- Đơn vị chủ trì: Viện Chiến lược và Chính sách tài chính
- Đại diện chủ nhiệm nhiệm vụ: Ban Tài chính quốc tế và Chính sách hội nhập (Đại diện: ThS. Trần Thị Hà)
- Năm giao nhiệm vụ: 2022 Mã số: CLTC/ĐT/2022-40
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Xuất khẩu và chính sách tỷ giá hối đoái là hai vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Chính sách tỷ giá của Việt Nam thời gian qua đã gắn liền với chính sách đổi mới, hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại, góp phần tăng trưởng kinh tế. Trong quá trình đổi mới, Việt Nam luôn coi xuất khẩu là động lực chính để tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Kiên trì với mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu, trong những năm vừa qua việc duy trì chính sách tỷ giá ổn định đã hỗ trợ cho hoạt động xuât khẩu. Hiện nay, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) là những thị trường xuất, nhập khẩu quan trọng của Việt Nam nên việc biến động tỷ giá hối đoái, đặc biệt là tỷ giá USD sẽ có những tác động nhất định tới kết quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Trên thực tế, tình hình kinh tế thế giới gần đây có nhiều diễn biến phức tạp gây nên sự biến động của các đồng tiền chủ chốt, qua đó ảnh hưởng nhiều chiều đến hoạt động thương mại, xuất, nhập khẩu.
Trong thời gian qua, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) liên tục tăng lãi suất trong năm 2022 - 2023, dẫn đến đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND. Tại phiên giao dịch ngày 07/9/2023, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác đạt 110,75 điểm - tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Đồng USD tăng giá mạnh đồng nghĩa với sự mất giá của các đồng tiền khác, đẩy giá nhập khẩu hàng hoá đặc biệt là giá lương thực - thực phẩm và xăng dầu ở nhiều quốc gia tăng cao, làm gia tăng áp lực lên lạm phát. Ảnh hưởng lan rộng toàn cầu từ xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của FED không phải là vấn đề mới, tuy nhiên đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây, một đợt tăng giá mạnh của đồng USD có ảnh hưởng lớn đến tới tỷ giá đồng tiền của các nền kinh phát triển, thay vì ảnh hưởng nhiều hơn tới các nền kinh tế mới nổi.
Đối với Việt Nam, khi đồng USD tăng giá, doanh thu xuất khẩu sang Hoa Kỳ của Việt Nam (quy đổi từ USD sang đồng Việt Nam) sẽ tăng, giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi, gia tăng doanh thu và lợi nhuận tính bằng đồng Việt Nam. Đồng USD tăng giá cũng làm cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên có tính cạnh tranh hơn trên thị trường Hoa Kỳ, dẫn tới lượng hàng hóa bán ra được nhiều hơn. Nhưng ở chiều ngược lại chi phí nhập khẩu, chi phí vận tải, logistics, kho bãi, vay nợ bằng USD cũng tăng. Vì vậy, việc đánh tác động của tỷ giá lên xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào nguồn hàng, nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu là từ nội địa hay từ nhập khẩu. Bên cạnh đó, đồng EU yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Hơn nữa, sức mua yếu khiến người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Từ đó, có thể làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường, trong đó có Việt Nam.
Với dự báo triển vọng kinh tế thế giới chưa khả quan, diễn biến tỷ giá của đồng USD và các đồng tiền chủ chốt sẽ còn tiếp tục phức tạp. Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách các nước nói chung và Việt Nam đều cần theo dõi sát sao các biến động để có những điều chỉnh phù hợp. Do đó, việc nghiên cứu đề tài “Tác động của tỷ giá hối đoái đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam” trong giai đoạn hiện nay là cần thiết.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài kiến nghị một số giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện chính sách tỷ giá hối đoái, phát huy những tác động tích cực của chính sách tỷ giá hối đoái đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Chính sách tỷ giá hối đoái và tác động của chính sách tỷ giá hối đoái đến xuất khẩu hàng hóa.
- Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu về chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam, đánh giá tác động của chính sách tỷ giá hối đoái đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2023 ; xem xét các nghiên cứu thực nghiệm về chính sách tỷ giá tác động đến xuất khẩu của một số nước.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã hệ thống hóa được một số vấn đề cơ bản về chính sách tỷ giá và xuất khẩu, gồm: Khái niệm, bản chất tỷ giá hối đoái, phân loại tỷ giá hối đoái và các nhân tố tác động; chính sách tỷ giá hối đoái và vai trò của chính sách tỷ giá hối đối với xuất khẩu, các công cụ của chính sách tỷ giá, cơ chế tỷ giá. Đề tài cũng đưa ra kênh tác động của chính sách tỷ giá hối đoái với xuất khẩu hàng hóa; đồng thời xem xét các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của chính sách tỷ giá đối hoái với xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, các nghiên cứu được chia theo hai nhóm: Nhóm 1 là tỷ giá hối đoái hoặc tỷ giá hối đoái thực giữa tiền tệ quốc gia xuất khẩu và tiền tệ quốc gia nhập khẩu tác động dương lên khối lượng hoặc giá trị xuất khẩu, gồm các nghiên cứu của Usman Haleem và cộng sự (2005), Lutengano Mwinuka và Felix Mlay (2015), Phạm Thị Ngân và Nguyễn Thanh Tú (2015), Trần Nhuận Kiên và Ngô Thị Mỹ (2015), phù hợp với cơ sở lý thuyết (Krugman và Obstfed, 2012, trang 323). Nhóm 2 là tỷ giá hối đoái hoặc tỷ giá hối đoái thực giữa tiền tệ quốc gia xuất khẩu và tiền tệ quốc gia nhập khẩu tác động âm lên khối lượng hoặc giá trị xuất khẩu, gồm các nghiên cứu: Grafoute Amoro và Yao Shen (2013), Mohammed B. Yusoff and Ahmed Hossain Sabit (2015), Sirikul Tulasombat và cộng sự (2015), Trần Thanh Long và Phạm Thị Quỳnh Hoa (2015) đưa ra quan điểm trái ngược với cơ sở lý thuyết (Krugman và Obstfed, 2012, trang 323) nhưng với lời giải đáp thỏa đáng và đáng lưu ý.
(2) Đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam; đồng thời phân tích thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giai đoạn tương ứng. Bên cạnh đó, đề tài đã đánh giá tác động của chính sách tỷ giá hối đoái đến xuất khẩu của Việt Nam theo cả phương pháp định tính và định lượng. Đối với nghiên cứu định lượng: Đề tài sử dụng số liệu theo quý trong giai đoạn từ quý I/2011 - III/2023 với 51 quan sát. Sử dụng mô hình hồi quy đa biến trên phần mềm Eviews để xác định mức độ ảnh hưởng của tỷ giá đến hàng hóa xuất khẩu. Trên cơ sở lý thuyết về thương mại quốc tế, các nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu, đề tài lựa chọn đưa vào mô hình đánh giá các biến tỷ giá, xuất khẩu, nhập khẩu, thu nhập trong nước và thu nhập nước ngoài, giá dầu. Các dữ liệu được đưa vào mô hình được thu thập và tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê, Quỹ Tiền tệ IMF và Reuter. Kết quả ước lượng từ mô hình với các biến tỷ giá có tính đến độ trễ đã giải thích được sự biến thiên của xuất khẩu chịu tác động từ các biến đưa vào mô hình.
(3) Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam; dự báo bối cảnh quốc tế và bối cảnh trong nước tác động đến chính sách tỷ giá hối đoái và xuất khẩu hàng hóa Việt Nam; quan điểm và mục tiêu xuất khẩu hàng hóa đến năm 2030, đề tài đề xuất một số nhóm giải pháp điều tiết tỷ giá hối đoái nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa, cải thiện trạng thái của cán cân thương mại Việt Nam trong giai đoạn tới: (i) Về điều hành tỷ giá: Để tạo thuận lợi cho xuất khẩu, cần tăng cường tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái trong giới hạn ổn định cho phép, với việc áp dụng chính sách tỷ giá thả nổi có điều tiết. Việc điều chỉnh tỷ giá nên thực hiện thường xuyên để tránh những sự điều chỉnh với biên độ lớn, gây ra “cú sốc” cho nền kinh tế; điều hành linh hoạt tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tăng dự trữ ngoại hối khi điều kiện thuận lợi, đảm bảo lượng dự trữ để đối phó với dòng vốn đảo chiều; đẩy mạnh phát triển thị trường ngoại hối theo hướng minh bạch, hiện đại hóa; về phía doanh nghiệp, nên sử dụng những công cụ tài chính phái sinh ngoại tệ như: Mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP)... để phòng ngừa rủi ro tỷ giá; (ii) Về phát triển thị trường hàng hóa xuất khẩu: Doanh nghiệp cần xác định lợi thế cạnh tranh để khai thác triệt để nhu cầu tiêu dùng trong nước bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để sản xuất trong nước giảm phụ thuộc vào nguồn tư liệu, nguyên vật liệu từ nước ngoài; tăng cường năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước, khuyến khích doanh nghiệp cải thiện năng lực nội tại, tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất, cải tiến hệ thống quản lý để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh; da dạng hóa thị trường xuất khẩu - nhập khẩu để hạn chế rủi ro từ các biến động địa chính trị trên thế giới; tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ…; (iii) Về các giải pháp bổ trợ khác: Hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến thương mại và hội nhập quốc tế; đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính; thiết lập các hệ thống quản trị rủi ro một các hiệu quả, chủ động phòng ngừa phát hiện và ngăn chặn rủi ro tài chính; tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các ngành nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh để định hướng đầu tư cho doanh nghiệp; đầu tư phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao nhận kho vận và đẩy nhanh xã hội hóa hoạt động dịch vụ logistics, đặc biệt tại các địa điểm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua ngày 12/11/2023 (Quyết định số 106/QĐ-CLTC ngày 12/10/2023 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2022).
- Lưu trữ: Đề tài được lưu trữ tại thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.