Hàng hóa không bền vững sẽ kém cạnh tranh trên thị trường EU

Hàng hóa không bền vững sẽ kém cạnh tranh trên thị trường EU 07/09/2023 16:52:00 847

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hàng hóa không bền vững sẽ kém cạnh tranh trên thị trường EU

07/09/2023 16:52:00

(HQ Online) Thỏa thuận Xanh của châu Âu sẽ có những tác động đáng kể đến một số lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sang EU và các doanh nghiệp cần nhận thức rõ những thay đổi này để tận dụng những cơ hội mới.

Ngành dệt may đang nỗ lực hướng tới nền sản xuất “xanh hoá”, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, quy định từ thị trường NK. Ảnh: N.Thanh

Bảo vệ môi trường tác động đến hành vi tiêu dùng

Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) được Ủy ban châu Âu công bố năm 2019. EGD là một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi đạt được tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa là các sản phẩm được bán tại thị trường EU sẽ cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn. Thỏa thuận này có tác động vượt ra ngoài lãnh thổ của EU, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và xuất khẩu toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Hàng loạt chiến lược, kế hoạch được đưa ra. Đáng lưu ý là Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn, mục đích làm cho thực phẩm trở nên thân thiện với môi trường. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất là giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu vào năm 2030. Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn nhằm mục đích biến các sản phẩm bền vững trở thành tiêu chuẩn ở EU, thông qua các qui định về qui trình tuần hoàn, thiết kế sản phẩm bền vững, hạn chế lãng phí, tái sử dụng hoặc tái chế tất cả các loại bao bì vào năm 2030.

Hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030, EU muốn giảm tổn thất đa dạng sinh học và phát thải khí nhà kính bằng cách thúc đẩy các nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm không ảnh hưởng đến nạn phá rừng. Việc bán hàng hóa được sản xuất trên đất bị phá rừng và suy thoái sẽ bị cấm. Các sản phẩm bị ảnh hưởng bao gồm cà phê, thịt bò, dầu cọ, đậu nành, ca cao và các nhà sản xuất gỗ.

Cơ chế điều chỉnh carbon nhằm mục đích ngăn chặn rò rỉ carbon bằng cách áp thuế carbon đối với việc nhập khẩu một số hàng hóa từ bên ngoài EU. Cơ chế này ban đầu sẽ chỉ áp dụng cho phân bón, sắt, thép và năng lượng.

Tại thị trường Bắc Âu, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đánh giá các nước Bắc Âu luôn đi đầu trong vấn đề bảo vệ môi trường. Trong diễn đàn biến đổi khí hậu COP27, tất các các nước Bắc Âu đều khẳng định lại và nêu cao tầm quan trọng của trách nhiệm bảo vệ môi trường, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, trong dự toán ngân sách năm 2023 của các nước này đều có dự chi ngân sách cho hoạt động đầu tư xanh, hỗ trợ bảo vệ môi trường. Vấn đề bảo vệ môi trường sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân Bắc Âu. Để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nắm bắt các quy định, xu hướng thị trường, mới đây, thương vụ đã biên soạn cuốn sách “Thỏa thuận chung châu Âu và tác động đến các doanh nghiệp xuất khẩu vào khu vực Bắc Âu” qua đó, doanh nghiệp nắm bắt để điều chỉnh sản xuất và có hướng tiếp cận thị trường mới.

Tích cực thay đổi để thích ứng và đón cơ hội

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, Thỏa thuận Xanh châu Âu có thể có tác động đến xuất khẩu của Việt Nam sang EU theo nhiều cách, tùy thuộc vào bản chất của hàng hóa xuất khẩu và các biện pháp cụ thể được đưa ra theo thỏa thuận. Một số điểm chính có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang EU như tiêu chuẩn bền vững. Nếu EU đưa ra các tiêu chuẩn bền vững mới đối với hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn này để được bán trên thị trường EU. Điều này có thể yêu cầu việc đầu tư vào công nghệ, quy trình và chứng chỉ mới.

