Khơi thông dòng vốn đang “ùn ứ” tại ngân hàng

Khơi thông dòng vốn đang “ùn ứ” tại ngân hàng 13/09/2023 16:30:00 364

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Khơi thông dòng vốn đang “ùn ứ” tại ngân hàng

13/09/2023 16:30:00

(HQ Online) Doanh nghiệp chưa tìm được cơ hội sản xuất, kinh doanh khả thi, chưa thu về lợi nhuận sẽ không có nhu cầu vay vốn, dù lãi suất cho vay hiện đã giảm, khiến tín dụng toàn nền kinh tế vẫn tăng trưởng “ì ạch”.

 

Ngân hàng có thể "may đo" các chương trình tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực trọng tâm. Ảnh : H.Dịu

Kinh doanh chưa khả thi, chưa có nhu cầu vay vốn

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 9/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tập trung tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng, khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định, điều kiện, thủ tục cho vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp vào các lĩnh vực ưu tiên. Thủ tướng nhấn mạnh, ngân hàng và doanh nghiệp cần chia sẻ và thấu hiểu, đặt mình vào địa vị người khác để xử lý công việc.

Chỉ trước đó 2 ngày, ngày 07/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã chủ trì cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp. Tại cuộc họp này, đại diện lãnh đạo NHNN đã thẳng thắn nhìn nhận, toàn hệ thống ngân hàng đang phải “chữa bệnh thừa tiền” bởi doanh nghiệp khó hấp thụ vốn.

Theo NHNN, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 ở mức 14 - 15% mà NHNN đặt ra từ đầu năm thì hiện dư địa tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống còn khoảng 9%, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.

Theo đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khó khăn không chỉ do thiếu vốn mà chủ yếu do thiếu đơn hàng và đơn giá thấp. Doanh nghiệp chưa tìm được cơ hội sản xuất - kinh doanh khả thi, thu về lợi nhuận thì không có nhu cầu vay vốn, dù lãi suất cho vay hiện đã giảm hơn nhiều so với thời gian trước.

Phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể

Việc tìm “phương thuốc” để giải căn bệnh “ùn ứ” tiền cho ngân hàng đang rất cấp bách, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Theo các chuyên gia, việc này phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể trong cả trong hệ thống kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đề nghị nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, chính sách tiền tệ cần linh hoạt, thích ứng để giảm mặt bằng lãi suất và tăng dự trữ ngoại hối, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển. Đồng thời phải hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giảm nghĩa vụ trả nợ, kích cầu tín dụng, lành mạnh hóa thị trường tài chính.

Ngoài ra, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, các giải pháp cần phải tách bạch, “không được đánh đồng” giữa vai trò của NHNN và các ngân hàng thương mại. NHNN cần tiếp tục điều chính sách tiền tệ khôn khéo, gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Ông nhấn mạnh cần đánh giá, tính toán kỹ lưỡng để hướng dòng vốn vào những khu vực có khả năng phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, đi đôi với các giải pháp kích cầu tiêu dùng thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh…

Mặc dù vậy, việc kích cầu tín dụng dù cấp bách nhưng cũng không thể làm dàn trải bởi theo NHNN, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng. Điều này được nhận định là sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.

Nên trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, vốn dư thừa tại các ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, cần phải tính toán về ngành hàng nào cần tập trung đầu tư, có khả năng thu hồi vốn cao, hỗ trợ khôi phục thị trường để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả, thậm chí là có thể “may đo” chương trình tín dụng với những ưu đãi riêng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, về phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, cần xác định rõ đẩy mạnh sản xuất công nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng trong tình hình hiện nay; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ… Trong nông nghiệp, thúc đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu cuối năm, các dịp lễ tết. Trong dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao…

Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để đáp ứng điều kiện của các đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp trong ngành đang chú trọng vào “chuyển đổi xanh”, nên ngành ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp dệt may đầu tư chuyển đổi công nghệ, phát triển bền vững.

Tương tự, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị hướng dòng vốn tín dụng vào chuyển đổi xanh, các ngành hàng có triển vọng tốt như nông lâm, thủy sản, các ngành hàng xuất khẩu…

Hương Dịu

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%