Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu trên toàn cầu trong năm 2023

Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu trên toàn cầu trong năm 2023 21/03/2023 16:35:00 7397

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu trên toàn cầu trong năm 2023

21/03/2023 16:35:00

Trong 2 tháng đầu năm 2023, lạm phát vẫn tăng cao tại nhiều khu vực và quốc gia, đây tiếp tục là một trong những vấn đề chi phối nhất đối với kinh tế thế giới. Sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, các vấn đề của thị trường lao động, năng lượng… sẽ mang lại những tác động khác nhau đối với tình hình lạm phát trên thế giới trong năm 2023.

Nhiều yếu tố tác động đến lạm phát

Áp lực lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục giảm trong quý I/2023. Theo Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, lạm phát toàn cầu sẽ đạt 6,5% vào năm 2023, sau đó giảm xuống 4,5% vào năm 2024. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhu cầu giảm sẽ là những yếu tố chính góp phần vào hạn chế tăng trưởng lạm phát. Tuy nhiên, áp lực lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi dự kiến ​​vẫn tiếp diễn trong năm 2023 do tỷ giá của đồng USD vẫn còn cao, dự trữ ngoại hối thấp, sự tăng giá hàng hóa và năng lượng.

Giá năng lượng được dự báo tăng cao, quá trình phi toàn cầu hóa đang diễn ra, các vấn đề về cơ cấu thị trường lao động và sự phục hồi kinh tế nhanh hơn dự kiến ở Trung Quốc tiếp tục là những rủi ro chính và có thể đẩy nhanh tốc độ tăng giá trong năm 2023. Bên cạnh đó, sức mua của người tiêu dùng trong năm 2023 được dự báo giảm bởi giá các mặt hàng thiết yếu và lãi suất tăng cao.

Nền kinh tế Trung Quốc đã bị tăng trưởng chậm lại khi nước này mở cửa trở lại vào tháng 12/2022 sau thời gian dài áp dụng chính sách “Zero-Covid”. Tuy nhiên, việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ giải phóng nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén. Điều này sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong nửa cuối năm 2023, tạo động lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình này cũng có thể thúc đẩy tăng giá hàng hóa, đặc biệt là đối với các mặt hàng kim loại, năng lượng và các sản phẩm nông nghiệp. Trong năm 2021, ngành xây dựng của Trung Quốc chiếm 12% chi tiêu toàn cầu đối với các sản phẩm kim loại, trong khi ngành linh kiện điện tử của nước này tiêu thụ 9% hàng hóa công nghệ cao toàn cầu.

Mặt khác, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn ở Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi mức tiêu thụ hàng hóa của các nước xuất khẩu lớn (Malaysia, Indonesia, Thái Lan…) tại nước này tăng cao. Nhu cầu tăng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là chất xúc tác bổ sung thúc đẩy giá hàng hóa tăng nhanh hơn vào năm 2023.

Giá cao hơn làm giảm thu nhập của người tiêu dùng

Bất chấp các thị trường lao động mạnh giúp duy trì tăng trưởng tiền lương, tăng trưởng thu nhập khả dụng thực tế của người tiêu dùng được dự báo không lạc quan trong thời gian tới do lạm phát cao làm xói mòn thu nhập và ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu. Thu nhập khả dụng bình quân đầu người toàn cầu được dự báo chỉ tăng 0,1% theo giá trị thực vào năm 2023 và 1,5% vào năm 2024.

Tiền tiết kiệm cao được tích lũy trong đại dịch Covid-19 đã tạm thời giúp giảm thiểu tác động của lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng chi tiêu. Tuy nhiên, hiệu ứng này sẽ suy yếu khi người tiêu dùng phải đối mặt với chi phí tăng của hàng hóa thiết yếu. Ngoài ra, lãi suất cao hơn làm tăng chi phí nhà ở, đồng thời làm hạn chế sự sẵn sàng vay nợ của người tiêu dùng để mua các hàng hóa đắt tiền.

