Loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá

Loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá 24/05/2023 09:13:00 514

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá

24/05/2023 09:13:00

(Tapchitaichinh.vn) Chiều ngày 23/5/2023, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Dự thảo Luật cũng chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình; Quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; Quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá; trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện, giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư...

Về áp dụng pháp luật, tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm rà soát kỹ; nghiên cứu các luật và các dự thảo Luật liên quan, chỉnh lý Điều 3 nhằm bảo đảm bao quát về phạm vi điều chỉnh, tuyệt đối không tạo khoảng trống pháp lý; bảo đảm tính thống nhất với pháp luật liên quan; tuân thủ nguyên tắc áp dụng luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, sở hữu trí tuệ, điện, học phí, dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh, nhà ở, dự thảo Luật đã quy định rõ những vấn đề được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành. Nội dung này được thể hiện tại khoản 4 Điều 3 của dự thảo Luật và Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá...

Theo Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh, liên quan đến ý kiến đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh phân quyền cho các cơ quan, các cấp; bảo đảm tính đồng bộ với chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực, tính thống nhất trong quản lý nhà nước, hạn chế giao Chính phủ hướng dẫn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Cơ quan soạn thảo tiếp thu, làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức trong Dự thảo Luật.

Cụ thể, Chương III đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh; bỏ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh. Các nội dung sửa đổi thể hiện từ Điều 12 đến Điều 16 trong Dự thảo Luật. Đồng thời, tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá ban hành kèm theo Luật đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, hình thức định giá đối với từng mặt hàng cụ thể để tăng cường tính minh bạch.

Bên cạnh đó, về việc cụ thể hóa các điều khoản, hạn chế giao Chính phủ hướng dẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát kỹ Dự thảo Luật. Theo đó, rà soát kỹ các quy định để chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết những nội dung về kỹ thuật, trong thực hiện sẽ có thể phải điều chỉnh phù hợp thực tiễn như trình tự, thủ tục điều chỉnh danh mục định giá, bình ổn giá, phương pháp định giá, Chuẩn mực thẩm định giá, vận hành cơ sở dữ liệu về giá…  

Giá xăng dầu thế giới biến động, Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đối với Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu vì đây là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

Trong bối cảnh hiện nay, việc bỏ Quỹ này là chưa phù hợp vì khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước; khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở; khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài; khi lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng.

Thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

“Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đề nghị trong quản lý, điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ cần đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động, đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường”, ông Lê Quang Mạnh nêu.

Đối với quy định về thẩm định giá, dự thảo Luật đã hoàn thiện theo hướng quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, cơ quan tương ứng với công việc mà mình thực hiện. Đồng thời, bổ sung 02 Điều bao gồm về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập Hội đồng thẩm định giá và quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thẩm định giá; quy định rõ hơn về phạm vi thẩm định giá của Nhà nước; bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định giá.

Giữ quy định giá trần, bỏ quy định giá sàn đối với dịch vụ hàng không nội địa

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giữ quy định giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là cần thiết vì một số lý do như: Căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 21 của Dự thảo Luật thì dịch vụ này đáp ứng các tiêu chí luật định và thuộc loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá vì là: “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Trên thực tế, với bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu ngày càng cao thì dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là thiết yếu, tác động với phạm vi rất lớn đến đời sống người dân, đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cùng với đề xuất bỏ giá sàn, việc đặt ra vấn đề không quy định giá trần đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá cung cấp dịch vụ. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay ở mức cao, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến xã hội...

Phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp khi điều tiết giá

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thiện Nhân -  Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, dự thảo luật lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu. Tuy nhiên, đối với một trong các ý kiến đại biểu đã phát biểu tại phiên họp trước về việc điều tiết giá của Nhà nước, cơ quan thẩm tra cho rằng đề xuất là xác đáng, nhưng không thể tiếp thu vì lý do ngân sách nhà nước còn khó khăn.

Đại biểu cho rằng, Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp khi điều tiết giá, để việc Nhà nước điều tiết giá là phù hợp với quan hệ, quy luật cung cầu hàng hóa dịch vụ, và khả thi, không gây tổn hại cho các doanh nghiệp và người dân. Giá thị trường hàng hóa dịch vụ được hình thành trên cơ sở cân bằng cung cầu hàng hóa dịch vụ trong điều kiện cạnh tranh sẽ đem lại hài hòa các lợi ích của Đất nước, người tiêu dùng, doanh nghiệp, Chính phủ, tạo điều kiện phát triển mà không cần có sự can thiệp của Nhà nước. 

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng cần có điều chỉnh trong quy định về mục đích, yêu cầu kiểm tra yếu tố hình thành giá. Theo đó, khoản 2 Điều 31 của dự thảo Luật quy định, việc kiểm tra yếu tố hình thành giá thực hiện trong các trường hợp: Giá hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, kê khai giá có biến động bất thường, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, mặt bằng giá thị trường; Các trường hợp phục vụ công tác quản lý, điều hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Phát biểu góp ý vào dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, những quy định trong luật đã cơ bản tháo gỡ được các vấn đề khúc mắc trong thẩm định giá, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thị trường lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế. Để góp phần hoàn thiện, tránh sự lúng túng trong quá trình thực hiện, đại biểu này cho rằng, cần bổ sung thêm quy định về cơ sở, nguyên tắc, phương pháp, quy trình thẩm định giá của Nhà nước tại Mục 3, Chương 6 của dự thảo Luật, giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về nguyên tắc xác định giá dịch vụ thẩm định giá, đại biểu này cho biết, hiện nay, nhu cầu thuê tổ chức thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá tài sản trong mua sắm tài sản công, xử lý các vấn đề liên quan đến định giá tài sản là rất lớn, tuy nhiên, mức giá dịch vụ thẩm định giá được xác định như thế nào lại chưa được quy định rõ, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định về căn cứ xác định giá dịch vụ thẩm định giá.

Bảo Thương

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%