Ban hành Nghị quyết thuế tối thiểu toàn cầu để chủ động hội nhập quốc tế

Ban hành Nghị quyết thuế tối thiểu toàn cầu để chủ động hội nhập quốc tế 30/11/2023 09:17:00 698

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Ban hành Nghị quyết thuế tối thiểu toàn cầu để chủ động hội nhập quốc tế

30/11/2023 09:17:00

(Haiquanonline.com.vn) Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Nhiều ý kiến chuyên gia, đại biểu Quốc hội đồng thuận với việc Việt Nam thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu ngay từ đầu năm 2024.

Việc sớm thông qua Nghị quyết về thuế TTTC để bảo đảm sự rõ ràng về mặt pháp lý cho các nhà đầu tư.

Bảo đảm sự rõ ràng về mặt pháp lý

Sáng ngày 29/11/2023, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại phiên họp bế mạc Quốc hội.

Trước đó, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết để chủ động hội nhập quốc tế, nội luật hóa các quy định của OECD để giữ được quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) tại Việt Nam.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, từ góc độ của các nhà đầu tư bị điều chỉnh bởi thuế TTTC, việc Việt Nam chưa nội luật hoá quy định về thuế TTTC trước thời điểm 1/1/2024 sẽ làm các nước xuất khẩu đầu tư không rõ về khả năng áp dụng thuế TTTC tại Việt Nam. Điều này có thể làm cho các nhà đầu tư phải lập kế hoạch cho năm 2024 theo hướng chuyển số thuế TTTC bổ sung tại Việt Nam về kê khai và nộp tại nước mẹ.

Vì vậy, các nhà đầu tư thể hiện quan điểm mong muốn Việt Nam sớm thông qua Nghị quyết về thuế TNDN bổ sung để bảo đảm sự rõ ràng về mặt pháp lý cho các nhà đầu tư khi xây dựng kế hoạch cho năm 2024.

Từ thực tế này, ngày 1/11/2023, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 39/2023/UBTVQH15 để bổ sung Nghị quyết về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 để trình Quốc hội tại kỳ họp này theo quy trình tại 1 kỳ họp.

Trước đó, năm 2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra tuyên bố Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế bao gồm: trụ cột thứ nhất phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số; trụ cột thứ hai đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (TTTC) 15% đối với các công ty đa quốc gia.

Nội dung thực hiện thuế TTTC này đã đạt được sự thoả thuận tham gia của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài về cơ bản sẽ áp dụng Thuế TTTC từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với Thuế TTTC (15%). Các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài tương tự như Việt Nam cũng nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó, trong đó có việc áp dụng quy định Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) để tránh việc nộp thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty thành viên có thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu về các nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính, đồng thời cũng nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng của Thuế TTTC và thu hút các nhà đầu tư mới.

Đem lại nhiều nguồn lợi, bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch giữa các quốc gia

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Việt Nam đã tham gia công ước thuế TTTC một cách tích cực. Đây là lợi ích quốc gia và nếu như Việt Nam không tham gia, không thực hiện, áp dụng thuế TTTC, các "nước mẹ" của chủ doanh nghiệp có quyền "đánh" mức thuế tối thiểu 15%.

Bởi vậy, nếu Việt Nam không tham gia, lập tức phần chênh lệch dưới mức thuế TTTC doanh nghiệp cũng không được hưởng. Theo đó, phần chênh lệch này sẽ chuyển về chính quốc của doanh nghiệp đó.

Vì vậy, để đảm bảo lợi ích quốc gia, Việt Nam cần có chính sách tham gia thực hiện thuế TTTC ngay từ đầu năm 2024 khi tất cả các nước tham gia công ước hầu như đều thực thi để đảm bảo quyền đánh thuế của mình và lợi ích quốc gia.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, việc tham gia công ước thuế TTTC sẽ xóa nhòa đi chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư của Việt Nam từ xưa đến nay dựa trên công cụ là chính sách thuế TNDN. Vì thế, phải khẳng định ưu đãi về thuế TNDN chỉ là một trong những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư.

Còn rất nhiều yếu tố khác tạo nên sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư của Việt Nam như: sự ổn định về hệ thống chính trị, các nền tảng về hạ tầng, yếu tố về chất lượng nguồn nhân lực, số lượng nguồn nhân lực, yếu tố về thể chế, chính sách môi trường, hành chính, pháp lý, an ninh…

Tất cả các yếu tố này tổng hòa thành tính hấp dẫn môi trường đầu tư và thuế chỉ là một trong yếu tố đó. Do đó, phải xác định là việc áp dụng chính sách ưu đãi về thuế còn tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp chuyển giá, chống trốn lậu thuế.

“Vì vậy, việc áp dụng thuế TTTC sẽ có phần tác động đến môi trường kinh doanh. Thế nhưng, mức độ tác động và tính hấp dẫn đầu tư không quá lớn. Mặt khác, Việt Nam lại có những nguồn lợi nhất định như tăng nguồn thu cho ngân sách; giảm trốn lậu, chuyển giá…”, đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, việc áp dụng thuế TTTC tới đây chắc chắn giúp tăng nguồn thu ngân sách. Mức thuế tối thiểu toàn cầu được quy định là 15%, áp dụng đối với các tập đoàn, công ty đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu EUR, tương đương 800 triệu USD trong ít nhất hai năm của bốn năm liền kề gần nhất và hoạt động có lợi nhuận thì hoàn toàn có khả năng thu được khoản tiền từ nguồn này.

Trước ý kiến cho rằng, việc áp dụng thuế TTTC dẫn đến hạn chế khả năng thu hút vốn FDI của các tập đoàn, công ty đa quốc gia, chuyên gia Trần Hoàng Ngân cho rằng, nếu để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch giữa các quốc gia, và quan trọng nhất là chống chuyển giá thì chúng ta vẫn cần áp dụng quy định về thuế TTTC.

Hoài Anh

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%