- Đơn vị chủ trì: Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Lê Thị Mai Liên
- Năm giao nhiệm vụ: 2023 Mã số: CLTC/ĐT/2023-01
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Trong giai đoạn 2010 - 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, có sự cải thiện về lượng và chất, tạo đà cho tăng trưởng bền vững. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, tỷ lệ lạm phát được kiểm soát, thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng phát triển ổn định... Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, có nhiều thời điểm nền kinh tế trải qua những bất ổn như tỷ lệ lạm phát ở mức cao, nợ công cao, bội chi ngân sách lớn, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng cao,... Một trong những nguyên nhân gây hạn chế là mô hình tăng trưởng dựa vào quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường đã mang lại những kết quả trong hơn 30 năm Đổi mới nhưng đã không còn phù hợp. Mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư mở rộng, khai thác tài nguyên, nới lỏng tín dụng, lao động giá rẻ và sự quản lý môi trường lỏng lẻo, một mặt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh trong ngắn hạn, nhưng thiếu tính bền vững trong dài hạn. Trong khi đó, các yếu tố mới tác động tới sự phát triển như cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cũng như các diễn biến về dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị trên thế giới, xu hướng bảo hộ gia tăng đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Tăng trưởng kinh tế dựa trên các động lực cũ không còn phù hợp, các chính sách tạo động lực cho tăng trưởng, đặc biệt là chính sách tài chính vẫn chưa phát huy được hiệu quả trong việc hình thành các cơ chế tạo động lực để thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế, cơ cấu lại ngành, lĩnh vực theo định hướng ưu tiên. Vẫn còn tình trạng các chính sách ưu đãi tài chính bị dàn trải, gây lãng phí nguồn lực, không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng. Cùng với đó, mô hình tăng trưởng cũ đã thành công trong giai đoạn đầu của quá trình Đổi mới nhưng đã dần trở nên không còn phù hợp, thậm chí có thể đem lại nhiều rủi ro cho nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Những mục tiêu quan trọng đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 10 năm 2021 - 2030 đòi hỏi cần phải đánh giá một cách nghiêm túc những rào cản và hạn chế của chính sách tài chính tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn vừa qua và tìm ra những giải pháp chính sách tài chính tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn bên cạnh dư địa điều hành chính sách kinh tế vĩ mô trong ngắn và trung hạn. Các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế phải giúp nâng cao năng suất, cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng bao trùm và tăng trưởng đi kèm với ổn định của nền kinh tế.
Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã nhìn nhận bên cạnh những kết quả tích cực mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng như kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định; tăng trưởng kinh tế đạt mức khá... thì còn tồn tại nhiều vấn đề hạn chế: Việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm so với yêu cầu đặt ra; Mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào gồm vốn, lao động, tài nguyên, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ở cùng giai đoạn phát triển; Tăng năng suất lao động chủ yếu vẫn do tăng cường vốn đầu tư và sử dụng lao động chi phí thấp, vốn vẫn chủ yếu dựa vào hoạt động kinh tế thâm dụng lao động, tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài ngày càng tăng...
Trước tình hình đó, chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế đã được Đảng nêu ra ở Đại hội lần thứ XI và được bổ sung phát triển ở các kỳ Đại hội XII và XIII. Trong đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: “Đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững”. Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi phải có những đánh giá về chính sách tài chính tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam thời gian qua để thấy được những kết quả, những hạn chế của chính sách tài chính trong việc tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng. Từ đó, đề xuất các giải pháp chính sách tài chính tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam trong thời gian tới. Do vậy, việc nghiên cứu đề tài: “Chính sách tài chính tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam” có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách tài chính tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam trong thời gian tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Chính sách tài chính tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng.
- Phạm vi nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận, thực trạng chính sách tài chính tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam. Đề tài nghiên cứu trong giai đoạn 2010 - 2023; đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách tài chính tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam đến năm 2030.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã nghiên cứu, hệ thống hóa làm rõ cơ sở lý luận chính sách tài chính tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam (chính sách tài chính, mô hình tăng trưởng kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và chính sách tài chính tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế).
(2) Đề tài đã nghiên cứu thực trạng hệ thống chính sách tài chính tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng tại Việt Nam trong thời gian qua cho thấy hệ thống chính sách tài chính tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế đã và đang được hoàn thiện, tập trung vào: (i) Các đột phá chiến lược; (ii) Thúc đẩy năng suất các nhân tố tổng hợp và năng suất lao động; (iii) Thúc đẩy các xu hướng tăng trưởng mới (tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế số, chính phát triển kinh tế chia sẻ,…). Qua đó, chính sách tài chính đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, miền; khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy các hoạt động kinh tế xanh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm cho người lao động; thúc đẩy xuất nhập khẩu, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế, việc sử dụng vốn đầu tư xã hội nói chung, và vốn đầu tư công nói riêng được cải thiện góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, các ngành, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, cũng cho thấy còn thiếu các cơ chế đồng bộ để huy động hiệu quả nguồn lực cho đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các yếu tố tiền đề có liên quan cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; dư địa nguồn lực tài chính công bị thu hẹp trong khi nhu cầu để đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng cao; hiệu quả việc phân bổ, sử dụng nguồn lực chậm được cải thiện; vai trò của chính sách tài chính chưa phát huy được hiệu quả trong việc hình thành các cơ chế tạo động lực để thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo định hướng ưu tiên; cơ cấu lại nền kinh tế triển khai chậm, thiếu đồng bộ, chưa thật sự gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chưa gắn kết chặt chẽ tổng thể với trọng tâm; chưa đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả của việc sử dụng các yếu tố tăng trưởng
(3) Đề tài đã nghiên cứu bối cảnh giai đoạn 2024-2030 cho thấy những yêu cầu đối với việc hoàn thiện chính sách tài chính tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng. Đó là yêu cầu chính sách tài chính phải đảm bảo góp phần phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, chính sách tài chính phải góp phần chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Đề tài đề xuất hoàn thiện chính sách tài chính nhằm giải quyết các điểm nghẽn và tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam đến năm 2030.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn, đánh giá và nghiệm thu thông qua (Quyết định số 123/QĐ-CLTC ngày 12/12/2023 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2023).
- Lưu trữ: Đề tài được lưu trữ tại thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.