Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho rằng, mặc dù bị tác động bởi tốc độ phục hồi chậm của các nền kinh tế nước ngoài và lạm phát tăng cao, làm cho người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, kinh tế của các khu vực tại Nhật Bản nhìn chung đang phục hồi ở tốc độ ổn định hoặc vừa phải, tuy nhiên cần theo dõi và đánh giá sâu hơn về những ảnh hưởng của trận động đất vừa qua. Các động lực giúp nhiều khu vực của Nhật Bản duy trì đánh giá khả quan đó là sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô khi nguồn cung bán dẫn được nới lỏng, ngoài ra đầu tư của các doanh nghiệp, ngành dịch vụ và du lịch dự báo sẽ tăng trưởng tích cực.
.png)
Kinh tế Nhật Bản suy giảm
Theo ước tính tài sản quốc gia do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 25/12/2023, GDP bình quân đầu người danh nghĩa của Nhật Bản đã giảm từ mức 40.034 USD năm 2021 xuống còn 34.064 USD năm 2022, đánh dấu lần đầu tiên sau 14 năm, quốc gia này đứng cuối trong nhóm G7, thấp hơn Italy với 34.733 USD. Con số này cũng làm cho Nhật Bản bị hạ thêm 1 bậc trong số các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tức là từ vị trí 20/38 vào năm 2021 xuống 21/38 vào năm 2022 - đây là lần đầu tiên kể từ năm 1980. Nguyên nhân chủ yếu là do đồng JPY mất giá nhanh trong năm 2022 với giả định số liệu do Văn phòng Nội các tính toán là tỷ giá hối đoái giữa đồng JPY và đồng USD vào năm 2022 là 131,4 JPY đổi 1 USD, trong khi tỷ giá này vào năm 2021 là 109,8 JPY đổi 1 USD.
Cùng với đó, GDP danh nghĩa của Nhật Bản là 4.260 tỷ USD vào năm 2022, chiếm tỷ trọng 4,2% GDP toàn cầu, tiếp tục duy trì vị trí nền kinh tế thứ ba thế giới, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây là tỷ trọng thấp nhất kể từ số liệu so sánh vào năm 1980 và đã giảm một nửa so với tỷ trọng năm 2005 với 10,1%. Trong khi đó, Đức đang bám sát vị trí thứ ba của Nhật Bản với GDP danh nghĩa là 4.082 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 4%.
Đài CNBC dẫn số liệu sơ bộ của Chính phủ Nhật Bản cho biết, GDP trong quý III/2023 của Nhật Bản giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2022, sau mức tăng 4,8% trong quý II. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ quý III/2021 và cao hơn mức giảm 0,6% mà các chuyên gia kinh tế dự báo với Reuters. Chỉ số điều chỉnh GDP của Nhật Bản trong quý III/2023 đạt 5,1%. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong quý III đã suy giảm 0,5% so với quý II, trong khi quý II đạt tăng trưởng 1,2% so với quý trước đó. GDP quý III của Nhật Bản suy yếu một phần do chi phí tài sản cố định giảm sâu hơn dự tính, với mức giảm 0,6% so với quý II, trái ngược với kỳ vọng tăng 0,3%.
Cùng với đó, áp lực lạm phát gia tăng đã buộc người dân nước này phải tính toán lại các khoản chi một cách hợp lý. Cụ thể, chi tiêu hộ gia đình trong tháng 11/2023 đã giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022 và là tháng giảm thứ 9 liên tiếp. Các hộ gia đình đã cắt giảm chi tiêu cho các loại thực phẩm (như rau, trái cây) do giá cả trở nên đắt đỏ hơn. Chi tiêu cho giáo dục, ô tô cũng suy giảm, trong khi các khoản chi liên quan đến nhà ở giảm tới 21%. Việc người dân liên tục hạn chế chi tiêu cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản vẫn còn mong manh và có thể làm cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thận trọng hơn trong việc thay đổi chính sách tiền tệ.
