Kinh tế tài chính Việt Nam năm 2022 - 2023 và triển vọng

Kinh tế tài chính Việt Nam năm 2022 - 2023 và triển vọng 12/03/2024 16:00:00 816

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Kinh tế tài chính Việt Nam năm 2022 - 2023 và triển vọng

12/03/2024 16:00:00

- Đơn vị chủ trì: Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: Nhóm nghiên cứu kinh tế - tài chính (Đại diện: TS. Nguyễn Thị Hải Thu)

- Năm giao nhiệm vụ: 2022  Mã số: CLTC/ĐT/2022-44

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Mặc dù hầu hết các nước đã kiềm chế được dịch Covid-19 nhưng các nền kinh tế đều đối diện với khó khăn thách thức trong việc phục hồi kinh tế và các vấn đề phát sinh như lạm phát, giá cả hàng hóa và giá dầu tăng cao làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như đời sống của người dân. Trong đó, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều rủi ro suy thoái; lạm phát diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia và khu vực; giá dầu có xu hướng giảm nhưng vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm trước; nợ công tăng cao và nguy cơ vỡ nợ công ở một số nước; chính sách tiền tệ tiếp tục xu hướng thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát; chính sách tài khóa các nước tập trung hỗ trợ kích thích kinh tế tăng trưởng, đảm bảo doanh nghiệp, người dân ổn định sản xuất và đời sống trong bối cảnh giá năng lượng, lạm phát tăng.

Là nền kinh tế đã hội nhập sâu với thế giới và có độ mở lớn (khoảng 200% GDP), Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất định cả về chính trị, kinh tế, xã hội của bối cảnh quốc tế. Đồng thời, những hạn chế, yếu kém nội tại của nền kinh tế tồn tại trong nhiều năm qua cộng hưởng với những vấn đề mới nảy sinh đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đặc biệt, kể từ năm 2019, đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan ở nhiều nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân và doanh nghiệp trên nhiều phương diện, làm cho nền kinh tế của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Sau những thành công của năm 2021 về kiềm chế dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng đã bước đầu phát huy tác động, kinh tế Việt Nam được dự báo có những bước phát triển tốt năm 2022. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang chịu ảnh hưởng từ nhiều tác động tiêu cực, nền kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với một số khó khăn thách thức: Các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc... đang gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao, thiếu hụt năng lượng và đứt gãy nguồn cung cứng; sự biến động của kinh tế thế giới và điều chỉnh chính sách của các nước lớn, đặc biệt là căng thẳng Nga - Ukraine, làm cho giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng mạnh, điều này có tác động hai chiều tới thu ngân sách nhà nước (NSNN) của Việt Nam; giá cả, lạm phát thế giới tăng mạnh, cùng với việc điều chỉnh tăng lãi suất của ngân hàng trung ương (NHTW) các nước lớn tác động mạnh dến nền kinh tế, tài chính toàn cầu, cũng làm gia tăng áp lực đến việc điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ của Việt Nam để duy trì các cân đối lớn của nền kinh tế (tỷ giá, lạm phát, nợ công…).

Do vậy, việc nghiên cứu đề tài “Kinh tế tài chính Việt Nam năm 2022 - 2023 và triển vọng” là cần thiết, có giá trị thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế - tài chính thế giới diễn biến phức tạp và hội nhập ngày càng sâu rộng.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu, đánh giá tình hình kinh tế - tài chính Việt Nam năm 2022 - 2023, từ đó đưa ra dự báo, triển vọng những năm tiếp theo.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Tình hình kinh tế - tài chính.

- Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung một số vấn đề lớn trọng tâm về kinh tế - tài chính các nước trong khu vực, các nước lớn trên thế giới và Việt Nam năm 2022 - 2023; đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2023 - 2025.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã phân tích tình hình kinh tế - tài chính thế giới năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 ở các khía cạnh: Tăng trưởng, lạm phát và giá cả hàng hóa, thị trường tài chính, thương mại và đầu tư, xu hướng điều chỉnh chính sách tiền tệ và tài khóa của các nước; từ đó đưa ra những tác động đến kinh tế Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục biến động phức tạp, thậm chí khó khăn hơn trong giai đoạn tới. Các định chế tài chính dự báo, kinh tế toàn cầu có thể chậm lại trong năm 2023 và những năm tiếp theo do: (i) Những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới chưa thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn; (ii) Cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, kéo theo tình trạng phân mảnh trong hoạt động sản xuất, cung ứng toàn cầu, tác động tiêu cực đến các hoạt động thương mại - đầu tư; (iii) Ảnh hưởng của các vấn đề chính trị, an ninh phi truyền thống đến kinh tế toàn cầu (tị nạn, khủng hoảng chính trị, biểu tình...); (iv) Biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan (thiên tai, dịch bệnh...); (v) Tình trạng đói nghèo và tỷ lệ người nghèo tăng một cách nhanh chóng tại các nước có mức nợ công cao.

(2) Đề tài đã phân tích làm rõ tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023: Đề tài đã phân tích thực trạng tăng trưởng, lạm phát, đầu tư, tình hình xuất - nhập khẩu, một số vấn đề đặt ra, trên cơ sở đó, cũng đề xuất giải pháp đối với kinh tế vĩ mô và dự báo trong thời gian tới. Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 mặc dù có nhiều điểm sáng và thành công trong việc duy trì được động lực tăng trưởng, kiểm soát được lạm phát ở mức thấp trong bối cảnh hầu hết các nước đều gặp khó khăn, tăng trưởng thấp và đối diện với mức lạm phát kỷ lục, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Trong những tháng còn lại của năm 2023 và những năm tiếp theo, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khả quan và được hỗ trợ từ đà phục hồi phát triển của năm 2022. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại, xuất khẩu giảm và khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Quá trình phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới cũng gặp không ít khó khăn, thách thức từ các yếu tố bên ngoài và bên trong như: Đứt gãy nguồn cung của các nước, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, áp lực lạm phát, khó khăn của khu vực doanh nghiệp, các rủi ro của thị trường tài chính vẫn tiềm ẩn… trong khi dư địa chính sách tài khóa (CSTK) - tiền tệ để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác từ cả bên trong và ngoài nền kinh tế.

