Nỗ lực tìm giải pháp “ứng phó” với giảm thu ngân sách

Nỗ lực tìm giải pháp “ứng phó” với giảm thu ngân sách 27/04/2023 16:25:00 916

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Nỗ lực tìm giải pháp “ứng phó” với giảm thu ngân sách

27/04/2023 16:25:00

(Thuenhanuoc.vn) Trong bối cảnh thu ngân sách đang có xu hướng giảm ở nhiều lĩnh vực, sắc thuế, ngày 27/4 Tổng cục Thuế đã triển khai hội nghị trực tuyến tới 413 chi cục và 63 cục thuế nhằm tìm giải pháp tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2023. Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định, giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ thu ngân sách vẫn được đặt lên hàng đầu, do đó cần phải có giải pháp căn cơ nhất, thiết thực nhất, cụ thể nhất với từng địa bàn, từng khoản thu, từng sắc thuế.  

Thu ngân sách đang có xu hướng giảm nhanh

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, nhiệm vụ thu ngân sách quý I/2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn... đã tác động đến thu NSNN trong quý 1/2023. Tổng thu NSNN 3 tháng đầu năm 2023 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 430.535 tỷ đồng, bằng 31,4% dự toán, bằng 105,5% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, thu dầu thô ước đạt 15.883 tỷ đồng bằng 37,8% dự toán, bằng 90,8% so cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 414.653 tỷ đồng, bằng 31,1% dự toán, bằng 106,1% so cùng kỳ, trong đó thu thuế phí nội địa ước đạt 332.234 tỷ đồng bằng 31,1% dự toán, bằng 107,1% so cùng kỳ.

Đánh giá của Tổng cục Thuế, mặc dù thu quý I đạt 31,4% dự toán, tăng 5,5% so cùng kỳ, nhưng tiến độ thu ngân sách thấp hơn 2 năm liền kề trước đó. Số thu qua các tháng có dấu hiệu suy giảm nhanh, tính chung 3 tháng, nếu loại trừ các khoản thu sau quyết toán và đột biến phát sinh năm 2022 nộp trong năm 2023, thì thu nội địa quý I cả nước chỉ bằng bằng 19,1% dự toán, bằng 84,6% so cùng kỳ. Đáng chú ý, nhiều khoản thu trọng yếu thu trong quí I đều thấp hơn cùng kỳ năm trước như thuế GTGT bằng 95,5%, TTĐB bằng 92,9%, TNCN bằng 97,3%… Mức giảm thu diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại nhiều địa phương như: bất động sản bằng 54,9%; ô tô bằng 73%; chứng khoán bằng 42,6%; dầu khí bằng 88,1% so cùng kỳ…

Tại hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe chia sẻ của đại diện các cục thuế địa phương và các đơn vị của Tổng cục Thuế. Theo ông Đỗ Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên, trong 4 tháng đầu năm, thu ngân sách từ các ngành, lĩnh vực như thép, điện tử, khai khoáng, xi măng… có chiều hướng chậm lại, thậm chí giảm. Trước thực tế này, Cục Thuế Thái Nguyên đã đặt ra quyết tâm, cùng các giải pháp quyết liệt, trong đó trọng tâm vào 3 vấn đề lớn. Cục Thuế đã chủ động làm việc với các DN trọng điểm, có số nộp ngân sách lớn trên địa bàn; thực hiện rà soát từng trường hợp… đảm bảo khả năng thu theo dự báo của cả năm. Đến nay, Cục Thuế đang làm việc với 30 DN. Về công tác thanh tra, kiểm tra, ông Nghĩa nhấn mạnh đây được xem là công cụ hiệu quả trong quản lý thuế, bao gồm kiểm tra tại địa bàn. Vì vậy, chỉ riêng năm 2022, toàn tỉnh Thái Nguyên truy thu được hơn 300 tỷ đồng, gấp 10 lần so với những năm gần đây và đứng thứ 10 trong cả nước. Trên cơ sở này, trong năm 2023 Cục Thuế Thái Nguyên tiếp tục làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, trước hết tập trung vào việc phân tích rủi ro, góp phần bù đắp khoản hụt thu.

Một lĩnh vực khác cũng đã và đang được Cục Thuế Thái Nguyên tập trung triển khai, đảm bảo quản lý thu đó là thu tiền sử dụng đất. Xác định đây là nội dung khó khăn nên ngay từ năm 2022, Cục Thuế đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng chi tiết cụ thể thời gian thực hiện đến từng dự án từ công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh chủ trương đầu tư… qua đó chỉ đạo UBND các huyệt, thị xã giao cho từng ngành chủ trì. Đồng thời yêu cầu hàng tháng kiểm tiến độ đã đăng ký. Ông Nghĩa cũng chia sẻ, công tác thu ngân sách trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ dadoj của Lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh. Vì vậy, các giải pháp thu mà Cục Thuế tham mưu đều được Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu triển khai.

Trong khi đó, là một trong những địa phương có số thu lớn nhất cả nước, Cục Thuế Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao, Cục Thuế tập trung vào các nhóm giải pháp đã triển khai hiệu quả. Theo đó, Cục Thuế xác định việc triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ và giải pháp điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế sẽ là ”liều thuốc” bổ hỗ trợ đáng kể về nguồn vốn với DN để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó đóng góp trở lại cho NSNN.

