Tác động của chi tiêu công nhằm đạt đồng thời mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng tại Việt Nam

Tác động của chi tiêu công nhằm đạt đồng thời mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng tại Việt Nam 12/03/2024 16:11:00 729

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tác động của chi tiêu công nhằm đạt đồng thời mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng tại Việt Nam

12/03/2024 16:11:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Trần Thu Thủy

- Năm giao nhiệm vụ: 2023  Mã số: CLTC/ĐT/2023-04

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự công bằng là hai mục tiêu quan trọng trong việc thực hiện chính sách tài khóa tại các quốc gia. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy có thể có sự đánh đổi giữa hai mục tiêu này dựa trên giả thiết chữ U ngược của Kuznets (1955) về mối quan hệ giữa trình độ phát triển kinh tế và bất bình đẳng. Đây cũng là một trong những thách thức khi thiết kế chính sách tài khóa được các nhà hoạch định chính sách tại các quốc gia chú ý (Clements và cộng sự, 2015). Các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới cũng chỉ ra bằng chứng về sự đánh đổi này (Muinelo và Roca-Sagalés, 2011; Fournier và Johansson, 2016).

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực về giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo có xu hướng giảm rõ nét; tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối cao. Tuy vậy, tăng trưởng nhanh đang có xu hướng đi kèm với sự gia tăng bất bình đẳng như chênh lệch về thu nhập giữa nhóm người giàu nhất và nghèo nhất mở rộng; hệ số GINI cho thấy bất bình đẳng thu nhập có xu hướng gia tăng ở nông thôn và các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Việc đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế phát triển cũng là hai mục tiêu được chú trọng khi thực hiện phân bổ chi tiêu công tại Việt Nam trong thời gian qua. Chi ngân sách nhà nước - NSNN (bao gồm chi trả nợ gốc) duy trì tương đối ổn định ở mức gần 30% GDP trong giai đoạn 2011 - 2020; trong đó, chi cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội chiếm tỷ trọng lớn. Bình quân giai đoạn vừa qua, chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 25% chi NSNN. Khu vực Nhà nước đóng góp 36,67% vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2020; trong đó, đầu tư từ NSNN chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đầu tư của khu vực Nhà nước cho giáo dục và y tế cũng đóng góp phần lớn (khoảng 70 - 80%) vào đầu tư của cả nước giai đoạn này. Tuy nhiên, với xu hướng tăng trưởng nhanh đang đi kèm với sự gia tăng bất bình đẳng trên một số khía cạnh cũng dẫn đến lo ngại về hiệu quả của chi tiêu công đối với việc thực hiện đồng thời mục tiêu về tăng trưởng và bình đẳng. Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển mới với khát vọng trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước thu nhập cao vào năm 2045; đồng thời, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đề ra mục tiêu xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Để đạt được các mục tiêu này, đòi hỏi phải xây dựng được các giải pháp, chính sách hướng đến đồng thời cả tăng trưởng và công bằng.Do vậy, việc nghiên cứu đề tài: “Tác động của chi tiêu công nhằm đạt đồng thời mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng tại Việt Nam” có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài đánh giá tác động của chi tiêu công trong việc đạt được đồng thời mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng tại Việt Nam và đề xuất kiến nghị chính sách cho Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đề tài làm rõ một số vấn đề lý luận về tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng; các phương pháp đánh giá tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng. Đồng thời phân tích thực trạng chi tiêu công của Việt Nam đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng; đánh giá thực nghiệm về tác động của chi tiêu công trong việc đạt được đồng thời mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng tại Việt Nam; đề xuất kiến nghị về việc sử dụng chi tiêu công để đạt được đồng thời mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng tại Việt Nam trong thời gian tới.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Tác động của chi tiêu công trong việc đạt được đồng thời mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng.

- Phạm vi nghiên cứu: Đối với chi tiêu công và bất bình đẳng, đề tài tập trung nghiên cứu chi NSNN và bất bình đẳng thu nhập. Đề tài đánh giá thực trạng trong giai đoạn 2011 - 2023 và đề xuất giải pháp, kiến nghị cho giai đoạn 2024 - 2030.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài nghiên cứu một số vấn đề chung về tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng. Chi tiêu công là một trong các công cụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng tại các quốc gia. Chi tiêu công có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế qua đóng góp vào tổng cầu, khu vực tư nhân, tích lũy vốn con người và năng suất của nền kinh tế. Với phân phối lại là một trong các chức năng cơ bản của chính sách tài khóa, chi tiêu công cũng có thể tác động đến bất bình đẳng qua các kênh như thu nhập khả dụng, động lực làm việc, tiếp cận cơ hội, dịch vụ xã hội cơ bản, và cả tích lũy vốn con người. Bên cạnh đó, mỗi khoản chi thành phần cũng có những ảnh hưởng khác nhau đến tăng trưởng và bất bình đẳng. Tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng và bất bình đẳng phụ thuộc vào quy mô, cơ cấu, hiệu quả chi tiêu công và cả môi trường thể chế, quản trị. Mặc dù tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự công bằng là hai mục tiêu quan trọng trong việc thực hiện chính sách tài khóa tại các quốc gia nhưng các nghiên cứu cho thấy có thể có sự đánh đổi giữa hai mục tiêu này. Việc sử dụng chính sách tài khóa phù hợp cũng như xây dựng được cơ cấu chi tiêu công hợp lý sẽ giúp tránh được sự đánh đổi này.