(3) Đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng thực hiện CSTK năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 (tình hình thu NSNN, chi NSNN và cân đối NSNN), những vấn đề đặt ra, và đề xuất giải pháp cũng như dự báo trong thời gian tới. Chính sách tài khóa đã được thực hiện chủ động, linh hoạt và chú trọng đến việc tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực NSNN; đảm bảo cân đối đủ nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện các giải pháp tài khóa với vai trò đòn bẩy để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19, ảnh hưởng tiêu cực từ sự tăng giá xăng, dầu trong năm 2022. Chi NSNN phù hợp với diễn biến của nền kinh tế cũng như khả năng cân đối nguồn lực của NSNN nên trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 các cân đối lớn về NSNN vẫn được duy trì, bảo đảm bội chi và nợ công trong tầm kiểm soát, chỉ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Những kết quả này có được một phần nhờ việc cơ cấu lại NSNN, tăng cường kỷ luật tài khóa đã thực hiện trong giai đoạn trước để mở rộng không gian tài khóa, giảm dần bội chi và nợ công. CSTT được điều hành chủ động theo hướng mở thận trọng đã góp phần kiểm soát lạm phát ở mức khá thấp so với mặt bằng lạm phát các nước, đồng thời duy trì được mặt bằng lãi suất ổn định, qua đó giúp doanh nghiệp từng bước phục hồi và phát triển. Đây là một trong những điểm sáng trong CSTT năm 2022 - 2023. Trong bối cảnh NHTW của hầu hết các quốc gia trên thế giới liên tục điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên được các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Sau khi điều chỉnh tăng lãi suất, tăng biên độ tỷ giá (tháng 9 - 10/2022) nhằm ổn định thị trường tỷ giá và kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng để giải quyết nhu cầu vốn tăng cao trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Bên cạnh sự chủ động, linh hoạt trong từng chính sách, thì sự phối hợp chặt chẽ giữa CSTK và chính sách tiền tệ trong việc cắt giảm, gia hạn thuế, hỗ trợ lãi suất từ NSNN và duy trì mặt bằng lãi suất phù hợp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã đóng góp rất lớn vào kết quả tăng trưởng và phát triển kinh tế năm 2022 - 2023.

(4) Đề tài cũng đã phân tích, đánh giá thực trạng thực hiện tài chính doanh nghiệp năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, những vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp cũng như dự báo trong thời gian tới. Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp diễn và nền kinh tế phục hồi chậm sau hơn hai năm chịu tác động của dịch bệnh, cùng với những tác động bất lợi từ môi trường kinh tế quốc tế như tăng trưởng toàn cầu có xu hướng chậm lại, lạm phát tăng cao, cầu tiêu dùng thế giới suy giảm… Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động vẫn tiếp tục tăng cao và trở thành điểm sáng, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường đầu ra, dòng tiền và chi phí cho doanh nghiệp; doanh nghiệp cần tích cực, chủ động, khai thác nhiều hơn thị trường nội địa; mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; nâng cao năng lực quản trị công ty.

(5) Đề tài cũng đã phân tích, đánh giá thực trạng thị trường tài chính năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, những vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp cũng như dự báo trong thời gian tới. Diễn biến thị trường tài chính Việt Nam cùng pha với diễn biến chung của toàn cầu, chịu nhiều tác động từ chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước lớn. Lãi suất duy trì ở mức thấp, tỷ giá tương đối ổn định với biên độ giao động thấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho mức tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2022, đạt 14,18%, đáp ứng nhu cầu vốn cho các ngành kinh tế trọng yếu, động lực tăng trưởng kinh tế như các lĩnh vực ưu tiên; xăng, dầu; nông nghiệp nông thôn. Mặc dù thị trường chứng khoán bước vào chu kỳ thị trường giá xuống, với sự giảm sụt giảm mạnh về giá và khối lượng giao dịch trên thị trường vào năm 2022 nhưng đã có dấu hiệu hồi phục tích cực trong nửa đầu năm 2023. Trong bối cảnh dự báo triển vọng tăng trưởng trì trệ của các nền kinh tế là động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới, rủi ro lạm phát cao vẫn duy trì, áp lực khủng hoảng nợ tại nhiều nền kinh tế đang phát triển và thu nhập thấp, ứng dụng của các công nghệ mới vào lĩnh vực tài chính ngày càng mở rộng, mối liên kết phức tạp của các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm gia tăng, thị trường tài chính Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là các vấn đề về công tác quản lý, giám sát thị trường, tăng cường quản trị rủi ro, nâng cao tính minh bạch và khả năng cạnh tranh để thị trường tài chính trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế và phù hợp với các thông lệ tốt quốc tế. Trên cơ sở đó, cần hoàn thiện thể chế thị trường tài chính, chú trọng tới xác định vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trung gian trên thị trường; tăng cường quản lý và giám sát rủi ro của từng cấu phần thị trường tài chính và rủi ro liên thông; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ trên thị trường tài chính; củng cố cơ sở nhà đầu tư, chú trọng phát triển nhà đầu tư có tổ chức; nghiên cứu, rà soát và củng cố cơ chế phản ứng khi thị trường có nguy cơ xảy ra khủng hoảng, để đảm bảo duy trì ổn định tài chính.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 86/QĐ-CLTC ngày 11/9/2023 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2022).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%