Chính sách tài chính phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam

Chính sách tài chính phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam 12/03/2024 16:02:00 273

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chính sách tài chính phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam

12/03/2024 16:02:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Hữu Tuấn

- Năm giao nhiệm vụ: 2022  Mã số: CLTC/ĐT/2022-46

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Thị trường khoa học và công nghệ (KHCN) có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, những năm qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển thị trường KHCN.

Thị trường KHCN dần hình thành, phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như nguồn cung hàng hóa KHCN ngày càng tăng, kết quả nghiên cứu dần trở thành hàng hóa được các doanh nghiệp đón nhận; nhu cầu, năng lực tiếp nhận, hấp thụ và làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện; các tổ chức trung gian từng bước được hình thành và phát triển, công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm KHCN tiếp tục được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, về tổng thể, thị trường khoa học và công nghệ nước ta còn tồn tại một số rào cản, vướng mắc, cần được sớm tháo gỡ, khắc phục, đặc biệt là các chính sách khuyến khích, tạo động lực cho thương mại hóa, đẩy mạnh cung - cầu công nghệ. Nhằm thúc đẩy phát triển thị trường KHCN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập trong thời gian tới, việc nghiên cứu đề tài “Chính sách tài chính phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam” nhằm đề xuất các giải pháp phù hợp, phương án điều chỉnh, bổ sung, thảo gỡ các rào cản, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về thị trường khoa học và công nghệ, trong đó có chính sách tài chính, là cần thiết.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách tài chính phát triển thị trường KHCN ở Việt Nam đến năm 2030.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Chính sách tài chính phát triển thị trường KHCN.

- Phạm vi nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu chính sách tài chính phát triển thị KHCN, tập trung nghiên cứu, phân tích chính sách chi NSNN, chính sách thuế, chính sách tín dụng; nghiên cứu thực trạng Việt Nam giai đoạn 2014 - 2023 (Năm 2014 là năm Luật KHCN có hiệu lực), khảo sát thực tế tại một số tỉnh miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, miền Nam và nghiên cứu kinh nghiệm một số nước trên thế giới; đề xuất giải pháp đến năm 2030.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã tổng hợp, hệ thống được: (i) Một số vấn đề chung về KHCN, làm rõ khái niệm, đặc điểm và vai trò của KHCN. Qua đó cho thấy, KHCN góp phần gia tăng năng suất lao động của nền kinh tế. Sự phát triển của KHCN giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, đẩy mạnh kinh tế thị trường, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế; (ii) Phát triển thị trường KHCN, làm rõ khái niệm, các tiêu chí đánh giá sự phát triển của thị trường KHCN; (iii) Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường KHCN, bao gồm: Đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển KHCN; định hướng phát triển KHCN trong từng giai đoạn; bối cảnh kinh tế - xã hội; nguồn lực tài chính và khả năng hấp thụ của đơn vị thụ thưởng; nguồn nhân lực KHCN; cơ sở vật chất và môi trường làm việc và một số các yếu tố khác; (iv) Các chính sách tài chính phát triển thị trường KHCN: Khái niệm chính sách tài chính phát triển thị trường KHCN; vai trò của chính sách tài chính trong việc phát triển thị trường KHCN. Theo đó, chính sách tài chính (trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài bao gồm chính sách chi ngân sách nhà nước, chính sách thuế, chính sách tín dụng) được hiểu là một bộ phận quan trọng cấu thành khuôn khổ pháp lý cho phát triển KHCN, thể hiện quan điểm, định hướng của Nhà nước về tài chính hướng tới mục tiêu phát triển KHCN. Chính sách tài chính góp phần quan trọng trong việc phát triển nền tảng hạ tầng KHCN tiên tiến, hiện đại góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực KHCN; từ đó, có tác động tích cực đối với sự phát triển của thị trường KHCN. Chính sách tài chính cũng có tác dụng khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia vào đầu tư phát triển KHCN thông qua việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch và bình đẳng.

