Hội thảo khoa học “Tình hình kinh tế - tài chính năm 2023 và dự báo năm 2024”

Hội thảo khoa học “Tình hình kinh tế - tài chính năm 2023 và dự báo năm 2024” 28/12/2023 17:00:00 858

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hội thảo khoa học “Tình hình kinh tế - tài chính năm 2023 và dự báo năm 2024”

28/12/2023 17:00:00

Ngày 28/12/2023, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (CLTC) phối hợp với Học viện Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tình hình kinh tế - tài chính năm 2023 và dự báo năm 2024”. TS. Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện CLTC và PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện Tài chính đồng chủ trì Hội thảo. Tham gia Hội thảo còn có các đại biểu đến từ một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Viện Kinh tế Việt Nam, Học viện Ngân hàng, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Chiến lược ngân hàng, Học viện Ngoại giao, các chuyên gia, nhà khoa đại diện một số cơ quan thông tấn, báo chí trong ngành Tài chính.

TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và PGS. TS. Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học Viện Tài chính chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện CLTC cho biết, kinh tế Việt Nam năm 2023 tiếp tục phải ứng phó với những yếu tố bất lợi từ tình hình kinh tế thế giới như cạnh trạnh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng; xung đột giữa Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát thế giới vẫn ở mức cao; hầu hết các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ… Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nhưng quy mô còn khiêm tốn, nên chịu tác động mạnh bởi diễn biến tình hình thế giới, khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi. Những thành tựu trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo cân đối lớn trong năm 2023 là dư địa, tạo đà cho Việt Nam phát triển trong năm 2024.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nhiều diễn biến mới xuất hiện, khó lường từ kinh tế thế giới. Để hỗ trợ và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, khai thác các tiềm năng và tạo các nguồn động lực mới, Việt Nam cần xây dựng nhiều giải pháp trong năm tới. Do đó, hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn khoa học để thảo luận, phân tích và đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách tài chính năm 2023; nhận diện những khó khăn, thách thức, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm tham mưu cho công tác quản lý, điều hành và hoạch định chính sách trong thời gian tới.

TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện CLTC phát biểu khai mạc hội thảo

Tham luận tại Hội thảo, TS. Lê Xuân Sang đã khái quát thực trạng kinh tế Việt Nam dưới tác động của kinh tế thế giới. Theo đó, nhìn chung kinh tế thế giới vẫn bất ổn, khó dự báo nhưng kinh tế Hoa Kỳ đã phục hồi với ngày càng rõ nét hơn. Trong nước, kinh tế Việt Nam đầu năm 2023 tiếp tục chịu tác động từ “cơn gió ngược” trên thị trường thế giới như lạm phát cao, lãi suất toàn cầu tăng, sự suy giảm tăng trưởng ở nhiều nước. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đã chống chịu và hấp thu tương đối hiệu quả các “cơn gió ngược”, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá/thanh khoản được duy trì, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ động hạ lãi suất khi các nước phát triển đang trên đà tăng hoặc neo ở mức cao; GDP tăng trưởng khá chủ yếu nhờ tăng mạnh hơn từ đầu tư công, tiêu dùng cũng như việc Chính phủ đã quyết liệt, tháo gỡ thể chế phục hồi thị trường bất động sản.

Đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2023, ThS. Dương Hoàng Linh, Phó trưởng Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo, Viện CLTC cho rằng, kinh tế Việt Nam mặc dù có dấu hiệu cải thiện như: Cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) được đảm bảo; lạm phát bình quân trong 11 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đề ra (4,5%); chính sách tài khóa tiếp tục được triển khai theo hướng mở rộng, hợp lý; tỷ giá điều hành phù hợp với tình hình, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối; sản xuất công nghiệp tháng 11/2023 tiếp tục xu hướng tích cực, tình hình thu hút vốn FDI khả quan cả về vốn đăng ký và giải ngân,cán cân thương mại thặng dư.

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng cho thấy đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn; tiêu dùng tư nhân có cải thiện nhưng chưa bền vững, xuất, nhập khẩu hàng hóa sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.

Trên cơ sở đó, ThS. Dương Hoàng Linh cho rằng, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với rủi ro, thách thức trong năm 2024 do triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao; sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu các nước đối tác thương mại lớn; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra và kéo dài ở các nước. Cùng với đó, một số thách thức nội tại cũng sẽ tạo áp lực cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước như sản xuất công nghiệp mặc dù có cải thiện nhưng không chắc chắn; lạm phát vẫn chịu sức ép tăng do những rủi ro khó lường trong biến động giá dầu và lộ trình điều chỉnh giá hàng hóa thuộc quản lý của nhà nước, điều chỉnh lương; tăng trưởng xuất nhập khẩu tiếp tục suy giảm và chịu tác động kép của gia tăng áp dụng bảo hộ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa và xu hướng chuyển dịch tiêu dùng hàng hóa trong nước của các nước trên thế giới; khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục gặp khó khăn, quy mô doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục thu hẹp.

Nhấn mạnh về những kết quả đạt được trong điều hành chính sách tài khóa tại Việt Nam trong năm 2023, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Học Viện Tài chính cho biết, chính sách tài khóa 2 năm gần đây tại Việt Nam đã được điều hành thận trọng, các gói hỗ trợ giảm thuế, nhất là thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã có tác dụng tích cực. Nợ công dưới ngưỡng 60% GDP, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm và kỳ hạn vay dài hơn; cân đối NSNN vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2023 - 2025 vẫn còn một số vấn đề đặt ra đối với chính sách tài khóa như: Rủi ro của kinh tế và chính trị đến tăng trưởng và thu NSNN; hiệu quả thực thi chính sách tài khóa chưa cao, nhất là với chi đầu tư; hiệu ứng chèn lấn và rủi ro thanh khoản; tính bền vững về nguồn thu; khả năng cơ cấu lại chi NSNN.

Đồng quan điểm trên, ThS. Phạm Hoàng Hà, Ban Chính sách Tài chính công, Viện CLTC cho biết, Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong năm 2023. Tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí khoảng 172,1 nghìn tỷ đồng (trong đó số miễn, giảm khoảng 65,2 nghìn tỷ đồng; số gia hạn khoảng 106,9 nghìn tỷ đồng); Thu NSNN đạt khoảng 1,62 triệu tỷ đồng, vượt dự toán Quốc hội giao; chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; giải ngân đầu tư công cả năm ước đạt khoảng 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, số thu của một số các khoản thu quan trọng giảm so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khó khăn; giải ngân chi đầu tư phát triển cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng còn chậm.

Trên cơ sở phân tích và đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 2023, những kết quả đạt được và thách thức đặt ra, các chuyên gia, nhà khoa học đã kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy động lực tăng trưởng của nền kinh tế, khai thác các tiềm năng và tạo các nguồn động lực mới như: Tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai kịp thời, hiệu quả các gói chính sách, giải pháp về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh tạo tiền đề tăng thu NSNN; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo khả năng huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, đảm bảo cân đối NSNN; đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công thúc đẩy phục hồi nền kinh tế; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường chuyển đổi số nhằm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Toàn cảnh Hội thảo

Nhiều đề xuất giải pháp của các đại biểu tham dự Hội thảo có tính khả thi, có giá trị thực tiễn cao. Đây cũng là cơ sở để Viện CLTC và Học viện Tài chính nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu chính sách cho Bộ Tài chính trong việc quản lý, điều hành và hoàn hiện chính sách tài chính trong thời gian tới kịp thời, hiệu quả.

Nguyễn Chinh

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%