Phát triển dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh, thương mại hiện nay: Thực tiễn vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung

Phát triển dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh, thương mại hiện nay: Thực tiễn vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung 10/04/2023 16:37:00 1567

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Phát triển dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh, thương mại hiện nay: Thực tiễn vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung

10/04/2023 16:37:00

TS PHAN THỊ SÔNG THƯƠNG - HỒ THỊ KIM THÙY

Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ

(Theo Tapchicongsan.org.vn) - Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, do đó, quy mô thị trường dịch vụ logistics ngày càng được mở rộng. Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng trung tâm logistics mang tầm khu vực và quốc tế; tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ nhằm phát huy tốt vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của dịch vụ logistics.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát Khu cảng biển Chu Lai_Ảnh: TTXVN

Thực tiễn chính sách quy hoạch và phát triển dịch vụ logistics hiện nay

Phát triển dịch vụ logistics là nhiệm vụ quan trọng, luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; nhiều chính sách phát triển của Nhà nước được đề ra(1) nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển mạng lưới trung tâm logistics, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu của hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa; đồng thời, khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ logistics của Việt Nam; đồng thời, nâng cao trình độ, đạt mức tiên tiến trong khu vực và thế giới, đưa ngành logistics vượt qua khó khăn, thách thức, từ đó, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước. Nhìn chung, công tác xây dựng, phát triển dịch vụ logistics ở vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) được thể hiện chủ yếu trên các khía cạnh sau:

Thứ nhất, đối với vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, các địa phương chưa có những chính sách cụ thể cho phát triển dịch vụ logistics, mà sẽ lồng ghép trong các chương trình, chính sách phát triển chung của các ngành, lĩnh vực khác; thêm vào đó, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực logistics gặp nhiều khó khăn, hạn chế khi mà nhiều đơn vị chồng chéo, trùng lặp về mặt chức năng, như sở công thương, sở giao thông vận tải, sở kế hoạch và đầu tư, cảng vụ hàng hải, cảng vụ hàng không,... Mặt khác, hoạt động liên kết xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển dịch vụ logistics giữa các địa phương vùng KTTĐMT chưa được triển khai vì mới chỉ có các hoạt động mang tính tuyên truyền, phổ biến, trao đổi qua một số phương tiện truyền thông, chưa có cơ chế mang tính ràng buộc. Những hoạt động liên kết các địa phương trong Vùng hiện được thông qua Ban Điều phối Vùng và Hội đồng Vùng dành cho 9 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, cụ thể:

Ban Điều phối Vùng(2) thống nhất cơ cấu tổ chức và cơ chế điều phối liên kết vùng cũng như các nội dung liên kết, hợp tác phát triển; tuy vậy, với cơ chế liên kết tự nguyện, Ban Điều phối Vùng chưa phát huy hết vai trò và hiệu quả trong điều phối hoạt động của các địa phương vùng KTTĐMT. Hiện nay, hoạt động của Ban Điều phối Vùng phải tạm dừng do chưa có các thành viên ban điều phối mới thay thế, nhất là chưa có thành viên đảm nhiệm vị trí chủ tịch.

Hội đồng vùng KTTĐMT(3) có vai trò quan trọng trong thực hiện công tác phối hợp giữa các địa phương trong Vùng, đồng thời tăng cường sự liên kết khi cùng xây dựng quy hoạch và chính sách phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, Hội đồng Vùng chủ yếu triển khai công tác phối hợp thông qua các hội thảo, tọa đàm khoa học và tham vấn chính sách (như Hội thảo “Liên kết xây dựng hệ thống và trung tâm logistics tại vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung” (năm 2016), tập trung phân tích, đánh giá tiềm năng, cơ hội và thách thức trong việc phát triển hệ thống và trung tâm logistics tại vùng KTTĐMT, đồng thời đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống và trung tâm logistics tại Vùng trong thời gian tới); tuy vậy, kết quả của các hội thảo mới chỉ dừng lại ở bước nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu về tầm quan trọng của liên kết phát triển dịch vụ logistics tại vùng KTTĐMT, chưa tạo ra sự kết nối giữa các địa phương. Như vậy, vai trò, khả năng và trách nhiệm của Hội đồng Vùng chưa thực sự được phát huy, bởi thiếu cơ chế hoạt động có tính pháp lý cũng như thiếu nguồn lực vận hành hiệu quả.

