(Thoibaotaichinhvietnam.vn) Lãi suất bình quân trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đang tiếp đà giảm rất sâu, thậm chí đã xuống sát mốc 2% và đây có thể coi là một tín hiệu tích cực kép. Một mặt thể hiện sự dồi dào thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong nước giữa nhiều biến cố bên ngoài. Mặt khác, doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng sẽ được tiếp cận nguồn tài chính rẻ hơn nữa trong thời gian tới.
Nguồn: Cục Dự trữ liên bang Mỹ
Lãi suất giảm về sát mốc 2%
Thông tin về diễn biến lãi suất trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong những ngày gần đây cho thấy, lãi suất ngày càng lùi sâu với lãi suất cho vay qua đêm, thậm chí đã giảm xuống chỉ còn 2,05%. Lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn hạn khác cũng đã giảm xuống mức rất thấp, với kỳ hạn 1 tuần chỉ còn 2,61%, kỳ hạn 2 tuần chỉ còn 3,37% và kỳ hạn 1 tháng cũng chỉ còn 4,76%. Với diễn biến này, lãi suất trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đã giảm rất mạnh sau một giai đoạn tăng nhiệt vào đầu tháng 3.
Trước đó, giai đoạn đầu tháng 3/2022 ghi nhận thời điểm lãi suất liên ngân hàng tăng khá mạnh và lãi suất cho vay qua đêm nhiều lúc vượt lên trên mốc 6% và thậm chí gần tiếp cận mức trên 7% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại thời điểm đó. Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm ghi nhận ngày 3/3 đã đạt mốc 6,4%. Các kỳ hạn khác cũng leo lên mặt bằng khá cao với 1 tuần là 6,54%, 2 tuần là 6,65%, 1 tháng là 7,76%...
Trong khi đó, xu hướng lãi suất hiện tại đã xuống thậm chí thấp hơn lãi suất tại thời điểm trước khi NHNN thực hiện 2 đợt tăng lãi suất điều hành vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái. Cụ thể, thông tin về lãi suất liên ngân hàng thời điểm nửa cuối tháng 8/2022 vẫn ghi nhận ở mức 3,53% với lãi suất cho vay qua đêm, 3,6% với lãi suất kỳ hạn 1 tuần, 4,18% với lãi suất 2 tuần, 4,53% với lãi suất kỳ hạn 1 tháng… Tại thời điểm cuối tháng 10/2022, lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức khoảng 3,8%, 1 tuần là 4,81%, 2 tuần là 5%, 1 tháng là 6,63%...
Tín hiệu tích cực kép
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, động thái giảm lãi suất liên ngân hàng thường cho thấy biểu hiện về tín hiệu thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng. TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lãi suất liên ngân hàng giảm nhiệt sẽ là yếu tố nền tảng cơ bản giúp cho lãi suất ở bên ngoài cũng giảm dần.
Hiện tại, các yếu tố này mới đang ở mức sơ khởi ban đầu, chưa thể có tác động ngay đến nền kinh tế, vì thông thường mỗi sự thay đổi chờ đợi thêm một khoảng thời gian để có thể có những tác động rõ ràng. Tuy nhiên, việc lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh phần nào cho thấy hoạt động thị trường mở (OMO) từ phía NHNN đã hỗ trợ tốt cho thanh khoản của các ngân hàng.
Đặc biệt, tín hiệu thanh khoản tốt của hệ thống ngân hàng trong nước cũng có ý nghĩa rất lớn trong củng cố niềm tin người dân trước bối cảnh thời gian vừa qua xảy ra một số biến cố trên thị trường tiền tệ thế giới như việc phá sản 3 ngân hàng của Hoa Kỳ, hoặc việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ buộc phải can thiệp để Ngân hàng UBS mua lại ngân hàng lớn thứ hai của nước ngày là Credit Suisse.
Ngoài ra, lãi suất liên ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp, thì một dự báo tích cực khác cũng có thể diễn ra là khi hệ thống ngân hàng đang trong tình trạng dồi dào tiền, thì các ngân hàng cũng sẽ phải nhanh chóng đẩy mạnh cho vay. Bởi lẽ, ngân hàng sau khi huy động tiền, nếu nắm giữ quá lâu thì chính các ngân hàng cũng sẽ phải chịu áp lực lớn về chi phí tài chính do họ vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Với kịch bản này, quy luật cung - cầu sẽ khiến cho mặt bằng lãi suất cho vay được kỳ vọng có thể giảm xuống, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Diễn biến lãi suất hiện tại cũng cho thấy, những nỗ lực của Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) thời gian qua trong việc kêu gọi các hội viên ngừng chạy đua lãi suất thời điểm cuối năm 2022 cũng đã bắt đầu có tác dụng nhất định. Thời điểm đó, VNBA đưa ra yêu cầu các hội viên không tăng lãi suất huy động và ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký VNBA khi đó cũng dự báo bước sang năm 2023 thì mặt bằng lãi suất sẽ hạ nhiệt.
Trong khi đó, một động thái khác cũng đang có diễn biến tích cực cho lãi suất là tỷ giá vẫn trong xu hướng ổn định. Đặc biệt, động thái của NHNN từ đầu năm 2023 là tiếp tục mua thêm ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, đồng thời với động thái này là bơm thêm tiền Việt vào lưu thông. Điều này khiến cho dự trữ ngoại hối của NHNN đang ở trạng thái khá dồi dào để có thể can thiệp nếu có biến động tỷ giá trong thời gian tới. Trong khi đó, nguồn cung tiền đồng Việt Nam trong nền kinh tế hiện cũng đầy đủ đáp ứng các nhu cầu đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Chí Tín