩn xếp hạng tín nhiệm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Để thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển lành mạnh, góp phần khơi thông dòng vốn dài hạn cho các doanh nghiệp niêm yết, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, cần đa dạng hóa các sản phẩm trên TTCK, đẩy mạnh IPO các doanh nghiệp nhà nước trong khối dầu khí, viễn thông, điện…, đa dạng hóa và nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư.

TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đánh giá, trong trung và dài hạn, TTCK có triển vọng tích cực khi có một số yếu tố tác động như việc nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, hay niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, Nghị định 08... Mặc dù vậy, trong ngắn hạn TTCK vẫn có sự chao đảo nhất định, nhưng từ quý III/2023, thị trường sẽ nhích dần lên và bền vững hơn.

Hông Quyên

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%