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng có thu nhập thấp ở các thị trường mới nổi. Theo Chỉ số chi phí sinh hoạt của Euromonitor International (đo lường chi phí sinh hoạt giữa các nhóm người tiêu dùng có thu nhập khác nhau tại một quốc gia), người tiêu dùng có thu nhập thấp ở các thị trường mới nổi có chi phí sinh hoạt tăng nhanh hơn trong giai đoạn 2018 - 2023 khi họ phải chi tiêu nhiều thu nhập hơn đối với hàng hóa thiết yếu, do đó họ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều hơn khi giá lương thực hoặc giá nhà ở tăng.

Áp lực lạm phát

Lạm phát ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất đang có dấu hiệu đạt đỉnh khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và nhu cầu điều tiết giúp hạn chế tăng trưởng giá. Dự báo lạm phát của các nền kinh tế chủ chốt hầu như không thay đổi so với quý IV/2022. Tuy nhiên, những vấn đề trên thị trường lao động tiếp tục đẩy giá dịch vụ tăng cao và đe dọa sự ổn định giá cả.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trong năm 2022 làm cho phần lớn các khu vực trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung, trong khi giá dầu, khí đốt và điện tăng mạnh. Cuộc khủng hoảng này vẫn còn khó lường và sẽ chưa kết thúc trong năm 2023.

Lạm phát tại Hoa Kỳ được dự báo đạt 4% vào năm 2023 và 2,5% vào năm 2024. Giá năng lượng và hàng hóa sản xuất thấp, cũng như tác động của lãi suất cao hơn giúp hạn chế lạm phát tại quốc gia này. Mặc dù vây, lạm phát cơ bản cao, các vấn đề về thị trường lao động, cũng như sự mất cân đối cung cầu lao động sẽ tác động tới sự ổn định giá cả ở Hoa Kỳ.

Lạm phát ở Trung Quốc được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 2,5% vào năm 2023 và 2,3% vào năm 2024. Việc mở cửa lại nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén được giải tỏa sẽ làm lạm phát tăng nhẹ. Tuy nhiên, lạm phát ở Trung Quốc vẫn ở mức thấp so với các nền kinh tế lớn khác. Tăng trưởng kinh tế nhanh hơn ở Trung Quốc cũng có thể dẫn đến nhu cầu cao hơn đối với hàng hóa và gây thêm áp lực về giá.

Lạm phát ở Anh được dự báo đạt 7,3% vào năm 2023 và 3,2% vào năm 2024. Tác động thu hẹp của việc thắt chặt tài chính đối với các hoạt động kinh tế và tiêu dùng cá nhân, giá hàng hóa ổn định hơn và cơ sở so sánh cao hơn được dự báo làm giảm một số áp lực lạm phát. Tuy nhiên, những cú sốc tiềm ẩn về giá năng lượng và lương thực cũng như các vấn đề về thị trường lao động tiếp tục là mối đe dọa đối với sự ổn định giá cả ở Anh.

Lạm phát ở Ấn Độ được dự báo đạt 5,2% vào năm 2023 và ở mức 5,0% vào năm 2024. Giá lương thực thấp hơn và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ góp phần giúp ổn định giá cả. Chi phí đi vay cao hơn, nhu cầu tiêu dùng giảm và giá cả hàng hóa ổn định ​​sẽ làm giảm tốc độ tăng giá tiêu dùng trong năm 2023 tại nước này.

Cú sốc giá năng lượng tiềm tàng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng là một trong những rủi ro chính đối với lạm phát vào năm 2023. Các nền kinh tế lớn nhất Eurozone phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu như Đức, Ý và Tây Ban Nha được dự báo có tỷ lệ lạm phát lần lượt là 6,7%, 7,2% và 4,5% vào năm 2023. Việc Nga bị loại khỏi thị trường khí đốt châu Âu và nhu cầu khí đốt ngày càng tăng ở Trung Quốc cũng là những yếu tố tiềm ẩn có thể đẩy nhanh áp lực lạm phát.

Bảo Lê

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 1 lượt bình chọn
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%