Trung Quốc - thị trường trọng điểm xúc tiến thương mại năm 2024

Trung Quốc - thị trường trọng điểm xúc tiến thương mại năm 2024 26/02/2024 16:25:00 435

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Trung Quốc - thị trường trọng điểm xúc tiến thương mại năm 2024

26/02/2024 16:25:00

Trung Quốc - thị trường trọng điểm xúc tiến thương mại năm 2024

(HQ Online) Bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại các thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, Trung Quốc được xác định là thị trường trọng điểm trong xúc tiến thương mại năm 2024.

Sầu riêng là mặt hàng có đóng góp lớn vào kết quả xuất khẩu ấn tượng của ngành nông nghiệp trong năm 2023. Ảnh: TTXVN

Nhiều dư địa vào sâu thị trường

Theo ông Lương Văn Tài, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi rất tích cực. Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách về quản lý xuất nhập khẩu, trong đó nếu hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn sẽ tạo các điều kiện thuận lợi xuất khẩu vào thị trường này. Đặc biệt, hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc được duy trì ổn định, dự báo đạt kết quả tốt so với mặt bằng chung quan hệ thương mại của Trung Quốc với đa số các đối tác thương mại lớn trên thế giới.

Đặc biệt, ông Lương Văn Tài nêu một điểm nhấn trong thời gian tới giữa hai nước là năm 2025, Việt Nam - Trung Quốc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Vì vậy năm 2024 các cơ chế hợp tác thương mại dự báo sẽ đi vào chiều sâu. Trong các hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo Trung Quốc sẽ ưu tiên hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động này hơn. Đây có thể là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tổ chức thêm nhiều đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Ngay tháng 3 tới đây, đoàn của lãnh đạo tỉnh Sơn Đông với sự tham gia của 50 doanh nghiệp lớn trên địa bàn sẽ sang Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp tiếp cận, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Bên cạnh đó, theo ông Lương Văn Tài, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội để vào sâu thị trường này. Bởi, trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các doanh nghiệp châu Âu. Các sản phẩm doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm nhiều thời gian qua là thực phẩm, bánh kẹo các loại, đồ uống, nước ép đóng chai... Ngoài ra, dự báo Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhập khẩu các loại nông sản nhiệt đới, trong đó có các sản phẩm nông sản trái cây chất lượng của Việt Nam.

“Theo góc nhìn của Thương vụ, dư địa dành cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc rất lớn, đặc biệt các khu vực nằm sâu trong nội địa Trung Quốc như: Khu vực phía Bắc, Đông Bắc, khu vực Hoa Đông. Đây là khu vực có mức chi tiêu rất cao” đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh phân tích và nêu ví dụ: Điển hình cho thành công xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc năm 2023 là trái sầu riêng Việt Nam dần chiếm được thị phần tại nước này. Năm 2023, riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt tới 2,3 tỷ USD. Điều đáng nói là Việt Nam mới được mở cửa thị trường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc từ tháng 7/2022. “Với sự thành công của trái sầu riêng, thì các loại trái cây khác có thế mạnh của Việt Nam có thể đạt được kết quả tốt hơn trong năm 2024 và những năm tiếp theo”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh kỳ vọng.

Tăng liên kết, mở rộng giao thương

Cùng chung quan điểm, ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết: Năm 2024, Trung Quốc, Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, EU là 4 thị trường lớn của các mặt hàng nông sản Việt Nam, theo đó, ngành nông nghiệp sẽ tập trung triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quan trọng nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường.

Thời gian qua các hoạt động đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu, bổ sung doanh nghiệp và sản phẩm được phép xuất khẩu sang các thị trường đã được tích cực triển khai. Năm 2023, đã bổ sung 38 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc, 13 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU, 45 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm sống, cua xuất khẩu vào Trung Quốc, 1 cơ sở vào Hoa Kỳ, 2 cơ sở vào Liên bang Nga; đã cấp 6.997 mã số vùng trồng, 1.613 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường; bổ sung sản phẩm xuất khẩu (dưa hấu sang Trung Quốc; dừa tươi sang Hoa Kỳ,…); đặc biệt một số mặt hàng nông sản lần đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, Trung Quốc (sầu riêng, tổ yến, bưởi Diễn...).

Theo Cục Chất lượng, chế biến và phát triển, với thị trường Trung Quốc, năm 2024 sẽ tiếp tục tập trung rà soát các vấn đề về mở cửa thị trường xuất khẩu, kế hoạch mở cửa thị trường cho các sản phẩm tiềm năng và tiến độ phát triển thị trường cho các sản phẩm đã được mở cửa thời gian qua; vấn đề xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới; tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.

Để xuất khẩu bền vững, ông Lê Thanh Hoà mong muốn nhận được thông tin từ các tham tán, các địa phương, doanh nghiệp để có những kiến nghị, đề xuất sát với nhu cầu thực của thị trường. Vì có nhiều sản phẩm khi mở cửa thị trường không chuẩn theo các yêu cầu của địa phương thì gặp rất nhiều khó khăn. Có khi mở cửa nhưng không bán được, hay không có sản phẩm đề bán.

