Nhiều tín hiệu khả quan trong điều hành giá

Nhiều tín hiệu khả quan trong điều hành giá 11/05/2023 09:42:00 506

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Nhiều tín hiệu khả quan trong điều hành giá

11/05/2023 09:42:00

(Haiquanonline.com.vn) Kết quả kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước ta đang có xu hướng giảm dần qua các tháng. Điều này được các chuyên gia nhận định là tín hiệu tích cực để CPI cả năm 2023 đạt được mục tiêu đề ra.

Biểu đồ: H.Dịu

CPI đang giảm dần

CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,9%, cao hơn mức CPI bình quân chung. Nhưng xét riêng từng tháng có thể thấy, CPI đang có xu hướng giảm dần qua các tháng, tháng 4 giảm 0,34% so với tháng 3, trong khi các tháng trước đó đều tăng khá thấp.

Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), CPI có xu hướng giảm do giá thực phẩm giảm khi nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới; học phí tại một số địa phương được điều chỉnh… Ngoài ra, giá cả nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng ăn và dịch vụ ăn uống... giảm mạnh.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu điều hành hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, giữa bên trong và bên ngoài. Theo Thủ tướng, hiện lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu Quốc hội giao và đang giảm dần, do đó, ưu tiên hơn cho tăng trưởng từ tháng 4, tháng 5 và những tháng tiếp theo.

Ý kiến nhiều chuyên gia cũng đồng tình cho rằng, CPI tại Việt Nam đang có nhiều tín hiệu khả quan, với khả năng lớn sẽ đạt được theo chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân cả năm 2023 khoảng 4,5%. Tuy vậy, trong văn bản trả lời cử tri về điều hành giá, Bộ Tài chính nhận định, còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá từ biến động phức tạp, khó lường của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, nhất là giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu cho sản xuất, cùng với đó là việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng do Nhà nước quản lý...

Vì thế, với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiến nghị các biện pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, qua đó góp phần ổn định mặt bằng giá cả, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý điều hành giá được thực hiện thận trọng, giá các mặt hàng nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định. Trong đó, giá xăng dầu trong nước được điều hành nhất quán, đúng quy định phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.

Cẩn trọng trước biến động giá

Mới đây, giá điện bình quân đã được quyết định điều chỉnh tăng thêm 3%. Nhiều ý kiến lo ngại, tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước cũng như đẩy CPI tăng thêm. Bên cạnh đó, áp lực lên CPI năm nay còn phải kể đến lương cơ sở sẽ được tăng kể từ ngày 1/7/2023 và theo thông thường, sau tăng lương, mặt bằng giá cũng sẽ “té nước theo mưa”.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, về lý thuyết, tăng giá điện và tăng lương cơ sở có thể tác động tới giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường, ảnh hưởng tới chỉ số CPI trong những tháng còn lại của năm. Tuy nhiên, hiện nhu cầu tiêu dùng trong dân chúng không lớn do tác động của suy thoái kinh tế, cùng với kinh nghiệm về điều hành giá thì mục tiêu kiểm soát CPI vẫn đang trong tầm tay, theo đúng lộ trình đã đề ra.

Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long trước những lo ngại về tăng lương kéo theo tăng giá, Bộ Tài chính nêu rõ, để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trước thông tin tăng lương cơ sở, cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, theo Bộ Tài chính, vấn đề này cần sự vào cuộc của Cục Quản lý thị trường và các địa phương trong việc quản lý giá hàng hóa.

Bộ Tài chính cho rằng, các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, để đảm bảo cho công tác điều hành giá, cùng với hỗ trợ từ cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cần phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt cập nhật thông tin và dự báo chính xác động thái thị trường, nhất là xu hướng, mức độ và lộ trình tăng giá để chủ động trong xây dựng, điều chỉnh và thực hiện kế hoạch tài chính, kinh doanh.

Hương Dịu

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%