- Đơn vị chủ trì: Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Thúy Quỳnh
- Năm giao nhiệm vụ: 2023 Mã số: CLTC/ĐT/2023-05
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Tăng trưởng tiềm năng đại diện cho khả năng sản xuất tối đa mà không có áp lực lạm phát, hay chính xác hơn là điểm cân bằng giữa tăng sản lượng và ổn định hơn. Khi tăng trưởng thực tế thấp một cách đáng kể so tăng trưởng tiềm năng, nền kinh tế được gọi là suy thoái; khi tăng trưởng thực tế cao hơn đáng kể so mức tăng trưởng tiềm năng, nền kinh tế được gọi là nóng lên. Trong ngắn hạn, tăng trưởng thực tế có thể cao hơn hoặc thấp hơn tăng trưởng tiềm năng, đi kèm với các áp lực tăng hoặc giảm đối với lạm phát. Còn trong trung và dài hạn, tăng trưởng tiềm năng phản ánh các điều kiện về phía cung gồm tốc độ tăng của các yếu tố sản xuất đầu vào (vốn, lao động) và năng suất của các yếu tố này. Dựa vào mối quan hệ giữa tăng trưởng thực tế và tăng trưởng tiềm năng sẽ cho phép đánh giá các áp lực lên lạm phát trong ngắn hạn, đồng thời cũng giúp đánh giá năng lực của tổng cung và quá trình tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong dài hạn.
Việt Nam đã trải qua những giai đoạn phát triển nhanh và ấn tượng kể từ khi đổi mới năm 1986. Mặc dù sau hơn 30 năm, Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình trên thế giới và hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ, nhưng biến động kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây, cộng với những cú sốc tiêu cực từ quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, đã khiến nền kinh tế đứng trước rất nhiều thử thách trên con đường duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững. Cụ thể, giai đoạn 2005 - 2020, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình GDP thực khoảng 6,2%/năm. Tuy nhiên, cũng có những năm đạt được cao hơn 6,2% và có những năm GDP tăng trưởng thấp hơn so với tốc độ trung bình. Giai đoạn 2020 - 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng y tế, đã tác động tiêu cực mạnh mẽ đến tăng trưởng của Việt Nam, khiến GDP của Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng (ở mức 2,91% và 2,58%). Tất cả các nền kinh tế đều trải qua các giai đoạn tăng trưởng nhanh xen kẽ với giai đoạn tăng trưởng chậm, hay còn gọi là suy thoái. Các nhà kinh tế gọi sự thay đổi ngắn hạn của tăng trưởng này là các chu kỳ kinh tế, trên thực tế, chu kỳ kinh tế diễn ra rất không đều đặn, và khó có thể dự báo. Do vậy, cần có nghiên cứu về mức tăng trưởng thực tế và tăng trưởng tiềm năng cũng như sự chênh lệch giữa tăng trưởng được tạo ra giữa thực tế và mức tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam. Điều này sẽ cho phép định vị được nền kinh tế đang ở mức cao hơn hoặc thấp hơn mức tăng trưởng bền vững mà không gây ra lạm phát, đánh giá được áp lực lạm phát hay giảm phát của nền kinh tế và có ý nghĩa đối với hoạch định chính sách vĩ mô. Nếu sản lượng thực tế cao hơn sản lượng tiềm năng, áp lực lạm phát gia tăng, cần thực thi chính sách giảm cầu. Ngược lại, khi sản lượng thực tế thấp hơn sản lượng tiềm năng, lạm phát có xu hướng giảm và có thể cần đến các chính sách vĩ mô thúc đẩy tổng cầu. Do đó, việc nghiên cứu đề tài “Tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách đến năm 2025” có ý nghĩa về mặt khoa học và thực tiễn.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài phân tích, đánh giá tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam giai đoạn 2000 - 2023. Dựa vào mối quan hệ giữa tăng trưởng thực tế và tăng trưởng tiềm năng sẽ đánh giá các áp lực lên lạm phát trong ngắn hạn, đồng thời cũng đánh giá năng lực của tổng cung và quá trình tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong dài hạn.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Tăng trưởng/tăng trưởng tiềm năng, chênh lệch/khoảng cách sản lượng, tăng trưởng kinh tế.
