Gấp rút hoàn thiện dự thảo nghị định về quỹ phát triển đất

Gấp rút hoàn thiện dự thảo nghị định về quỹ phát triển đất 22/04/2024 16:15:00 303

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Gấp rút hoàn thiện dự thảo nghị định về quỹ phát triển đất

22/04/2024 16:15:00

(Thoibaotaichinhvietnam.vn) Để Luật Đất đai năm 2024 sớm đi vào cuộc sống (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024), sáng ngày 22/4, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ phát triển đất. Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

5 khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong việc thực hiện quỹ phát triển đất

Thực hiện Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ phát triển đất.

Để triển khai xây dựng nghị định này, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các địa phương đánh giá về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất, đồng thời đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung về mặt cơ chế, chính sách.

Theo báo cáo nhận được từ 63 địa phương, đến nay cơ bản các địa phương đã thành lập Quỹ phát triển đất. Thực tiễn cho thấy, việc thành lập và hoạt động của Quỹ phát triển đất là cần thiết, góp phần giúp chính quyền địa phương trong việc tập trung nguồn lực tài chính để kịp thời ứng vốn, thúc đẩy công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và nâng cao hiệu quả của dự án, góp phần tạo moi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư lớn thực hiện các dự án có tính lan tỏa cao.

Tuy nhiên, việc tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất trong thời gian qua còn những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới thực hiện nhiệm vụ và hoạt động của quỹ.

Cụ thể, chưa rõ nguồn vốn hoạt động của quỹ gồm những nguồn vốn nào để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ của quỹ; thực hiện việc cấp vốn điều lệ cho quỹ hay đưa vào dự toán ngân sách để chi bổ sung vốn hoạt động hàng năm cho quỹ.

Mô hình tổ chức của Quỹ phát triển đất chưa bao quát hết thực tiễn. Cơ cấu tổ chức của quỹ trong trường hợp ủy thác toàn bộ cho quỹ đầu tư phát triển hoặc quỹ tài chính khác của địa phương còn có điểm bất hợp lý, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động.

Quy định về việc hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất (nguồn hoàn trả, trình tự, thủ tục hoàn trả vốn ứng…), tại Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế mẫu về quản lý, sử dụng Quỹ phát triển đất không còn phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất nhưng lại chưa được sửa đổi, bổ sung.

Đặc biệt, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất, dẫn đến một số nội dung của Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không còn phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế để bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động của Quỹ phát triển đất.

Thiếu cơ chế để bảo đảm nguồn kinh phí chi trả cho hoạt động của bộ máy, quản lý hành chính của quỹ, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của quỹ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đưa ra nhiều phương án để Quỹ phát triển đất hoạt động hiệu quả

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, cho biết hiện dự thảo nghị định đã được Bộ Tài chính hoàn thiện. Dự thảo gồm 6 chương với 26 điều và phụ lục các mẫu biểu kèm theo. Đặc biệt, để đảm bảo Quỹ phát triển đất hoạt động được hiệu quả, ông Thịnh cho biết, trong dự thảo nghị định đã đưa ra các quy định cụ thể về nguồn vốn hoạt động của quỹ. Theo đó, nguồn vốn hoạt động của quỹ gồm vốn điều lệ và vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Về vốn điều lệ, tại dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là vốn điều lệ của Quỹ phát triển đất được cấp từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương. Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định mức vốn điều lệ ban đầu, vốn điều lệ bổ sung cấp cho Quỹ phát triển đất.

Phương án 2 là hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định mức bổ sung vốn điều lệ cho quỹ từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương.

Việc cấp vốn điều lệ cho quỹ thực hiện theo hình thức lệnh chi tiền; quy định về trình tự, thủ tục cấp vốn điều lệ cho quỹ.

Về quản lý vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất, dự thảo cũng đưa ra 2 phương án cho việc quản lý vốn điều lệ. Với phương án 1, vốn điều lệ của quỹ được gửi tại kho bạc nhà nước (KBNN) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Với phương án 2, vốn điều lệ của quỹ được gửi tại KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc các ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước trên địa bàn.

Vốn huy động hợp pháp khác được gửi tại KBNN hoặc tổ chức tín dụng trên địa bàn…

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, cùng với dự thảo nghị định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, dự thảo nghị định về Quỹ phát triển đất đều là các vấn đề phức tạp, có liên quan và chịu sự tác động của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau. Do đó, Bộ Tài chính mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp chất lượng từ các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Để Quỹ phát triển đất thực sự phát huy vai trò trong thực tiễn, giúp Luật Đất đai năm 2024 sớm đi vào cuộc sống (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, sớm hơn 5 tháng so với thời gian dự kiến ban hành Luật là ngày 01/01/2025), Thứ trưởng Bộ Tài chính đã đề nghị các đại biểu tham gia hội nghị cho ý kiến tập trung vào các vấn đề cụ thể như: Nội dung dự thảo nghị định gửi xin ý kiến đã cụ thể đầy đủ các nội dung được Luật Đất đai, Luật Nhà ở giao quy định chi tiết hay chưa? Các nội dung về mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ phát triển đất đã bảo đảm cho hoạt động của quỹ được an toàn, hiệu quả, có kiểm soát hay chưa? Nguồn vốn hoạt động của quỹ (vốn điều lệ, vốn huy động khác) như dự thảo có phù hợp không?

Hay việc sử dụng vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất vào 4 nhiệm vụ (ứng vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; ứng vốn thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng để đấu giá quyền sử dụng đất; ứng vốn thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đổi với đồng bào dân tộc thiểu số; ứng vốn thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư) đã hợp lý chưa, cần bổ sung, điều chỉnh gì? Việc bố trí vốn và cách thức hoàn trả vốn ứng theo 2 trường hợp (từ vốn dự án và từ dự toán NSNN) như dự thảo đã hợp lý chưa?

Cuối cùng là tính đồng bộ của dự thảo nghị định về Quỹ phát triển đất với quy định có liên quan của các dự thảo nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật Nhà ở.

“Ngoài các nội dung trên, các đại biểu có thể tham gia bất cứ nội dung quan tâm nhằm giúp cho cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản sớm hoàn thiện dự thảo nghị định gửi lấy ý kiến thấm định của Bộ Tư pháp, bảo đảm thời hạn trình Chính phủ trước ngày 10/5/2024 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà” - Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Vân Hà

 

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%