“Các địa phương, doanh nghiệp, người nông sân, các bộ ngành có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để cùng nhau đưa sản phẩm nông sản của Việt Nam đi xa hơn, chinh phục được các thị trường khó tính. Đồng thời, người nông dân và doanh nghiệp cần thực hiện tuân thủ quy trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Lê Thanh Hoà lưu ý.

Ngọc Linh

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ bước vào thời kỳ phát triển mới

(HQ Online) Sau khi hồi phục trong năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được nhận định sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm trong năm 2024 do tác động từ nhiều điều khoản chặt chẽ hơn của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ giúp các nhà đầu tư được hưởng lợi vì sẽ tạo nên sự minh bạch, cũng như chất lượng các lô TPDN phát hành.

Thị trường TPDN tiếp tục đóng vai trò là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả cho DN. Ảnh: ST

Áp dụng những yêu cầu cao hỗ trợ khôi phục niềm tin của thị trường

Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, gồm 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỷ đồng (chiếm 11,9% tổng giá trị phát hành) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng (chiếm 88,1% tổng số TPDN phát hành). Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành phát hành nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng (tương đương 56,5% tổng giá trị phát hành), theo sau là nhóm bất động sản với 73.202 tỷ đồng (chiếm 23,5%). Trong tháng 12, các doanh nghiệp đã mua lại 32.677 tỷ đồng, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Dữ liệu của Fiin Group lại cho thấy, thị trường TPDN riêng lẻ chứng kiến sự phục hồi nhẹ trong năm 2023 với giá trị phát hành mới đạt 345,8 nghìn tỷ (tăng 8,6% so với cùng kỳ). Về TPDN phát hành ra công chúng, Fiin cũng đánh giá giá trị phát hành cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc khi đạt 37 nghìn tỷ (tăng 74,6% so với cùng kỳ). “Hoạt động phát hành của các nhóm ngành đang cho thấy các dấu hiệu hồi phục sau một khoảng thời gian phát hành ảm đạm. Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm trong năm 2024 do tác động từ nhiều điều khoản về quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã đi vào hiệu lực. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ các điều kiện trên bởi tính minh bạch, cũng như chất lượng các lô TPDN phát hành mới được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn”, Fin Group đánh giá.

Theo Fiin Group, quy mô TPDN riêng lẻ lưu hành giảm từ 14,13% của năm 2022 xuống còn 9,8%/GDP vào cuối năm 2023, chủ yếu do phát hành mới chậm lại trong khi hoạt động mua lại diễn ra mạnh mẽ. Cơ cấu TPDN theo ngành hiện tại phần lớn vẫn thuộc về tổ chức tín dụng với 353,2 nghìn tỷ (39% giá trị trái phiếu lưu hành) và bất động sản với 294 nghìn tỷ (chiếm 33% giá trị trái phiếu lưu hành). Đơn vị này kỳ vọng thị trường TPDN năm 2024 sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng chặt chẽ hơn với việc áp dụng những yêu cầu cao hơn đối với tất cả các thành viên tham gia thị trường, qua đó giúp cho hoạt động phát hành trái phiếu mới dần phục hồi. Nhiều quy định trong Nghị định số 65/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực vào năm 2024 sẽ thiết lập kỷ luật chặt chẽ hơn đối với tất cả các bên liên quan và hỗ trợ cho việc khôi phục niềm tin của thị trường. Nhu cầu phát hành lớn của nhóm ngân hàng để bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ dẫn dắt thị trường trái phiếu trong năm 2024.

Các chuyên gia Chứng khoán VNDIRECT cũng khẳng định, thị trường TPDN hồi phục dần sau những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường với hoạt động phát hành TPDN dần hồi phục, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu cũng diễn ra sôi động sau khi Nghị định số 08/NĐ-CP được ban hành. Năm 2023, tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn là hơn 216 nghìn tỷ đồng, tăng gần 100% so với cùng kỳ, trong đó gần 40% là nhóm bất động sản. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn, dòng tiền eo hẹp, nhiều tổ chức phát hành đã thực hiện phương án đàm phán để gia hạn kỳ hạn trái phiếu với trái chủ. Theo tổng hợp của VNDIRECT, tính đến ngày 29/12/2023, tổng giá trị TPDN riêng lẻ đã được gia hạn là khoảng hơn 116 nghìn tỷ đồng.

