Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng bứt phá ngoạn mục

Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng bứt phá ngoạn mục 29/02/2024 17:01:00 356

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng bứt phá ngoạn mục

29/02/2024 17:01:00

(TBTCO) Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khó khăn, suy thoái thì nền kinh tế Ấn Độ lại có sự tăng trưởng bứt phá ngoạn mục mới mức 7,3% năm 2023.

Mục tiêu của Ấn Độ là trở thành một trung tâm sản xuất. Ảnh: TL

Tăng trưởng bất chấp khủng hoảng

Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với GDP 3.700 tỷ USD và đang nổi lên là nền kinh tế chất lượng cao khi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2022, 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2024. Mới đây, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Vibrant Gujarat lần thứ 10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chia sẻ, năm 2023, Ấn Độ đạt mức tăng trưởng 7,6%, trong khi tăng trưởng toàn cầu chỉ 2,6%.

Theo ước tính của Bộ Tài chính Ấn Độ vào cuối tháng 1/2024, kinh tế quốc gia Nam Á này được dự đoán sẽ bùng nổ trong những năm tới, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2028, với GDP đạt 5.000 tỷ USD, vượt qua cả Đức và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, theo dự báo, tăng trưởng GDP của Ấn Độ dự kiến đạt trung bình hơn 6% mỗi năm cho đến năm 2028, thuộc hàng cao nhất ở châu Á. Còn bản thân nước này tự tin có thể tăng tốc lên đến 7%. Ngoài ra, đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cũng cho rằng, Ấn Độ sẽ là điểm sáng của kinh tế châu Á với tăng trưởng ổn định ở mốc 6,5% trong năm 2024 và 2025.

Đáng chú ý, trong khi thị trường chứng khoán thế giới lao đao và suy giảm thì theo Công ty dịch vụ tài chính Jefferies, thị trường chứng khoán Ấn Độ đang lập các kỷ lục mới. Giá trị vốn hóa của doanh nghiệp trên các sàn chứng khoán đã vượt 4.000 tỷ USD vào cuối năm ngoái. Con số này được dự báo sẽ tăng gấp hơn hai lần lên 10.000 tỷ USD vào năm 2030.

Hướng đến sản xuất công nghiệp để tăng trưởng bền vững

Thực tế cho thấy, để biến giấc mơ “Ấn Độ trở thành công xưởng của thế giới” thành hiện thực, trong thời gian qua, nước này đã chú trọng thu hút đầu tư FDI, đẩy mạnh đầu tư cho nền sản xuất: máy móc, dây chuyền sản xuất và cơ sở hạ tầng trong nước.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới như Amazon và Microsoft đã đổ hàng tỷ USD vào thung lũng Silicon Bangalore, trong khi các đại công ty khác như Verizon, Nokia và Cisco đang đầu tư gấp đôi vào cường quốc kinh tế mới nổi này.

Trong năm 2024 cũng như thời gian tới, Ấn Độ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng logistics để trở thành nền kinh tế sản xuất công nghiệp, tiếp tục tiệm cận mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành một trung tâm sản xuất lớn tiếp theo của thế giới.

Chính phủ Ấn Độ cũng chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các công ty toàn cầu, trong đó có Apple và các công ty Nhật Bản - thành lập các trung tâm nghiên cứu sáng tạo và sản xuất khổng lồ ở Ấn Độ; đồng thời tăng chi tiêu để xây dựng đường sá, bến cảng và sân bay.

Được biết, những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa giữ vị trí xương sống trong nền kinh tế Ấn Độ, chiếm 95% số doanh nghiệp, tạo ra 30% GDP, chiếm hơn một nửa giá trị xuất khẩu và sử dụng 110 triệu lao động trực tiếp. Thị trường tiêu dùng nội địa nước này đang phát triển rất nhanh cùng các ngành công nghiệp lớn mạnh - là yếu tố, về lâu dài sẽ thu hút dòng vốn đầu tư toàn cầu. Và hướng đi tập trung vào nền công nghiệp là giải pháp phát triển được coi là bền vững của Ấn Độ./.

Tố Uyên

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%