(Vietnamplus.vn) Theo báo cáo quý III/2023 do 4 ngân hàng thương mại lớn nhất ở Hàn Quốc gồm KB Kookmin, Shinhan, Hana và Woori công bố ngày 20/11, tổng dư nợ xấu của các ngân hàng này tính đến cuối tháng 9/2023 là 2.890 tỷ KRW.

Tập đoàn tài chính Shinhan Financial Group. (Nguồn: businesskorea.co.kr)
Số lượng các khoản vay “hộp thiếc” trong đó các ngân hàng thương mại cho vay tiền nhưng thậm chí không thể thu được lãi đang gia tăng. Nguyên nhân là do số lượng người đi vay bị đẩy đến chân tường trong bối cảnh lãi suất cao và suy thoái kinh tế tăng lên đáng kể, tình trạng mất khả năng thanh toán trong lĩnh vực cho vay doanh nghiệp được cho là đặc biệt nghiêm trọng.
Theo báo cáo quý III/2023 do 4 ngân hàng thương mại lớn nhất ở Hàn Quốc gồm KB Kookmin, Shinhan, Hana và Woori công bố ngày 20/11, tổng dư nợ xấu của các ngân hàng này tính đến cuối tháng 9/2023 là 2.890 tỷ KRW, tăng 27,3% so với mức 2.270 tỷ KRW trong cùng kỳ năm 2022.
Trong cùng thời gian, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ của 4 ngân hàng lớn tăng từ 0,18% lên 0,22%. Nợ xấu là các khoản nợ quá hạn từ ba tháng trở lên và các ngân hàng không nhận được cả tiền lãi lẫn khoản tiền gốc.
Những khoản nợ xấu đang gia tăng nhanh chóng trong tổng khoản vay doanh nghiệp. Nợ xấu trong lĩnh vực cho vay doanh nghiệp của bốn ngân hàng lớn đã tăng 29,0% từ mức 1.531 tỷ KRW vào cuối năm 2022 lên 1.975 tỷ KRW vào cuối tháng 9/2023 năm nay. Trong cùng thời gian, nợ xấu trong lĩnh vực cho vay hộ gia đình cũng tăng 23,7% từ 746,2 tỷ KRW lên 923,4 tỷ KRW.
Thống kê cho biết, số lượng các công ty bị đẩy đến bờ vực phá sản đang gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Theo báo cáo thống kê hàng tháng của tòa án, tính đến tháng 10/2023, số vụ phá sản doanh nghiệp được đệ trình lên tòa án trên toàn quốc là 1.363 vụ, tăng 66,8% so với mức 817 vụ của cùng kỳ năm 2022. Tính đến tháng 10/2023, có 34.090 vụ phá sản cá nhân, tương đương với mức của cùng kỳ năm 2022.
Khánh Vân