Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 9/2023 đạt giá trị 490 triệu USD và đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2023 lên con số cao kỷ lục 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã vượt giá trị xuất khẩu gạo cao nhất đã từng đạt được năm 2011 là 3,65 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 3,66 tỷ USD
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu chốt phiên ngày 20/10/2023 đến nay ở mức 643 USD/tấn và gạo 25% tấm ở mức 628 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan lại giảm nhẹ còn 570 USD/tấn và 524 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.
Nếu so sánh với gạo Việt Nam, thì giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện đang thấp hơn gạo Việt Nam đến 73 USD/tấn, gạo 25% tấm thấp hơn gạo Việt Nam đến 104 USD/tấn. Nguyên nhân của sự chênh lệch này do Thái Lan đang vào vụ thu hoạch lớn nhất năm trong khi Việt Nam nguồn cung không có nhiều. Ngoài ra, đồng bath của Thái Lan mất giá so với đồng USD khiến giá gạo của Thái Lan rẻ hơn trước đây.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Pakistan vẫn giữ nguyên ở mức 563 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 483 USD/tấn đối với gạo 25% tấm; giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Myamar cũng ổn định ở mức 588 USD/tấn. Như vậy, trừ gạo Home Mali của Thái Lan có giá 843 USD/tấn thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang giữ "ngôi vương" và ở mức cao nhất trong các nước xuất khẩu gạo truyền thống. Trong 2 tháng vừa qua, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam dao động trong khoảng từ 620 - 645 USD/tấn và giá gạo 25% tấm cũng có lúc lên tới mức 623 USD/tấn.
Do giá gạo xuất khẩu tăng nên đến hết tháng 9/2023, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước và vượt kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022 là 3,45 tỷ USD. Điều đáng chú ý là, giá trị xuất khẩu đạt 3,66 tỷ USD nhưng khối lượng gạo xuất khẩu chỉ 6,6 triệu tấn. Trong khi năm 2011, để đạt được trị giá 3,65 tỷ USD thì cần xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo. Có được điều này là nhờ giá gạo xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, có thời điểm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên đến gần 650 USD/tấn.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, ASEAN và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam. Trong đó, xuất sang ASEAN đạt 3,82 triệu tấn, tăng 28%; Trung Quốc đạt 859.000 tấn, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, lượng gạo xuất sang 2 thị trường đạt 4,68 triệu tấn, chiếm 73% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Xuất khẩu gạo có cơ hội lập kỷ lục mới
Diễn biến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ nửa cuối tháng 7/2023 nóng lên từng ngày do Ấn Độ (xuất khẩu mỗi năm 20 triệu tấn, chiếm hơn 40% nguồn cung gạo toàn cầu) đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo vào ngày 20/7/2023 và tiếp sau đó là Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga với mốc thời gian vào các ngày 29/7 và 30/7/2023 đã tạo áp lực lớn về nguồn cung trên thị trường thế giới, làm cho nhiều nước lo ngại về lượng gạo dự trữ suy giảm và khuyến khích các nhà nhập khẩu gạo lớn tìm kiếm nguồn cung từ các nhà xuất khẩu chính khác, bao gồm Thái Lan và Việt Nam và đẩy giá gạo thương mại trên thế giới tăng cao.
Bên cạnh đó, việc Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; xung đột địa chính trị làm cho nguồn cung lương thực và các loại nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất lương thực bị hạn chế, gián đoạn khiến các quốc gia lo lắng về nguồn cung; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ngũ cốc tại nhiều khu vực dẫn tới nguy cơ giảm sản lượng lương thực nói chung và lúa gạo nói riêng ngày càng hiện hữu cũng là nguyên nhân khiến các quốc gia lo lắng về nguồn cung, tạo áp lực tăng giá trên thị trường thế giới.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết, triển vọng ngành gạo được đánh giá rất tích cực trong những tháng cuối năm. Ngoài nguyên nhân từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số quốc gia thì còn có nguyên nhân quan trọng từ dự báo sản lượng gạo toàn cầu sẽ giảm do tác động của El Nino. Trước đó, theo tính toán tử Bộ NN&PTNT, ở kịch bản cao nhất,Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch khoảng 4,2 - 4,5 tỷ USD trong năm 2023.