- Phạm vi nghiên cứu: Đề tài phân tích, ước lượng tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam trong giai đoạn 2000 - 2023; đề xuất khuyến nghị đến năm 2025 và giai đoạn sau đó.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã nghiên cứu tổng quan lý thuyết về tăng trưởng tiềm năng như: Khái niệm, các nhân tố ảnh hưởng và vai trò của tăng trưởng tiềm năng; mối quan hệ giữa tăng trưởng tiềm năng và tăng trưởng kinh tế; một số phương pháp ước lượng tăng trưởng tiềm năng: Xu hướng tuyến tính, lọc HP, hàm sản xuất. Đồng thời, đề tài đã hệ thống hóa các nghiên cứu thực nghiệm liên quan đến ước lượng tăng trưởng tiềm năng của các học giả và cộng sự. Trên cơ sở đó đã đưa ra những nhận xét về các kết quả nghiên cứu và lựa chọn phương pháp ước lượng cho Việt Nam.
(2) Đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam giai đoạn 2000 - 2023. Trong đó, thực hiện đánh giá tăng trưởng tiềm năng của ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Kết quả ước lượng chỉ ra rằng: Nhìn chung tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam đang có xu hướng giảm theo thời gian trong khoảng thời gian nghiên cứu. Đi sâu vào phân tính các yếu tố tác động đến tăng trưởng tiềm năng giai đoạn 2000 - 2023, có thể thấy rõ trong mỗi giai đoạn, mỗi yếu tố lại đóng vai trò khác nhau: Giai đoạn 2000 - 2004, lực lượng lao động đóng vai trò chính trong tăng trưởng tiềm năng; giai đoạn 2005 - 2013, vốn là yếu tố có tác động nhiều nhất đến tăng trưởng tiềm năng và cuối cùng, trong những năm gần đây, giai đoạn 2014 - 2023, năng suất các yếu tố tổng hợp TFP đã cho thấy vai trò chủ đạo của mình.
Đối với tăng trưởng tiềm năng của từng khu vực: Giai đoạn Covid-19 và hậu Covid-19, 2020 - 2023, khu vực nông - lâm nghiệp - thuỷ sản đã thể hiện được vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế khi luôn hoạt động trên mức tiềm năng (2021 - 2023). Khu vực công nghiệp - xây dựngvà dịch vụ bị tác động mạnh mẽ bởi Covid-19, khiến hai ngành này luôn hoạt động dưới mức tiềm năng. Tuy nhiên, ngay sau khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi, ngành dịch vụ đã lấy lại được vị thế là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế; còn ngành công nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao.
Đánh giá các áp lực lên lạm phát của Việt Nam giai đoạn 2000 - 2023, phân tích hệ số tương quan giữa lạm phát và khoảng cách sản lượng là dương cho thấy khi sản lượng thực tế vượt mức tiềm năng sẽ đi kèm với sự tăng lên của lạm phát. Điều này cũng hàm ý các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn có thể đẩy sản lượng thực tế vượt mức tiềm năng nhưng cũng kéo theo áp lực lạm phát. Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, cần tập trung vào các biện pháp đẩy mạnh tăng trưởng tiềm năng, cụ thể hơn là các giải pháp hướng đến các yếu tố vốn, lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp TFP.
(3) Đề tài đưa ra một số khuyến nghị chính sách để nâng cao tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cần tập trung làm trong ngắn hạn và trong dài hạn. Tăng trưởng bền vững cần là cở sở để xác định các mục tiêu cụ thể của chính sách tài khóa (CSTK) và tiền tệ trong ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, mục tiêu trong ngắn hạn là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và mục tiêu trong trung và dài hạn là nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Để thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng thì nhiệm vụ của CSTK và tiền tệ là phải dẫn dắt được dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực tạo ra tăng trưởng trong dài hạn là khoa học và công nghệ (KH&CN) và con người, tránh tình trạng tăng trưởng nóng và bất ổn. Trong đó, cần nâng cao vai trò của Chính phủ trong việc định hướng các mục tiêu và điều phối các hoạt động của CSTK và tiền tệ. Và trong dài hạn, để nâng cao tăng trưởng tiềm năng, từ đó nâng cao tăng trưởng kinh tế, cần tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu vào: Vốn, lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp TFP.
