Chế biến nông sản xuất khẩu. Ảnh minh họa: (TTXVN)
Thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ ước đạt 62,27 tỷ USD. Dù giảm 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái do tác động chung của suy giảm kinh tế toàn cầu, nhưng Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Về nhóm hàng xuất khẩu, theo số liệu phân tích mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 7 có 8 nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt từ 1 tỷ USD trở lên như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 9,3 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,75 tỷ USD; dệt may đạt 8,46 tỷ USD; giày dép đạt 4,09 tỷ USD… Nhiều nhóm hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp cũng có kim ngạch đạt từ một trăm đến hàng trăm triệu USD như: Thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê…
Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 8 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 4,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, trong 8 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại Hoa Kỳ làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể. Việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đã làm nhu cầu tiêu dùng tại Hoa Kỳ đi xuống vì lãi suất cao. Bên cạnh đó, yếu tố chu kỳ, dự trữ hàng tồn kho tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm trong những tháng đầu năm.
Tuy nhiên, sự sụt giảm này được đánh giá mang tính thời điểm chứ không phải là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây cho thấy sự khởi sắc đáng kỳ vọng cho năm 2023, khi nhiều tổ chức đánh giá Fed đã đi đến giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất, sức mua và niềm tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ đang tăng trở lại. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, sau đại dịch cũng như những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là một trong địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, xu hướng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ đem lại nhiều cơ hội lẫn thách thức cho các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng. Đơn cử, đến nay Tập đoàn Apple của Hoa Kỳ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Hàng loạt tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như: Boeing, Google, Walmart cũng đã thông báo tìm kiếm mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam sau một thời gian dài nghiên cứu môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Lưu ý các xu hướng mới
Ngoài các kênh truyền thống, xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ qua các nền tảng trực tuyến có nhiều dư địa. Bởi, Hoa Kỳ là động lực chính thúc đẩy sự trỗi dậy của thương mại điện tử toàn cầu, với tổng doanh số thương mại điện tử ở Hoa Kỳ 2022 đạt mức 1,03 nghìn tỷ USD.
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, hoạt động mua sắm trực tuyến theo đánh giá là xu thế của mua sắm trong tương lai của Hoa Kỳ. Chính vì vậy, cơ hội bán hàng trực tuyến vào thị trường này trong thời gian tới còn nhiều dư địa để phát triển và doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm bắt xu hướng này để phát triển xuất khẩu, tạo ra kênh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cạnh tranh hơn qua các nền tảng trực tuyến, ngoài các kênh truyền thống đến với khách hàng Hoa Kỳ.
Để tiếp cận được thị trường, ông Trần Đình Toản, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Công nghệ OSB cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt đã tận dụng và khai thác được cơ hội từ thương mại điện tử xuyên biên giới, tuy nhiên số lượng này chưa nhiều. Theo ông Trần Đình Toản, cạnh tranh trên môi trường ảo rất khốc liệt, người mua chỉ có vài giây để quyết định dừng chân xem, mua hàng. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải xây dựng gian hàng uy tín, hoạt động 24/24h, để người mua hàng có sự lựa chọn và đưa ra quyết định mua hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý về xu hướng tiêu dùng của thị trường châu Âu, châu Mỹ hiện nay đang tập trung vào xu hướng sản phẩm xanh.
Có thể thấy, với bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn “sản xuất xanh”, chuỗi cung ứng “sạch và bền vững”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó. Các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các tiêu chuẩn “sản xuất xanh”.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ. Để phát triển thị trường, ngoài việc hợp tác với các nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn, doanh nghiệp cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng và tích cực tìm kiếm các thị trường ngách để giảm thiểu rủi ro.