Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023: Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023: Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững 30/11/2023 16:40:00 896

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023: Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững

30/11/2023 16:40:00

Ngày 30/11/2023, tại Bình Định, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề: “Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững” được đồng tổ chức bởi Bộ Tài chính và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU), Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển liên bang Đức (BMZ) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn tới dự và phát biểu tại diễn đàn. Tham dự Diễn đàn còn có gần khoảng 300 đại biểu là đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; một số cơ quan địa phương; đơn vị thuộc Bộ Tài chính; trường đại học khối kinh tế - tài chính; doanh nghiệp và thành phần khác liên quan; nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - tài chính trong và ngoài nước; tổ chức quốc tế (IMF, GIZ, UNDP, UNICEF, PRI…).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu khai mạc Diễn đàn

Diễn đàn Tài chính Việt Nam là sự kiện được tổ chức thường niên kể từ năm 2017 nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và đối tác phát triển trong và ngoài nước thảo luận về các vấn đề kinh tế - tài chính, cũng như đề xuất các sáng kiến, giải pháp triển khai thực hiện những định hướng lớn về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) trong Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030 và các giải pháp tài chính - NSNN cho phục hồi, phát triển kinh tế của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH). Môi trường sản xuất - kinh doanh tiếp tục khó khăn do hệ lụy từ những tác động của dịch Covid-19, khả năng cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế; dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão, lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương… Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có độ mở lớn (khoảng 200% GDP), trong khi các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam phục hồi chậm, cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước. Cùng với đó, một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH giai đoạn 2022 - 2023 triển khai còn chậm; lạm phát gia tăng trong bối cảnh giá hàng hóa, lạm phát toàn cầu tăng; giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm; nợ xấu tiềm ẩn vẫn là thách thức.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp điều chỉnh chính sách về tài chính - NSNN linh hoạt, đồng bộ với các chính sách tiền tệ và vĩ mô khác để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển KT - XH và hướng tới phát triển bền vững như: Các chính sách về thu NSNN, chi NSNN, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa được đảm bảo. Trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 ở mức 4,5 - 5,8% và tăng lên mức 5,5 - 6,5% trong năm 2024. Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,0 - 3,8% trong năm 2023 và có thể tăng lên 4,71% trong năm 2024.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm; lạm phát vẫn ở mức cao; sự sụt giảm cầu nhập khẩu từ các nước đối tác thương mại lớn; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra; nợ công tăng cao và hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế ngày càng thu hẹp. Cùng với đó, một số thách thức nội tại cũng sẽ tạo áp lực cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước nói chung. Xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững; kinh tế tuần hoàn; kinh tế số; ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu… và việc triển khai các nhiệm vụ tại các nghị quyết Trung ương về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phát triển các vùng, đổi mới mô hình tăng trưởng… đòi hỏi chính sách tài chính phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển KT - XH bền vững.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh: “Thành công của Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2023 sẽ là động lực quan trọng để Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam các năm tiếp theo, tạo ra không gian khoa học cho những sáng kiến về các vấn đề kinh tế - tài chính đang được dư luận xã hội quan tâm”.

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

Phát biểu chào mừng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, sau 3 năm của nhiệm kỳ 2021 - 2025, Bình Định luôn duy trì tăng trưởng kinh tế qua các năm. Năm 2023, ước thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt 15 nghìn tỷ đồng. Bình Định cũng mong muốn kêu gọi các nhà đầu tư tìm đến địa phương để tạo động lực huy động nguồn lực cho ngân sách đảm bảo tăng trưởng xanh bền vững. Theo đó, tỉnh tập trung cân đối nguồn lực gắn với tăng trưởng xanh, tuần hoàn, kinh tế số, phấn đấu là trung tâm lớn của miền Trung.

Ông Arne Fraemk

Ông Arne Fraemk - Trưởng nhóm hợp phần Chương trình "Cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh", Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cũng đang trên lộ trình chuyển đổi tăng trưởng xanh, cam kết thực hiện rác thải bằng 0 năm 2050. Vì vậy, Việt Nam phải huy động nguồn lực, đảm bảo nguồn tài chính công ổn định, phát triển. BMZ cam kết chia sẻ kinh nghiệm quốc tế với Bộ Tài chính Việt Nam; phối hợp các cục, vụ tăng cường quản lý nợ công, quản lý thuế, chương trình cải cách chiến lược ngành Tài chính đến năm 2030.

Ban điều hành phiên 1 Diễn đàn

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 gồm phiên tổng thể và 2 phiên tham luận về chính sách tài chính vượt qua thách thức, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; chính sách tài chính hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, các đại biểu tham dự, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận các vấn đề về cơ hội và thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách. Đồng thời, các đại biểu đề xuất các giải pháp để vượt qua thách thức và hướng tới phát triển bền vững.

TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính điều hành Phiên 2 Diễn đàn

Tham gia phát biểu tại Diễn đàn có sự góp mặt trực tiếp và trực tuyến của nhiều diễn giả với các nội dung xoay quanh các vấn đề về: (i) Chính sách tài chính huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững như: Giải pháp tài chính huy động nguồn lực nhằm tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai và xây dựng môi trường bền vững; những thách thức chính sách tài chính các nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh; (ii) Chính sách tài chính phân bổ nguồn lực cho tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững như: Đầu tư công cho tăng trưởng xanh các nước và Việt Nam; chính sách tài chính hướng tới phát triển bền vững; giải pháp công nghệ số giúp quản trị dữ liệu tài chính tập trung, hướng tới phát triển bền vững; chính sách thuế hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thời gian qua và đề xuất kiến nghị của Hội tư vấn thuế Việt Nam.

Chia sẻ về giải pháp thuế tối thiểu toàn cầu, ông Jochen Schmittmann - Trưởng Đại diện thường trú, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia đang chuẩn bị triển khai thuế tối thiểu toàn cầu nhằm tạo sân chơi công bằng. Ước tính khi Việt Nam tham gia chính sách này, số thu ngân sách có được từ FDI chỉ khoảng 0,2% GDP. Theo ông Jochen Schmittmann, nếu triển khai chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhà đầu tư lớn, không ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào Việt Nam và các ưu đãi thuế không phải là lý do chính để thu hút FDI vào Việt Nam. Yếu tố thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam chính là từ môi trường chính trị ổn định, sự chăm chỉ của người lao động, tận tâm với công việc và trình độ lao động ngày càng cao… Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra các quan ngại trong thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay là cơ sở hạ tầng; quy trình phê duyệt, xử lý tín dụng, cấp tín dụng, môi trường kinh doanh có vai trò hơn so với các ưu đãi thuế.

Ông Jochen Schmittmann - Trưởng Đại diện thường trú, tại Việt Nam, IMF tại Lào và Campuchia

Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng, Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cũng chia sẻ một số vấn đề xoay quanh “Cải cách chính sách thuế nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh”. Qua đó, đề xuất một số giải pháp, kiến nghị như: Tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt; hướng dẫn, tổ chức triển khai hiệu quả, kịp thời các giải pháp chính sách thuế; tiếp tục hoàn thiện và vận hành hiệu quả một hệ thống thuế “thân thiện với tăng trưởng”; phát huy có hiệu quả vai trò đòn bẩy của chính sách thuế trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước phát triển bền vững; chủ động xây dựng các kế hoạch cụ thể để sửa đổi, bổ sung các luật thuế theo lộ trình đề ra; Xây dựng các khung khổ về thuế phù hợp để tham gia hiệu quả các sáng kiến về thuế quốc tế; Đảm bảo sự đồng bộ giữa cải cách về chính sách thuế với cải cách về thể chế quản lý thuế, bộ máy quản lý thuế…

Chia sẻ về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu rõ, năm 2023 là năm đầy khó khăn, nhiều thách thức và áp lực. Một số vấn đề nóng ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động đầu tư, kinh doanh: Doanh nghiệp nhiều ngành như gỗ, cao su, sắn, điện tử… gặp nhiều khó khăn, thiếu dòng tiền. Để tiếp tục tăng sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam thì cần phải tiến hành nhiều giải pháp như tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng nhân lực, thúc đẩy sản xuất công nghiệp nội địa… trong đó, cần tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính như: Các giải pháp giảm chi phí kinh doanh và cải cách chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật.

Toản cảnh diễn đàn

Về giải pháp phát triển bền vững, ông Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã đề xuất một số giải pháp để Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội và giảm thiểu các rủi ro, sức ép, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh mới: Sớm ban hành danh mục xanh áp dụng cho toàn quốc, trong đó bao gồm sản phẩm xanh, dự án xanh. Đồng thời, xác định các lĩnh vực ưu tiên và khả thi nhằm thúc đẩy tiêu dùng xanh ở Việt Nam; hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển thị trường vốn xanh; thúc đẩy vận hành sớm thị trường tín chỉ carbon; nghiên cứu khuyến khích thành lập ngân hàng đầu tư xanh để phục vụ mục đích đầu tư xanh…

Chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đánh giá cao và trân trọng các ý kiến của các đại biểu đưa ra tại Diễn đàn, nhiều đề xuất giải pháp của các đại biểu tham dự có tính khả thi, có giá trị thực tiễn cao. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu kỹ những ý kiến, đề xuất của quý vị đại biểu hôm nay tại Diễn đàn để có những đề xuất, tham mưu chính sách và điều hành trong thời gian tới với Chính phủ kịp thời, hiệu quả.

Nguyễn Trang 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%