Giá cả hàng hóa thế giới sụt giảm trong đầu năm 2023

Giá cả hàng hóa thế giới sụt giảm trong đầu năm 2023 23/03/2023 10:30:00 675

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Giá cả hàng hóa thế giới sụt giảm trong đầu năm 2023

23/03/2023 10:30:00

Trong bối cảnh căng thẳng địa - chính trị chưa có dấu hiệu kết thúc giữa Nga và Ukraine, nhưng sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc và nhiều nền kinh tế lớn đang giảm tốc đã góp phần hạ nhiệt đà tăng giá hàng hóa của thế giới.

Đối với giá hàng hóa thế giới

Theo IMF Commodity Prices (tháng 02/2023), chỉ số giá hàng hóa (bao gồm cả chỉ số giá nhiên liệu và phi nhiên liệu) trong tháng 01/2023 giảm 6,1% so với tháng 12/2022 khi đạt 182,11 điểm. Trong đó, giá khí đốt tự nhiên giảm gần 40% khi đạt 290,3 điểm; tiếp đó là giá năng lượng giảm 13,6% khi đạt 223,3 điểm; chỉ số giá than cũng giảm 11% khi đạt 414,5 điểm; giá lạc giảm gần 7% khi đạt 2355 điểm; giá phân bón giảm gần 3% khi đạt 284,2 điểm; giá Niken giảm 2,5% khi đạt 28271,5 điểm.

Trong mấy tuần đầu năm 2023, thị trường nông sản thế giới cũng đều trải qua đợt giảm mạnh đối với hầu hết giá các loại nông sản. Trong đó, giá ngô ghi nhận mức giảm 6%, giá lúa mì lao dốc và thấp hơn 12% so hồi đầu năm 2023. Theo báo cáo của Công ty tư vấn Safras & Mercado, xuất khẩu ngô trong tháng 02/2023 của Brazil sang Trung Quốc đã giảm mạnh. Theo đó, các lô hàng ngô từ Brazil tới Trung Quốc trong tháng 02 chỉ đạt 70.000 tấn, thấp hơn nhiều so với mức 983.700 tấn của tháng 01/2023 và hơn 1 triệu tấn của tháng 12/2022. Theo Safras & Mercado, nguyên nhân là do nông dân Brazil đang ưu tiên cho hoạt động bán đậu tương hơn, khi mà hoạt động thu hoạch có nhiều tiến bộ. Bên cạnh đó, người mua từ Trung Quốc cũng chuyển sang mua nhiều ngô nhiều hơn từ Hoa Kỳ và Ukraine.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá cả hàng hóa của thế giới cũng có xu hướng giảm, cụ thể là giảm gần 5%. Chỉ số giá cả của một số mặt hàng ghi nhận mức giảm lớn như giá khí đốt tự nhiên giảm 25,4%, giá cà phê giảm 23,7%, chỉ số giá đồ uống giảm 14,6%, giá năng lượng giảm 7,5%, giá kim loại cơ bản giảm gần 5% và giá phân bón giảm 3,6%.

Giá cả thị trường ngũ cốc thế giới được dự báo chưa có nhiều chuyển biến tích cực khi đại diện của Nga tham gia vào vòng đàm phán tại Geneva cho biết, Nga sẵn sàng gia hạn thỏa thuận vào ngày 18/03, nhưng chỉ trong thời gian ngắn hơn là 60 ngày. Nguyên nhân là do chỉ có một phần của thỏa thuận được thực hiện và hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Nga vẫn bị cản trở. Trong khi đó, Ukraine đã phản đối đề nghị trên và cho rằng thỏa thuận chỉ có thể được gia hạn thêm ít nhất là 120 ngày. Trước đó, Nga và Liên hợp quốc đã bắt đầu đàm phán về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc sau khi Nga chỉ trích thỏa thuận này không hợp lý vì không coi trọng phần xuất khẩu của Nga.

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, thường được gọi là thỏa thuận ngũ cốc giữa Liên hợp quốc và Ukraine, Nga được ký vào tháng 7/2022 đã giúp khơi thông dòng xuất khẩu ngũ cốc bị mắc kẹt tại đây kể từ khi nổ ra xung đột giữa hai nước trên vào tháng 02/2022. Đến nay, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 24 triệu tấn ngũ cốc tại khu vực đã được xuất khẩu ra thế giới. Thỏa thuận đã được gia hạn vào tháng 11/2022 và được tự động gia hạn vào 18/3, nếu Ukraine hay Nga không phản đối.