Đối với lao động, cần cải cách triệt để hệ thống giáo dục và đào tạo; đa dạng hóa các loại hình giáo dục sau phổ thông trung học, trong đó có các chương trình đại học không bằng cấp; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm giúp các sinh viên có cơ hội vừa học vừa làm, trải nghiệm môi trường thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, qua đó nâng cao lực lượng lao động lành nghề cũng như rút ngắn thời gian đào tạo sau này khi các doanh nghiệp thuê nhân công làm việc. Các chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy cần được đổi mới theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực và phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của xã hội đặc biệt trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tăng cường đầu tư cho giáo dục đào tạo bằng nhiều nguồn khác nhau trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước cần tăng lên, đồng thời huy động nhiều hơn, tốt hơn sức dân thông qua đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập...
Đối với năng suất các nhân tố tổng hợp TFP, cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KH&CN và đổi mới sáng tạo để bứt phá về nâng cao năng suất lao động, tăng cường hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao hiệu quả huy động và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho KH&CN, trong đó tiếp tục đảm bảo bố trí đủ nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư từ NSNN cho hoạt động KH&CN. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đầu tư cho KH&CN. Đẩy mạnh việc nghiên cứu các sản phẩm KH&CN gắn với kết quả đầu ra, đáp ứng nhu cầu của xã hội và thu hút được nguồn vốn đầu tư, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ doanh nghiệp, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về KH&CN, đa dạng hoá đối tác, lựa chọn đối tác chiến lược là các quốc gia có nền khoa học, công nghệ tiên tiến; gắn kết chặt chẽ giữa hợp tác quốc tế về KH&CN với hợp tác kinh tế quốc tế...
Đối với vốn, trong ngắn hạn cũng như dài hạn, nguồn vốn đầu tư nói chúng và vốn đầu tư công nói riêng vẫn luôn đóng vai trò là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và tạo ra sức lan tỏa, hỗ trợ hoạt động của các thành phần kinh tế. Thời gian qua, Việt Nam đã bàn hành nhiều chính sách trong công tác quản lý phân bổ vốn đầu tư công thông qua Luật đầu tư công; ban hành các nghị quyết về nguyên tắc, định mức tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công nhằm tập trung nguồn lực thực hiện đột phá chiến lược về phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững; nâng cao hiệu lực hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thời gian tới, bối cảnh mới đòi hỏi nguồn lực đầu tư công phải được quản lý chặt chẽ, phân bổ có trọng tâm, trọng điểm, hợp lý và hiệu quả hơn. Trong đó, cần tập trung vào một số giải pháp: Bám sát định hướng của Đảng trong cơ cấu lại đầu tư công và các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH, quán triệt nguyên tắc đầu tư đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm, chống dàn trải trong đầu tư công, từ đó rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, sớm đưa công trình đi vào sử dụng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống nhân dân. Rà soát, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác phân bổ, giao vốn đầu tư công, triển khai thực hiện dự án, tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tăng tính linh hoạt trong quá trình thực hiện, cho phép điều chỉnh vốn từ các dự án hiệu quả thấp, khó khả thi sang các dự án cần thiết, cấp bách, có ý nghĩa thiết thực trong phát triển KT-XH.
5. Thông tin nghiệm thu và lưu trữ
- Nghiệm thu: Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua (Quyết định số 133/QĐ-CLTC ngày 22/12/2023 của Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KHCN cấp Cơ sở năm 2023).
- Lưu trữ: Đề tài được đóng quyển, lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính./.