(HQ Online) 7 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước, điều này cũng tạo áp lực rất lớn lên tăng trưởng trong cả năm 2023 và trong nửa nhiệm kỳ còn lại của nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Nghị quyết số 105/NQ-CP đã ưu tiên đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, cố gắng đạt mục tiêu cao nhất có thể.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương
PV: Trong bối cảnh khó khăn, kinh tế Việt Nam trong thời gian qua vẫn đạt được khá nhiều kết quả ấn tượng, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng một số chỉ số của chúng ta vẫn còn đang khá thấp như GDP 6 tháng chỉ đạt 3,72% cách khá xa với mục tiêu đề ra cho cả năm 2023 là 6,5%. Điều này đặt ra một câu hỏi là liệu chúng ta có nên điều chỉnh mục tiêu cuối năm không hay là sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu này?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Đúng là kết quả GDP 6 tháng đầu năm còn cách khá xa so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra và điều này đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề trong những tháng cuối năm. Bởi nếu chúng ta muốn đạt được mức tăng trưởng bình quân của năm 2023 là 6,5% thì quý III và quý IV cần tăng trưởng xấp xỉ 9%. Mặc dù vậy trong những báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều khẳng định đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và thách thức nhưng cần kiên định, phấn đấu tối đa để đạt được kết quả tốt nhất trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Khi phân tích những yếu tố tác động đến sự tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 thì yếu tố khách quan là rất lớn. Đặc biệt, đi sâu vào phân tích trong cơ cấu tăng trưởng GDP thì lĩnh vực công nghiệp - lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế của nước ta lại là lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất. Điều này cũng thể hiện rất rõ nét sự ảnh hưởng bởi cầu thế giới đến hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế biến chế tạo, điện tử phụ thuộc rất nhiều vào thị trường tiêu thụ của các nền kinh tế lớn đều bị giảm mạnh, thậm chí có những thị trường giảm đến 60%. Trong bối cảnh khó khăn thì khu vực nông nghiệp tiếp tục thể hiện là trụ đỡ rất quan trọng đã có sự tăng trưởng rất tốt. Cùng với đó là sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực dịch vụ du lịch. Hai khu vực này đã đỡ cho khu vực công nghiệp rất nhiều trong cơ cấu chung của tăng trưởng GDP. Để đạt được mục tiêu ở mức tốt nhất, chúng ta phải chắt chiu từng cơ hội. Bản thân các doanh nghiệp cũng đang chắt chiu từng đơn hàng và không bỏ lỡ một đơn hàng nào dù là rất nhỏ.
PV: Xin ông cho biết rõ hơn về những thách thức cũng như những cơ hội mà chúng ta có thể tận dụng trong những tháng cuối năm?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Thứ nhất, các khó khăn tuy vẫn còn nhưng đang có những chuyển biến dần tích cực. Vấn đề lạm phát và kế hoạch điều chỉnh lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương lớn ở châu Âu đã giãn thời gian cũng như biên độ tăng lãi suất của mình so với trước đây. Đây tuy còn là thách thức nhưng cũng cho thấy những cơ hội và triển vọng.
Thứ hai, dù tổng cầu của toàn cầu vẫn đang ở mức thấp nhưng đang có những những dấu hiệu cho thấy đang có sự nhích dần của chi tiêu. Doanh nghiệp đang bắt đầu có lại những đơn hàng mặc dù ở quy mô nhỏ nhưng cũng cho thấy đang có sự khởi động lại đối với tổng cầu của thế giới. Bên cạnh đó, cũng cần tận dụng các FTA thế hệ mới, đặc biệt là việc mở rộng thị trường mới bên cạnh tiếp tục bám sát các thị trường truyền thống để tận dụng các cơ hội khi có dấu hiệu phục hồi.
