(Thuenhanuoc.vn) Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam về công khai tình hình quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2022.
.jpg)
ảnh: itn
Số vốn còn lại phải bố trí còn khá lớn
Theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Thuốc lá có trách nhiệm tổng hợp tình hình quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2022 do đơn vị quản lý và gửi Bộ Tài chính chậm nhất đến ngày 30/01/2023. Đến hết ngày 25/4/2023, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo của 113/120 đơn vị. Trong đó, có 55 đơn vị gửi báo cáo đúng hạn; 58 đơn vị gửi báo cáo chậm. Như vậy, năm 2022 vẫn có 58 đơn vị gửi báo cáo chậm theo quy định, tăng so với năm 2021 (44 đơn vị) và 7 đơn vị Bộ Tài chính không nhận được báo cáo.
Về số lượng dự án, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, một số đơn vị có tỷ lệ dự án đã phê duyệt quyết toán đạt từ 80% trở lên, cao hơn bình quân cả nước 65%. Bên cạnh đó, còn nhiều đơn vị tỷ lệ dự án đã phê duyệt quyết toán thấp hơn nhiều tỷ lệ bình quân chung. Trong khi đó, cũng có một số đơn vị có tỷ lệ dự án đã nộp hồ sơ quyết toán trong thời gian thẩm tra, phê duyệt theo quy định đạt từ 85% trở lên, cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước 82% (năm 2021 là 79%). Bên cạnh đó, còn nhiều đơn vị có tỷ lệ dự án vi phạm thời gian thẩm tra, phê duyệt, cao hơn tỷ lệ vi phạm bình quân của cả nước 18% (năm 2021 là 21%), chủ yếu là các dự án do cấp huyện, cấp xã quản lý. Đây là trách nhiệm của cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán.
Năm 2022 có 45.168 dự án đã được phê duyệt quyết toán có tổng mức đầu tư là 392.266 tỷ đồng; tổng giá trị đề nghị phê duyệt quyết toán là 319.190 tỷ đồng, bằng 81% TMĐT; tổng giá trị được phê duyệt quyết toán là 313.818 tỷ đồng, bằng 80% TMĐT. Vốn đã giải ngân là 302.336 tỷ đồng. Đến thời điểm báo cáo, số vốn đầu tư công còn lại phải bố trí là 27.233 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 1.973 tỷ đồng, chiếm 3,54% kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2023 (768.420 tỷ đồng), thấp hơn năm 2021 (7,2%).
Đánh giá về kết quả đạt được, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ vốn giải ngân của các dự án hoàn thành năm 2022 đã cao hơn năm 2021. Việc bố trí vốn đã tập trung hơn cho các dự án hoàn thành, riêng các địa phương lại có tỷ lệ vốn giải ngân thấp hơn năm 2021. Tuy nhiên, số vốn đầu tư công còn lại phải bố trí đến thời điểm báo cáo vẫn còn khá lớn.
Việc một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa ưu tiên bố trí đủ vốn đầu tư công cho dự án có sử dụng vốn đầu tư công đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, đặc biệt là các dự án đã được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành là chưa phù hợp với quy định.
Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm tra, phê duyệt
Từ tình hình tổng hợp kết quả công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2022 và để đảm bảo công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành được thực hiện đúng quy định, Bộ Tài chính đề nghị, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành theo đúng quy định.
Khắc phục các tồn tại của báo cáo quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành, đặc biệt những đơn vị đã có tồn tại từ năm 2021 chịu trách nhiệm về tính chính xác của toàn bộ số liệu báo cáo. Bộ Tài chính cũng đề nghị cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc không thực hiện và chậm gửi báo cáo, vi phạm thời gian quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành.
Trong đó, tập trung chỉ đạo chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương lập hồ sơ quyết toán 6.201 dự án hoàn thành chậm lập hồ sơ báo cáo quyết toán và cơ quan thẩm tra, phê duyệt khẩn trương thẩm tra, phê duyệt 1.740 dự án vi phạm thời gian thẩm tra, phê duyệt (trong đó có 113 dự án chậm phê duyệt và 1.627 dự án chậm thẩm tra).
Bên cạnh đó, chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát số vốn đầu tư công còn lại phải bố trí của các dự án đã hoàn thành so với giá trị quyết toán được duyệt hoặc giá trị đề nghị quyết toán hoặc giá trị khối lượng hoàn thành được nghiệm thu. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, công khai danh sách các dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án vi phạm thời gian lập báo cáo quyết toán. Có biện pháp ngăn ngừa, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm theo quy định.
Với các đơn vị thẩm tra, phê duyệt quyết toán, lập báo cáo tổng hợp quyết toán, Bộ Tài chính yêu cầu đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư, ban quản lý dự án lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành đúng thời gian quy định. Chủ động rà soát tình hình thực hiện, làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong việc chậm thẩm tra, phê duyệt quyết toán…
Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu chấp hành nghiêm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán vốn; nâng cao năng lực, tuân thủ các quy định của nhà nước. Thực hiện rà soát các dự án đầu tư đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng đến nay chưa thực hiện quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành; xác định rõ nguyên nhân chậm quyết toán, khó khăn vướng mắc cụ thể của từng dự án…
Hương Quỳnh