Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu

Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu 27/10/2023 09:07:00 1270

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu

27/10/2023 09:07:00

(HQ Online) Theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên cả nước tháng 9/2023 tăng 1,08% so với tháng trước và trung bình 9 tháng năm 2023 tăng 3,16% so với cùng kỳ năm ngoái là mức tăng vừa phải, tạo điều kiện tương đối thuận lợi cho công tác điều hành, hướng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4,5% trong năm 2023.

Các yếu tố gây áp lực lạm phát vẫn tiềm ẩn như giá dầu và giá hàng hóa thế giới còn cao.
Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Vẫn ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát

Trình bày báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phân tích rõ tình hình thế giới và trong nước, trong đó nhấn mạnh kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Theo Thủ tướng, trước khó khăn Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các giải pháp đưa ra sẽ thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng, gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. “Chính phủ nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để tăng trưởng GDP năm nay đạt trên 5%; lạm phát khoảng 3,5 - 4%”, Thủ tướng khẳng định.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, nhận định về mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, với CPI bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 3,16% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, có thể “yên tâm” với khả năng kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Đánh giá về những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến lạm phát trong những tháng còn lại của năm, bà Nguyễn Thu Oanh cho biết, lương cơ bản tăng 20% từ ngày 01/7/2023 đã và sẽ tác động đến giá các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; dịch vụ du lịch tiếp đà phục hồi trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Cùng với đó, giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào thời điểm đầu năm và cuối năm do nhu cầu mua sắm trong dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán và các lễ hội, giá dịch vụ y tế dự kiến sẽ tăng theo mức lương cơ bản. Giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại. Giá gạo trong nước có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu... Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, sự thuận lợi cho kiểm soát lạm phát trong nước là lạm phát toàn cầu hạ nhiệt trong năm 2023 giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, với xu hướng hạ nhiệt khá rõ nét trong 9 tháng đầu năm, dự báo CPI bình quân cả năm 2023 sẽ ở mức dưới 3,5%, thấp hơn mức mục tiêu 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tạo dư địa chính sách thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các yếu tố gây áp lực lạm phát vẫn tiềm ẩn như giá dầu và giá hàng hóa thế giới dù hạ nhiệt song còn cao; hiệu ứng giảm giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu nhập khẩu đến các nhóm hàng hóa khác chậm hơn so với hiệu ứng tăng giá của các mặt hàng do nhà nước quản lý như: Giá điện, lương cơ sở, dịch vụ y tế, giáo dục. Ngoài ra, cung tiền, tín dụng, vòng quay tiền và tổng cầu sẽ tăng cao hơn vào chu kỳ cuối năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025, cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới và Việt Nam.

3 kịch bản cho giai đoạn 2023 - 2025

Trong những tháng cuối cùng của năm 2023, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam; chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Bên cạnh đó, cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.

“Hiện nay còn dư địa cho việc điều chỉnh các loại giá dịch vụ do Nhà nước quản lý trong những tháng cuối năm, nhưng cần quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh hợp lý, phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra sẽ là những giải pháp quan trọng để kiềm chế lạm phát trong thời gian tới”, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá kiến nghị.

Dự báo về xu hướng giá tiêu dùng cũng như lạm phát trong giai đoạn 2023 - 2025, TS. Cấn Văn Lực phân tích, với các yếu tố hỗ trợ đang chiếm ưu thế như xu hướng hạ nhiệt của giá hàng hóa - dịch vụ thế giới, sự chủ động, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; lộ trình tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý được điều tiết hợp lý, lãi suất giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, cung tiền vừa phải và vòng quay còn chậm,… CPI bình quân giai đoạn từ năm 2023 - 2025 dự kiến ở mức 3,6 - 3,8% (kịch bản cơ sở) và CPI bình quân giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 ở mức 3,1 - 3,2%, tương đương giai đoạn 2016 - 2020 và duy trì mức ổn định dài hạn dưới 4%.

Ở kịch bản tích cực, CPI bình quân giai đoạn năm 2023 - 2025 dự kiến tăng 3 - 3,3% khi giá xăng dầu giảm mạnh nhờ giá hàng hóa thế giới thấp hơn dự kiến; giá nhiều hàng hóa thiết yếu giảm nhờ các biện pháp chủ động, hiệu quả trong lưu thông, điều tiết giá cả hàng hóa, ổn định tâm lý người dân, giữ vững vị thế an ninh lương thực và an ninh năng lượng; giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý tăng thấp hơn dự kiến (dưới 5%), tăng trưởng tín dụng thấp hơn kịch bản cơ sở (chỉ khoảng 9 - 10%) song vẫn đảm bảo tăng trưởng, tỷ giá ổn định, mức độ tác động của yếu tố tiền tệ tới CPI khá nhỏ.

Còn với kịch bản tiêu cực, CPI bình quân giai đoạn năm 2023 - 2025 có thể tăng 3,5 - 4% (hoặc có thể cao hơn) nếu tính đến giá xăng dầu trong nước tăng (do dư địa giảm thuế phí thu hẹp, giá dầu thế giới ở mức cao hơn dự báo hoặc mức giảm chỉ dưới 5%); giá một số mặt hàng tiêu dùng gia đình tăng (nhu cầu tăng, thu nhập tăng cùng với đà phục hồi kinh tế; chi phí vận tải, logistics tăng trở lại...); giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý tăng mạnh hơn dự kiến (cao hơn 5% và tăng cùng một thời điểm); cung tiền, tỷ giá tăng cao hơn kịch bản cơ sở, tác động làm CPI tăng thêm 0,4 - 0,6% hoặc cao hơn.

Xuân Thảo

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%