- Đơn vị chủ trì: Viện Chiến lược và Chính sách tài chính
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Nguyễn Thanh Nga
- Năm giao nhiệm vụ: 2022 Mã số: CLTC/ĐT/2022-45
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Tài chính công là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Sự phát triển hiệu quả, lành lạnh của nền tài chính công có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế và việc thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để có được một nền tài chính công hiệu quả, lành mạnh, đòi hỏi sự hội tụ của nhiều nhân tố, trong đó không thể thiếu vai trò của công tác nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công.
Tại Việt Nam, vai trò của các tổ chức tư vấn phản biện chính sách được đề cập trong một số văn kiện của Đảng. Theo Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hiện hành tại Việt Nam, tổ chức KH&CN ở Việt Nam gồm các hình thức như: (i) Tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện, trung tâm, phòng thí nghiệm, trạm nghiên cứu, trạm quan trắc, trạm thử nghiệm và hình thức khác do Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định; (ii) Cơ sở giáo dục đại học được tổ chức theo quy định của Luật Giáo dục đại học; (iii) Tổ chức dịch vụ KH&CN được tổ chức dưới hình thức trung tâm, văn phòng, phòng thử nghiệm và hình thức khác do Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định. Như vậy, tổ chức KH&CN là khái niệm chung về tổ chức có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ KH&CN, tư vấn chính sách, được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, các tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách ở nước ta phát triển khá nhanh và góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước, nhất là trong lĩnh vực phát triển lý luận và tư vấn chính sách. Mạng lưới các tổ chức KH&CN thực hiện chức năng tư vấn chính sách được xây dựng và hình thành dưới các tên gọi khác nhau như học viện, viện, trung tâm nghiên cứu... thuộc cơ quan đảng, nhà nước, trường đại học,… và các tổ chức KH&CN ngoài công lập. Tuy nhiên, các tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách, trong đó có tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách tài chính công còn nhiều hạn chế, đặc biệt là về chất lượng và tính ứng dụng của nghiên cứu, khả năng đóng góp luận cứ khoa học, phục vụ xây dựng chính sách và quản lý nhà nước; tính tự chủ và năng lực hoạt động của các tổ chức tư vấn chính sách công lập còn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển lý luận, cũng như yêu cầu đổi mới và hoàn thiện thể chế trong bối cảnh mới; các tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách của Đảng và Nhà nước còn thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành; các tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách gặp nhiều khó khăn vướng mắc về cơ chế hoạt động, nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính…
Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Phát triển tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công ở Việt Nam” là cần thiết nhằm đề xuất các giải pháp phát triển tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công ở Việt Nam.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài đề xuất các giải pháp phát triển tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công ở Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công.
- Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu các giải pháp phát triển tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công ở Việt Nam, liên hệ trực tiếp đến Viện Chiến lược và Chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã tổng hợp, hệ thống hóa một số vấn đề lý luận về tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công; phân loại tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công và xác định các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công. Theo đó, tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công là tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách chuyên sâu về các hoạt động huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực tài chính do nhà nước thực hiện dựa trên quyền lực nhà nước và thực hiện các chức năng của nhà nước. Căn cứ các đặc tính cơ bản, trong đó có tiêu chí quan trọng về nguồn kinh phí cho hoạt động, tổ chức tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công được phân loại như sau: (1) Tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách do nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động; (2) Tổ chức, nghiên cứu tư vấn chính sách độc lập; (3) Các tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách, kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào ký kết hợp đồng với chính phủ và doanh nghiệp để triển khai hoạt động nghiên cứu; (4) Các tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách bán độc lập, kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào người cung cấp kinh phí và hoạt động chịu sự kiểm soát của người cung cấp kinh phí; (5) Tổ chức nghiên cứu, tư vấn thuộc các trường đại học, kinh phí hoạt động do trường đại học cung cấp hoặc từ nguồn quyên góp khác.