Thị trường TPDN năm 2024 sẽ dần lấy lại niềm tin của đầu tư

Các chuyên gia cũng nhận định, áp lực TPDN đáo hạn năm 2024 vẫn còn lớn. Tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn năm 2024 là khoảng 207 nghìn tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ, trong đó 59,3% là của các doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều tổ chức phát hành gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn. Theo tổng hợp của VNDIRECT hiện có khoảng 71 tổ chức phát hành chậm thanh toán nợ trái phiếu đến hạn, tổng dư nợ TPDN của 71 tổ chức phát hành này là khoảng hơn 172,5 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 16,9% dư nợ trái phiếu toàn thị trường, và phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản. Bên cạnh đó, hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ có thể sẽ trầm lắng trở lại, khi các điều khoản trong Nghị định số 08/NĐ-CP bao gồm: Quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc chính thức có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2024.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, khối lượng trái phiếu đáo hạn năm 2024 cũng ở mức tương đối cao, khoảng 301 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, so với bối cảnh giai đoạn cuối năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính, tiền tệ hiện nay đều ổn định hơn rất nhiều. Đây là các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, có dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi với nhà đầu tư. Đối với từng ngành, lĩnh vực có đặc điểm hoạt động riêng, theo đó mức độ phục hồi, phát triển khác nhau.

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, kể từ quý II/2023 tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại, một số tổ chức chủ động mua lại trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn, hoạt động đàm phán cơ cấu lại trái phiếu tiếp tục được triển khai giúp tổ chức phát hành trước mắt có thêm thời gian phục hồi sản xuất - kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ, tháo gỡ áp lực thanh khoản. Qua đánh giá, tình hình triển khai Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, chính sách này đang tương đối hiệu quả. Tính đến hết năm 2023, 57,3% khối lượng trái phiếu chậm trả nợ đã có phương án đàm phán, trong đó 6,8% đã thanh toán một phần gốc, lãi cho nhà đầu tư, 50,4% đã đàm phán để cơ cấu lại nợ trái phiếu.

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô phục hồi, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, có khả năng thanh toán nợ đến hạn phát hành mới, từ đó xây dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư và củng cố tâm lý cho thị trường TPDN nói riêng và thị trường vốn nói chung. Mặt bằng lãi suất hiện nay cũng đang ở mức tương đối thấp, các doanh nghiệp có dự án tốt, phương án kinh doanh khả thi có thể tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phục vụ sản xuất - kinh doanh, tạo dòng tiền để thực hiện các nghĩa vụ nợ, trong đó có nghĩa vụ nợ TPDN. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về khung khổ pháp lý và tăng cường công tác thanh tra, giám sát, cùng với tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng thị trường TPDN năm 2024 sẽ dần lấy lại niềm tin của đầu tư, tiếp tục đóng vai trò là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Hoài Anh

Thể chế tài chính không ngừng hoàn thiện, tạo đà cho doanh nghiệp “cất cánh”

(Thoibaotaichinhvietnam.vn) Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong thời gian tới, công tác hoàn thiện thể chế của Bộ Tài chính sẽ hết sức nặng nề, với yêu cầu ngày càng cao. Tuy nhiên, từ những kết quả và kinh nghiệm đã được tích lũy, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính, thể chế tài chính sẽ không ngừng được hoàn thiện, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tài chính

Ngay từ những ngày đầu giữ trọng trách “Tư lệnh” ngành Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của chính sách, thể chế tài chính đối với sự phát triển của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Bộ trưởng ví đây là “đường băng” tốt nhất tạo đà cho doanh nghiệp cất cánh.

Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong bối cảnh tình hình thế giới có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt khả năng dự báo khi xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách tài khoá, tổ chức triển khai quyết liệt, hoàn thành tốt các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) đề ra, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân. Trong kết quả được ghi nhận ấy, có những đóng góp quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tài chính.

Đáng chú ý, năm 2023, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật, trong kế hoạch và phát sinh. Theo đó, đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi) và thông qua 5 nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2 nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 19 nghị định và đang xem xét ban hành 15 dự thảo nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 quyết định và đang xem xét ban hành 2 quyết định; đồng thời ban hành theo thẩm quyền 64 thông tư trong lĩnh vực tài chính - ngân sách.

Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện các báo cáo nghiên cứu rà soát các luật và phối hợp với các cơ quan có liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh giai đoạn 2023 - 2025 đối với Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi).

Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu, rà soát đối với: Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật Quản lý thuế và Luật NSNN. Trên cơ sở kết luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương nghiên cứu để lập đề nghị xây dựng các Luật và báo cáo cấp có thẩm quyền đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kịp thời đáp ứng khi thực tiễn cần

Mặc dù nhiệm vụ xây dựng thể chế của Bộ Tài chính là khá nặng nề với số lượng văn bản chủ trì soạn thảo hoặc ban hành lớn (thường chiếm khoảng 1/4 -1/3 khối lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan thuộc Chính phủ), có nội dung phức tạp, nhưng Bộ Tài chính luôn bảo đảm tiến độ hoàn thành.

Việc hoàn thiện, xây dựng thế chế pháp luật tài chính góp phần tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đối phó linh hoạt với các thách thức do khủng hoảng và suy thoái kinh tế đặt ra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, công tác xây dựng pháp luật trong lĩnh vực tài chính từng bước tiếp cận thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, góp phần hiện đại hóa quản lý tài chính, đảm bảo yêu cầu về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chiến lược tài chính đến năm 2030 của ngành Tài chính đặt mục tiêu tổng quát giai đoạn này là: Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia; thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính.

Chính sách pháp luật tài chính đã góp phần quan trọng, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Minh Anh

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%