(HQ Online) Luật Giá (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 5 đang diễn ra. Trao đổi bên hành lang Quốc hội, ông Trần Văn Lâm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, Luật Giá là công cụ để Nhà nước quản lý giá và điều tiết, nên về cơ bản, dự thảo Luật sửa đổi trình Quốc hội đang nhận được sự thống nhất cao của các cơ quan liên quan.
Ông Trần Văn Lâm
PV: Ông đánh giá như thế nào về những điểm mới được sửa đổi lần này của Luật Giá?
Ông Trần Văn Lâm: Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến và thông qua tại kỳ họp Quốc hội này đã được nghiên cứu, rà soát, tiếp thu, chỉnh sửa để có thể tổng hợp toàn diện nhất các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức tham gia đóng góp ý kiến. Về cơ bản, đến thời điểm này, các vấn đề đưa ra trong dự thảo Luật trình Quốc Hội đã nhận được sự thống nhất cao của các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
So với dự thảo trước, lần này, dự thảo Luật đã rà soát kỹ các danh mục hàng hóa được định giá, danh mục hàng hóa được Nhà nước bình ổn giá… Trên cơ sở các tiêu chí và nguyên tắc đặt ra, cơ quan soạn thảo cũng đã tiến hành rà soát các luật khác có liên quan đến giá cả để tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và đạt được sự thống nhất cao của các bộ, ngành liên quan. Ngoài ra, một số chính sách liên quan đến công cụ bình ổn giá, đối tượng phạm vi điều chỉnh giá chuẩn, giá sàn đã được tính toán, cân nhắc, rà soát và điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) lần này cũng có nhiều quy định nhằm nâng cao chất lượng công tác thẩm định giá, tạo thuận lợi để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân triển khai công tác này.
PV: Nhiều ý kiến còn tranh cãi về vấn đề bỏ giá sàn, giữ giá trần dịch vụ vận tải hành khách hàng không nội địa. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Văn Lâm: Đây là nội dung rất được quan tâm trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Đến thời điểm này, trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) vẫn xác định đối với vận tải hàng không nội địa thì để giá trần và bỏ giá sàn. Đây là bước đổi mới trên cơ sở các tiêu chí, nguyên tắc đã đề ra, được xác định trong dự thảo Luật để tiến hành lựa chọn.
Về nguyên tắc chung, Luật Giá là công cụ để Nhà nước quản lý giá và điều tiết. Trong một nền kinh tế thị trường, giá cả được thị trường định ra, hình thành một cách tự giác trên cơ sở các nguyên lý, nguyên tắc của thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp để điều tiết, quản lý trong những điều kiện đặc thù. Đặc thù thứ nhất là có yếu tố độc quyền làm sai lệch quan hệ cung cầu. Đặc thù thứ hai là trong điều kiện thiên tai, yếu tố thời tiết bất thường đã phá vỡ quan hệ cung cầu, cần Nhà nước can thiệp.
Mặc dù thị trường đã có nhiều hãng hàng không tham gia dịch vụ vận tải hành khách hàng không nội địa, nhưng tính chất độc quyền trong đó chưa được xóa bỏ hoàn toàn. Ở một số tuyến có sự cạnh tranh sòng phẳng, tương đối minh bạch, rõ ràng nhưng vẫn còn nhiều tuyến chỉ có một hãng hàng không khai thác, nhưng nếu kêu gọi nhiều hãng tham gia thì cũng không được do lượng khách ít. Ngoài ra còn có yếu tố mùa vụ ở một số thời điểm, thời gian nhất định. Vì thế, ngành hàng không hiện nay đã có tính cạnh tranh, sự minh bạch, nhưng chưa thể hoàn toàn xóa bỏ yếu tố độc quyền. Nhà nước vẫn cần phải can thiệp ở một mức độ nhất định thông qua quy định giá trần, kết hợp giá sàn, cũng là để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trong bối cảnh cạnh tranh để tránh xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
PV: Việc giữ hay bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng còn nhiều tranh luận, theo ông, vấn đề này nên theo hướng nào?
Ông Trần Văn Lâm: Hiện nay, bình ổn giá xăng dầu hay bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu là nội dung rất quan trọng để kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó tạo ra điều kiện cho phát triển sản xuất - kinh doanh.
Việc quản lý, bình ổn giá, có công cụ lập quỹ bình ổn giá không chỉ cho mỗi xăng dầu mà đối với bất cứ mặt hàng chiến lược nào để điều tiết. Việc thiết lập quỹ bình ổn giá xăng dầu thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Nguyên tắc là phải đảm bảo một số tiêu chí, nguyên tắc như công khai, minh bạch, hiệu quả để đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp, không được lợi dụng sang mục tiêu khác.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhờ các công cụ quản lý điều tiết giá, giá xăng dầu và giá các mặt hàng khác đã được Chính phủ quản lý, điều tiết tạo ra sự bình ổn tương đối, từ đó ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kể cả trong thời gian dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng thế giới, biến động lạm phát cao ở các nền kịnh tế lớn. Vì thế, không lý do gì để chúng ta bỏ đi công cụ này. Lính ra trận cần nhiều vũ khí, nếu chúng ta tước bỏ công cụ nào cũng làm ảnh hưởng đến khả năng điều hành của Chính phủ.
Bình ổn giá bằng quỹ chỉ là một công cụ, mỗi công cụ chỉ phát huy hiệu quả trong một không gian nhất định, điều kiện nhất định. Với điều kiện biến động giá không quá lớn thì công cụ này có thể điều tiết được, nhưng nếu giá biến động quá lớn gấp nhiều lần quỹ thì lúc này phải kết hợp với nhiều công cụ khác mà Chính phủ đã từng làm, đã báo cáo Quốc hội như giảm các loại thuế. Việc đánh giá quỹ bình ổn giá này được thành lập đúng chưa, sử dụng đúng chưa… là vấn đề điều hành thực thi, không phải vấn đề luật pháp.
Ngoài ra, kinh nghiệm thế giới cho thấy, bên cạnh công cụ quỹ bình ổn giá thì phải tạo lập các kho dự trữ, nhưng hiện chúng ta chưa có đủ tiềm lực nên phải sử dụng quỹ bình ổn giá. Do đặc thù ngân sách nên việc huy động người dân tạm ứng quỹ này, thực hiện biện pháp xã hội hóa với mục tiêu bình ổn giá xăng dầu cũng là phục vụ người dân, phù hợp với bối cảnh tình hình điều kiện đất nước.
Trong thời gian vừa qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn một số hạn chế trong quản lý điều hành, vận hành. Do đó, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến này và sẽ có trách nhiệm quản lý, công khai, minh bạch để mọi người dân tin tưởng, yên tâm rằng quỹ này được sử dụng đúng hiệu quả mục đích.
PV: Xin cảm ơn ông!
Bình Nam