(2) Đề tài đã nghiên cứu, phân tích kinh nghiệm một số nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ) về phát triển thị trường KHCN nói chung và các chính sách tài chính phát triển thị trường KHCN nói riêng, bao gồm chính sách tài chính kích cung, chính sách tài chính kích cầu; từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, cụ thể: (1) 05 nhóm bài học kinh nghiệm để phát triển thị trường KHCN gồm: (i) Tăng cường hơn nữa vai trò hỗ trợ của Nhà nước nhằm kết nối cung - cầu trên thị trường KHCN; (ii) Trao quyền sở hữu các tài sản trí tuệ cho các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu công như: sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu thương mại…, do Nhà nước tài trợ; có cơ chế khuyến khích các trường đại học, viện nghiên cứu được tự do thương mại hóa đối với các hoạt động thị trường, đồng thời phải có biện pháp quản lý việc chia sẻ lợi ích với các nhà sáng chế theo đúng qui định của Luật sở hữu trí tuệ khi sản phẩm của họ được chuyển giao cho doanh nghiệp và bán ra thị trường. Đẩy mạnh mối liên kết hợp tác giữa các trường đại học và ngành công nghiệp, thành lập các văn phòng chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu và quy định phải có ít nhất một thành viên chuyên trách việc chuyển giao công nghệ; (iii) Tăng cường đầu tư R&D cho các trường đại học, viện nghiên cứu thông qua các dự án, đề tài cấp quốc gia, cấp tỉnh. Đặc biệt là ưu tiên các dự án, đề tài có tính thực tiễn, đáp ứng nhu cầu cấp bách của kinh tế - xã hội và có khả năng thương mại hóa. Tăng cường kết nối giữa trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp. Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, các trường đại học của Việt Nam nên cho phép thành lập doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sáng chế và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ nhằm tăng giá trị giao dịch công nghệ; (iv) Việc thu hút nhân lực KHCN có trình độ chuyên môn cần được chú trọng hơn nữa, phải có các chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho những người có năng lực cả về vật chất và tinh thần; (v) Nhà nước cần hình thành và đầu tư nguồn lực lớn cho Sàn giao dịch quốc gia để trở thành Sàn giao dịch lớn nhất cả nước, có đội ngũ các chuyên gia giỏi, các nhà tư vấn có uy tín, đặc biệt là phải có mạng lưới các hội viên gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các sàn/trung tâm giao dịch công nghệ ở các địa phương; (2) 04 nhóm bài học kinh nghiệm đối với chính sách tài chính cho phát triển thị trường KHCN Việt Nam: (i) Mức chi ngân sách là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của cung thị trường KHCN. Tại hầu hết các quốc gia trên toàn cầu đều đều có chủ trương tăng chi ngân sách cho hoạt động R&D; (ii) Chính sách tài chính cho phát triển thị trường KHCN cần đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa chi tiêu KHCN cho khu vực công và khu vực tư nhân. Xu hướng hiện nay của hầu hết các nước là tập trung chi tiêu R&D cho khu vực doanh nghiệp, các trường đại học, giảm chi tiêu cho khu vực công; (iii) Chính sách thuế có vai trò quan trọng trong phát triển thị trường KHCN của các quốc gia. Theo đó, xem xét áp dụng các chính sách ưu đãi thuế. Tuy nhiên, cần lượng hóa rõ ràng vai trò của ưu đãi thuế đối với KHCN, đồng thời tăng mức hỗ trợ của Chính phủ thông qua các ưu đãi thuế cho KHCN theo xu hướng chung của các nước trên thế giới, để đảm bảo năng lực KHCN cũng như phát triển bền vững.

