Lãi suất hợp lý - đòn bẩy phục hồi nền kinh tế

Lãi suất hợp lý - đòn bẩy phục hồi nền kinh tế 22/05/2023 16:27:00 1141

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Lãi suất hợp lý - đòn bẩy phục hồi nền kinh tế

22/05/2023 16:27:00

(HQ Online) Trong bối cảnh kinh tế đang sụt giảm nghiêm trọng, lãi suất cao càng làm cho các động lực của nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nói cách khác, lãi suất ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư, kinh doanh và thị trường vốn và là một trong số các kênh trực tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế. Vì vậy, để hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn, lãi suất hợp lý sẽ là một đòn bẩy quan trọng.

Doanh nghiệp đang cần nhiều động lực hỗ trợ để phục hồi và phát triển. Ảnh: H. Anh

Xói mòn năng lực cạnh tranh

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, mặt bằng lãi suất cao đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này sẽ gây rủi ro đến các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp đang hoạt động sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận vốn và đầu tư. Đặt trong bối cảnh kinh tế 4 tháng đầu năm đang có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng, nhất là ở các trung tâm công nghiệp, trung tâm chế xuất, xuất khẩu của Việt Nam, các động cơ chính, trung tâm động lực của nền kinh tế Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có thể nói, lãi suất cao đã tác động trực tiếp đến nhu cầu đầu tư, kinh doanh và thị trường vốn và là một trong số các kênh trực tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Phân tích kĩ hơn về vấn đề này, TS. Nguyễn Tú Anh cho biết, mặt bằng lãi suất hiện nay rất cao. Lãi suất trung bình của các ngân hàng lên tới 12 - 13% thậm chí có ngân hàng cho vay với lãi suất bình quân lên đến hơn 14,6%. Đáng chú ý, lãi suất bắt đầu tăng từ tháng 7/2022 đến tháng 2/2023 và vẫn tiếp tục được neo cao, điều này đã làm xói mòn năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. “Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bình quân trong cả năm 2022 là 1.135.100 tỷ đồng với lãi suất cho vay bình quân là 10%/năm. Riêng chi phí lãi vay các doanh nghiệp và người dân Việt Nam đã phải chịu ít nhất là 1.135.091 tỷ đồng tương đương với 12% GDP của Việt Nam năm 2022. Nếu lãi suất cho vay giảm 1% thì hỗ trợ cho nền kinh tế sẽ lên tới hơn 113.000 tỷ đồng, lớn hơn các gói của Chương trình phục hồi”, ông Tú Anh phân tích.

So sánh với môi trường lãi suất của Trung Quốc có thể thấy, lãi suất tại Trung Quốc đã giảm mạnh từ 7/2021 đến nay, lãi suất cho vay bình quân tại Trung Quốc tháng 12/2022 là 4,14% và trong giai đoạn 12/2008 - 12/2022 lãi suất cho vay bình quân tại Trung Quốc cũng chỉ là 5,62%. Điều đáng nói đó là từ khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì lãi suất cho vay tại Trung Quốc liên tục giảm và giảm khá nhanh qua đó thực sự giúp các doanh nghiệp Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19. Như vậy, có thể nhận thấy, về chi phí vốn, doanh nghiệp Việt Nam không có cửa cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc; công nghệ cũng không; lợi thế kinh tế nhờ quy mô không có; lợi thế kinh tế nhờ các liên kết ngành tạo ra các vùng công nghiệp lớn không có; chi phí logistics càng không thể cạnh tranh được. Nghĩa là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc hoàn toàn bằng không. Trước thực trạng trên, nếu doanh nghiệp Việt Nam về ngắn hạn và dài hạn đều không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp Trung Quốc thì năng lực cạnh tranh cả nền sản xuất hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ rất khó khăn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt vượt qua, khi mà sức khỏe đang yếu, TS. Nguyễn Tú Anh khuyến nghị, cần có chính sách quyết liệt giữa ngành ngân hàng, tài chính để về mặt ngắn hạn đến trung hạn phải đưa được mặt bằng lãi suất Việt Nam giảm xuống thì mới nâng được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế

Theo Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, lãi suất là vấn đề rất lớn, có tác động sâu, rộng tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, cũng như sự hoạch định chính sách. Theo bà, lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và các chỉ số phát triển doanh nghiệp. Đáng chú ý, môi trường lãi suất cao không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện hành mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu khởi nghiệp, nhu cầu thành lập doanh nghiệp vì lãi suất cao sẽ làm cho chi phí khởi nghiệp tăng khiến người muốn khởi nghiệp chùn bước.

Cũng theo bà Nguyễn Anh Thu, lãi suất hợp lý được xem là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hoá phát triển, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và ngược lại. Lãi suất là vấn đề rất lớn, có tác động sâu sắc tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như sự hoạch định chính sách trong thời gian tới. Kể từ năm 2021, cùng sự phục hồi của của các nền kinh tế lớn sau đại dịch Covid-19, lạm phát vẫn tăng cao ở nhiều quốc gia. “Tuy nhiên, ở nước ta lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tốc độ tăng chỉ số tiêu dùng CPI năm 2022 đạt 3,15% và đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%. Có được kết quả như vậy là do Việt Nam đã áp dụng và điều chỉnh các chính sách một cách linh hoạt và phù hợp để chủ động đối phó với những rủi ro lạm phát và những yếu tố rủi ro nội tại và rủi ro từ bên ngoài”, PGS. TS. Nguyễn Anh Thu nhận định.

Các chuyên gia cho rằng, việc giảm lãi suất sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, tăng trưởng năng lực cạnh tranh và tốc độ phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc điều hành lãi suất được coi là một công cụ của chính sách tiền tệ. Chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái thích ứng với hiện trạng của nền kinh tế, tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn. Ngân hàng Nhà nước luôn điều chỉnh lãi suất điều hành một cách linh hoạt theo hướng bảo đảm các mục tiêu chính sách tiền tệ, đồng thời hài hoà lợi ích các bên như người gửi tiền, các tổ chức tín dụng và người vay.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, lãi suất của Việt Nam năm 2023 còn cao vì trong năm 2022 nguồn cung tiền còn thấp, nhiều tổ chức tín dụng còn yếu kém. Dự báo, năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với những năm trước do thế giới biến động chính trị, những rủi ro thương mại và tài chính cũng như sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Trước bối cảnh đó, lạm phát của Việt Nam sẽ tăng cao hơn năm 2022. Tuy nhiên, nếu dung hoà được chính sách, Việt Nam vẫn có dư địa để giảm lãi suất ngay trong quý 2/2023 và kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng tốt.

“Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất của thế giới đang giảm xuống và nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với năm ngoái. Thanh khoản ngân hàng năm nay tốt hơn so với quý IV/2022. Hết 4 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng 3,05%, huy động vốn tăng 1,5% có nghĩa là tiền dân cư vẫn đang vào ngân hàng. Chưa kể, nếu giải ngân đầu tư công tăng lên và nợ đọng vốn của doanh nghiệp giảm xuống, thông những điểm nghẽn, cải thiện môi trường kinh doanh thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt”, TS. Cấn Văn Lực kỳ vọng.

Tuấn Phòng

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%