Thứ hai, hoạt động liên kết thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng logistics tại vùng KTTĐMT đang được một số địa phương chú trọng triển khai, cụ thể:

Tỉnh Bình Định đã chủ động lồng ghép với các hoạt động đối ngoại nhằm thúc đẩy, mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế về logistics thông qua việc tăng cường liên kết với các hiệp hội và doanh nghiệp dịch vụ logistics trong vùng hoặc quốc tế; từ đó, thu hút các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp của tỉnh; mời gọi các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh tham dự các chương trình hội thảo, hội nghị về phát triển dịch vụ logistics (Hội thảo trực tuyến “Logistics Hà Lan Việt Nam: Xác định cơ hội và kết nối đối tác” do Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức; Hội nghị tập huấn kiến thức về logistics với nội dung “Thúc đẩy giao hàng chặng cuối gắn với thương mại điện tử trong tình hình dịch COVID-19”). Ngoài ra, tỉnh cũng đã chủ động mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các địa điểm quy hoạch phát triển trung tâm logistics trên địa bàn (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước và xã Canh Vinh, huyện Vân Canh); chú trọng xây dựng quy hoạch, hình thành mạng liên kết logistics công nghiệp tam giác Phương Mai - Vân Canh - An Nhơn, với trục trung tâm phân phối An Nhơn - Diêu Trì,...

Đối với tỉnh Quảng Nam, trong kế hoạch liên kết thu hút đầu tư, thực hiện liên kết vùng giai đoạn 2021 - 2025 của vùng KTTĐMT và chương trình phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi đã đề ra nội dung: Đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư hoàn thiện tuyến đường ven biển xuyên suốt của các tỉnh, thành phố vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; tập trung nguồn lực để đầu tư các tuyến đường kết nối giữa vùng KTTĐMT với khu vực Tây Nguyên, trong đó, có tuyến quốc lộ 24 đi qua 2 tỉnh Quảng Ngãi - Kon Tum và kết nối với cửa khẩu quốc tế Bờ Y; đầu tư, xây dựng sân bay Chu Lai thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ hàng không trọng điểm quốc gia để khai thác tối đa lợi thế về vị trí và diện tích của sân bay (có thể mở rộng đến 4.000ha); đầu tư nâng cấp các cảng biển trong vùng KTTĐMT theo nội dung quy hoạch được duyệt, góp phần phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng KTTĐMT; xây dựng Đề án “Xây dựng vùng Chu Lai - Dung Quất trở thành vùng công nghiệp hỗ trợ trọng điểm quốc gia nhằm tạo lan tỏa, cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp của vùng miền Trung - Tây Nguyên và cả nước” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,...

Tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư phát triển Khu trung tâm lưu thông hàng hóa với tổng diện tích 40,2ha (mức đầu tư khoảng 1 nghìn tỷ đồng), bao gồm hệ thống kho, bãi, các công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật liên quan và máy móc, phương tiện, thiết bị hiện đại phù hợp để thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics (cung cấp dịch vụ kho bãi, tập kết, lưu giữ, đóng gói, xếp dỡ, phân phối hàng hóa; dịch vụ vận tải, dịch vụ làm thủ tục hải quan xuất, nhập khẩu hàng hóa, kho ngoại quan, kho lạnh,...). Trong khi đó, để giải quyết bài toán về những hạn chế, trở ngại trong hạ tầng của cảng Tiên Sa hiện nay, thành phố Đà Nẵng kêu gọi và thu hút đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu với định hướng trở thành trung tâm logictics, cảng hàng hóa đặc biệt của vùng KTTĐMT, trong đó công trình bến cảng có tổng diện tích khoảng 45,4ha với tổng vốn đầu tư dự kiến là 3,4 nghìn tỷ đồng.

Thứ ba, về liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics.

Theo báo cáo của Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, nguồn nhân lực logistics của cả nước có khoảng 1 triệu lao động, gồm 3 nhóm chính là nhân lực quản trị cao cấp, quản trị trung cấp và lao động trực tiếp (ước tính chỉ được đáp ứng khoảng 40 - 50% nhu cầu của ngành). Tỷ lệ lao động được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp chỉ chiếm khoảng 5 - 7%; 80 - 85% doanh nghiệp tự đào tạo nguồn nhân lực của mình thông qua kèm cặp, rèn tay nghề sau tuyển dụng nhiều năm. Nhân lực logistics được đào tạo thông qua công việc hằng ngày chiếm khoảng 80,2%; chỉ có 3,9% tham gia các khóa đào tạo về logistics ở nước ngoài và trong những người được học về logistics thì chỉ khoảng 10% thông thạo tiếng Anh chuyên ngành logistics.

Công tác đào tạo về dịch vụ logistics tại vùng KTTĐMT mới được chú trọng vài năm trở lại đây, tập trung tại hai địa phương là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, phổ biến ở 3 hình thức: đào tạo chính thức tại các trường đại học, trung cấp và trường nghề; đào tạo trong các hiệp hội; đào tạo trong doanh nghiệp. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam ký kết hợp tác với các hiệp hội giao nhận các nước ASEAN tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ giao nhận vận tải quốc tế cấp chứng chỉ FIATA (Liên đoàn các hiệp hội giao nhận quốc tế - International Federation of Freight Forwarders Associations), nghiệp vụ gom hàng đường biển,... Tuy nhiên, việc liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực logistics giữa ba nhóm chủ thể này hầu như chưa có. Các cơ sở đào tạo tự chủ động đưa ra kế hoạch đào tạo hằng năm mà chưa có sự gắn kết với nhu cầu của các doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng; các đơn vị quản lý nhà nước tại các địa phương trong Vùng chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ và kết nối cung và cầu của thị trường lao động trong ngành logistics.