Kinh tế Nhật Bản kỳ vọng duy trì động lực tăng trưởng
Theo báo cáo Sakura, báo cáo kinh tế khu vực của BOJ, trong 9 khu vực của nền kinh tế nước này, có 6 khu vực bao gồm khu vực Hokuriku vừa xảy ra động đất được giữ nguyên đánh giá về triển vọng, 2 khu vực được nâng đánh giá và chỉ có 1 khu vực bị hạ. BOJ cho rằng, mặc dù bị tác động bởi tốc độ phục hồi chậm của các nền kinh tế nước ngoài và lạm phát tăng cao làm cho người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nền kinh tế ở các khu vực của Nhật Bản nhìn chung đều đang phục hồi ở tốc độ ổn định hoặc vừa phải, tuy nhiên cần theo dõi và đánh giá sâu hơn về những ảnh hưởng của trận động đất vừa qua.
.jpg)
Các động lực giúp nhiều khu vực của Nhật Bản duy trì đánh giá khả quan đó là sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô khi nguồn cung bán dẫn được nới lỏng. Ngoài ra, đầu tư của các doanh nghiệp, ngành dịch vụ và du lịch dự báo sẽ tăng trưởng tích cực. Bên cạnh sự tăng trưởng của nền kinh tế, một yếu tố quan trọng khác để BOJ quyết định chính sách tiền tệ đó là triển vọng tăng lương của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, Ngân hàng Trung ương cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ xu hướng tăng lương trong đàm phán tăng lương mùa xuân tới. Dự báo về lợi nhuận kinh doanh năm 2024, 50,4% doanh nghiệp kỳ vọng sẽ cải thiện và 8,3% doanh nghiệp cho rằng sẽ xấu đi so với dự báo lợi nhuận kinh doanh của năm 2023. Nhiều công ty đang kỳ vọng vào sự cải thiện nhờ sự phục hồi của năm 2023.
Các nhà nghiên cứu của Ngân hàng Goldman Sachs cũng dự báo, năm 2024, thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ tiếp tục xu hướng tích cực nhờ tăng trưởng kinh tế toàn cầu vững chắc và cải cách mạnh mẽ của thị trường chứng khoán. Xu hướng này được củng cố còn nhờ dự báo sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Nhật Bản và các doanh nghiệp cải thiện các tiêu chuẩn quản trị để thu hút nhà đầu tư và làm tăng thu nhập của doanh nghiệp trong những năm tới. Goldman Sachs đánh giá thu nhập doanh nghiệp của Nhật Bản sẽ duy trì ở mức ổn định nhờ đồng nội tệ vẫn giữ giá trị thấp, ngành du lịch tăng tốc, vốn đầu tư doanh nghiệp mạnh và những thay đổi cơ cấu dài hạn tích cực khác sẽ diễn ra.
Cuối tháng 11/2023, chỉ số chứng khoán TOPIX - thước đo giá trị chứng khoán trên sàn giao dịch Tokyo - đã tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 1990 và đầu tư nước ngoài vào Nhật Bản tiếp tục tăng. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, yếu tố góp phần làm thay đổi mạnh mẽ thị trường chứng khoán Nhật Bản trong những năm gần đây chính là động lực cải cách quản trị doanh nghiệp. Đây là một phần quan trọng trong “mũi tên thứ ba” của chiến lược kinh tế Abenomics do cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đưa ra vào năm 2012.
Nỗ lực cải cách quản trị doanh nghiệp cũng đang thúc đẩy hoạt động trên thị trường vốn đầu tư tư nhân (PE) của Nhật Bản. Giá trị giao dịch trên thị trường PE xấp xỉ 20 tỷ USD/năm và được thúc đẩy bởi các giao dịch lớn hơn. Hoạt động giao dịch của các quỹ đầu tư tư nhân ở Nhật Bản đã tăng gần gấp đôi trong sáu tháng đầu năm 2023 so với mức giảm khoảng 40% ở châu Mỹ và 65% ở châu Âu, mặc dù có xuất phát điểm nhỏ hơn. Hơn nữa, xuyên suốt năm 2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) đã tập trung vào việc nâng cao giá trị doanh nghiệp, hỗ trợ cổ phiếu của các công ty Nhật Bản tăng giá hơn nữa.
