Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 17,1%). Nguyên nhân giảm chủ yếu là do kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng giảm. Không những vậy, tính đến đầu tháng 5/2023, hàng xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 228 vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM), trong đó Hoa Kỳ đứng số đầu về số lượng, với 53 vụ kiện.

4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu giảm 11,8%
Những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu trong quý I/2023 tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4/2023. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 17,1%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 28,58 tỷ USD, giảm 11%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,99 tỷ USD, giảm 12,1%, chiếm 73,7%. Cả nước có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm 2022 (có 22 mặt hàng), chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,4%).
Về xuất khẩu các nhóm hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 9,68 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 8,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao trong nhóm này gồm có: Gạo tăng 54,5%, rau quả tăng 19,4%; sắn tăng 26,3%. Ngược lại, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm trong nhóm này như: Thủy sản giảm 29%; cao su giảm 20%; hạt tiêu giảm 10,2%, chè các loại giảm 5,8%...
Tiếp nối những thành tựu trong những tháng đầu năm, xuất khẩu gạo tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong tháng 4/2023 khi tăng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu. Ước tính xuất khẩu gạo tháng 4/2023 tăng 14,4% về lượng và tăng 12,8% về kim ngạch xuất khẩu so với tháng 3/2023; tăng 98% về lượng và tăng 108% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giảm mạnh, ước đạt 91,16 tỷ USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2022 do chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng cầu giảm, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều giảm. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,45 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 21% so với cùng kỳ; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,4 tỷ USD, giảm 7,9%; thị trường Liên minh châu Âu (EU) đạt 13,66 tỷ USD, giảm 14,1%; thị trường ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 1,3%; Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 7,3 tỷ USD, giảm 0,9%.
Nguyên nhân của sự suy giảm trong hoạt động xuất khẩu là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ làm cho khối lượng đơn đặt hàng giảm. Trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da giầy, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.
Bên cạnh việc giảm giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản (nhân điều, cà phê, hạt tiêu, cao su…) và giá các loại quặng, phân bón, sắt thép so với cùng kỳ đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nói chung. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…
Hơn nữa, hiện Việt Nam đang đối diện với các vụ kiện PVTM nhiều nhất từ Hoa Kỳ. Tính đến tháng 5/2023, Việt Nam phải đối mặt với 228 vụ kiện PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu, trong đó Hoa Kỳ đứng đầu với 53 vụ kiện. Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam phải đối diện với 116 vụ việc. Trong đó, các sản phẩm thường xuyên bị điều tra là thép, gỗ, sợi… Phân theo quốc gia, hiện Hoa Kỳ đứng đầu với 53 vụ kiện, tiếp theo là Ấn Độ (30 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (25 vụ), Canada (18 vụ), Australia (18 vụ), EU (14 vụ), Philippines (13 vụ). Phân theo loại hình thì điều tra chống bán phá giá đứng đầu với 126 vụ việc, đứng thứ 2 là điều tra tự vệ với 46 vụ, điều tra về chống lẩn tránh 33 vụ, điều tra chống trợ cấp 23 vụ.

Thép là sản phẩm thường xuyên bị điều tra
Trong khi đó, bất cập hiện nay của nhiều doanh nghiệp đó là thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có những hiểu biết về luật pháp, để có thể theo dõi, chuẩn bị ứng phó một cách linh hoạt; hệ thống sổ sách kế toán, truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu còn chưa hoàn thiện. Theo khảo sát của Cục PVTM, chỉ có 11% doanh nghiệp được hỏi là không biết về biện pháp PVTM, 36% có nghe nhưng không biết sâu về biện pháp PVTM, 36% đã tìm hiểu qua về biện pháp PVTM và 17% đã tìm hiểu kỹ về biện pháp PVTM.
Để chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM. Các hoạt động cảnh báo sớm hỗ trợ doanh nghiệp dù mới được triển khai nhưng đã thu được nhiều kết quả tích cực. Trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Hoa Kỳ không bị áp thuế chống bán phá giá. Trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng, thuế chống bán phá giá đối với doanh nghiệp Việt Nam là 8,35%, thấp hơn nhiều so với mức do ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ cáo buộc 110%.
Nâng cao năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ của nước ngoài
Trong thời gian tới, để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp PVTM, Nhà nước và doanh nghiệp cần đồng hành và thực hiện các giải pháp đồng bộ. Chủ trương của Nhà nước là kiên quyết ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp PVTM nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong Tổ chức Thương mại Thế giới và các FTA đã ký kết, bảo vệ lợi ích của các ngành, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.
Do đó, Bộ Công Thương cần tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với hành vi gian lận thương mại về xuất xứ; kiểm tra thực tế hàng hóa tại một số doanh nghiệp có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu; thường xuyên cập nhật danh sách cảnh báo sớm. Cơ quan hải quan cũng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra gian lận xuất xứ và xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm tăng cường kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra đối với doanh nghiệp xuất - nhập khẩu có mặt hàng rủi ro cao; thực hiện kiểm tra ngay doanh nghiệp khi có dấu hiệu giao dịch xuất - nhập khẩu tăng đột biến đối với những mặt hàng thuộc đối tượng nghi ngờ.
Các hiệp hội cần phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp trong ngành, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý; đại diện bảo vệ lợi ích chung của ngành. Doanh nghiệp tích cực chủ động trang bị những kiến thức cơ bản về PVTM; thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin với hiệp hội, nhà xuất khẩu và cơ quan quản lý nhà nước; dự trù việc thuê luật sư khi cần thiết; xem xét tham gia vụ việc một cách tích cực, đầy đủ; xây dựng hệ thống quản trị, kế toán đầy đủ và rõ ràng. Các doanh nghiệp xuất khẩu kiên định không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.
Về vấn đề thị trường, Bộ Công Thương cũng cần tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN). Quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mêxico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunay).
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tích cực và chủ động tham gia quá trình phân công lao động quốc tế, tham gia mạng sản xuất, mạng phân phối khu vực và quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và kinh doanh trên nền tảng công nghệ số của doanh nghiệp. Hình thức hoạt động nên phát triển đa dạng cả phương thức xuất khẩu chính ngạch truyền thống và phương thức xuất khẩu hiện đại, bao gồm thương mại điện tử xuyên biên giới và tham gia các sàn thương mại điện tử thế giới.
Trần Dung