Một số khó khăn, hạn chế

Một là, vùng KTTĐMT hiện có 4 khu kinh tế ven biển (Chân Mây, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội), 1 khu công nghệ cao (Đà Nẵng) và 19 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế. Hiện tại, các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) tập trung thu hút các dự án đầu tư về công nghiệp nặng (năng lượng, luyện cán thép, vật liệu xây dựng, chế tạo, đóng sửa chữa tàu thủy,...); trong đó, hệ thống cảng biển đóng vai trò nòng cốt trong hình thành và phát triển các KTT, KCN, tạo sức hút đầu tư ngày càng to lớn, đặc biệt là các dự án đầu tư công nghiệp nặng trở thành chỗ dựa vững chắc cho phát triển ngành công nghiệp, cũng là nguồn hàng quan trọng quyết định sự phát triển dịch vụ logistics toàn Vùng. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của một số KKT, KCN chưa cao do thiếu sự liên kết, hợp tác trong thu hút đầu tư phát triển giữa các KKT, KCN; các doanh nghiệp chủ yếu tự thực hiện hoạt động liên kết mà chưa có sự phối hợp với các ban quản lý các KKT, KCN ở địa phương trong xúc tiến, thu hút đầu tư.

Hai là, hiện chưa có quy hoạch phát triển riêng cho vùng KTTĐMT (mà được xây dựng trong nội dung quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung). Mặt khác, quy hoạch vùng được triển khai sau quy hoạch tỉnh, thành phố và quy hoạch các ngành, lĩnh vực khác nên tính tổng thể, thống nhất chưa cao, phân bổ chưa hợp lý; thiếu cơ chế phân cấp quản lý quy hoạch tương ứng khiến khâu giám sát thực hiện quy hoạch cấp vùng gần như không có, vấn đề lấy liên kết phát triển để làm căn cứ cho phát triển chưa được đề cập. Bên cạnh đó, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vẫn nặng tư duy cục bộ, địa giới hành chính, các định hướng trong liên kết phát triển riêng của dịch vụ logistics chưa xuất hiện; việc lồng ghép các nội dung liên kết phát triển vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương còn mờ nhạt và chưa được cụ thể hóa.

Ba là, yếu tố khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng đóng vai trò quan trọng, quyết định đến hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics. Kết cấu hạ tầng thông tin để phát triển hoạt động logistics bao gồm mạng lưới thông tin phục vụ kinh doanh, hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử (EDI) trong kết nối hải quan với cảng và các doanh nghiệp logistics, hệ thống internet,..; hạ tầng CNTT ở Việt Nam nói chung và vùng KTTĐMT nói riêng được cải thiện đáng kể và có mật độ phổ biến dịch vụ viễn thông thuộc loại cao trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay còn thiếu nhiều ứng dụng chuyên ngành cho phát triển dịch vụ logistics; số lượng nhà cung cấp sản phẩm CNTT logistics chuyên nghiệp còn ít, chưa xây dựng được thương hiệu uy tín. Các doanh nghiệp logistics tại các địa phương trong Vùng chủ yếu ở quy mô nhỏ, năng lực về công nghệ còn hạn chế, khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống các dịch vụ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa giữa các doanh nghiệp và giữa các đơn vị quản lý trong Vùng chưa đồng bộ; hệ thống công nghệ thông tin quản lý hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa các bên liên quan, như cơ quan hải quan, thuế, cơ quan quản lý chuyên ngành,... chưa thông suốt, tiện lợi, chưa bảo đảm được sự kết nối và xuất khẩu hàng hóa nhanh chóng, hiệu quả.

Bốn là, các địa phương trong Vùng về cơ bản chưa có sự liên kết, hợp tác trong xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực quốc gia, trong đó có quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm và các dự án liên quan đến hạ tầng logistics (cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt,...), cũng như các lĩnh vực phục vụ phát triển logistics (quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế,...). Việc liên kết hiện nay mới chỉ được thực hiện thông qua các buổi hội nghị về ngành, lĩnh vực ở một số tỉnh, thành phố vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; thông qua các diễn đàn, hiệp hội logistics (Diễn đàn logistics Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA),...), tuy nhiên các diễn đàn, hiệp hội trên chủ yếu tham gia ở công đoạn tham vấn, góp ý việc xây dựng quy hoạch hay chính sách liên kết phát triển dịch vụ logistics ở tầm quốc gia và vùng; đây là những chủ thể có vai trò quan trọng tạo ra sự kết nối, liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp logistics trong nước và quốc tế, nhưng lại chưa tạo ra tính kết nối, hỗ trợ lẫn nhau, chưa thực sự được tham gia vào công tác hoạch định chính sách phát triển dịch vụ logistics.