(2) Đề tài phân tích, đánh giá tổng quan tăng trưởng kinh tế, bất bình đẳng và chi tiêu công tại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2023. Quan sát xu thế tăng trưởng và bất bình đẳng cả nước trong giai đoạn vừa qua cho thấy tăng trưởng kinh tế tích cực đi kèm với bất bình đẳng thu nhập gia tăng, nhất là ở khu vực nông thôn và các vùng kinh tế khó khăn. Sự gia tăng bất bình đẳng có thể kìm hãm tăng trưởng trong trung và dài hạn. Do vậy, Việt Nam cần phải tập trung vào các chính sách có thể giúp đạt được đồng thời tăng trưởng kinh tế và hạn chế bất bình đẳng. Việc thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội là những mục tiêu dài hạn trong chính sách tài khóa của Việt Nam. Trong đó, các chính sách về chi NSNN đóng vai trò quan trọng trong việc phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế. Trong giai đoạn 2011 - 2022, chi NSNN (không gồm chi trả nợ gốc và lãi) nằm trong khoảng 18,5 - 21,9% GDP. Bên cạnh đó, chi tiêu công cũng được sử dụng để điều tiết nền kinh tế trong ngắn hạn; nhất là khi tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn, chi đầu tư và chi cho an sinh xã hội thường có xu hướng tăng, qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng và giảm bất bình đẳng trong nền kinh tế.

Đề tài đã phân tích thực nghiệm tác động ngắn hạn và dài hạn của chi tiêu công tới tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng thu nhập bằng cách hồi quy các phương trình dạng rút gọn với dữ liệu bảng gồm 63 tỉnh của Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2022. Kết quả khẳng định vai trò của chi cho phát triển hạ tầng và vốn con người đối với tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng, nhất là trong dài hạn. Tác động của chi đầu tư và chi có khả năng phân phối lại bổ sung cho nhau trong việc xử lý bất bình đẳng; trong đó, chi đầu tư đạt được tác động giảm bất bình đẳng bằng cách tăng tỷ trọng thu nhập của Q2 và Q3, còn chi có khả năng phân phối lại nhắm trực tiếp đến nhóm nghèo nhất. Các bằng chứng thực nghiệm cũng cho thấy sự cần thiết cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tăng chi cho phát triển hạ tầng và con người. Tuy nhiên, mô hình đánh giá mới dừng lại ở mức tổng chi ngân sách và các khoản chi ngân sách lớn, trong khi chi tiêu công có tác động rất đa dạng và thậm chí đến mức các cá nhân trong nền kinh tế. Do vậy, đề tài đã xem xét chi tiết hơn việc phân bổ và sử dụng của từng khoản chi ngân sách chủ yếu, cũng như các yếu tố về thể chế và quản trị tác động chung lên các khoản chi này, qua đó thấy được những vấn đề đặt ra trong việc phân bổ và sử dụng chi tiêu công cần được khắc phục.

(3) Bối cảnh kinh tế - xã hội giai đoạn 2024 - 2030 cho thấy, trong khi tăng trưởng kinh tế có cả những thuận lợi và thách thức đan xen, vấn đề bất bình đẳng tại Việt Nam lại đang đứng trước nhiều thách thức, qua đó tạo ra áp lực đáng kể với chi tiêu công. Trên cơ sở phân tích thực trạng Việt Nam và bối cảnh thời gian tới, Đề tài đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng chi tiêu công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xử lý bất bình đẳng tại Việt Nam. Định hướng chung đó là mặc dù tăng quy mô chi tiêu công tại Việt Nam đem lại hiệu quả trong việc đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng nhưng điều này không có nghĩa cần tiếp tục tăng quy mô chi tiêu công tại Việt Nam. Thay vào đó, vấn đề cần tập trung là tăng hiệu quả phân bổ và sử dụng từng loại chi tiêu công. Đồng thời, cơ cấu lại chi tiêu công theo hướng tăng chi cho hạ tầng và phát triển con người là cần thiết để đạt được đồng thời tăng trưởng kinh tế và hạn chế bất bình đẳng. Bên cạnh đó, Đề tài cũng đưa ra những đề xuất cụ thể với thể chế, cơ chế phân bổ chi tiêu công và nâng cao hiệu quả của chi đầu tư, chi cho y tế, giáo dục và chi cho an sinh xã hội.

5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ

- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn, đánh giá và nghiệm thu thông qua (Quyết định số 132/QĐ-CLTC ngày 22/12/2023 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2023).

- Lưu trữ: Đề tài được lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.

 

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%