Trong năm qua, ngành Hải quan đã tích cực triển khai các biện pháp chống thất thu thuế, đi đôi với cải cách hành chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi xuất - nhập khẩu. Việt Nam cũng là một trong những điểm “nóng” các đối tượng buôn lậu hướng tới khi mượn đường trung chuyển, quá cảnh để thẩm lậu hàng hóa, lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định để lẩn tránh, giả mạo xuất xứ Việt Nam. Do vậy, việc kiểm soát hải quan chống thất thu ngân sách phải được triển khai quyết liệt từ đầu năm 2023.
.jpg)
Đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại
Ngành Hải quan tiếp tục mở rộng và triển khai có hiệu quả Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN; triển khai kết nối trao đổi tờ khai hải quan ASEAN; kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật. Tính đến ngày 15/12/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính (TTHC) của 13 bộ, ngành kết nối với hơn 5 triệu bộ hồ sơ.
Ngành Hải quan đã áp dụng các biện pháp, giải pháp chống thất thu thuế, thực hiện miễn, giảm, hoàn thuế, ưu đãi thuế, qua đó đã tăng thu NSNN. Năm 2022, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 352 nghìn tỷ đồng và đặt chỉ tiêu phấn đấu 420 nghìn tỷ đồng. Kết thúc năm 2022, toàn ngành Hải quan thu ngân sách đạt 437.383,3 tỷ đồng, vượt 24% so với dự toán, vượt chỉ tiêu phấn đấu và giữ đà tăng khả quan so với cùng kỳ. Trong năm 2022, ngành Hải quan đã áp dụng các tiêu chí và đảm bảo phân luồng cho hơn 14,5 triệu tờ khai hàng hóa xuất - nhập khẩu với tỷ lệ tờ khai lường xanh là 65,14%; luồng vàng là 30,58% và luồng đỏ là 4,28%.
Song song với nhiệm vụ tài chính - ngân sách, năm 2022, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh thực hiện chống buôn lậu về hàng cấm, bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng, tập trung các mặt hàng cấm nhập khẩu, xuất khẩu. Đặc biệt, ngành Hải quan tăng cường đấu tranh phòng chống ma túy ở tất cả các địa bàn hải quan, đặc biệt qua tuyến hàng không, đường bộ và đường biển. Về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số khoảng 16.031 vụ việc vi phạm, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.791 tỷ đồng, tăng 113%; số thu NSNN đạt 425,6 tỷ đồng, tăng 46,8 %, cơ quan hải quan khởi tố 45 vụ, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 112 vụ. Trong đó, có vụ trị giá hàng hóa lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Đạt được kết quả tích cực là do nhiều biện pháp tiên tiến được áp dụng như: Khuyến khích các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đối tượng trọng điểm, hàng hóa có độ rủi ro cao…, góp phần hài hòa giữa yêu cầu tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, thúc đẩy việc thông quan nhanh hàng hóa, giảm thiểu các chi phí phát sinh cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cơ quan chống gian lận châu Âu (OLAF) đã ký Thỏa thuận hợp tác hành chính trong lĩnh vực hải quan giữa Bộ Tài chính với OLAF. Thỏa thuận này có vai trò quan trọng trong hỗ trợ và nâng cao hiệu quả thực thi Nghị định thứ 2 về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với các nội dung cơ bản là hợp tác hỗ trợ hành chính, chia sẻ thông tin nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế.
Kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp gian lận
Tác động của kinh tế thế giới cũng như những cam kết cắt giảm thuế quan đang đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động xuất - nhập khẩu của Việt Nam nói chung và số thu NSNN năm 2023 của ngành Hải quan nói riêng. Để hoàn thành nhiệm vụ thu, Tổng cục Hải quan đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 479/CT-TCHQ ngày 06/02/2023 về thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu NSNN.

Trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần theo dõi sát sao tình hình thu NSNN, các tác động ảnh hưởng đến thu NSNN như việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, sự biến động của giá dầu, sự biến động của kim ngạch xuất - nhập khẩu có thuế, các khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế, các cam kết hội nhập quốc tế để kịp thời đề xuất các giải pháp.
Về công tác trị giá, cơ quan Hải quan định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất rà soát, đề xuất xây dựng sửa đổi, bổ sung danh mục rủi ro về trị giá đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu và mức giá tham chiếu kèm theo phù hợp với tình hình biến động giá của hàng hóa xuất - nhập khẩu. Cùng với đó, cơ quan hải quan cũng cần tập trung rà soát các tờ khai hải quan trên Hệ thống thông tin quản lý dữ liệu giá tính thuế (Hệ thống GTT02) hoặc đề xuất ban hành văn bản để kịp thời chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện đúng quy định về kiểm tra trị giá, tránh trường hợp bỏ sót, bỏ lọt các lô hàng có mức giá khai báo thấp, bất hợp lý nhưng không được kiểm tra, tham vấn tại khâu thông quan hoặc khâu sau thông quan.
Đối với công tác miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, cơ quan hải quan cần rà soát, kiểm tra các trường hợp miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, không chịu thuế theo hướng dẫn; chỉ đạo các đơn vị đánh giá rủi ro, thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế sau khi hoàn thuế để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp gian lận, trục lợi đối với hình thức hoàn trước, kiểm sau; tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế tại các cục hải quan các tỉnh, thành phố.
Các bộ, ngành cần phối hợp tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống gian lận, giả mạo xuất xứ; chuyển tải bất hợp pháp để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp, trong đó tập trung triển khai các nội dung liên quan đến mặt hàng xuất - nhập khẩu hoặc thị trường cụ thể và ban hành các văn bản chỉ đạo về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả chống gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ; ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thường xuyên kiểm tra và xử lý hàng hóa tồn đọng trong địa bàn hải quan đặc biệt tại các đơn vị có lượng hàng tồn đọng lớn...
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thuế, hải quan cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần nâng cao tính tuân thủ pháp luật, kê khai trung thực chính xác về lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế; minh bạch trong cung cấp các tài liệu, chứng từ đối với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu….
Ngọc Mai