Cùng với việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến đầy đủ các đối tượng thụ hưởng, Cục Thuế còn thường xuyên cập nhật, đánh giá chính xác tác động của việc triển khai các giải pháp hỗ trợ, cũng như lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đến thu NSNN. Mặt khác, Cục Thuế đã và đang tiếp tục triển khai quản lý chặt chẽ đối tượng nộp thuế, bao gồm cả DN, tổ chức, cá nhân trên cơ sở nắm bắt, cập nhật đầy đủ, kịp thời các thông tin định danh, thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, giám sát chặt chẽ tình hình kê khai, thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Trong đó, đối với DN, cơ quan thuế rà soát, điều chỉnh phân công quản lý lại theo hướng chuyên sâu, phát huy kinh nghiệm, hiệu quả của từng phòng thanh tra, kiểm tra cũng như cân đối hơn về số thu, tỷ lệ người nộp thuế/công chức thuế giữa các đơn vị để từ đó nâng cao hơn hiệu lực quản lý, giám sát kê khai, kiểm tra tại bàn. Đối với hộ, cá nhân kinh doanh, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp với áp dụng bản đồ số giám sát công tác quản lý... Công khai thông tin các DN mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, hóa đơn của DN bỏ địa chỉ kinh doanh để cảnh báo; triển khai thu hồi, xử lý nợ hiệu quả, đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin; thường xuyên quán triệt, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật...

Nhiệm vụ thu vẫn là ưu tiên hàng đầu

Trước tình hình này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh yêu cầu các địa phương cần bám sát chỉ đạo của Tổng cục Thuế đối với công tác quản lý thuế, đặc biệt phải trên nền tảng hiện đại hóa. Cụ thể, cùng với việc tăng cường kiểm tra đối soát quản lý và điều chỉnh hộ khoán đảm bảo cân đối hợp lý giữa các địa bàn và ngành nghề kinh doanh; tăng cường khai thác dữ liệu qua sàn thương mại điện tử, song song với quản lý truyền thống.  

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cũng đề nghị Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa và hộ kinh doanh cá nhân khẩn trương ban hành quy trình xử lý dữ liệu thương mại điện tử; chỉ đạo các cục thuế đôn đốc người kinh doanh qua sàn thương mại điện tử đối chiếu với dữ liệu, tiến tới thực hiện theo nguyên tắc người nộp thuế tự khai, tự nộp.

Đối với triển khai hóa đơn điện tử hỗ trợ quản lý hộ kinh doanh, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh yêu cầu triển khai quyết liệt, đảm bảo cuối năm nay hoàn thành thí điểm tại 4 TP (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng và Quảng Ninh). Đối với chương trình hóa đơn may mắn cùng với việc khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ; cơ quan thuế cần khẩn trương xây dựng và ban  hành nghị định về nội dung này, qua đó tạo nguồn ổn định cho ngân sách.

Trong lĩnh vực bất động sản, tiếp tục bám sát với tinh thần phối hợp với cơ quan công chứng, tài nguyên môi trường; chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu về giá. Liên quan đến việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, cơ quan thuế rà soát, đánh giá tác động đối với khối DN đầu tư nước ngoài tại địa bàn và đề xuất giải pháp khả năng áp dụng trong năm 2024. 

Trong khi đó, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng, trước tình hình kinh tế có nhiều khó khăn ảnh hưởng lớn đến công tác thu ngân sách, vì vậy toàn ngành cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền cũng như có chính sách động viên người dân và DN. Phó Tổng cục trưởng Vũ Chí Hùng cũng thông tin, để đảm bảo chống thất thu, gian lận hóa đơn, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và truyền thông trong đó đưa ra danh sách một số trang web, tài khoản xã hội có nội dung liên quan đến mua bán, gian lận hóa đơn.

Trên cơ sở các ý kiến tham gia góp ý, kết luận hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn nhấn mạnh, để thưc hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách cả năm 2023, ngành Thuế phải có phân tích, đánh giá cũng như tìm giải pháp căn cơ nhất, thiết thực nhất, cụ thể nhất với từng địa bàn, từng khoản thu, từng sắc thuế. Trên cơ sở thực hiện 10 nhiệm vụ và 22 nhóm giải pháp đã được Tổng cục Thuế chỉ đạo triển khai ngay từ đầu năm, các cục thuế cần tập trung bám sát các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, triển khai thực hiện tốt các gói hỗ trợ về thuế, phí cho DN và người dân, tháo gỡ khó khăn, tạo đà khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian ngắn nhất, qua đó tạo nguồn thu. Mặt khác, tập trung vào một số giải pháp để tìm kiếm nguồn thu, bù đắp một số khoản thu, sắc thuế có thể giảm ở một số lĩnh vực. Cụ thể, rà soát lại ưu đãi thuế, tập trung vào một số lĩnh vực như liên doanh liên kết để khai thác tăng thu.

Theo Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn, đây là nội dung đã được nhiều địa phương triển khai, nhưng cần tích cực hơn để có hướng dẫn DN đảm bảo thực hiện đúng quy định.  Bên cạnh đó, các cục thuế cũng cần chú trọng vào một số lĩnh vực khác như cho thuê nhà, chuỗi nhà hàng, cafe, khách sạn, giáo dục, y tế, thể dục thể thao…Ngành Thuế cũng thực hiện quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ thuế, hạn chế phát sinh nợ mới; chú trọng thanh tra, kiểm tra ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thất thu thuế như hoạt động thương mại điện tử; kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Thúy Nga

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%