(2) Đề tài đã nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm về tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách của một số quốc gia trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam gồm: (i) Để phát triển tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách công lập, các quốc gia đều xác định rõ tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động; có chiến lược và tầm nhìn dài hạn; tổ chức bộ máy của tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách ở các quốc gia thường tinh gọn; giảm thiểu các thủ tục hành chính, đảm bảo sự phối hợp linh hoạt; phản ứng nhanh nhạy, kịp thời trước những vấn đề mới; (ii) Các quốc gia ngày càng đề cao vai trò của các tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách; coi trọng giới trí thức tinh hoa và sự tham mưu, tư vấn chính sách của giới trí thức cho các nhà lãnh đạo. Theo đó, cùng với việc khuyến khích, tạo thuận lợi cho các tổ chức nghiên cứu tư nhân, nhiều quốc gia quan tâm phát triển các tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách công lập, coi các tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách là cầu nối giữa giới trí thức tinh hoa với các nhà lãnh đạo. Các tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách ở các quốc gia thường không chú trọng thực hiện các nghiên cứu hàn lâm mà chú trọng nghiên cứu ứng dụng, tạo ra kết quả nghiên cứu, cung cấp ý tưởng, được các nhà lãnh đạo chấp nhận và biến thành chính sách quốc gia, mang lại lợi ích cho xã hội; (iii) Các tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách ở các quốc gia thường tập hợp đội ngũ chuyên gia có thể không nhất thiết phải là có học vị, chức vụ cao, nhưng nhất thiết phải thông thạo, am tường một hoặc mộ số lĩnh vực nhất định để tận dụng và phát huy trí tuệ của giới trí thức nhằm tham gia, đóng góp vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách quốc gia. Đồng thời, chú trọng xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân sự có năng lực chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp, có tâm huyết với xã hội; tạo môi trường thu hút, giữ chân và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học; hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh được dẫn dắt bởi người có uy tín khoa học; (iv) Các tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách công lập ở các quốc gia được Nhà nước cung cấp và đảm bảo nguồn lực tài chính. Đồng thời, có cơ chế cho phép các tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách công lập tạo nguồn thu hợp pháp thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách; (v) Các tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách công lập ở các quốc gia rất chú trọng phát triển mạng lưới chuyên gia, kết nối để tham vấn thông qua tọa đàm, hội thảo hoặc tài trợ cho các nghiên cứu; thúc đẩy hợp tác quốc tế, mở rộng mạng lưới quan hệ, tham vấn với các tổ chức nghiên cứu quốc tế trong khu vực và trên thế giới, góp phần làm tăng danh tiếng và uy tín của tổ chức nghiên cứu, tư vấn nói riêng và cơ quan chủ quản nói chung. Đồng thời, các tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách công lập ở các quốc gia rất chú trọng xây dựng và công bố các nghiên cứu thường niên, các ấn phẩm phân tích chính sách, các báo cáo tóm lược chính sách, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các đề xuất - kiến nghị chính sách chính thức hoặc các thảo luận không chính thức với các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan thông qua website hoặc các trang thông tin khác để tăng cường phổ cập, tuyên truyền kết quả nghiên cứu.
(3) Đề tài đã rà soát các chính sách, quy định pháp luật hiện hành về tổ chức và hoạt động của tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách ở Việt Nam, trong đó có tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công. Bên cạnh đó, đề tài đã thực hiện khảo sát và phân tích thực trạng phát triển của các tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách, chỉ ra những hạn chế, đó là: (i) Số lượng đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực KH&CN còn lớn; (ii) Quy mô của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực KH&CN còn nhỏ; (iii) Kết quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực KH&CN công lập còn hạn chế. Nguyên nhân chính của những hạn chế tồn tại là do: (1) Khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách công lập còn bất cập. Quy định pháp luật về trao quyền tự chủ cho tổ chức KH&CN, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN tuy đã được ban hành nhưng còn nhiều vướng mắc; (2) Cơ chế, chính sách đầu tư cho nghiên cứu KH&CN còn hạn chế, trong đó có những bất cập trong việc sử dụng nguồn lực tài chính cho KH&CN và sự thiếu hụt về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu. Sự phân tán về tổ chức dẫn đến sự phân tán về nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính cho nghiên cứu, tư vấn chính sách; (3) Trình độ, năng lực và chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn chính sách còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thu nhập của đội ngũ nhân lực KH&CN còn thấp nên chưa khuyến khích và động viên được các nhà KH&CN hăng say nghiên cứu, sáng tạo và không tạo được môi trường và tâm lý yên tâm, dành mọi tâm huyết cho hoạt động KH&CN; (4) Tính gắn kết và tính ứng dụng của kết quả nghiên cứu khoa học với yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về kinh tế, tài chính. Mặt khác, sự gắn kết giữa tổ chức KH&CN công lập với doanh nghiệp và trường đại học có thể coi là một trong những vấn đề quan trọng nhất, có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của mạng lưới tổ chức KH&CN công lập.
Năm là, tính kết nối, hợp tác và hội nhập quốc tế của các tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong nước còn thấp, dẫn đến số lượng tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách của Việt Nam được xếp hạng trong Bảng xếp hạng các Think Tanks toàn cầu còn ít và ở thứ hạng thấp.
(4) Đề tài đã đưa ra định hướng phát triển tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề tài đưa ra một số giải pháp và kiến nghị nhằm phát triển tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công ở Việt Nam đến năm 2030 gồm:
Một là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách. Theo đó, tăng cường trao quyền tự chủ thực sự cho tổ chức KH&CN, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN. Cùng với đó, cần quy định rõ hơn trong Luật KH&CN hoặc Nghị định hướng dẫn thi hành Luật KH&CN về nguyên tắc tạo lập và đảm bảo môi trường tự do, dân chủ cho nghiên cứu khoa học xã hội nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các nhà khoa học tích cực tham gia được nhiều ý kiến có giá trị trên tinh thần xây dựng, đề xuất nhiều phương án chính sách để lựa chọn, phát huy trí tuệ tập thể, đồng thời góp phần tạo động lực phát triển khoa học từ cơ chế dân chủ trong nghiên cứu khoa học.