Liên quan đến nguồn cung trong nước, sản lượng lúa năm 2023 dự báo sẽ đạt từ 43 - 43,4 triệu tấn, tăng khoảng 650 - 700 nghìn tấn so 2022, vượt 170 nghìn tấn so với kế hoạch đề ra từ đầu năm. Riêng 3 tháng cuối năm 2023, Bộ NN&PTNT dự báo sẽ thu hoạch gần 10 triệu tấn lúa mùa và vụ thu đông, tương đương với hơn 5 triệu tấn gạo. Với sản lượng này, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, vẫn còn dư khoảng 1,5 triệu tấn gạo có thể xuất khẩu.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải nhận định, giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn (Philipines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi) trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế.
Dự báo sản lượng gạo của Thái Lan năm 2023 có thể giảm 6%, xuống mức từ 25,1 - 25,6 triệu tấn và có thể giảm xuống thấp hơn. Trong khi đó, để đối phó với El Nino, nhiều quốc gia như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và các nước châu Phi đều đã đẩy mạnh dự trữ gạo để bảo đảm an ninh lương thực khiến nhu cầu gạo trên thế giới càng tăng cao. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm 2023.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng nhận định, xuất khẩu gạo trong quý IV/2023 sẽ tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế. Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở những nước khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao khi người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia
Mặc dù nguồn cung được dự báo ổn định để phục vụ các nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhưng trong bối cảnh sản xuất và xuất khẩu gạo vẫn đang “nóng” lên từng ngày, thì cũng đặt ra thách thức cho việc kiên định mục tiêu xuất khẩu bền vững cũng như cần phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bình ổn thị trường gạo tiêu thụ nội địa. Thực tế thời gian qua, tại Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện hiện tượng tranh mua, tranh bán lúa gạo, gom hàng, tích trữ hàng để đẩy giá lúa gạo lên cao.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần từ 12 - 19/10/2023, giá lúa gạo tại thị trường nội địa thêm một tuần tăng mạnh, dao động từ 193 - 604 đồng/kg tuỳ loại. Theo đó, giá bình quân thu mua lúa thường tại ruộng tăng lên mức 8.321 đồng/kg, lúa thường tại kho giá 9.475 đồng/kg; gạo xát trắng loại 1 có giá 15.288 đồng/kg, gạo 5% tấm ở mức 15.129 đồng/kg, gạo 15% tấm có giá 14.858 đồng/kg, gạo 25% tấm là 14.533 đồng/kg…
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Chỉ thị yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công thương, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội… theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới, tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Triển khai thực hiện những nhiệm vụ trên, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, tập trung triển khai các nhóm giải pháp như hoàn thiện thể chế; hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, thông tin và phát triển thị trường. Đồng thời, tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ…nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo cũng như xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Phùng Đức Tiến cho rằng, Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng để xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo cũng phải đặt trong sự cân đối bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo. Theo đó, cần có giải pháp tích cực để ổn định sản xuất, phục vụ đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đồng quan điểm trên, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, nhiều bài toán đặt ra ở thời điểm hiện tại và Bộ Công thương đang nỗ lực hài hòa lợi ích của các bên. Một mặt bảo đảm an ninh lương thực trong nước trong mọi tình huống, ổn định thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô; mặt khác vẫn tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, gắn với giữ chất lượng sản phẩm, bảo đảm thương hiệu gạo Việt Nam.
Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, vụ lúa Đông Xuân năm 2023 - 2024, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuống giống gần 1,5 triệu ha. Với kế hoạch gieo sạ vụ lúa Đông Xuân sớm trong tháng 10/2023 thì đến tháng 01/2024, Việt Nam sẽ tiếp tục có gạo vụ mới bán. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp trong vấn đề tìm đối tác, thị trường để xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Hoàng Long