Những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách về dịch vụ logistics, tăng cường  kết nối liên hoàn trong chuỗi phân phối toàn Vùng.

Hiện nay, cơ chế liên kết giữa các địa phương trong Vùng về xây dựng quy hoạch và chính sách phát triển dịch vụ logistics chưa đồng bộ, phù hợp; từng địa phương chưa xây dựng chính sách cụ thể cho phát triển dịch vụ logistics, các kế hoạch hợp tác, liên kết phát triển cũng chưa được tiến hành giữa các địa phương trong Vùng về lĩnh vực này. Do đó, để bảo đảm tính hiệu lực của liên kết phát triển, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật liên quan đến hoạt động logistics; nội dung quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, chiến lược và quy hoạch các ngành, lĩnh vực cần được lồng ghép vào các vấn đề liên kết phát triển vùng, trong đó, vùng KTTĐMT (cụ thể là liên kết phát triển ngành logistics giữa các địa phương trong Vùng) là nền tảng, đầu mối quan trọng để các địa phương triển khai các hoạt động liên kết phát triển.

Thứ hai, tiếp tục cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng logistics theo hướng tăng cường sự kết nối giữa các địa phương trong vùng KTTĐMT cũng như kết nối với các vùng, khu vực khác và quốc tế.

Thực hiện xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật và mạng lưới logistics nhằm bảo đảm sự kết nối các phương thức vận tải và các thủ tục hành chính hoạt động hiệu quả trong phân phối và xuất, nhập khẩu; xác định địa điểm xây dựng các trung tâm logistics, cảng cạn, bến, bãi phục vụ lưu thông hàng hóa sản xuất trong nước và xuất, nhập khẩu; tăng cường tính kết nối với hạ tầng giao thông vận tải đường bộ, đường sắt và tiếp cận tốt các cảng biển, cảng hàng không nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển và tăng khả năng thu hút lượng hàng lưu thông có quy mô lớn. Đồng thời, xây dựng các trung tâm logistics dựa trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, điều kiện cũng như định hướng phát triển kinh tế của các địa phương trong toàn Vùng.

Thứ ba, liên kết mở rộng thị trường trên cơ sở tăng cường sự hợp tác giữa các tổ chức xã hội - nghề nghiệp; giữa các địa phương trong Vùng với các địa phương nước láng giềng (Lào, Thái Lan,...); giữa các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.

Sự hợp tác và hỗ trợ của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng nhiều tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực góp phần đẩy mạnh liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp và tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần hình thành và phát triển mạng lưới logistics của Vùng ở phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế. Tăng cường sự hợp tác với các địa phương của các nước láng giềng (Lào, Thái Lan,...) là mục tiêu ưu tiên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nguồn hàng ngày càng lớn và mở rộng thị trường ra quốc tế, từ đó dần hình thành các trung tâm logistics mang tầm khu vực. Sự liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu là nền tảng để xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp logistics của Vùng có quy mô lớn, có năng lực và khả năng dẫn dắt, mở rộng thị trường, qua đó góp phần thúc đẩy ngành logistics phát triển nhanh và hiệu quả hơn.

Thứ tưđẩy mạnh liên kết ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động logistics và các dịch vụ hỗ trợ.

Để dịch vụ logistics phát triển xứng tầm với vai trò của vùng KTTĐMT, việc đẩy mạnh liên kết ứng dụng công nghệ thông tin giữa các đơn vị trong ngành nhằm tạo ra chuỗi dịch vụ logistics được kết nối giữa các phương thức vận tải, góp phần giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp. Do đó, các địa phương trong Vùng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh liên kết, ứng dụng CNTT rộng rãi trong quản lý các hoạt động phát triển dịch vụ logistics./.

----------------------------

(1) Quyết định số 175/QĐ-TTg, ngày 27-1-2011, của Thủ  tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020”; Quyết định số 1012/QĐ-TTg, ngày 3-7-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 200/QĐ-TTg, ngày 14-2-2017, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025”, trong đó đề ra 6 mục tiêu, 60 nhiệm vụ cụ thể với nhiều giải pháp toàn diện
(2) Ban Điều phối Vùng được thành lập vào ngày 15-7-2011, tại Đà Nẵng trên cơ sở sáng kiến của lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố từ Huế đến Khánh Hòa. Đến năm 2012, kết nạp thêm 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận
(3)
 Hội đồng vùng KTTĐMT được thành lập theo Quyết định số 2059/QĐ-TTg, ngày 24-11-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020”

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%