Làm gì để đạt mục tiêu khi thực thi thuế Tối thiểu toàn cầu?

Làm gì để đạt mục tiêu khi thực thi thuế Tối thiểu toàn cầu? 05/09/2023 16:53:00 377

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Làm gì để đạt mục tiêu khi thực thi thuế Tối thiểu toàn cầu?

05/09/2023 16:53:00

(HQ Online) Việt Nam khẳng định sẽ áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) từ năm 2024. Chính phủ Việt Nam hiện đang nỗ lực hoàn thiện chính sách này và thông tin này được các chuyên gia, Doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc chủ động giành quyền đánh thuế TTTC không chỉ giúp Việt Nam có thể bổ sung thêm nguồn thu ngân sách, mà quan trọng hơn là môi trường đầu tư kinh doanh sẽ được cải thiện, minh bạch hơn.

Ảnh minh họa

Không bỏ phí quyền được thu thuế

Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu đang được Bộ Tài chính xây dựng, hai chính sách trọng tâm của nghị quyết là ban hành quy định Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và quy định Tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR), trong đó, quy định Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn là chính sách lớn sẽ tác động tới các đối tượng thuộc Trụ cột 2 đã và đang đầu tư vào Việt Nam.

Nhận định về vấn đề này, PGS.TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, Việt Nam tiếp nhận đầu tư là chủ yếu, do vậy, việc áp dụng QDMTT là để thực thi quyền được thu thuế của nước nguồn. Theo Trụ cột 2 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nước nguồn được ưu tiên thu bổ sung trước so với nước nơi có công ty mẹ tối cao đóng trụ sở. Nếu Việt Nam không có quy định pháp luật để thực thi QDMTT thì Việt Nam bỏ phí quyền được thu thuế, trong khi đó, doanh nghiệp FDI cũng không được hưởng lợi từ ưu đãi vì sẽ bị thu thuế tại nước có công ty mẹ đóng trụ sở. Việt Nam cũng có một số doanh nghiệp đầu tư ra các nước khác như: tập đoàn Viettel, VCB, Vinfast… với thị trường đầu tư chủ yếu là Lào, Campuchia, Venezuela, Nam Phi, Hoa Kỳ… Do đó, việc áp dụng quy định IIR cũng là cần thiết để đảm bảo quyền thu thuế trong bối cảnh rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thuế TTTC. Việc xác định sớm như vậy cũng giúp chúng ta chủ động nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế nội địa và các chính sách khác để đảm bảo tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư trong điều kiện mới.

PGS.TS. Lê Xuân Trường nhấn mạnh, ưu đãi về thuế cũng chỉ là một trong những yếu tố thu hút đầu tư. Đồng thời, trong bối cảnh hầu hết các nước có quan hệ đầu tư và nhận đầu tư với Việt Nam đều áp dụng thuế TTTC thì môi trường cạnh tranh về thuế trở nên “phẳng” hơn. Do vậy, chúng ta cũng không quá lo lắng về việc giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư do yếu tố thuế. Điều quan trọng là cần tiếp tục cải thiện các yếu tố khác của môi trường đầu tư và kinh doanh.

Bộ Tài chính đã có dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Thuế TTTC, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là sự nỗ lực rất lớn của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cũng như của Chính phủ và các cơ quan liên quan trong nghiên cứu, xem xét kinh nghiệm của các nước cũng như xem xét các điều kiện của Việt Nam để có cách thức xử lý phù hợp. Với những vấn đề chưa nhuần nhuyễn như thuế TTTC thì việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội cũng là một trong những vấn đề rất quan trọng, vì Nghị quyết tương đương với luật, giúp kịp thời thực hiện các yêu cầu, trên cơ sở đó, chúng ta có thời gian để xem xét, chuẩn bị thêm trước khi ban hành luật.

Cần tránh tạo ra một cuộc cạnh tranh mới

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, đầu năm 2023, Hiệp hội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất kiến nghị các giải pháp liên quan thuế TTTC. Theo đại diện VAFIE, Việt Nam phải tham gia thuế TTTC để chúng ta có thể tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, đồng thời phải có những giải pháp cụ thể đối với các nhà đầu tư nước ngoài chịu tác động bởi thuế TTTC cũng như phải có các giải pháp để giữ chân các nhà đầu tư và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Toàn, việc áp dụng thuế TTTC chắc chắn sẽ tác động đến thu hút FDI nhưng cũng giúp tạo ra nhiều thay đổi. Trước đây chúng ta thu hút đầu tư bằng công cụ thuế khá hiệu quả, nhưng thực ra công cụ thuế chỉ có giá trị trong thời gian nhất định. Về lâu dài, công cụ này tạo nên sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Chưa kể, nhiều ưu đãi về thuế tạo ra cuộc “cạnh tranh xuống đáy” và tạo ra các “thiên đường thuế”, chuyển giá. Rõ ràng, quy định của OECD về Trụ cột 2 cũng là để chống lại các hiện tượng này. Như vậy, việc áp dụng Thuế TTTC về lâu dài sẽ là một cú hích để thay đổi, tạo nên môi trường đầu tư cơ bản hơn, lành mạnh hơn. Khi đã loại bỏ ưu đãi thuế thì môi trường đầu tư sẽ phải tốt lên. “Các doanh nghiệp chịu tác động của thuế TTTC tại Việt Nam không quá nhiều, thường là những tập đoàn lớn, do đó cần làm việc rất cụ thể đối với từng doanh nghiệp để tạo ra những ưu đãi thay thế ưu đãi thuế sẽ mất đi khi thực thi thuế TTTC đảm bảo không vi phạm các quy định của OECD. Đây là bài toán cần được tính toán cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, cần phải liên kết với các nước ASEAN để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tạo sự thống nhất giữa các quốc gia trong thu hút FDI để không tạo ra một cuộc cạnh tranh mới. Việc áp dụng thuế TTTC cũng nhằm mục đích ngăn chặn cuộc “cạnh tranh xuống đáy” trong thu hút FDI, do đó, khi áp dụng thuế TTTC cần tránh tạo ra một cuộc cạnh tranh theo một cách khác, có thể gây ra những bất lợi", ông Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh.

Để đạt được các mục tiêu khi ban hành chính sách thuế TTTC đề ra trong dự thảo Nghị quyết, PGS.TS. Lê Xuân Trường cho rằng, về phía các cơ quan nhà nước, cần nhanh chóng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết để khi Nghị quyết được ban hành thì Nghị định cũng được ban hành kịp thời với những hướng dẫn rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đồng thời, cần tổ chức tập huấn đầy đủ, kịp thời chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức thuế để triển khai tốt Nghị quyết khi được ban hành; làm tốt công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp hiểu và tuân thủ tốt quy định của pháp luật. Về phía các doanh nghiệp, cần tìm hiểu và thực thi đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, cần chủ động đánh giá sự thay đổi của điều kiện kinh doanh trong nước và quốc tế trong điều kiện áp dụng thuế TTTC để điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp, đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện mới.

Hoài Anh

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%