Giải pháp tài khóa tiền tệ năm 2024
Chính phủ Nhật Bản ngày 22/12/2023 đã phê duyệt dự thảo ngân sách khoảng 112 nghìn tỷ JPY (789 tỷ USD) cho năm tài chính 2024. Dự thảo ngân sách này đánh dấu sự sụt giảm chi tiêu đầu tiên sau 12 năm tài chính do nguồn tài trợ liên quan đến Covid-19 bị hạn chế, nhưng phải đối mặt với những thách thức trong việc duy trì kỷ luật tài chính, trong khi phải tăng chi tiêu quốc phòng và an sinh xã hội ở mức kỷ lục. Khoản ngân sách này thấp hơn khoảng 2.310 tỷ JPY so với năm tài chính hiện tại, không bao gồm ngân sách bổ sung. Tuy nhiên, quy mô ngân sách vẫn ở mức lớn trong lịch sử, cho thấy khó khăn trong việc giảm chi tiêu xuống mức trước đại dịch, “thời bình” như Chính phủ dự kiến.
Năm tài chính 2024 là năm thứ hai trong kế hoạch 5 năm của Chính phủ cho đến năm tài chính 2027 nhằm tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng lên 43 nghìn tỷ JPY. Nhật Bản cũng đang tăng cường chi tiêu cho hỗ trợ chăm sóc trẻ em đồng thời giải quyết chi phí an sinh xã hội ngày càng tăng do dân số đang già đi nhanh chóng. Các chi phí liên quan đến an sinh xã hội cho lương hưu, chăm sóc y tế và điều dưỡng cho dân số già đang đạt mức kỷ lục khoảng 37.720 tỷ JPY. Số thu thuế được giả định ở mức kỷ lục 69.610 tỷ JPY, ít thay đổi so với mức dự kiến tại thời điểm ngân sách bổ sung cho năm tài chính 2023, mặc dù có kế hoạch cắt giảm thuế 40 nghìn JPY/người từ tháng 6/2024 để giúp chống lạm phát. Việc cắt giảm thuế đối với cá nhân sẽ làm cho Chính phủ mất một phần doanh thu, nhưng nguồn thu từ thuế doanh nghiệp dự kiến sẽ hỗ trợ do đồng JPY yếu hơn và các yếu tố khác làm tăng thu nhập từ thuế. Mặt khác, Nhật Bản có kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ khoảng 34.950 tỷ JPY để đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chi tiêu cho năm tài chính 2024.
Về chính sách tiền tệ, giới chuyên gia nghiêng về khả năng Nhật Bản sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 4/2024. Phát biểu mới nhất từ ông Ueda ngày 27/12/2023 cho thấy, BOJ ít có khả năng đợi tới tháng 7/2024 mới bắt đầu tăng lãi suất. Các chuyên gia dự báo, BOJ sẽ có những chính sách mới vào tháng 4/2024, sau khi đánh giá số liệu ban đầu về thoả thuận tiền lương hằng năm được đưa ra vào tháng 3 và công bố cập nhật dự báo kinh tế hàng quý vào tháng 4 là những cơ sở cho việc tăng lãi suất. Không giống như các nền kinh tế phát triển khác, Nhật Bản từ lâu phải tìm cách kích thích lạm phát để thông qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Trung ương châu Âu phải tăng lãi suất quyết liệt trong gần 2 năm qua để chống lại sự leo thang của giá cả, BOJ vẫn là ngân hàng trung ương cuối cùng trên thế giới còn giữ lãi suất âm để tạo ra vòng xoáy tăng lương - tăng lạm phát.
Tuy nhiên, để có thể vực dậy nền kinh tế, Nhật Bản vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có cả các yếu tố bên ngoài như xu hướng chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ và châu Âu hay xu hướng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Những yếu tố này có thể tác động đến đà phục hồi kinh tế của Nhật Bản cũng như thị trường chứng khoán Tokyo.
Nhật Lệ