Hai là, hoàn thiện chính sách về tài chính, đầu tư cho tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách theo hướng Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ gắn với việc hoạch định chiến lược, cơ chế, chính sách quản lý vĩ mô của ngành. Đồng thời, phải có sự đảm bảo về các điều kiện đầu vào như thời gian, tài chính và thông tin để các viện chiến lược, chính sách thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược, chính sách phát triển ngành; hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các rào cản trong chính sách, pháp luật về kinh tế, tài chính, đầu tư, đấu thầu...với pháp luật về KH&CN. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học.
Ba là, hoàn thiện chính sách về thu hút, đãi ngộ cán bộ trong các tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách. Theo đó, phát triển nguồn nhân lực tại cơ quan nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công tại Bộ Tài chính cần tập trung tăng cường cả về số lượng và chất lượng nghiên cứu viên, đội ngũ cán bộ và viên chức quản lý, phù hợp với yêu cầu trước mắt và trong dài hạn, đảm bảo có tính chuyên nghiệp, chuyên môn cao; có khả năng sáng tạo tri thức và có phẩm chất đạo đức tốt; có khả năng vận dụng thành tựu khoa học trong lĩnh vực tài chính công để tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước các chủ trương, chính sách tài chính công. Hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh dưới sự dẫn dắt của cán bộ nghiên cứu có trình độ, năng lực chuyên môn, uy tín khoa học; có khả năng thẩm định, phản biện chính sách. Cần xây dựng cơ chế, chính sách thực sự đột phá mạnh mẽ để thu hút, trọng dụng các nhà khoa học, chuyên gia giỏi trong nước và nước ngoài phục vụ nghiên cứu, tư vấn chính sách.
Bốn là, tăng cường gắn kết và tính ứng dụng của kết quả nghiên cứu khoa học với yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về kinh tế, tài chính. Theo đó: (1) Xác định đúng vấn đề nghiên cứu; cần bám sát các chủ trương, chính sách, nội dung, nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực tài chính trong Nghị quyết của Đảng; các chủ trương, chính sách, nội dung, nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực tài chính; cần bám sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn, nhận diện đúng những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi chính sách tài chính; căn cứ những yêu cầu mới mà thực tiễn đặt ra hiện nay và trong tương lai hoặc những vấn đề đã tồn tại trong thực tiễn nhưng chưa được giải đáp đầy đủ, chưa có giải pháp thỏa đáng có cơ sở khoa học; những vấn đề cũ trong thực tế nhưng do yêu cầu, bối cảnh thực tế thay đổi đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới, giải pháp mới, có căn cứ khoa học mới; (2) Cần tổ chức triển khai thực hiện nghiên cứu hiệu quả, giao đúng, trúng tổ chức cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN; hình thành nhóm nghiên cứu mạnh, có đủ trình độ và năng lực nghiên cứu để triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược, phức tạp để có thể cung cấp luận cứ khoa học phục vụ hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế, tài chính; tạo sự chuyển biến nhận thức trong xã hội khi được áp dụng; (3) Quản lý việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học đảm bảo chất lượng; theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ khoa học đúng tiến độ, đúng yêu cầu; đánh giá công bằng, khách quan chất lượng sản phẩm nghiên cứu; tăng cường tính phản biện về các giải pháp kiến nghị chính sách, đảm bảo tính khả thi trong triển khai áp dụng chính sách tài chính công.
Năm là, tăng cường hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong nước và quốc tế. Theo đó, để tăng cường hoạt động hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách cần đa dạng hóa hình thức hợp tác, trao đổi học thuật, chuyển giao công nghệ; phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học, trao đổi chuyên gia, tài liệu, thông tin khoa học; triển khai các dự án nghiên cứu chung. Cùng với đó, cần có chính sách cụ thể, khả thi để thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh ở Việt Nam.
Sáu là, xây dựng kế hoạch, lộ trình nâng cao vị trí của Tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách về tài chính công của Bộ Tài chính trong bảng xếp hạng các tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong khu vực châu Á và trên thế giới. Kế hoạch hành động cần căn cứ vào các tiêu chí xếp hạng của Chương trình think tanks và xã hội dân sự (TTCSP), bao gồm 4 bộ chỉ số về: (1) Nguồn lực; (2) Mức độ hữu dụng; (3) Sản phẩm đầu ra; (4) Khả năng tác động.
Bảy là, kiện toàn tổ chức cơ quan nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công. Do Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực nên để phát huy tốt hơn vai trò của nghiên cứu, tư vấn chính sách trong hoạch định chính sách công ở nước ta hiện nay, cần kiện toàn tổ chức cơ quan nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công trên cơ sở sắp xếp các tổ chức KH&CN tại Bộ Tài chính, thu gọn đầu mối tại Bộ Tài chính chỉ có 01 đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực KH&CN, phù hợp với chủ trương, quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, việc kiện toàn tổ chức cơ quan nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công tại Bộ Tài chính cần gắn với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính nhằm phát huy vai trò của đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính; tăng cường gắn kết và tính ứng dụng của kết quả nghiên cứu khoa học với yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về kinh tế, tài chính.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 110/QĐ-CLTC ngày 12/10/2023 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2022).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.