"Mạnh dạn" trong trích quỹ đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước

"Mạnh dạn" trong trích quỹ đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước 15/07/2024 08:52:00 431

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

"Mạnh dạn" trong trích quỹ đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước

15/07/2024 08:52:00

(HQ Online) - Theo các doanh nghiệp nhà nước, việc dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nâng mức trích lập lợi nhuận vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: HD

Theo đó, dự thảo Luật đang đề xuất 3 phương án về tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn gồm: tối đa 50%, tối đa 80% và 100% lợi nhuận sau thuế. 3 phương án đề xuất này đều cao hơn so với mức 30% tại tờ trình trước đó của Bộ Tài chính cũng như tại Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Nhưng trên cơ sở các phương án, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ xem xét, quyết định thực hiện theo phương án 2 là trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp.

Cho ý kiến về vấn đề này tại hội thảo về dự thảo Luật do Bộ Tài chính tổ chức vào ngày 12/7, đại diện nhiều doanh nghiệp đồng thuận và đánh giá cao với phương án đề xuất được Bộ Tài chính lựa chọn tại dự thảo luật. Các doanh nghiệp đánh giá việc trích lập, phân phối lợi nhuận ở mức cao sẽ hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất.

Chẳng hạn, đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas) cho hay, Công ty cần mở rộng cơ sở hạ tầng để đáp ứng theo các quy hoạch, dự kiến đến 2035 sẽ cần đầu tư từ 150.000 - 200.000 tỷ đồng, nên nếu giữ ở mức trích lập 30% như trước thì sẽ không thể đủ vốn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho hay, nếu việc trích lập Quỹ ở mức tối đa 80% được thực hiện thì sẽ tháo gỡ khó khăn cho một loạt đơn vị của Tập đoàn đang có nhu cầu vay vốn lớn, bởi nếu ở mức 30% như hiện hành thì sẽ phải tích luỹ rất lâu để đủ vốn đối ứng, gây khó khăn trong vay vốn ngân hàng, từ đó giúp các doanh nghiệp được tạo điều kiện bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước được giao. Tuy nhiên, theo ông Tú, việc sử dụng cần linh hoạt, căn cứ vào kế hoạch và chiến lược hoạt động của từng doanh nghiệp.

Cũng về vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Mậu, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), vấn đề về việc sử dụng quỹ, quyền sử dụng quỹ vẫn còn gây băn khoăn cho các doanh nghiệp, bởi dự thảo có quy định là Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp là vốn nhà nước để tại doanh nghiệp để bù lỗ cho các dự án, chia lương cho người đại diện, thuê kiểm toán độc lập… hoặc là nguồn để Nhà nước thu về trong trường hợp cần thiết…

Làm rõ hơn về ý kiến này của doanh nghiệp, ông Bùi Tuấn Minh, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay, về Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, đây là quỹ để tại doanh nghiệp, không phải của doanh nghiệp. Quỹ này để tại doanh nghiệp nhằm mục đích bù lỗ, xử lý vấn đề tài chính các dự án do yếu tố khách quan, chi lương cho đại diện cơ quan chủ sở hữu cử xuống; chi kiểm toán – chi của cơ quan đại diện chủ sở hữu khi thuê báo cáo kiểm toán, không phải kiểm toán của doanh nghiệp; bổ sung vốn vào doanh nghiệp; điều chuyển giữa các doanh nghiệp trong phạm vi của cơ quan đại diện chủ sở hữu để tập trung được nguồn lực, làm cho tốt hơn các dự án.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13.

Đồng thời hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý nâng cao quyền tự chủ, vai trò và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế.

“Về vấn đề này, các doanh nghiệp cũng đánh giá đề xuất phương án trích lập tối đa 80% của Bộ Tài chính là cái nhìn mạnh dạn, là sự thay đổi rất mạnh mẽ. Việc xây dựng dự thảo Luật rất mong tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức làm công tác quản lý vốn để tiếp tục hoàn thiện”, ông Minh nêu rõ.

Theo Hương Dịu/https://haiquanonline.com.vn/

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%