Thứ ba, về đầu tư, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư thế giới cũng cho thấy có nhiều cơ hội để thu hút đầu tư vào Việt Nam. Nhận định của các chuyên gia và tổ chức quốc tế vẫn đang đánh giá rất tích cực về thị trường Việt Nam, Việt Nam vẫn là điểm đến tốt và luôn nằm trong danh sách để cân nhắc khi mở rộng đầu tư hoặc đầu tư mới. Đây cũng là một vấn đề cần chúng ta duy trì để trở thành một thị trường hấp dẫn thu hút được nhà đầu tư lớn, ngay cả trong những bối cảnh khó khăn như bây giờ.
PV: Vậy để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm nay, theo ông, chúng ta cần triển khai những giải pháp gì?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đã cụ thể hóa, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh kỷ luật kỷ cương, tăng cường cải cách hành chính và điểm đến là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong thời gian tới, phải khẳng định rằng chúng ta sẽ vẫn phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đây là yếu tố cốt lõi, tuy nhiên có một điểm mới trong Nghị quyết số 105/NQ-CP là đã có sự linh hoạt giữa hai mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng. Cụ thể, Nghị quyết số 105/NQ-CP đã đặt mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bởi lẽ qua phân tích tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam cho thấy, chúng ta đã kiểm soát lạm phát rất hiệu quả. Điều này đã tạo ra nền tảng tốt để dành ưu tiên nhiều hơn trong mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, cố gắng đạt mục tiêu cao nhất có thể.
Nhóm giải pháp thứ hai là chúng ta phải thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, trong đó yếu tố thị trường là yếu tố hết sức quan trọng. Bên cạnh việc khuyến khích cũng như khuyến nghị các doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới để xuất khẩu những mặt hàng mới, những đơn hàng mới thì có một nội dung hết sức trọng tâm và quan trọng đó là thúc đẩy phát triển thị trường trong nước - một thị trường được đánh giá có quy mô rất lớn và tiềm năng. Nếu tập trung phát triển được thị trường trong nước sẽ kích thích được nhu cầu nội địa cũng như tiêu dùng nội địa và thông qua đó kích thích được sản xuất - kinh doanh. Tất nhiên những mặt hàng phục vụ thị trường nội địa sẽ khác so với các mặt hàng phục vụ xuất khẩu nhưng có những sự trùng hợp nhất định, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn đang gặp khó vì đơn hàng quốc tế có thể quay sang tìm kiếm đơn hàng trong nước.
Nhóm giải pháp thứ ba là nhóm giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện về môi trường kinh doanh. Đây là một nhiệm vụ xuyên suốt từ xưa đến nay khi chúng ta đã có những Nghị quyết riêng biệt của Chính phủ như Nghị quyết 02 và nay đã được gộp vào Nghị quyết 01. Những nội dung về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là những nội dung quan trọng mà Chính phủ đã đặt ra, với mục tiêu là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thực sự hấp dẫn để thu hút đầu tư trong bối cảnh khó khăn.
Đây là một giải pháp vừa ngắn hạn và vừa dài hạn. Ngắn hạn là để nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước, dài hạn hơn đó là thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn quan trọng, phục vụ cho tăng trưởng lâu dài.
Nhóm giải pháp thứ tư là một điểm mới trong Nghị quyết số 105/NQ-CP đó là làm cách nào để khắc phục được tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, dám làm dám chịu trong đội ngũ cán bộ công chức. Đây là một nhiệm vụ mới và hết sức khó khăn, không chỉ đơn thuần là những giải pháp mang tính kỹ thuật mà còn là những giải pháp về mặt tâm lý.
Qua những phân tích phía trên có thể thấy, rất nhiều giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện và điểm rơi là những tháng cuối năm. Hơn thế nữa Nghị quyết số 105/NQ-CP với 6 quan điểm, 3 mục tiêu và 5 nhóm giải pháp đủ để chúng ta thực hiện trong những tháng cuối năm, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng. Về cá nhân tôi, tôi hết sức tin tưởng với những giải pháp đã được đề ra, nếu chúng ta thực hiện một cách quyết liệt hiệu quả các giải pháp thì kết quả của những tháng cuối năm sẽ tích cực hơn và phấn đấu đạt mức cao nhất có thể trong bối cảnh khó khăn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Xuân Thảo