(Thoibaotaichinhvietnam.vn) Giá dầu thế giới dần tiến gần đến mốc 100 USD/thùng đang dấy lên những lo ngại đến tình hình lạm phát. Xu hướng giá xăng dầu thế giới nửa cuối năm dự kiến sẽ còn nhiều biến động, đòi hỏi phải thận trọng trong điều hành chính sách tỷ giá và kiểm soát lạm phát trong nước.
Giá xăng biến động theo chiều hướng tăng khiến dư luận lo ngại về ảnh hưởng tới kiểm soát lạm phát cuối năm. Ảnh: TL
Lo ngại giá dầu tăng cao vào cuối năm
Giá thế giới đang dao động ở mức hơn 88 USD/thùng đến hơn 94 USD/thùng. Theo giới chuyên gia, sự thiếu hụt nguồn cung sẽ đẩy giá dầu lên mốc 100 USD/thùng vào cuối năm nay. Nguyên nhân khiến giá dầu tăng được các chuyên gia nhận định do tác động từ việc các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Ả rập Xê út và Nga, quyết định giảm lượng dầu tồn kho và gia hạn cắt giảm sản lượng dầu cho đến cuối năm nay.
Theo các nhà phân tích, giá dầu sẽ không chỉ dừng lại ở mức 95 USD/thùng như những dự báo trước đó mà chính sự thiếu hụt nguồn cung sẽ đẩy giá dầu lên mốc 100 USD/ thùng, thậm chí vượt mốc vào cuối năm nay.
Ở trong nước, xăng dầu tăng mạnh từ 16h chiều 21/9. Cụ thể, xăng E5RON92 hiện có giá 23.471 đồng/lít, tăng lên mức 24.190 đồng/lít; xăng RON95-III hiện có giá 24.871 đồng/lít, tăng lên mức 25.740 đồng/lít. Hầu hết các loại dầu cũng đều được điều chỉnh tăng giá. Cụ thể, dầu diesel 0.05S tăng thêm 540 đồng/lít, có giá mới là 23.590 đồng/lít; dầu hỏa tăng 630 đồng/lít, có giá mới là 23.810 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S có giá mới là 17.840 đồng/kg sau khi tăng thêm 140 đồng/kg.
Để có mức giá trên, nhà điều hành đã phải thực hiện việc trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu với mức 300 đồng/lít cho hầu hết các mặt hàng, trừ dầu mazut 180CST 3.5S. Như vậy, từ đầu năm đến nay giá xăng đã trải qua 26 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, 6 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.
Giá xăng biến động theo chiều hướng tăng khiến dư luận lo ngại về ảnh hưởng tới kiểm soát lạm phát cuối năm. Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, đối với giá xăng dầu trong nước, mức giá chỉ nên dao động trong khoảng từ 19.000 - 22.000 đồng. Còn khi giá xăng trên 22.000 đồng thì phải thận trọng trong điều hành. Việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là một lợi thế và cũng phải tính toán đến.
Theo vị chuyên gia này, biến động giá xăng dầu cũng ảnh hưởng nhiều tới chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các ngành tiêu thụ dầu mỏ lớn và từ đó tác động mạnh tới giá thành phẩm. Do vậy, bằng mọi cách phải kiểm soát đà tăng của giá xăng dầu.
Thận trọng điều hành chính sách tiền tệ
Dư luận lo ngại giá dầu tăng, lạm phát chắc chắn cũng tăng theo. Nếu lạm phát chưa được khống chế, việc các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất hoặc giữ lãi suất cao trong thời gian dài có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Những lo ngại hiển hiện khi lạm phát ở Mỹ và các nền kinh tế lớn có dấu hiệu tăng trở lại. Điều này gây áp lực lên chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed), dù trước đó thị trường dự báo Fed có thể sẽ dừng tăng lãi suất. Dữ liệu mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 tăng 0,6% so với tháng trước và cao hơn 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là mức tăng hàng tháng cao nhất trong năm nay, cho thấy tác động rõ rệt từ việc giá dầu tăng cao. Điều này có thể khiến Fed phải duy trì lãi suất cao dao động mức 5,25% - 5,5%, hoặc tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới, khiến cho đồng USD tăng giá. Chỉ số Dollar Index hiện đạt trên 104 điểm, tăng hơn 4,6% trong 2 tháng trở lại đây.
Việc Fed duy trì lãi suất điều hành ở mức cao và có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa bên cạnh những diễn biến quốc tế khó lường tiếp tục là yếu tố gây áp lực lên tỷ giá và diễn biến tiền tệ của Việt Nam.
Bài toán đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là phải dự báo được nguy cơ gây ra lạm phát để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, ổn định dòng tiền và đạt mục tiêu chính sách tiền tệ. NHNN nhận định chưa thể chủ quan với áp lực lạm phát trong bối cảnh giá năng lượng thế giới tăng cao trở lại.
Tháng 8/2023, CPI tăng 0,88% so với tháng trước, trong đó, chỉ số giá nhóm giao thông tăng mạnh nhất trong 11 nhóm hàng chính, với mức tăng 3,85% so với tháng trước. Theo ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam cho rằng, rủi ro lạm phát toàn cầu quay lại, giá xăng, dầu cao sẽ ảnh hưởng nhất định đến tình hình kinh tế vĩ mô trong nước. Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong năm nay, khiến đồng USD còn dư địa tăng giá.
Trong khi đó, NHNN duy trì chính sách nới lỏng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Đây đang là nguyên nhân chính tạo áp lực lên tỷ giá. Tất cả những điều kể trên sẽ ảnh hưởng đến định hướng chính sách tiền tệ trong những tháng còn lại của năm.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xăng dầu không còn là nguyên nhân đẩy CPI tăng? Trên thực tế, giá nhiên liệu tăng là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số CPI tăng. Do đó, giải pháp ổn định giá xăng dầu trong thời gian tới là hết sức cần thiết.
Minh Anh