(Thoibaotaichinhvietnam.vn) Các chuyên gia từ Đại học RMIT cho rằng, với những thách thức trước mắt có thể tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI vào Việt Nam năm nay, Việt Nam nên sửa đổi chiến lược để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, nhằm duy trì sự phát triển bền vững.
Giảm năm đóng bảo hiểm xã hội thì có nên giảm tuổi hưu? Ảnh minh hoạ.
Nhiều thách thức phát sinh với thu hút FDI trong năm 2023
Chia sẻ với phóng viên, TS. Hà Thị Cẩm Vân - Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT nhận định, FDI đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam suốt vài thập kỷ qua, giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, trung bình 6,8%/năm từ năm 2016 đến năm 2019.
Theo TS. Vân, mặc dù không thể phủ nhận rằng Việt Nam đã cải thiện chất lượng quản trị và tích cực tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) để thu hút thêm FDI, nhưng nhiều thách thức phát sinh hơn trong năm 2023 có thể tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI vào Việt Nam năm nay.
Trước hết, bất ổn kinh tế toàn cầu trong năm 2023 khiến tình hình phục hồi chậm lại. Giá lương thực và năng lượng tăng vọt do xung đột Nga - Ukraine cũng khiến quá trình phục hồi vô cùng cần thiết của thế giới bị đình trệ đột ngột. Các quốc gia như Mỹ, một trong những đối tác thương mại và nhà đầu tư FDI chính của Việt Nam, được dự báo sẽ suy thoái vào năm 2024.
Hơn nữa, kết quả các cuộc đàm phán đang diễn ra về nhiều vấn đề như hiệp định thương mại, chính sách đầu tư và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có thể tác động đáng kể đến dòng chảy đầu tư và thương mại toàn cầu. Trong quý I/2023, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với nhu cầu quốc tế sụt giảm đáng kể, có thể khiến quy mô sản xuất bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng. Đây là hiện tượng mới khởi nguồn từ đại dịch và được gọi là “đầu tư lân cận”. Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản (nằm trong nhóm những nguồn FDI lớn nhất của Việt Nam), Mỹ và một số nước trong EU, đều đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài. Điều này làm tăng thêm thách thức cho Việt Nam trong việc thu hút FDI.
Một thách thức nữa đối với thu hút FDI của Việt Nam là việc áp dụng mức thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% sẽ có hiệu lực vào năm 2024. Theo TS. Vân, điều này sẽ làm cho các lợi thế về thuế trong thu hút FDI của Việt Nam sẽ bị giảm đi. Ngoài ra, Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh không nhỏ trong thu hút FDI từ các đối thủ trong khu vực, như Thái Lan và Malaysia đã tăng cường thu hút FDI bằng cách giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Chú trọng tiêu chí FDI thông minh
Để giải quyết những thách thức nêu trên đối với thu hút FDI của Việt Nam, TS. Daniel Borer - Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT, đã đưa ra một số khuyến nghị về những thay đổi cần thiết cho Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch. Điều này sẽ giúp thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn và có thể thực hiện được thông qua việc triển khai tăng cường số hóa và nâng cao tính minh bạch.
TS. Daniel Borer cho biết, những quốc gia như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chứng minh rằng, các công ty nước ngoài không nản lòng bởi chi phí thiết lập FDI cao, mà bởi chi phí không chắc chắn là bao nhiêu do bộ máy quan liêu khó lường. Việt Nam cần đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các chính sách và thực tiễn đầu tư. Chính phủ có thể hiện thực hóa điều này bằng cách thiết lập các quy tắc và quy định rõ ràng, nhất quán và thực thi chúng một cách công bằng, đồng nhất.
Tiếp đó là cải thiện cơ sở hạ tầng. Chất lượng cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông, viễn thông và năng lượng là yếu tố quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. TS. Daniel Borer còn lưu ý tới tiêu chí FDI thông minh. Theo đó, để bảo vệ môi trường, hoàn thành các mục tiêu khí hậu năm 2050 và tăng cường sản xuất bền vững, các FDI mới cần phải đáp ứng được những tiêu chí tối thiểu.
“Các nền kinh tế khác trong khu vực sẽ dễ dàng chuyển hoạt động sản xuất gây ô nhiễm của họ sang Việt Nam, nhưng chúng ta không nên hoặc không thể dễ dàng chấp nhận. Chúng ta cần thay đổi tư duy - mọi FDI chảy vào Việt Nam đều phải tốt. Nền kinh tế Việt Nam, bao gồm cả hoạt động sản xuất của các nhà sản xuất nước ngoài tại Việt Nam cần trở nên xanh hơn” - TS. Daniel Borer nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia của Đại học RMIT, dòng vốn FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2023. Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút thêm dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam.
Hà My