Đối với yêu cầu về thiết kế thân thiện với môi trường, nếu EU đưa ra các yêu cầu mới về thiết kế thân thiện với môi trường đối với các sản phẩm, hàng xuất khẩu cần phải đáp ứng các yêu cầu và các doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, thiết kế sản phẩm và cải tiến quy trình.

Về thuế xanh, nếu EU đưa ra các loại thuế hoặc thuế xanh mới đối với hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu có mức phát thải khí nhà kính cao hoặc tác động đến môi trường, điều này có thể làm tăng chi phi xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Bên cạnh đó, đối với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, nếu EU thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, điều này có thể áp đặt giá carbon đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu.

Thương vụ đánh giá, Thỏa thuận Xanh châu Âu dự kiến sẽ tăng chi phí nhập khẩu có tác động môi trưởng cao, đồng thời thúc đẩy các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường hơn. Do đó, nếu hàng xuất khẩu của Việt Nam không thân thiện với môi trường hoặc không bền vững có thể kém cạnh tranh hơn trên EU, trong khi những mặt hàng bền vững và thân thiện với môi trường có thể được hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng.

Một trong những ngành có thể bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận này là ngành dệt may và giày dép. EU là thị trường lớn xuất khẩu hàng dệt may và giày đẹp của Việt Nam. Thỏa thuận Xanh châu Âu sẽ yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt. Các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ cần điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh. Đối với ngành bao bì, bao bì cũng đòi hỏi phải được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế hoàn toàn. Điều này sẽ tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì cũng như các doanh nghiệp sử dụng bao bì cho các sản phẩm xuất khẩu.

Một lĩnh vực khác có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Xanh châu Âu là nông sản và thủy sản. Thỏa thuận Xanh đặt ra một cách tiếp cận nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường hơn, điều này sẽ yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới về thực hành canh tác và sản xuất lương thực bền vững, đồng thời đầu tư vào công nghệ mới và thay đổi quy trình sản xuất để giảm thiểu chất thải và giảm sử dụng hóa chất độc hại. Ngành sắt thép cũng bị ảnh hưởng do Thỏa thuận Xanh đặt và mục tiêu giảm sử dụng các vật liệu sử dụng nhiều năng lượng và chuyển sang sử dụng các vật liệu bền vững hơn.

Tuy Thỏa thuận xanh của châu Âu đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng theo Thương vụ Việt Nam tại Thủy Điển, thỏa thuận cũng tạo ra các cơ hội phát triển mới. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức rõ những thay đổi mà thỏa thuận sẽ mang lại và sẵn sàng thích ứng với những thách thức mới này để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trưởng EU. Đồng thời thích ứng với xu hướng mới, thúc đẩy sản xuất và kinh doanh các sản phần bền vững và thân thiện với môi trường để được hưởng lợi trong dài hạn.

Do đó, để chuẩn bị cho các tác động của Thỏa thuận Xanh châu Âu, Thương vụ khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần cập nhật thông tin về những diễn biến mới nhất trong Thỏa thuận Xanh châu Âu và bất kỳ quy định, chính sách, chiến lược hay kế hoạch mới nào nhằm thực hiện Thỏa thuận này. Đồng thời đánh giá tác động tiềm năng của Thỏa thuận Xanh châu Âu đối với hoạt động và xuất khẩu của doanh nghiệp, đồng thời xác định bất kỳ lĩnh vực nào có thể cần được cải thiện để đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững mới.

Bên cạnh đó, cân nhắc áp dụng các biện pháp bền vững và thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn như giảm phát thải khí nhà kính, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng vật liệu tái chế. Chuyển từ mô hình sản xuất và xuất khẩu chỉ tập trung vào sản lượng sang mô hình sản xuất hiện đại, chú trọng tới yếu tố môi trường và phát triển bền vững, đồng thời với việc chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động sản xuất...

Ngọc Linh

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%