Sáng ngày 22/8/2023, Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) - Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các đơn vị (Vietcombank, BIDV, ACB) tổ chức Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”. TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính đã tham dự và phát biểu tại Hội thảo.
TS. Nguyễn Như Quỳnh phát biểu tại Hội thảo
Theo thông tin tại Hội thảo, tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm 2023 cũng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 9,54%), thậm chí chưa đạt được một nửa tăng trưởng năm trước. Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14 - 15%. Đáng chú ý, theo công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03%; 3,27%; 4,73%. Như vậy, sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng 6, tín dụng lại bất ngờ chững lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong tháng 7. Nguyên nhân của tình trạng này là do tác động của cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19 và bị ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu nên nhu cầu vay vốn, khả năng hấp thụ vốn bị giảm sút.
Chia sẻ về các giải pháp đã triển khai từ phía chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn nói chung, cũng như nâng cao khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn nói riêng, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết: Trong thời gian qua, chính sách tài khóa được ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân mà còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Cụ thể:
Về chính sách thu NSNN: Trong giai đoạn 2020 - 2021, khi dịch Covid-19 gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội, doanh nghiệp và người dân, các biện pháp về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn đã được ban hành và triển khai theo từng năm, góp phần hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong năm 2020, tổng số thực hiện miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng, tương đương 8,5% tổng thu NSNN năm; năm 2021 đạt khoảng 132 nghìn tỷ đồng, tương đương 8,3% tổng thu NSNN năm.
Ngay từ đầu năm 2022, nhận thức được tình hình kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 - 2023. Đây là chương trình tổng thể nhằm tập trung các nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tổng gói hỗ trợ dự kiến khoảng 347 nghìn tỷ đồng. Để triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022, trong đó quy định các chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, gồm: (i) Miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, như giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống còn 8% đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022; giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với một số loại xe được sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí; (ii) Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và tiền thuê đất trong năm 2022; (iii) Hỗ trợ lãi suất 2% trong 2 năm 2022 - 2023. Bên cạnh đó, các giải pháp về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng được chú trọng.
Ngoài ra, trước diễn biến giá xăng, dầu tăng mạnh, để kiểm soát lạm phát, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2023 với tổng quy mô dự kiến khoảng 70 nghìn tỷ đồng, qua đó góp phần ổn định giá xăng, dầu trong nước, thực hiện các mục tiêu về kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Năm 2023, dự báo kinh tế còn nhiều rủi ro, thách thức có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân cũng như nền kinh tế, để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023, như: Giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 và Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023); gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tiết giảm chi phí của doanh nghiệp, người dân...
Toàn cảnh Hội thảo
Về công tác chi đầu tư phát triển, tăng cường và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được chú trọng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn. Các hoạt động đầu tư công được theo dõi khá sát sao thông qua Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư, tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Việc tổ chức thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN được đảm bảo, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Về giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn: Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế được ban hành đã giúp tháo gỡ điểm nghẽn về TPDN và mở ra cơ hội cho doanh nghiệp có thêm phương án xử lý trái phiếu. Bên cạnh đó, việc vận hành Sàn giao dịch TPDN riêng lẻ từ 19/7/2023 giúp tăng thanh khoản của thị trường TPDN, tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ phát triển bền vững hơn.
Theo TS. Nguyễn Như Quỳnh, việc thực hiện các giải pháp trên đã đạt được nhiều kết quả, trong đó: Về chính sách thu: Tổng số thực hiện miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2022, đạt khoảng 200,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 11% tổng thu NSNN năm. Năm 2023, dự kiến thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất là khoảng 196 nghìn tỷ đồng, tương đương 12% dự toán thu NSNN năm, trong đó: Số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 7/2023 là khoảng 109 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 31,6 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 77,4 nghìn tỷ đồng). Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí đã góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân, kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao. Về chính sách chi: Việc tổ chức thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN được đảm bảo, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, giải ngân vốn kế hoạch ước đạt khoảng 267,6 nghìn tỷ đồng, bằng 35,49% kế hoạch, tăng 43,2% so cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, so với tiến độ dự toán, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất và tiêu dùng trong nửa cuối năm 2023 như chính sách giảm thuế giảm thuế GTGT 2%; thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ, nhờn; gia hạn, miễn giảm các loại thuế phí, tiền thuê đất, phí trước bạ. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ thực hiện đánh giá các chính sách đã ban hành theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bám sát tình hình thực tế, từ đó tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu và quản lý thu ngân sách; triển khai các giải pháp hành thu nhằm hỗ trợ người nộp thuế (đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT...); tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công...
TTTT