Đối với giá dầu

Giá dầu thế giới tháng 02/2023 có xu hướng giảm trong bối cảnh rủi ro tài chính tiếp tục gia tăng; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ vẫn được thực hiện tại nhiều quốc gia và khu vực. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA), giá dầu WTI bình quân giao ngay tính đến cuối tháng 02/2023 ở mức 76,8 USD/thùng (giảm 1,7% so với tháng 01/2023), giá dầu Brent bình quân giao ngay ở mức 82,6 USD/thùng (tăng 0,1% so với tháng trước). Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, giá dầu WTI và Brent bình quân giao ghi nhận mức giảm khá lớn khi lần lượt là 16,2% và 15,0%.

Trong đầu tháng 3/2023, giá dầu vẫn thể hiện chiều hướng giảm khi kết thúc phiên giao dịch ngày 14/3, thị trường năng lượng chứng kiến phiên sụt giảm mạnh mẽ của cả hai loại mặt hàng dầu thô WTI và Brent với mức giảm lần lượt là 4,64% xuống 71,33 USD/thùng và 4,11% xuống 77,45 USD/thùng. Lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên giao dịch khi những rủi ro từ sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) từ trước đó và hệ thống ngân hàng liên đới khác có thể gặp bất lợi, tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý thị trường và thúc đẩy áp lực bán đối với dầu thô. Lo ngại suy thoái kinh tế làm suy yếu nhu cầu, trong khi nguồn cung được đảm bảo, ít nhất là trong ngắn hạn, làm giảm giá dầu. Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ dự báo, sản lượng dầu đá phiến của nước này trong tháng 4/2023 sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2019, tương đương với mức tăng 68.000 thùng/ngày lên 9,21 triệu thùng/ngày.

Có cùng dự báo nguồn cung ổn định, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2023 nhìn chung không thay đổi ở mức 2,3 triệu thùng/ngày, đưa mức tiêu thụ trung bình trong năm đạt 101,9 triệu thùng/ngày. Trong đó, OPEC dự kiến nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 710.000 thùng/ngày vào năm 2023, tăng so với dự báo 590.000 thùng/ngày của tháng trước. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong nhu cầu tại khu vực các nước phát triển OECD châu Mỹ và châu Âu đã hạn chế các tác động tích cực đối với bức tranh tiêu thụ toàn cầu, từ đó khó đẩy giá dầu tăng trong thời gian tới.

EIA (tháng 02/2023) dự báo giá dầu Brent bình quân sẽ giảm từ 100,94 USD/thùng năm 2022 xuống mức 82,95 USD/thùng trong năm 2023 và 77,57 USD/thùng năm 2024. Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam dự báo trong vài tháng tới, giá dầu vẫn còn nhiều áp lực và có thể xuống dưới 70 USD/thùng, khi các yếu tố vĩ mô tiêu cực đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là quan ngại về rủi ro suy thoái kinh tế tại các nước châu Âu và Bắc Mỹ có thể hạn chế nhu cầu tiêu thụ dầu. Cùng với đó, việc nguồn cung cũng đang tương đối dồi dào so với nhu cầu, ít nhất là trong ngắn hạn, cũng là yếu tố kiềm chế đà hồi phục của giá dầu.

Trước những thông tin tiêu cực gây sức ép tới giá dầu, Bộ trưởng năng lượng của Saudi Arabia trong cuộc phỏng vấn với Energy Intelligence cho rằng, liên minh OPEC+ sẽ tuân thủ các thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào tháng 10 cho đến cuối năm nay. Theo đó, dự luật chống sự độc quyền do Thượng viện Hoa Kỳ đề xuất là một khái niệm khác với các mức trần giá các nước phương Tây áp đặt đối với Nga, nhưng chúng có tác động tiềm tàng tương tự đối với thị trường dầu mỏ. Đồng thời, nếu áp đặt trần giá đối với xuất khẩu dầu của Saudi, nước này sẽ không bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào áp đặt trần giá đó và sẽ giảm sản lượng dầu.

Trong Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu được công bố ngày 10/01/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, tăng trưởng kinh tế đang chậm lại đáng kể khi dự báo tăng trưởng 1,7% trong năm 2023 (thấp hơn mức 3% so với dự báo của tháng 6/2022). Trong đó, WB cũng lưu ý một số áp lực lạm phát bắt đầu giảm dần khi năm 2022 kết thúc với đà giảm của giá năng lượng và hàng hóa. Trước đó, vào tháng 10/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo toàn cầu xuống 2,7% trong năm 2023 (giảm 0,2% so với dự báo tháng 7/2022). Trong đó, IMF cũng dự báo lạm phát thế giới giảm xuống mức 6,5% trong năm 2023 và tiếp tục giảm xuống 4,1% vào năm 2024.

Hải An

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%