(3) Đề tài đã đánh giá tổng quan thực trạng phát triển thị trường KHCN tại Việt Nam đối với các vấn đề môi trường pháp lý, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức trung gian; đánh giá thực trạng chính sách tài chính phát triển thị trường KHCN với các chính sách chi ngân sách nhà nước, chính sách thuế và chính sách tín dụng tại cấp trung ương và địa phương. Qua đó đề tài đã chỉ ra một số kết quả từ việc ban hành, vận dụng chính sách tài chính phát triển thị trường KHCN ở Việt Nam, cụ thể như: Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 và Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KHCN ra đời đã mang lại hiệu quả nhất định trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường KHCN ở Việt Nam; các tổ chức trung gian của thị trường KHCN đã được phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; thời gian qua, các địa phương đã phát huy được vai trò quản lý, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển thị trường KHCN; thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được đẩy mạnh với sự hưởng ứng và vào cuộc của các doanh nghiệp, các chuyên gia từ các viện nghiên cứu, trường đại học thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Chủ sở hữu kết quả nghiên cứu/tác giả tự đầu tư khai thác, chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng sáng chế , hợp tác với các bên để khai thác, chuyển giao.

Mặc dù, hành lang pháp lý để phát triển thị trường KHCN giai đoạn 2011 - 2020 đã được hoàn thiện với nhiều kết quả nổi bật, song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định cần tiếp tục được tháo gỡ trong thời gian tới đối với Nghị định số 76/2018/NĐ-CP, Nghị định số 70/2018/NĐ-CP, Luật doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 13/2019/NĐ-CP. Đồng thời, thị trường KHCN còn thiếu vắng các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm, đặc biệt là các tổ chức trung gian điển hình, có khả năng dẫn dắt mạng lưới các tổ chức trung gian. Theo số liệu báo cáo tổng hợp từ các địa phương, một số điều kiện tiền đề cho thị trường KHCN vận hành đã được hình thành; tuy nhiên, những yếu tố để tạo nên một thị trường KHCN sôi động vẫn chưa được hình thành đầy đủ. Thị trường công nghệ chủ yếu vẫn là tìm kiếm mua bán máy móc thiết bị, chưa có nhiều giao dịch có hàm lượng công nghệ cao như mua bán công nghệ, bản quyền công nghệ. Tính hiệu lực thực thi của các quy định hiện hành còn thiếu. Hoạt động chuyển giao công nghệ tại các tổ chức KHCN nói chung và của viện, trường nói riêng còn hạn chế; các kết quả nghiên cứu xuất phát từ khu vực này nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp.

Do đó, một số vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính phát triển thị trường KHCN: (i) Đối với Chính sách chi NSNN: Tỷ lệ chi NSNN cho KHCN so với GDP hằng năm của Việt Nam chưa tương xứng với nhu cầu cần tăng cường nghiên cứu và đổi mới công nghệ nhằm phảt triển thị trường KHCN nói chung của đất nước trong bối cảnh thực hiện CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; (ii) Chính sách thuế: Ưu đãi về thuế không còn là vấn đề hấp dẫn đối với doanh nghiệp chuyển sang doanh nghiệp KHCN; (iii) Đối với chính sách tín dụng, một số quy định pháp luật còn chồng chéo, trong khi một số khác lại chưa được thay đổi kịp thời cho phù hợp.

(4) Trên cơ sở bối cảnh kinh tế - xã hội, những vấn đề về thực trạng của chính sách tài chính với phát triển thị trường KHCN, đề tài đã đưa ra mục tiêu, định hướng phát triển thị trường KHCN, đề xuất các giải pháp phát triển thị trường KHCN đến năm 2030, bao gồm: (i) Về giải pháp chung, cần hoàn thiện khung pháp lý về khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ phát triển thị trường KHCN; tăng cường công tác tuyên truyền về thị trường KHCN; Hoàn thiện chính sách hỗ trợ đội ngũ trí thức trong lĩnh vực KHCN; (ii) Về giải pháp hoàn thiện chính sách tài chính, trong đó tập trung vào các giải pháp đối với chính sách chi ngân sách nhà nước; giải pháp đối với chính sách thuế (gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất, nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân); giải pháp đối với chính sách tín dụng và một số giải pháp khác.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 111/QĐ-CLTC ngày 12/10/2023 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2022).

- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%